Tuesday, November 6, 2012
“Đuổi Chính phủ”
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đơn giản hơn nhiều, có khi chỉ là việc trả lại cái quyền “đuổi Chính phủ” cho nhân dân.
Trước nghị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu về cái “thước đo cán bộ”: “Ai cũng đạo đức tốt, học hành, bằng cấp đầy đủ cả. Ngoài thước đo năng lực, phẩm chất, còn cần xét hiệu quả công việc. Có người đạo đức tốt nhưng hiệu quả công việc lại không tốt nếu chỉ cứ “tròn vo” để không phải đụng chạm, mất lòng ai, không có gì thay đổi và không có sản phẩm đầu ra. Đánh giá cán bộ là khâu khó nhất và điều quan trọng nhất là phải đánh giá trên kết quả, sản phẩm đầu ra”.
“Sản phẩm đầu ra” đó, đã được ĐBQH Chu Sơn Hà nêu ví dụ: Bộ Y tế buông lỏng quản lý nhà nước về dược liệu, khi quá trình kiểm tra 400 mẫu dược liệu có loại thuốc bốc nhầm, có loại trộn cả xi măng, có loại ngâm tẩm hóa chất độc hại gây ung thư, có cả các loại hóa chất không rõ nguồn gốc.
Dường như “nói không đi đôi với làm” là loại bệnh nan y của nền hành chính. Chưa kể tới căn bệnh trọng đã di căn “cấp trên nói cấp dưới không nghe” mà ví dụ điển hình là câu chuyện “Phó thủ tướng cũng bó tay” được nói ra trước Quốc hội. Có thể gọi đó gì nếu không phải là một “nền hành chính họ nhà tôm”!
Nhưng “đầu ra” của nền hành chính không chỉ là hiệu quả của sự “tròn vo”. Mà còn là những “tệ nạn”. Đó là nạn tham ô, tham nhũng. Nạn chạy chức chạy quyền. Thái độ quan liêu, hách dịch cửa quyền, nịnh trên nạt dưới. Nếu lấy mốc là bản Hiến pháp 1946, khi lần đầu tiên khái niệm “tổ chức bộ máy nhà nước” xuất hiện ở Việt Nam, thì chưa khi nào nền hành chính với chiều dài hơn 60 năm lại nhiều vấn đề như hiện nay. Nó thể hiện bằng mấy chữ “bộ phận không nhỏ”, kèm theo vô số những tính từ, mà NQ TƯ 4 đã xác định.
60 năm trước, ông Cụ đã khẳng định hoạt động của nền hành chính nhà nước trước hết phải phục vụ cho “độc lập – tự do – hạnh phúc”. Đó cũng là tiêu ngữ gắn dưới định danh nhà nước cho mọi văn bản hành chính. Và chính vì thế, ông Cụ xác định: Chính phủ dân chủ cộng hòa là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ…Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
Cái quyền “đuổi Chính phủ” mà ông Cụ nói, thực ra chính là quyền được bầu, và kiểm tra, xem xét những gì mà các đày tớ nhân dân đã và đang làm có phải là phục vụ dân hay không, có tốt không, có đúng không.
“Phật giáo giải thích sầu não, đau khổ bằng 5 lý do, bằng tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Còn Khổng tử dạy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tôi tin rằng, nếu như hấp thụ được những tinh hoa đó để giáo dục nhân cách con người thì một người có nhân nghĩa không đi trộm cắp, một người có liêm sỉ không bao giờ mua bằng, mua chức, mua cấp để leo cao, chui sâu”. Nếu không chú thích, nhiều người sẽ không tin đây là phát biểu nghị trường của một ĐBQH. Ông Lê Thanh Vân sau đó còn đề xuất: Nên đầu tư nghiên cứu những giá trị nêu trên để đưa vào dạy cho trẻ em ngay từ cấp học đầu tiên. Ở TP HCM, máy “chấm điểm” cán bộ đã được “phủ sóng” khắp 10 phường của Quận 1. Ở Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho biết sẽ phát phiếu điều tra xã hội học về thái độ của cán bộ trong việc tiếp dân tại 5 sở “nhạy cảm”. Rồi “học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Rồi “Xây dựng văn hóa từ chức”. Và ở tầm vĩ mô hơn, vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh quan trọng nhất của đất nước đang được đưa ra bàn thảo trước Quốc hội. Trong chỉ một tuần, vô khối những biện pháp nhằm chấn chỉnh bộ máy nhà nước từ vi mô tới vĩ mô đã được đưa ra.
Tất cả những điều đó đều là cần thiết cho một mục tiêu chung: Xây dựng nhà nước của dân, do dân, và vì dân. Nhưng sẽ là vô nghĩa nếu việc “chấm điểm” chỉ là cái cớ cho việc chạy chọt. Sẽ làm nản lòng dân nếu như “điều tra xã hội học” chỉ để điều tra. Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đơn giản hơn nhiều, có khi chỉ là việc trả lại cái quyền “đuổi Chính phủ” cho nhân dân nếu những quan chức trong chính quyền không những không phục vụ, mà còn áp bức nhân dân, lừa dối nhân dân. Thậm chí vừa áp bức, vừa lừa dối.
Daotuan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment