Blogger Widgets

Tuesday, September 10, 2013

Ngư dân tại Hoàng Sa khao khát bám biển nhưng vẫn chịu nhiều thiệt thòi

QLB  - Báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) công bố tại “Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện hỗ trợ ngư dân tham gia hoạt động trên các vùng biển xa” ngày 9/9 tại Đà Nẵng cho thấy lượt ngư dân đánh bắt cá tại Trường Sa tăng mạnh nhưng tại Hoàng Sa lại gặp khó khăn.

Ngư dân Quảng Ngãi vẫn cần mẫn bám biển Hoàng Sa bất chấp khó khăn chồng chất do nguy cơ bị tàu Trung Quốc cướp phá và giá xăng trong nước vẫn tăng lên vòn vọt. Ảnh: Thanh Niên
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho hay, việc ngư dân trên các vùng biển xa tăng mạnh là hiệu quả từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Cụ thể, nếu năm 2010 có 5.623 lượt tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trên vùng biển Trường Sa thì sau một năm đã tăng lên 8.867 lượt và 7 tháng đầu năm 2013 đã có 12.918 lượt, gần bằng số lượt của cả năm 2012.

Tuy nhiên, trái ngược với Trường Sa, ngư dân hoạt động tại Hoàng Sa gặp rất nhiều rủi ro. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi - Phan Huy Hoàng - cho biết ngư dân hoạt động tại ngư trường Quảng Ngãi thường xuyên bị tàu Trung Quốc ngăn cản, cướp bóc. Ông Hoàng đề nghị chính phủ tăng cường hỗ trợ cho những ngư dân, và những tổ đội bám biển Hoàng Sa, tối thiểu phải hỗ trợ thêm 2 chuyến biển trong năm để bù vào chi phí thiệt hại. Còn theo đánh giá của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, cần nghiên cứu để đưa ra chính sách đặc thù cho ngư dân khai thác tại Hoàng Sa, báo Tiền Phong đưa tin.

Hoàng Sa vẫn luôn là ngư trường tiềm năng với vùng biển nước sâu giàu hải sản. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải cần tàu lớn hơn trong khi ngư dân lại không có tài sản thế chấp tương xứng để vay ngân hàng. Ông Trần Đình Du, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình phản ánh tình trạng ngư dân phải đi vay lãi nóng nên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, họ rất cần Trung ương bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền xăng dầu. Hiện nay Quảng Ngãi vẫn còn 5.500 tàu ra khơi, trong đó có 2.300 tàu nhỏ, công suất 90 CV của cư dân nghèo, khao khát bám biển lại không nằm trong diện được hỗ trợ. Nếu chính sách không nhanh nhạy kịp thời, tình trạng ngư dân buông biển sẽ diễn ra, lúc đó, những cột mốc chủ quyền cũng sẽ ngày càng thưa thớt.

Mạnh Kiên
Tổng hợp

No comments: