Blogger Widgets

Wednesday, April 3, 2013

Kinh tế buồn, càng sôi... tranh cãi

QLB  “Cũng như trong nhà, lúc bĩ cực, cũng là lúc dễ khiến người ta nổi nóng với nhau”...  Nền kinh tế quý 1 năm nay buồn hơn cả quý 1 năm ngoái, khi cả sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ những năm trước. Nền kinh tế chưa rõ dấu hiệu phục hồi, trong khi đó, các cuộc tranh cãi nổ ra dường như là bất tận và đụng đâu cũng thấy nảy sinh sự bất đồng trong dư luận, từ các giải pháp cứu thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, đến việc điều hành giá...
Cuộc tranh cãi ly kỳ nhất phải kể đến có lẽ là nên hay không cứu thị trường bất động sản. Cuối tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng dẫn đoàn công tác của Chính phủ, đến trực tiếp làm việc với Tp.HCM và Hà Nội để bàn chi tiết kế hoạch gỡ khó tồn kho cho thị trường này, một nghị quyết riêng của Chính phủ, khi đó cũng đã được tính đến.


Một không khí sôi nổi bao trùm lên không chỉ thị trường bất động sản mà cả nền kinh tế, khi chứng kiến các cuộc làm việc khẩn trương đó và tinh thần kịp thời ra một nghị quyết riêng ngay từ tháng 1, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu của Chính phủ.

Tình hình có vẻ diễn tiến khá xuôi chiều mát mái. Tuy nhiên, không được bao lâu sau, trong khi gói giải pháp của nghị quyết mới trong quá trình “làm quen” với thực tế, thì các cuộc tranh cãi trong dư luận bắt đầu trào sôi, ngày một ly kỳ hơn và liên tục thiết lập những “đỉnh” mới.

Mở màn cho các cuộc tranh cãi về vấn đề này, là vào ngày 24/1, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một loạt các câu hỏi cũng như bình luận “rát mặt” của các đại biểu Quốc hội đã được tới tấp đưa ra.

Chẳng hạn, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng trần tình: “Chúng tôi mong muốn có các giải pháp mạnh hơn nữa nhưng điều kiện kinh tế của chúng ta không cho phép. Không như các nước có nhiều tiền, họ giải quyết dễ dàng”. Thì Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Lê Nam bình luận: “Thiếu tiềm lực để giải quyết, mà vẫn cứ cố giải quyết như vậy, có lẽ chỉ kéo dài thêm những nhức nhối ở thị trường bất động sản. Thôi thà cứ để thị trường tự điều tiết thì có lợi cho dân hơn”.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch tiếp lời: “Càng can thiệp, e sẽ càng rắc rối”.

Bổ sung thêm, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương: “Chúng ta không thể cứ theo cách một người giãi ra, người khác lại phải đi giải quyết hậu quả”...

Sau cuộc mở màn này, là những ngày tháng liên miên tranh cãi... Thậm chí, có lúc, trở nên kịch tính đến mức chỉ một sáng kiến “đánh thuế tiền gửi tiết kiệm” của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cũng khiến gần như cả dư luận xã hội tràn đầy phẫn nộ.

Gần đây nhất, là cuộc “chất vấn” của Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội với TS. Alan Phan - một Việt kiều tại Mỹ, khi ông Phan cho rằng hãy để cho bất động sản rơi tự do. Điều này sẽ làm giá nhà giảm thêm 30-50% để “bắt kịp” thu nhập của người dân và sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu có đủ điều kiện mua nhà. Người dân sẽ có thêm niềm tin và đây chính là một cú hích tạo ra sự kích cầu lớn. Nếu cứu, Chính phủ cũng như nền kinh tế Việt Nam sẽ phải trả cái giá đắt.

Với xử lý nợ xấu, trong đó có việc công ty mua bán nợ xấu sẽ ra đời và hoạt động thế nào, thì không chỉ gây tranh cãi trong dư luận, mà ngay trong Chính phủ có lẽ cũng là như vậy, khi tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ cuối tuần rồi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có tiết lộ “nhiều nội dung cụ thể của đề án (đề án công ty quản lý tài sản - hay còn được gọi nôm na là công ty mua bán nợ xấu - PV) chưa tạo được lòng tin trong các thành viên Chính phủ”.

Rồi ngay cả “tin vui” nợ xấu đã giảm từ 8,8% của tháng 9/2012 xuống còn 6% cuối tháng 2/2013, mặc dù được chính thức đưa ra từ các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ, nhưng cũng dấy lên làn sóng tranh cãi không ngừng về sự “thần kỳ” này.

