Tại sao “Cách mạng Mùa thu” biến thành chế độ toàn trị coi dân như nô lệ?
Sau 69 năm cướp chính quyền: Đặt lại vấn đề ĐCS còn tư cách cầm quyền hay không?
Thời con người còn ăn lông ở lỗ, trong những cuộc tranh giành phẩm vật thường kẻ nào có sức mạnh sẽ thắng, có thể giết chết đối thủ và chiếm toàn bộ chiến lợi phẩm. Đây là thời kì con người sống theo “luật rừng xanh“, theo kiểu “ chúa tể sơn lâm“, cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh giết kẻ yếu!
Tới thời phong kiến sự thay đổi quyền lực trong xã hội cũng dựa trên bạo lực, kẻ nổi loạn thường nêu cao chính nghĩa trừ vua bạo ngược, khi đánh thắng được vua chúa đương thời thì tự mình xưng làm vua chúa mới. Người chiến thắng tự coi các tài sản thiên nhiên và sinh mạng của người dân trong nước là tài sản riêng của giòng họ mình, không những thế còn tự giành quyền cha truyền con nối hết đời nọ đến đời kia. Khi người chiến thắng trở thành vua, lập quân đội riêng chỉ biết trung thành với mình, định ra các luật lệ để bảo vệ ngai vàng, sẵn sàng dùng các lực lượng quân sự đàn áp những cuộc chống đối của nhân dân, coi dân như sở hữu riêng, thậm chí như cỏ dại!
Sau nhiều thế kỉ cầm quyền nhiều chế độ phong kiến từ Đông sang Tây đã xây dựng các ngai vàng trên dối trá, bạo ngược và tội ác. Nhân loại đã chứng kiến và cũng là nạn nhân của sự tham lam quyền lực và tha hóa đạo đức của các vua chúa và bọn quí tộc. Các nhà khoa học xã hội đã rút ra được bài học lịch sử: Quyền lực, tiền bạc, danh vọng có sức quyến rũ rất lớn và dễ đưa con người tới sa ngã. Nếu không có sức cản lại thì nó như ngựa không cương, xe không thắng rất nguy hiểm. Các nhà khoa học còn nhận thấy, nơi nào quyền lực càng lớn thì chính nơi đó dễ dẫn tới sự lạm dụng quyền lực càng cao, càng thô bạo.
Ở nhiều nước trên thế giới người dân đã nhận rõ được là, nhiều bạo chúa thường quên đi những lời hứa ban đầu và tự dựng lên các thuyết phản khoa học để biện minh cho những hành động tàn nhẫn và các tội ác của họ để tiếp tục giữ quyền lực, trở thành bạo chúa cực kì tàn bạo và vô đạo đức, chỉ lo đàn áp và bòn rút tài sản của đất nước và nhân dân, coi sinh mạng của dân như thú vật. Vì vậy đã nổ ra những cuộc Cách mạng Dân quyền và Nhân quyền 1789 ở Pháp và 1776 ở Mĩ đòi các quyền tự do nguyên thủy của con người là tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do đi lại…Đồng thời để ngăn cản sự lạm dụng quyền lực của giới cầm quyền, các cuộc cách mạng này còn thiết lập một hệ thống cơ chế tổ chức xã hội mới với ba cơ cấu quyền lực căn bản trong một quốc gia là lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở độc lập và bình đẳng. Để thực hiện các quyền này các cuộc cách mạng trên còn thừa nhận là, người dân có các quyền tự do hội họp, tự do bầu cử, ứng cử; đồng thời còn xác nhận quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật. Từ đó chấm dứt chế độ vua chúa độc tôn, cha truyền con nối và thực hiện chế độ Dân chủ Cộng hòa, trong đó người dân làm chủ vận mệnh của đất nước và quyền lực được hạn định rõ ràng cả thời gian lẫn mức độ!
Các cuộc Cách mạng Dân quyền và Nhân quyền chấm dứt chế độ nhân trị -luật lệ được giải thích tùy tiện theo ý riêng của kẻ nắm quyền- và thay bằng chế độ pháp trị. Tức là chấm dứt quyền sinh sát nhân dân tùy lòng tốt, tùy sự vui buồn, hỉ nộ của kẻ có quyền lực và thay bằng cơ chế luật pháp từ giai đoạn soạn thảo, tới ban bố và thi hành phải do những cơ quan và nhân sự độc lập, có khả năng chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp đảm trách.
Trải qua hơn hai thế kỉ các xã hội Pháp, Mĩ, Bắc Âu và Tây Âu đã không ngừng hoàn thiện chế độ Dân chủ đa nguyên và cơ chế kinh tế thị trường tiến bộ theo hướng mở rộng các quyền tự do dân chủ, thượng tôn pháp luật….Nhờ vậy nhân dân các nước này thực sự đang được hưởng các quyền dân chủ tự do căn bản, đồng thời sống trong phồn vinh. Các quốc gia này đang trở thành gương sáng về chế độ Dân chủ đa nguyên và Kinh tế thị trường trên hoàn cầu. Nhiều nước Á châu, Úc và Nam Mĩ cũng đã tự tin và sáng tạo thực hiện chế độ Dân chủ đa nguyên và Kinh tế thị trường đang trở thành các nước dân chủ có nền công nghiệp tiên tiến…Như thế Dân chủ đa nguyên và Kinh tế thị trường tiến bộ không còn là đặc thù của một xã hội nào, trái lại trở thành tài sản trí tuệ và sáng tạo chung của nhân loại.
Từ khi loài người kết hợp thành những xã hội và quốc gia, nhiều học thuyết chính trị và kinh tế đã được khai sinh và đã được thử thách từ thời Thượng cổ với luật rừng xanh, thời Trung cổ với chế độ phong kiến, tới các chế độ độc tài cá nhân, quân phiệt và đảng trị như các đảng Cộng sản và chế độ Dân chủ Đa nguyên. Nhưng đa số nhà khoa học xã hội đã nhận định, chế độ Dân chủ đa nguyên là chế độ gần với con người văn minh nhất. Tuy nó chưa phải là chế độ tuyệt hảo, nhưng nhờ có những cơ chế tổ chức quyền lực được phân chia độc lập và bình đẳng giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nên những lạm dụng quyền lực đã bị giới hạn triệt để. Không những thế, trong Dân chủ đa nguyên các quyền tự do dân chủ căn bản về dân quyền và nhân quyền của người dân được tôn trọng thực sự. Trong Dân chủ đa nguyên các chính đảng –ngay cả đảng cầm quyền và từ tổng thống tới thủ tướng- không có quyền đứng trên tất cả, nó bị theo dõi và kiểm soát nghiêm ngặt và thường quyên qua nhiều hệ thống công quyền và dân quyền. Tóm lại, Dân chủ đa nguyên rất phù hợp với xã hội loài người, biết triển khai và phát triển mặt mạnh của con người, đồng thời biết những phương pháp thích hợp và hữu hiệu để ngăn chặn những tệ trạng của quyền lực…Vì thế nơi nào các định chế Dân chủ đa nguyên được thực thi triệt để thì nơi đó người dân có nhân phẩm cao, đất nước văn minh!
***
Vào tiền bán Thế kỉ 20 cả dân tộc VN đang sôi sục đánh đuổi thực dân Pháp đang đè đầu sĩ phu, bóc lột nhân dân và bòn rút tài nguyên VN. Mục tiêu chung của nhân dân ta khi ấy là giành độc lập và xây dựng một xã hội Dân chủ Cộng hòa theo chiều hướng chung của nhiều xã hội văn minh. Nhiều tổ chức chính trị đã tham gia, trong đó có nhóm những người CS do Hồ Chí Minh cầm đầu và được sự đỡ đầu của Đệ tam Quốc tế Cộng sản dưới sự lãnh đạo của CS Liên xô đứng đầu là
. Nhờ biết tổ chức và có sách lược phù hợp, những người CSVN đầu tiên đã tránh không đả động tới chủ nghĩa CS mà chỉ tuyên bố cùng với toàn dân và các lực lượng dân tộc đoàn kết đánh đuổi thực dân giành độc lập, tự do và thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa. Đây là ý nguyện của toàn dân, được nhiều giới tin theo, nên nhóm ông Hồ đã thành công trong cuộc “Cách mạng mùa Thu“ cách đây đúng 69 năm. Chính ngay trong đoạn mở đầu “Tuyên ngôn độc lập“ ngày 2.9.1945 Hồ Chí Minh đã xác nhận mục tiêu cuộc Cách mạng mùa Thu với nội dung như Cách mạng Dân quyền và Ngân quyền ở Mĩ và Pháp gần hai thế kỉ trước. Ông Hồ đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mĩ:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.“[1]
Và ông cũng đề cao Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi!“[2] Chính ông Hồ đã đồng ý và còn nhấn mạnh thêm, đó là những chân lí: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được!“[3]
Như vậy không ai có thể nói khác là, vào thời điểm đó Hồ Chí Minh đã thừa nhận mục tiêu Cách mạng mùa Thu của VN cũng giống như mục tiêu Cách mạng Dân chủ, Dân quyền và Nhân quyền của Pháp và Mĩ. Cho nên khi thành lập chính phủ đầu tiên, ông Hồ đã dùng tên chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhưng từ sau hai chiến thắng chống thực dân Pháp và chống Mĩ (riêng cuộc chiến chống Hoa kì phải nghiêm túc đặt lại: Đây là cuộc nội chiến Bắc-Nam và chiến tranh ý thức hệ, chứ không phải “chiến tranh giải phóng“) những người chiến thắng (ĐCS) đã nghĩ rằng, đây là công lao và thành công của riêng mình. Cho nên sau khi tiếp thu miền Bắc (1954) và thống nhất đất nước (1975) các chiến lợi phẩm nắm được coi như sở hữu riêng của họ: Chính quyền là độc quyền của ĐCS, quân đội và công an cũng là phương tiện độc quyền của họ, ruộng đất và tài nguyên của đất nước cũng đặt dưới quyền quản trị độc quyền của đảng (với tên mới “sở hữu của nhà nước“, nhưng nhà nước là của riêng đảng.)
Như thế không ai có thể phủ nhận được là, đây chính là quan điểm của thời phong kiến, người nổi dậy đánh thắng một triều đình rồi lên ngôi vua nắm quyền và tự ý coi mọi thứ trong xã hội là tài sản riêng của mình. Quyền lực phát ra từ nòng súng! Một câu nói từ cửa miệng Mao Trạch Đông, người sáng lập chế độ toàn trị tàn bạo ở Trung quốc, đồng thời cũng là người đỡ đầu cho chế độ toàn trị ở VN, chính nó mở ra những cơ hội cho Bắc kinh can thiệp thô bạo vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ VN suốt mấy thập kỉ qua, với các đỉnh cao là Hội nghị bí mật Thành đô (1990) và giàn khoan HD 981 (2014) .
Tư duy và tâm lí về quyền lực đi ra từ sức mạnh của bạo lực bắt nguồn từ thời kì còn sơ khai của con người trong thời ăn lông ở lỗ; giữa một số người tranh giành nhau một lợi phẩm, kẻ nào giành được nó trở thành tài sản riêng. Một số người tranh giành một mảnh đất, ai đánh bại được những người khác thì sẽ giành được mảnh đất và coi đó là tài sản riêng, tự do sử dụng bao nhiêu lâu cũng được từ cha con cháu chắt…! Đây là quan điểm và tâm lí theo “luật rừng xanh“, “chúa tể sơn lâm“, kẻ mạnh ăn hiếp người yếu như đã trình bày ở trên. Nó đã được triển khai trên một qui mô rộng lớn hơn và tàn bạo hơn dưới thời phong kiến
Nhưng trong thời đại tiến bộ hiện nay thì quan điểm và tâm lí này của những người cầm quyền chế độ toàn trị ở VN chứa đựng những sai lầm căn bản so với tiến trình phát triển chung của nhân loại: 1. Sai lầm vì nhầm lẫn giữa việc của một cá nhân với việc chung của toàn dân tộc. Đất nước không phải là tải sản riêng, nhân dân không phải là tôi tớ hay nô lệ của người chiến thắng. 2. Sai lầm về thời đại: Kéo dài quan điểm bạo lực đẻ ra quyền lực của con người thời còn ăn lông ở lỗ và thời phong biến vào thời đại mới của thế giới văn minh và khoa học. Trong thời đại văn minh và khoa học hiện nay, chính quyền (nhà nước) không phải là sở hữu riêng của một cá nhân hay một chính đảng, nó thuộc sở hữu chung của toàn dân. 3. Họ quên và bội ước với nhân dân nên đã chống lại những lời thề trước Ba đình của người sáng lập đảng trong Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, như đã trình bầy ở phần trên.
Suốt 69 năm qua những người CS tự nhận là chống phong kiến, nhưng chính họ lại khai triển với mức độ tinh vi và bạo ngược hơn về cách cầm quyền độc đoán của chế độ phong kiến của các vua chúa, coi nhân dân như nô lệ, đất nước thuộc tài sản riêng của đảng độc quyền. Thời con người còn ăn lông ở lỗ, kẻ có sức mạnh hơn người đã dùng sức mạnh của mình để đè nén người khác. Thời phong kiến kẻ thắng được làm vua. Thời XHCN cũng bắt chước thời phong kiến, coi nhà nước là của riêng của đảng (vua tập thể), quân đội, công an là phương tiện độc quyền, tự do sinh sát dân. Đảng dùng bộ máy công an mật vụ đàn áp người khác chính kiến, dùng cai văn nghệ -người canh gác tư tưởng- để bịt miệng dân và bẻ cong ngòi bút của người cầm bút. Như vậy, những người lãnh đạo XHCN đã học mót cách cai trị bạo ngược của thời kì Trung cổ man rợ. Vì thế họ không phải những nhà lãnh đạo văn minh mà là những người cầm đầu một đảng ác ôn phản động, hống hách lợi dụng quyền lực theo tiêu chí: Quyền lực phát ra từ nòng súng !
***
Dưới chế độ toàn trị công an thả cửa mớm cung, bắt nạn nhân phải nhận tội và người đứng đầu chế độ toàn trị tự do mớm lời và bịa đặt bảo đó là nhân dân muốn như vậy, biến trắng thành đen, giả thành thực. Để biện minh cho việc cầm quyền độc đoán và vô hạn từ suốt 69 năm qua, những người cầm đầu chế độ toàn trị từ thế hệ này sang thế hệ sang đã không ngừng dùng lí luận độc đoán của kẻ chiến thắng bằng bạo lực ép mọi người phải theo, bất chấp những sự thực khách quan đã diễn ra trên thế giới. Vì có bạo lực trong tay nên những người cầm đầu chế độ toàn trị đã tự do mớm lời và quyết định thay cho nhân dân. Chính Nguyễn Phú Trọng đã tự dựng đứng lên với tuyên bố “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta“![4] và “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.” [5]
Cũng vẫn giọng điệu của kẻ cầm súng trong tay, ông Trọng còn nói cao ngạo và bất chấp sự thực: “Từ thực tế thì thấy là chúng tôi thực hiện một đảng vẫn là hiệu quả nhất “ và còn hống hách tước quyền tự quyết của nhân dân VN: “Chúng tôi nói là ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng“.[6] Những người tiền nhiệm của ông Trọng cũng nói theo kẻ cầm dao trong tay. Ngay trong trong Báo cáo chính trị của Đại hội 7 (1991) dưới thời Đỗ Mười – một người cực kì bảo thủ và đã từng gây ra nhiều sai lầm nghiêm trọng – cũng đã khẳng định rất độc đoán:
“Trong điều kiện nước ta hiện nay không có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động, phục thù trong nước và từ nước ngoài trở về hoạt động chống tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ.”[7]
Nhưng về những lời tuyên bố chống lại Dân chủ đa nguyên như vậy, Đỗ Mười và Nguyễn Phú Trọng phải trả lời thẳng thắn trước nhân dân: Họ đang chống lại những lời thề của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lâp 2.9.1945 với các nội dung rất rõ như đã trình bày phần đầu? Hay họ đang thừa nhận là, người sáng lập chế độ đã đánh lừa nhân dân? Và như thế, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 của Hồ Chí Minh chỉ là treo đầu dê bán thịt chó?
Tuy Nguyễn Phú Trọng vừa vẽ ra một bức tranh thiên đàng cực lạc của xã hội XHCN ở VN như vừa trình bày ở trên, nhưng hình ảnh thực sự của xã hội ấy sau 69 thực hiện như thế nào? Cũng chính Nguyễn Phú Trọng phải xác nhận chế độ độc đảng đang gây nên những bất công khủng khiếp, không chỉ đối với nhân dân mà cả trong đảng:
“Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ;… đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế tác động vào Đảng. Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu – nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức L.Foiơ Băc đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”[8]
Ông Trọng cũng phải nhìn nhận, nay nhân dân rất oán ghét chế độ toàn trị XHCN:
“Đứng trên tổng thể mà xét, hiện nay cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng.“ [9]
Cũng vào dịp kỉ niệm 69 năm đi theo con đường XHCN Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải mỉa mai dùng lời đàm tiếu của người dân về sự suy thoái đạo đức trong chính sách cơ cấu cán bộ của chế độ toàn trị là “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ…”[10]
***
Mặc dầu thừa nhận bất công với nhân dân, tha hóa đạo đức của những kẻ có quyền trong cơ chế XHCN, tức là công nhận kết quả hoàn toàn trái với mục tiêu sau 69 năm cai trị, nhưng nhóm cầm đầu chế độ toàn trị lại vẫn ép buộc nhân dân phải tiếp tục tuân theo. Mâu thuẫn đa chiều giữa lời nói và hành động của nhóm cầm đầu toàn trị càng thấy thêm rất rõ trong phong trào tuyên truyền với khẩu hiệu “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”đang phát động rầm rộ trong dịp 69 năm cướp chính quyền. Trong việc này họ làm như rất kính trọng ông Hồ, nhưng thực ra chỉ là mục tiêu chính trị nhằm phục vụ ý đồ riêng của họ. Họ muốn dùng hình ảnh ông Hồ để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lực cho cá nhân và phe nhóm. Vì nếu kính trọng ông Hồ thực sự thì họ phải thực hiện trung thực những lời thề của ông với nhân dân được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập là thực hiện đầy đủ và toàn vẹn Dân quyền và Nhân quyền như trong Tuyên bố của Cách Pháp 1789 và Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ 1776 – như đã trình bày ở trên- , đồng thời họ cũng phải tôn trọng và thực hiện những ước nguyện cuối cùng liên quan tới cá nhân của người sáng sập đảng đã ghi trong Bản di chúc.
Hai việc liên quan trực tiếp tới cá nhân Hồ Chí Minh ông đã viết rõ trong Bản Di chúc là: 1. Ông mong được hỏa táng. 2. Khi đất nước thống nhất những người có trách nhiệm trong đảng phải thực hiện một phong trào chỉnh đốn đảng nghiêm túc và toàn diện để trong sạch hóa và phục vụ nhân dân. Cho tới nay sau 45 năm cả hai ước mơ cá nhân của Hồ Chí Minh đã hoàn toàn không được những người có trách nhiệm trong đảng qua nhiều thế hệ không thèm đếm xỉa tới, thế thì nay làm sao lại nói là “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”?
Về hai điểm liên quan tới ước nguyện cá nhân ông Hồ, Bộ chính trị thời Nguyễn Văn Linh đã giải thích:
“Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa tang là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới viếng Bác..” [11]
Nhưng rõ ràng đây chỉ là cách mớm lời để phục vụ mục tiêu chính trị riêng cho Đảng của Bộ chính trị khi ấy, chứ tuyệt nhiên không phải ý muốn của Hồ Chí Minh. Tiếp theo bản Thông báo này còn nói thêm “Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn”.[12] Khi ấy ông Hồ đã mất, cho nên đây không phải Bộ chính trị “xin phép” mà chính Bộ chính trị đã tự ý tẩy xóa Bản Di chúc của ông sao có lợi nhất cho Đảng mà thôi! Không những vậy, 45 năm sau các Bộ chính trị sau vẫn từ chối lời ước muốn cá nhân của người sáng lập chế độ. Họ yêu và kính Hồ Chí Minh như vậy sao? Đã thế Bộ chính trị hiện nay vẫn mở miệng dối trá với chính mình và hô hoán đánh lừa nhân dân “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”!
Còn về điểm trong Di chúc Hồ Chí Minh yêu cầu chỉnh đốn Đảng sau khi thắng Mĩ, như “chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân….”[13] Họ cũng đã tìm cách lấp liếm, tự ý hủy bỏ và giải thích rất tùy tiện: “Việc chưa công bố một số đoạn Bác viết thêm năm 1968 về những việc cần làm sau khi cuộc chống Mĩ, cứu nước giành được thắng lợi hoàn toàn, đó là vì năm 1969 khi Bác qua đời, cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước còn đang gay go ác liệt, chúng ta chưa giành được thắng lợi cuối cùng,. Nên việc công bố những đoạn nói trên lúc ấy là chưa thích hợp.”[14]
Nhưng từ sau chiến thắng1975 vẫn chưa có lần nào các Bộ chính trị sau này đã “chỉnh đốn lại Đảng” triệt để và toàn diện theo lời khuyên của ông Hồ.
Điều chính họ muốn nhắm tới trong phong trào “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là câu sau trong Di chúc của ông Hồ: “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.”[15] Nghĩa là đảng chỉ đâu thì dân phải nhắm mắt tuân theo, như theo con đường Marx-Lenin và cúi đầu trước bá quyền Bắc kinh!
Nhưng ở đây họ đã cố tình quên một nguyên tắc cực kì quan trọng trong sinh hoạt của một quốc gia là, không một cá nhân nào dù đứng ở vị trị nào và không một tổ chức nào có quyền áp đặt đất nước và nhân dân theo những ước muốn riêng chủ quan và sai lầm. Cho nên cách làm hiện nay của những người cầm đầu chế độ toàn trị, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, trong phong trào “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã lại cho thấy sự lẫn lộn, sự cố tình cầm nhầm quyền của toàn dân tộc với ước muốn riêng chủ quan của một cá nhân hay một tổ chức. Điều này chỉ có thể xẩy ra dưới chế độ phong kiến và chế độ toàn trị: Quyền lực phát ra từ nòng súng!
Thông thường, chính trị gia nào cũng muốn mớm lời cho lợi ích riêng của họ. Nhưng khác biệt căn bản ở điểm, trong các xã hội Dân chủ đa nguyên mọi chuyện đều phải minh bạch và hoạt động của các chính khách luôn luôn bị theo dõi thường xuyên của các cơ quan công quyền độc lập và của các tổ chức dân sự độc lập, nên họ không dám tẩy xóa hoặc xuyên tạc các văn kiện quan trọng. Còn trong chế độ toàn trị độc đảng thì các vua tập thể trong Bộ chính trị có quyền tuyệt đối, kể cả thủ tiêu đối thủ, nên họ hầu như toàn quyền tẩy xóa và thêu dệt các văn kiện thế nào có lợi nhất cho sự độc quyền của họ. Bắt dân phải “thực hiện Di chúc” Hồ Chí Minh, nhưng chính họ đã phủ nhận lời hứa của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, họ tự ý tẩy xóa và giải thích tùy tiện Di chúc của Hồ Chí Minh theo lợi ích riêng và cũng không thực hiện các ước nguyện cá nhân của Hồ Chí Minh, như đã trình bày.
Chẳng những thế, họ còn đang bắt nhân dân phải trung thành với một đảng vẫn đang mù quáng theo chủ nghĩa Marx-Lenin, mặc dầu chủ nghĩa này đã gây ra bao nhiêu tang tóc và thiệt hại cho nhân dân! Họ còn phủ nhận một thực tế là, gần ¼ thế kỉ Liên xô, cái nôi của Thế giới CS, đã tự sụp đổ và các nước CS Đông Âu đã tan rã. Chính Nguyễn Phú Trọng cũng phải thừa nhận, không biết bao giờ có thể thực hiện được chế độ CS ở VN! Một con đường sai lầm không chỉ ở VN mà cả trên toàn thế giới, nhưng nhóm cầm đầu toàn trị ở VN lại ngoan cố tiếp tục bắt cả dân tộc 90 triệu người cứ nhắm mắt phải theo. Thật là ý muốn ngông cuồng và điên rồ của nhóm cầm đầu hiện nay vẫn tin rằng quyền lực phát ra từ nòng súng!
***
Nói tóm lại, nhân dịp 69 năm cướp chính quyền áp đặt chế độ toàn trị, Bộ chính trị, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, hãy nghiêm túc trả lời công khai với nhân dân ba câu hỏi:
- Có nhìn nhận trong Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 chính Hồ Chí Minh đã thừa nhận các nguyên tắc Dân quyền và Nhân quyền, tức là nền tảng của chế độ Dân chủ đa nguyên ngày nay?
- Hay thừa nhận lời hứa trên của Hồ Chí Minh chỉ là treo đầu dê bán thịt chó?
- Chế độ toàn trị theo mô hình Marx-Lenin đã được áp đặt 69 năm ở VN, đang đẩy đất nước tụt hậu về kinh tế so với hầu hết các nước trong khu vực, nhân dân vẫn phải sống trong nghèo đói, lạc hậu và không được hưởng các quyền tự do dân chủ căn bản. Trong khi ấy những kẻ có quyền lực thì tham nhũng, đàn áp và tha hóa đạo đức. Chẳng những thế, chế độ toàn trị còn đang xô đẩy đất nước vào lệ thuộc bá quyền Bắc kinh!
Tình hình cực kì bi đát trong mọi mặt và cả nguy cơ bị lệ thuộc phương Bắc ai cũng biết, các Ủy viên Bộ chính trị còn biết rõ hơn. Vậy các người cầm đầu chế độ toàn trị hiện nay, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, còn có quyền tiếp tục ôm lấy các ghế cao và ra lệnh bắt 90 triệu nhân dân cứ phải tiếp tục cúi đầu vâng lệnh độc đoán và mù quáng của các ông nữa chăng?
Ba câu hỏi cực kì quan trọng trên liên quan trực tiếp tới vấn đề căn bản là, quyền lực của ĐCS có còn chính đáng hay không?
Ở đây tính tự trọng và lòng thành thực vừa là thử thách vừa là thước đo cho toàn thể Bộ chính trị, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước, kể cả những đảng viên tiến bộ, đang theo dõi và sẽ có thái độ cương quyết trước những việc làm của các ông!
2.9.2014
Âu Dương Thệ
Ghi chú:
[1] . Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Tập 1, Hà nội 1980, tr.351
[2] . tương tự (tt)
[3] . tt
[4] . Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của thông tấn xã Ấn Express Ấn 26.2.10
[5] . Nguyễn Phú Trọng diễn văn tại Cuba, CS 11.4.12
[6] . Như 4
[7] . Báo cáo chính trị Đại hội 7
[8] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc 27.2.12
[9] . tt
[10] . Trương Tấn Sang, Tạp chí CS 15.8.14
[11] . Thông báo của Bộ chính trị BCHTU ĐCSVN về một số vấn đề liên quan tới Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19.8.1989, Nhân dân 1.9.1989
[12] . tt
[13] . tt
[14] . tt
[15] . Di chúc của Hồ Chí Minh
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
Địa chỉ: dcvapt@gmail.com
Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam
No comments:
Post a Comment