Blogger Widgets

Sunday, September 22, 2013

Thăm Vatican : Nỗ lực xoa dịu của Việt Nam sau vụ Mỹ Yên ?

QLB 

Giáo dân Hưng Hóa, Sơn Tây tham dự thánh lễ.

Hãng tin Fides hôm 19/09/2013 cho biết, quan hệ giữa Tòa Thánh và Hà Nội có tiến triển tích cực, cho dù có sự căng thẳng tại giáo xứ Mỹ Yên thuộc giáo phận Vinh. Thông tin này được đưa ra sau chuyến viếng thăm Vatican của đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam từ ngày 15 đến 20/09/2013.
Hãng Fides ghi nhận, Vatican và Việt Nam tiếp tục đối thoại trong lúc phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn, sau vụ hai giáo dân ở giáo xứ Mỹ Yên bị bắt và giam giữ từ tháng Sáu mà không có tội danh nào được cáo buộc.

Cơ quan thông tấn Zenit dẫn nguồn từ đài phát thanh Vatican nhận định, cuộc đối thoại diễn ra trong không khí thoải mái và thân mật. Trước đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đặc biệt nói lời chào đón đoàn Việt Nam bằng tiếng Anh, trong buổi lễ tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 18/9.

Thông tấn xã Việt Nam cho biết, đoàn đại biểu gồm bảy thành viên do ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ dẫn đầu, đã gặp gỡ Đức ông Tadeusz Wojda, Phó thư ký Thánh Bộ Truyền giáo ; và Đức ông Antoine Camilleri, Phó thư ký Bộ Ngoại giao Vatican.

Cũng theo hãng tin Việt Nam, Hà Nội cam kết đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và « đấu tranh chống lại các nhân tố gây bất ổn xã hội », bày tỏ hy vọng các tín đồ Công giáo trong nước tích cực tham gia công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Vatican ghi nhận các tiến triển tích cực trong quan hệ song phương, sự hỗ trợ của chính quyền đối với các hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng như các chuyến thăm mục vụ của Đặc phái viên không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là Tổng giám mục Leopoldo Girelli. Hãng thông tấn Fides nói thêm, các chủng viện Công giáo không còn bị chính quyền áp đặt số lượng các chủng sinh mới, và số lượng linh mục tiếp tục tăng.

Tòa Thánh cho rằng đôi bên cần thường xuyên giữ kênh đối thoại thông qua Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam. Về tình hình căng thẳng ở Mỹ Yên, Vatican yêu cầu cần có những cuộc điều tra bổ sung. Bên cạnh đó, với mong muốn đóng góp cho lợi ích của người dân Việt, Giáo hội Công giáo hy vọng được tham gia vào lãnh vực giáo dục qua việc mở các trường học và các cơ sở giảng dạy khác.

EDA, cơ quan thông tin của Phái bộ Truyền giáo Paris nhận định, cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa để có thể biết được động cơ thực sự chuyến viếng thăm Vatican của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên EDA ghi nhận trong bản tin của phía Việt Nam có lên án việc « lợi dụng tự do tín ngưỡng để làm mất ổn định xã hội » : đây là cụm từ được Hà Nội sử dụng để biện minh cho việc lực lượng an ninh đàn áp giáo dân Mỹ Yên thuộc giáo phận Vinh hôm 4/9.

Theo một nhà bình luận, thì chuyến đi này có thể nằm trong nỗ lực xoa dịu dư luận quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam đang là ứng viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Trước đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã gây ngạc nhiên khi đến thăm Vatican vào tháng Giêng và được Đức Giáo hoàng Benedicto thứ 16 tiếp kiến.
Thuỵ My

1 comment:

Anonymous said...

CHỈ CÓ CÁC NHÀ CHÍNH TRI ĐI LẠY TON GIÁO CHỨ KHÔNG CÓ TÔN GIÁO LẠY CÁC NHÀ CHÍNH TRỊ BAO GIỜ .......?