Nhiều chuyên gia kinh tế khen đó là một bước tiến rất lớn trong ngành tài chính, ngân hàng, nhưng đồng thời cũng không ngần ngại đặt dấu hỏi lớn, liệu con số này chính xác đến đâu và thực chất của vấn đề nợ xấu như thế nào?

“Tất cả các cuộc tranh cãi đều có lý do”, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nói. “Cũng như trong nhà, lúc bĩ cực, cũng là lúc dễ khiến người ta nổi nóng với nhau, nhất là khi nhìn đâu cũng thấy bế tắc. Nếu thực sự các giải pháp là khả thi giúp nền kinh tế đi lên, thì dư luận đã có niềm tin để yên tâm chờ đợi, hơn là phải lớn tiếng tiếng lại lời qua như vậy”.

Còn Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Trần Hoàng Ngân, nhiều lần khuyến cáo rằng giải pháp của mọi giải pháp đối với nền kinh tế lúc này, là Chính phủ phải khôi phục được niềm tin.

Theo ông Ngân, với câu chuyện khôi phục niềm tin, Chính phủ phải thể hiện quyết tâm cao nhất giữa lời nói và hành động. Chính sách phải ổn định và nhất quán, điều hành và thông tin của các thành viên Chính phủ đối với thị trường là đồng bộ, đồng thuận và cùng mục tiêu chung. “Nhưng điều này, vốn đã luôn là điểm yếu trong điều hành của Chính phủ”, ông Ngân lo ngại.

Nền kinh tế quý 1 năm nay buồn hơn cả quý 1 năm ngoái, mặc dù đạt được mức tăng trưởng GDP 4,89%, cao hơn con số 4,75% của quý 1 năm 2012, nhưng cả sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ những năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm qua, còn sản xuất nông nghiệp vốn luôn được coi là điểm sáng, niềm tự hào, chỗ dựa của nền kinh tế, cũng đã bắt đầu đi xuống...
VNEco 
  

2 comments:

Ls. Phạm Việt said...

Mọi việc phải làm theo pháp luật!

ngochuyen vu said...

Hiện nay chính quyền các địa phương và trung ương đang sống gấp và tranh thủ làm giàu bằng cách khai thác thận thu tận diệt các nguồn tài nguyên khoáng sản...Bán dần từng khoảnh đất Nông nghiệp mầu mỡ cho các liên doanh nước ngoài với giá rẻ mạt núp dưới danh nghĩa : Khu kinh tế...Khu công nghiệp...Khu đô thị mới...và chiêu bài phát triển kinh tế xã hội. Bằng hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng...Thực chất của vấn đề này đã tạo ra khe hở để quan chức lách luật tham nhũng đất đai và tiền công quỹ. Với hình thức đầu tư vào bất động sản. để rút tiền Ngân hàng và tiền vốn của cơ quan chia nhau rồi đổ cho đất phải ghánh chịu . Vì vậy mà giá nhà đất tăng chóng mặt làm cho bong bóng bất đông sản mỗi ngày to thêm....Nhiều quan chức giàu to phất nhanh nhờ đất. Với chính sách ngu xuẩn như nói ở trên chế độ này đã tiêu diệt và chôn sống hàng triệu hecta đất nông nghiệp tốt tươi phải hàng nghìn năm bồi trúc, cải tạo thuần hóa mới có...Làm cho đất nước ngày càng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Cuộc sống nhân dân ngày càng khó khăn, đồ ăn , thức uống, rau quả, thực phẩm lương thực ngày càng trở nên đắt đỏ khan hiếm.... hàng triệu lao động là Nông dân điêu đứng không có đất sản xuất, đời sống cực kỳ khó khăn phải tha phương cầu thực dưới hình thức xuất khẩu Lao động. mà thực chất là đi làm thuê cho nước ngoài với công việc vặt vãnh, bế em trông nhà chăm sóc người già, người điên, đi trăn bò chăn lơn, làm ruộng nuôi cá v v...
Vậy nên có thơ:

ĂN CẢ TƯƠNG LAI

Ai ơi bưng bát cơm đầy!
Ăn rồi có nhớ những ngày cháo khoai?
Bây giờ ăn cả tương lai!
Nghĩ xem con cháu ngày mai ăn gì.?
Tài nguyên, ruộng đất bán đi!
Hỏi rằng con cháu làm gì sinh nhai ?
Vay mượn thế chấp gia tài!
Còn bao cuộc sống lâu dài ...về đâu ???

GIÓ LÀO
http://vungochuyen.blogtiengviet.net/2012/09/24/than_nha_char_n_lar_c#comments