Blogger Widgets

Monday, September 9, 2013

Cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đề tài "nói mãi"

QLB - Trong tình hình kinh tế hiện nay, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, tính an toàn cao. 

Thời gian qua, một số ngân hàng đã hợp nhất dưới sự giám sát của NHNN, song NHNN có chủ trương khuyến khích các ngân hàng tự nguyện thực hiện tái cấu trúc vốn, tôn trọng sự tự nguyện tiến tới hợp nhất, sáp nhập của các NHTM. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chia sẻ với phóng viên báo chí xung quanh vấn đề này.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.Xin Phó Thống đốc chia sẻ những điểm mới nhất về quá trình sáp nhập giữa các ngân hàng hiện nay?

Có 9 ngân hàng yếu kém đang cần cơ cấu lại theo hướng hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng khác hoặc tự cơ cấu, dù chưa kết thúc các giai đoạn trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng, các phương án mà những ngân hàng này đưa ra đều tích cực và có tính khả thi. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ nhất trí, NHNN đã chấp thuận những phương án trên để các NHTM cổ phần đó triển khai.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng nhìn chung đang diễn ra chậm. Lý do tại sao, thưa ông?

Tôi khẳng định tiến độ tái cơ cấu không chậm như suy nghĩ của nhiều người. Xét về góc độ hành chính, mỗi năm thực hiện một nhiệm vụ. Tiến trình tái cơ cấu cũng vậy, các ngân hàng vẫn đang thực hiện đúng nội dung, đúng lộ trình. Hiện có rất nhiều ngân hàng cần tái cấu trúc vốn nhưng nguồn tiền trong nước có hạn nên các ngân hàng yếu dù muốn nhanh chóng hợp nhất cũng cần phải tìm ra phương án khả thi nhất, chứ không chỉ vì thời gian mà làm ẩu được.

Chúng tôi luôn tôn trọng sự tự nguyện tiến tới hợp nhất, sáp nhập của các NHTM. Điều quan trọng là lựa chọn và phê duyệt một phương án tái cơ cấu tích cực, khả thi, chứ không phải vì thời gian một hai tháng để đánh giá nhanh hay chậm.

Đến nay đã có 8 ngân hàng (1 ngân hàng đang hoàn chỉnh để trình phê duyệt) có quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu, việc thực hiện các phương án rất tích cực. Bước đầu chúng tôi cho thấy rằng, có hiệu quả trong việc lấy lại sự ổn định, giải quyết tích cực vấn đề tài chính, quản trị, bộ máy lãnh đạo trong hệ thống ngân hàng và quan trọng là đã lấy lại niềm tin trong công chúng.


Ngoài ra, chúng ta có phương án hợp lý của từng ngân hàng trên cơ sở minh bạch hóa toàn bộ tình hình tài chính. Với hiệu quả đạt được, tôi cho rằng: Tốc độ tái cơ cấu là nhanh chứ không chậm. Tiến trình tái cơ cấu vẫn được triển khai đồng bộ ở tất cả các ngân hàng, kể cả với những ngân hàng không nằm trong diện yếu kém phải tái cơ cấu bắt buộc, trong đó có cả hình thức mua bán, sáp nhập (M&A).

Muốn M&A, các NHTM phải giải quyết số nợ xấu tốt, nhưng dường như VAMC chưa phát huy được hết vai trò của mình. Ý kiến của ông ra sao về vấn đề này?

Tôi nghe nhiều thắc mắc đại loại như VAMC vốn chỉ có 500 tỷ đồng khối lượng nợ xấu lớn có xử lý được không? Làm sao sử dụng vốn tái cấp vốn từ NHNN?...Vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Quyết định 843 phê duyệt Đề án và Nghị định 53 xác định rõ về chức năng, nhiệm vụ và quy định khá cụ thể nội dung hoạt động của công ty VAMC.

Tôi chỉ xin nói thêm, VAMC là một loại hình công ty có tích chất đặc thù, được cấp vốn điều lệ 500 tỷ đồng đảm bảo quy định tư cách pháp nhân và được phát hành trái phiếu đặc biệt khi mua các khoản nợ xấu của TCTD. Cơ chế, quy trình mua bán được thiết kế đảm bảo thuận lợi cho cả bên mua và bán. VAMC đang khẩn trương bắt tay vào hoạt động. Nếu thiếu vốn, các ngân hàng thương mại được sử dụng trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ xấu cho VAMC để vay tái cấp vốn tại NHNN.

Việc được vay tái cấp vốn theo tỷ lệ bao nhiêu trên mệnh giá trái phiếu, lãi suất và thời hạn như thế nào đều nằm trong kế hoạch kiểm soát lượng tiền cung ứng của NHNN một cách chặt chẽ, rõ ràng phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của điều hành chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn.

Xin cảm ơn ông!

PVTH

No comments: