Blogger Widgets

Monday, August 6, 2012

Trung Quốc căng thẳng với Mỹ vì biển Đông

Trung Quốc đang tỏ ra hết sức căng thẳng khi Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối hành động đơn phương của Bắc Kinh trên biển Đông như đi ngược các nỗ lực ngoại giao mang tính hợp tác hay nâng cấp quản lý hành chính cái gọi là "Tam Sa", đưa quân đội tới khu vực đang tranh chấp.
Theo hãng tin Reuters hôm 5/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu kiến khẩn cấp Đại biện lâm thời Mỹ tại Trung Quốc ông Robert Wang để bày tỏ "vô cùng bất mãn và phản đối kịch liệt" đối với một thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cuối tuần trước.


Hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng
Trong thông điệp được xem là đầu tiên liên quan tới các căng thẳng trên biển Đông gần đây, ngày 3/8, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Washington tôn trọng luật biển quốc tế, tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở tại khu vực Biển Đông. Mỹ bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở biển Đông gần đây, như vụ đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc, việc Bắc Kinh nâng cấp thành phố Tam Sa, lập đơn vị đồn trú để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên khu vực mà các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền "là nguy cơ khiến căng thẳng gia tăng" và "đi ngược lại các nỗ lực ngoại giao mang tính hợp tác để giải quyết bất đồng.

Hành động nâng cấp Tam Sa gây căng thẳng khu vực. (THX)
Sau tuyên bố của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngay lập tức khẳng định Trung Quốc đã làm việc với các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông và bảo vệ tự do hàng hải và thương mại trong suốt 20 năm qua. Trung Quốc còn cho rằng việc phía Mỹ bày tỏ quan ngại là đi ngược lại thái độ "không can thiệp" đã tuyên bố trước đó trong về vấn đề biển Đông và "không có lợi cho đoàn kết, hợp tác, hòa bình và ổn định trong khu vực". Không chỉ vậy, ông Tần còn tuyên bố Trung Quốc coi trọng "hợp tác hữu nghị" với ASEAN, ủng hộ vai trò chủ lưu của ASEAN trong hợp tác Đông Á, và sẵn sàng cùng các nước ASEAN loại bỏ những căng thẳng.

Tuyên bố này của Trung Quốc dường như đi ngược với những gì mà giới chức nước này công khai trước đó cảnh báo ASEAN rằng, Bắc Kinh sẽ chống lại việc "thổi phồng" tranh chấp ở biển Đông và không muốn đem tranh chấp ra trước diễn đàn an ninh khu vực. Thậm chí, giới chức Trung Quốc còn thẳng thừng nói, Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hay cả Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS-1982) cũng không được sử dụng và không thể giải quyết các tranh chấp về chủ quyền giữa các bên.

Từ Vịnh Mexico tới biển Đông

Trong khi đó, theo báo Wall Street Journal (Mỹ), căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Mỹ còn liên quan đến việc Bắc Kinh đang nỗ lực thâm nhập sâu vào khu vực Bắc Mỹ. Nếu Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) thành công trong việc mua lại tài sản trị giá 15,1 tỷ USD từ Tập đoàn Nexen của Canada thì Bắc Kinh sẽ "đặt chỗ" tại Vịnh Mexico. CNOOC cũng là tập đoàn đang tích cực thực hiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông trong lĩnh vực dầu mỏ khi đưa ra lời chào thầu các lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Theo giới chuyên gia năng lượng, việc mua lại cổ phần Nexen của CNOOC là có ý đồ lâu dài khi Trung Quốc sẽ mất nhiều năm để có thể sở hữu công nghệ khoan dầu nước sâu. Theo hãng tin Reuters hôm 5/8, chính sách của Trung Quốc hiện bao gồm áp lực ngoại giao chia rẽ các nước ASEAN, nâng cấp hành chính thành phố Tam Sa và đưa quân đội ra đồn trú cộng với tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực tranh chấp. Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Bonnie Glaser, Trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSIS) cho rằng, "có nhiều thứ đằng sau các tuyên bố mà Trung Quốc đang đưa ra, ví dụ như đừng suy nghĩ nghiêm túc rằng sẽ có bỏ thầu quốc tế" khi nói đến tuyên bố mời thầu của CNOOC trên khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

CNOOC sẽ khoan dầu ở bất cứ đâu mà không cần đối tác nước ngoài. AP

Đây có thể cũng chính là mục đích mua lại Nexen nhằm sở hữu công nghệ khoan dầu nước sâu khi CNOOC dường như đã sẵn sàng khoan tại các vùng biển tranh chấp trên biển Đông. "Họ đang nghĩ về một thứ đặc biệt, đó là sở hữu khả năng khoan dầu ở bất cứ đâu mà họ muốn mà không cần đối tác nước ngoài", hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia Mikkal Herberg, Chương trình nghiên cứu Năng lượng, Viện nghiên cứu châu Á nhận định.
Theo Báo Đất Việt

TOP HOT LINKS CỦA QUAN LÀM BÁO

No comments: