Blogger Widgets

Tuesday, December 10, 2013

Kết luận điều tra bổ sung liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội

QLB 

Trên cơ sở đơn đề nghị đình chỉ vụ án của ông Trần Xuân Giá, TS, Luật sư Dương Mạnh Hùng đã có loạt bài viết với tựa đề “Ông Trần Xuân Giá có cố ý làm trái về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng?” đăng trên Báo Người cao tuổi các số 121, 122, 123 (tháng 10) và số 139, 140 (tháng 11). Vừa qua, Báo Người cao tuổi nhận được đơn tiếp tục đề nghị đình chỉ vụ án của ông Trần Xuân Giá kèm theo bản kết luận điều tra bổ sung (KLĐTBS) số 10/C46-P10 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đề ngày 30/10/2013 cũng về vụ án nói trên. Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi lại nhờ Tiến sĩ, Luật sư Dương Mạnh Hùng thẩm định vụ việc dưới góc độ pháp lí. Báo Người cao tuổi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết mới của tác giả Dương Mạnh Hùng sau đây…
Đọc kĩ Bản KLĐTBS của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) rất dễ nhận thấy, về nội dung, không có gì mới so với bản kết luận điều tra số 05/C46-P10 ngày 1/8/2013 (Bản KLĐT05) ngoại trừ một số lập luận cho rằng đó là các yếu tố “xác định rõ thêm” (trang 3 KLĐTBS). Vậy, CQCSĐT đã “xác định rõ thêm” những vấn đề gì? Những điều được “xác định rõ thêm” đó có giá trị chứng minh theo hướng buộc tội hay gỡ tội cho ông Trần Xuân Giá và các thành viên Thường trực Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB?

CQCSĐT thừa nhận việc ủy thác luật không cấm, nhưng không sửa sai, mà vẫn tiếp tục buộc tội

Trong KLĐTBS có một tình tiết mới rất quan trọng mà CQCSĐT lần đầu tiên thừa nhận, kết luận (tại đầu trang 5): “Việc ủy thác trước ngày 1/01/2011 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) không cấm…”, có nghĩa, chính CQCSĐT khẳng định trước ngày 1/1/2011 thì pháp luật không cấm ngân hàng ủy thác cho cá nhân gửi tiền vào các ngân hàng khác. Việc Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho cá nhân gửi tiền tại biên bản họp ngày 22/3/2010 là hoàn toàn không trái với quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế áp dụng tại thời điểm kí. Như vậy thì không thể khởi tố, truy tố và kết tội các thành viên Thường trực HĐQT, trong đó có ông Trần Xuân Giá về hành vi kí biên bản họp 22/3/2010 là cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế. Tại quyết định số 38/C46-P10 của CQCSĐT – Bộ Công an ngày 18/9/2012 (là quyết định duy nhất cho đến nay) khởi tố bị can đối với ông Trần Xuân Giá ghi rõ: “Đã có hành vi: Kí biên bản họp Thường trực HĐQT ra chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng TMCP Á Châu gửi tiền vào các ngân hàng…”. Nay hành vi “kí biên bản” đó được chính CQCSĐT xác định lại là không có gì trái luật, có nghĩa, ông Giá cùng các thành viên HĐQT không làm trái Luật Các TCTD, không vi phạm Bộ luật Hình sự, thì làm sao kết luận họ có hành vi phạm tội được. Sự khẳng định của CQCSĐT “Việc ủy thác trước ngày 1/1/2011 Luật Các TCTD không cấm…” thể hiện rất rõ việc CQCSĐT đã tôn trọng luật pháp và rất khách quan khi tiến hành hoạt động tố tụng hình sự (TTHS). Tuy nhiên, sự tôn trọng và khách quan sẽ thật triệt để, chuẩn mực hơn nếu CQCSĐT ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trần Xuân Giá vì quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Xuân Giá chỉ là hành vi “kí biên bản…” mà việc kí đó không vi phạm luật.

