Blogger Widgets

Friday, June 29, 2012

'Lưỡi bò' và khát vọng bành trướng

 Sau hơn nửa thế kỷ úp mở, ngày 7.5.2009, lần đầu tiên Trung Quốc chính thức hóa đường yêu sách “đường lưỡi bò” (chữ U) khi đòi hỏi tất cả vùng nước và các địa vật nằm trong đường này thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.


Cái đường 9 nét đứt đoạn và không rõ tọa độ ấy vẫn mặc nhiên “liếm” tới gần 80% của hơn 3,9 triệu km2 biển Đông. Yêu sách tham lam và phi lý ấy, hóa ra không dựa trên bất cứ nghiên cứu khoa học nào (chưa nói tới giá trị pháp lý, giá trị khoa học hay lịch sử của nghiên cứu ấy) mà bắt nguồn từ một sáng tác cá nhân. “Đường lưỡi bò” trên biển Đông được Bai Meichu, một viên chức Trung Hoa Dân quốc chính thức vẽ vào tháng 12.1947, sau đó được một NXB tư nhân ấn hành.
Tìm cách lập luận cho nét vẽ này, ngay học giả vốn thiên kiến như GS Peter Kien-Hong Yu của ĐH Ming Chuan cũng phải đặt giả thiết: Chưa rõ liệu Bai có đủ kiến thức về luật hàng hải quốc tế trong thời điểm ông vẽ hay không? Có nhiều khả năng là ông chủ yếu bị thôi thúc bởi bản năng sở hữu sơ khai. Những lý do đầy bản năng và mù mờ. Theo cách lý giải của Peter Kien-Hong Yu, có một điều hiển nhiên rằng, Bai đã không tham chiếu tới bất cứ tài nguyên động thực vật nào trong khu vực đường chữ U.
Khi múa bút, Bai với trí tưởng tượng phong phú nhất của mình, có lẽ cũng không thể ngờ được rằng, ông đã gây ra một mối bất đồng, hơn thế một nguy cơ mất ổn định sâu sắc đến thế cho cả thế giới bởi biển Đông hôm nay là con đường hàng hải nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất thế giới. Để sinh động hóa cho nét vẽ của Bai, sau này Trung Quốc lại dựa vào một khái niệm không được ghi trong Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982: “Vùng nước lịch sử”.
Mới đây, bản thân Lý Lệnh Hoa, một học giả cao niên và uy tín người Trung Quốc cũng đã thẳng thắn thừa nhận tại một cuộc hội thảo: “Đường 9 đoạn trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta vạch ra Đường 9 đoạn không hề có kinh độ hay vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp luật...”.
Mỗi cá nhân có quyền tự do tưởng tượng, tự do mơ ước, tự do phóng bút… song một thực thể nhà nước quốc không thể yêu sách dựa vào trí tưởng tượng  lãng mạn.
Sự thực, Trung Quốc không hề lãng mạn như thế. Mà là cả một mưu đồ nhằm biến biển Đông thành “chiếc ao Trung Hoa” - thuật ngữ của các học giả quốc tế nghiên cứu về biển Đông. Bước đi cụ thể gần đây nhất của mưu đồ ấy, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu quốc tế thăm dò khai thác 9 lô dầu khí trên biển Đông nằm sâu trong phạm vi 200 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dĩ nhiên, vẫn cố tình làm vậy vì dẫu có mù mờ thì “đường lưỡi bò” vẫn bao trùm 9 vị trí này.
Động thái của Trung Quốc nhắm tới việc biến khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp, để cuối cùng họ sẽ đưa ra giải pháp “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” được ông Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tại Tokyo tháng 10.1982. Đây là một phương án được Trung Quốc đưa ra với quan điểm cùng hợp tác khai thác chung khu vực biển Đông. Về mặt hình thức, đề nghị này dường như là hợp lý, thực tế nó làm cho dư luận dễ bị lầm tưởng là phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế và sự hòa bình, hữu nghị của Trung Quốc…

Tường Bách
 Theo Đất Việt

1 comment:

Anonymous said...

tranh luận làm gì.Chẳng qua họ vẽ cho vui thôi mà.Biết gì đâu