Song đáng tiếc, CQCSĐT thay vì ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án theo luật định thì lại dựa vào KLĐTBS số 10/C46-P10 đề ngày 30/10/2013, nhằm tiếp tục đưa thêm những chi tiết mà về bản chất pháp lí không thể quy kết tội cho bị can. Các tình tiết phi lí, vô căn này đã được người viết phân tích kĩ trên Báo Người cao tuổi các số trước. Ở đây xin được nhấn mạnh một vài tình tiết:

1. KLĐTBS nêu: “hành vi cố ý làm trái… trong việc ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên trong Ngân hàng ACB đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền 718,908 tỉ đồng” (trang 3 KLĐTBS). Phải chăng, cái cớ duy nhất mà CQCSĐT buộc tội “cố ý làm trái” đối với ông Giá là từ 1/1/2011, khi Luật Các TCTD năm 2010 đã có hiệu lực thi hành, Ngân hàng ACB vẫn tiếp tục thực hiện việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại các ngân hàng, trong đó có Vietinbank. Cứ như vậy thì cũng không đủ căn cứ để buộc tội “cố ý làm trái”, vì mấy lí do:

Một là, trên thực tế mãi đến ngày 8/3/2012, tức gần một năm rưỡi sau khi Luật Các TCTD 2010 có hiệu lực thi hành thì bằng Thông tư 04/2012/TT-NHNN Ngân hàng Nhà nước quy định về nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy thác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 04) mới hướng dẫn việc hạn chế ít nhiều đối với loại hình hoạt động ủy thác của các TCTD. Có nghĩa, trước ngày 8/3/2012 không có văn bản pháp luật nào hạn chế việc ủy thác nêu trên, do đó việc các cá nhân của ACB thực hiện ủy thác gửi tiền được nêu trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như (được thực hiện trước ngày có hiệu lực của Thông tư 04 gần 2 năm) là không trái các quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế.

Hai là, Thường trực HĐQT không có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo thực hiện các hoạt động ủy thác cụ thể như gửi tiền cho ngân hàng nào; gửi với lãi suất bao nhiêu; gửi khi nào và khi nào thì phải thu hồi về… Nếu cho rằng việc thực hiện ủy thác cho các nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền được nêu trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như là trái các quy định của pháp luật thì trách nhiệm không thuộc Thường trực HĐQT. Họ chỉ có trách nhiệm đối với quyết định của mình tại thời điểm thông qua biên bản họp 22/3/2010: Nếu quyết định đó là cố ý làm trái các quy định về quản lí Nhà nước tại thời điểm ngày 22/3/2010 thì Thường trực HĐQT phải chịu trách nhiệm. Trên thực tế tại thời điểm đó không thể áp dụng hồi tố Luật Các TCTD 2010 ban hành ngày 16/6/2010, có hiệu lực ngày 1/1/2011. Chính CQCSĐT đã thừa nhận: Vào thời điểm đó việc ủy thác không bị cấm. Còn Ngân hàng ACB tiếp tục thực hiện việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại sau ngày 1/1/2011 cho đến ngày chấm dứt hoạt động (tháng 9/2011) cũng hoàn toàn không trái với quy định về quản lí kinh tế.

2. KLĐTBS nêu tiếp: “hành vi cố ý làm trái quy định trong việc ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS là Công ty do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB” (trang 5 KLĐTBS). Sự gán ghép một cách vô căn cứ hành vi được cho là cố ý làm trái nói trên của CQCSĐT đã bị phản bác một cách rất rõ ràng. Nay, trong KLĐTBS lại được nhắc lại với sự thêm một ít nội dung không có nhiều ý nghĩa để tạo cớ quy tội ông Giá, người viết nhắc lại tóm tắt những nội dung đã phản bác trước đây.

Một, bản KLĐTBS tiếp tục cho rằng Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương “cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB” là không khách quan, thiếu tôn trọng sự thật theo quy định của Bộ luật TTHS. Nội dung chi tiết của đoạn kết luận này sai với thực tế, bởi Thường trực HĐQT chỉ ra chủ trương “cấp hạn mức cho Hội đồng Đầu tư mua một số ít cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao” chứ không đưa ra quyết định cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB. Rõ ràng có sự khác nhau về bản chất hành vi, bản chất pháp lí. Chủ trương “cấp hạn mức cho Hội đồng Đầu tư mua một số ít cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao” hoàn toàn không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, không vi phạm luật hình sự và không thể coi đó là hành vi phạm tội.

Hai, CQCSĐT có biểu hiện chưa tôn trọng sự thật, sai lầm khi áp dụng pháp luật.

- Bản KLĐT trước đây đã đưa ra những tình tiết không có thực nhằm quy kết trách nhiệm cho ông Giá, lẽ ra phải được hủy bỏ, nhưng nay những tình tiết đó vẫn được nhắc lại trong bản KLĐTBS. Thí dụ, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB không chỉ đạo cấp tín dụng cho Công ty ACBS, cũng không (và không thể) chỉ đạo mua cổ phiếu cụ thể nào, mua theo giá nào, bao giờ mua, càng không chỉ đạo mua cổ phiếu Ngân hàng ACB như lời CQCSĐT dẫn chiếu.

- CQCSĐT khi áp dụng hiệu lực hồi tố các văn bản pháp luật không thể có hiệu lực tại thời điểm Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương mua cổ phiếu; bởi không căn cứ vào Thông tư 04.

CQCSĐT đã sai khi cho rằng Ngân hàng ACB cấp tín dụng cho công ty con của mình là Công ty ACBS thông qua các ngân hàng Kienlongbank, Vietbank. Việc Ngân hàng ACB gửi tiền liên ngân hàng tại TCTD khác (Kienlongbank, Vietbank) thông qua liên ngân hàng và việc các TCTD đó sử dụng số tiền Ngân hàng ACB gửi để mua trái phiếu của Công ty ACBS không thể xem là Ngân hàng ACB cấp tín dụng cho Công ty ACBS, vì về bản chất hai hoạt động này khác nhau, độc lập với nhau. Nói cách khác nội dung cáo buộc đó không có cơ sở thực tế và pháp lí để quy kết trách nhiệm của Ngân hàng ACB cũng như Thường trực HĐQT, trong đó có ông Giá, là làm trái các quy định của pháp luật.

3. KLĐTBS đã nhắc lại và tiếp tục ghi thêm những tình tiết không có thực để ghép tội.

- KLĐTBS tiếp tục có những quy kết không có căn cứ pháp lí khi gán thêm trách nhiệm cho Thường trực HĐQT đối với việc Ngân hàng ACB ủy thác cho “nhân viên ngân hàng ACB và 4 công ty gửi tổng số tiền 79.218.313.359.044 đồng và 71.258.329 USD” (trang 3 KLĐTBS). Thực tế, ông Giá cùng các thành viên Thường trực HĐQT chỉ ra chủ trương: “Đồng ý việc ACB ủy thác cho cá nhân để gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng” đã được tiến hành từ năm 2005 trước khi Thường trực HĐQT, trong đó có ông Giá, được bổ nhiệm đến hơn 3 năm. Bằng việc đưa thêm tình tiết vô lí này, tuy đã có giảm so với bản KLĐT trước đây, CQCSĐT đã nâng tổng số tiền mà Ngân hàng ACB ủy thác gửi tiền từ hơn 37 nghìn tỉ đồng lên thành hơn 79 nghìn tỉ đồng.

- KLĐTBS tiếp tục ghi “hậu quả thiệt hại đối với hành vi cố ý làm trái quy định trong việc ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS là công ty do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB là 688.474.784.540 đồng” (trang 5 KLĐTBS). Trong khi đó không có bất kì chứng cứ nào chứng minh được trên thực tế Ngân hàng ACB bị thiệt khoản tiền nêu trên. (Còn nữa)

TS LUẬT SƯ DƯƠNG MẠNH HÙNG

No comments: