Blogger Widgets

Saturday, September 7, 2013

Nỗi sợ từ nhà tù

 - Có thể nói rằng đợt đặc xá, ân xá ngày 2 tháng 9 năm 2013 là một đợt đặc xá, ân xá có số lượng tù hình sự đông nhất từ trước tới nay, nếu không muốn nói là đông nhất từ sau năm 1975 cho tới 2013.
Mới nhìn, có thể nghĩ rằng đó là đợt ân xá bình thường có cõng theo động cơ chính trị nhằm giảm nhiệt quốc tế về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nhằm vận động dư luận để đạt ý đồ gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới.
Nhưng, trên thực tế, ẩn chứa bên trong nó là nỗi sợ hãi hơn bao giờ hết! Nói nó có cõng theo động cơ chính trị nhằm giảm nhiệt quốc tế về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nhằm vận động dư luận trong việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới cũng không sai, vì chí ít, sau chuyến đi thăm Mỹ, gặp gỡ Tổng thống Barack Obama, ông Trương Tấn Sang đã có những động thái nhằm làm xoa dịu dư luận vốn đang tập trung và cũng đang rất nóng về vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Và đây rõ là cách vận động dư luận, để thực hiện những rắp tâm phía sau. Đáng kể nhất và dễ nhận biết nhất trong hành tung này là phiên tòa xử Phương Uyên, Nhật Uy và Nguyên Kha diễn ra ngày 16/8/2013.

Với kết quả là Phương Uyên được về nhà, Nhật Uy được thả, Nguyên Kha được giảm án. Đương nhiên, vì đây là trò chơi đãi bôi của chế độ nên không cần bàn sâu nội dung thêm nữa, nó vốn dĩ là một trò chơi kiểu mèo thương chuột, chẳng có gì lạ.

Lạ ở đây là sự sợ hãi của nhà nước Cộng sản khi đưa ra quyết định ân xá hơn 15.000 tù nhân mà phần lớn là tù nhân hình sự, tệ nạn xã hội chứ không phải là tù nhân kinh tế hay tù nhân chính trị.

Điều này cho thấy họ sợ hãi. Vì sao nói họ sợ hãi? Vì có một thứ qui luật tâm lý rất buồn cười mà khi nói về nó, sẽ bị lệch pha một chút, đó là cái nghị định 72 – nghị định được mệnh danh là “miếng băng keo bịt miệng xã hội”. Cái nghị định này lại mang bản chất của tiếng hát chim lợn, hay nói cách khác là nghị định chim lợn. Loài chim lợn có hai đặc điểm nổi trội so với các loài chim khác: Nó rất ghét nghe tiếng chim khác cùng cất tiếng hót với nó và; mỗi khi nó hót, đương nhiên là có mùi tử khí ở đâu đó. Đương nhiên, cái nghị định 72 này ra đời chỉ có một mục đích duy nhất: Bịt miệng tất cả các blogger trái chiều, phản biện đối với đảng Cộng sản và đe nẹt, làm cái cớ để bắt bớ, chặn mạng, hù dọa, khủng bố tinh thần những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ tại Việt Nam. Xét cho cùng, cái nghị định này mang bản chất của chim lợn, nó không muốn ai cùng lên tiếng với nó ngoài tiếng hót nghe eng éc khắp xóm khắp làng, và nó dự cảm một làn tử khí nào đó trong nhân gian. Cái tiếng hót chim lợn đã tồn tại mấy chục năm nay trên các loa sắt từ góc xóm cho đến đài truyền hình trung ương, văng vẳng, léo nhéo, nghe vừa chói tai vừa mệt mỏi. Và cái mùi tử khí của khủng bố, đe dọa cũng đang gói gọn trong cái nghị định bịt miệng này.

Nhưng, tiếng hát chim lợn, tử khí, nghị định 72 liên quan gì đến việc thả tù nhân?Mới nhìn vào, cứ ngỡ nó rời rạc, không liên hệ, mà thật ra, bên trong nó có mối tương quan rất rõ, mối liên hệ khá sâu bền nữa là khác. Có hai lý do để nói như thế: Chế độ Cộng sản đã hoàn toàn thất bại trong chiến dịch tuyên truyền loa sắt của mình cho đến thời điểm này. Nó giống như tiếng hát chim lợn đã làm cho các loài chim khác chán chường và thấy rằng không thể để nó eng éc suốt ngày trong cánh rừng thơ mộng của mình. Bầy chim rừng đồng loạt cất tiếng hát, thanh âm của tự do và trời xanh ngân nga theo mây trời. Tiếng eng éc trở nên vô duyên, lạc lõng và nhạt nhẽo. Khi các blogger đồng loạt lên tiếng, vạch trần tội ác và sự lạc hậu của chế độ Cộng sản, mọi thứ tuyên truyền của chế độ này trong vòng mấy chục năm nay xem như phá sản, càng nói càng phô, càng nói càng lộ sự lạc hậu, dốt nát và dối trá. Và đến lúc này, chim lợn bắt đầu dùng đến thủ đoạn xâu xé những loài chim khác có tiếng hót trong trẻo, lảnh lót. Rất tiếc, nó có thể giết chết loài chim khác nhưng không thể giết chết tiếng hót cũng như không thể làm cho tiếng hót của nó trở nên hay hơn, cuốn hút hơn những loài chim đã bị nó hại. Cho dù có lúc, một mình nó cất tiếng eng éc, muôn thú vẫn tìm cách trốn khỏi cái âm thanh kinh tởm phát ra từ vòm họng chứa đầy tử khí của nó.

Và một nguy cơ khác phát sinh bởi chính âm mưu ám hại đồng loại của nó. Các loài chim tự do kết bạn với nhau để xua đuổi chim lợn hôi hám ra khỏi cánh rừng của mình. Không những thế, cáo, vượn, khỉ, cọp, beo cũng tham gia vào cuộc xua đuổi này. Nguyên nhân, lý do dẫn đến cuộc xua đuổi này lại nằm trong cái mùi tử khí và tính tham lam của chim lợn. Sự việc các tù nhân ở trại Z30A Xuân Lộc nổi dậy, bắt trói giám đốc trại và thương thuyết, đưa ra những yêu cầu dành cho trại nhân vào ngày 30/6/2013 là một cú châm ngòi cho hàng ngàn trại viên sau này. Mà xét về bản chất, trong cuộc nổi dậy này, có sự can thiệp tư tưởng của nhiều tù nhân chính trị, họ đã khai thông tư tưởng của các tù nhân hình sự để đi đến kết quả như đã thấy.

Nếu xét trên cục diện chung, có thể nói lượng tù nhân chính trị trong những năm gần đây có số lượng tăng đáng kể. Và số lượng tội phạm hình sự cũng tăng đáng kể. Điều này cho thấy bộ mặt thật của một bộ máy nhà nước đang hỏng hóc, kém văn hóa, nền giáo dục lụn bại, dẫn đến hai lựa chọn trong giới trẻ: Hoặc là đấu tranh để bảo vệ cái tốt; Hoặc là buông thả, dấn thân vào tội ác, thây kệ cuộc đời, số phận. Tuy động cơ và bản chất thiện – ác có khác nhau trong lựa chọn và hành xử nhưng bản chất thì lại rất gần nhau, đều thất vọng với hiện tại, mất niềm tin vào chính phủ, đảng cầm quyền và không tìm ra sự lương thiện trong bộ máy điều hành xã hội. Điểm chung này dễ làm cho tù chính trị và tù hình sự đồng cảm với nhau. Và điểm này cũng có thể giúp cho tù hình sự sẵn sàng lắng nghe và thấu cảm những “chỉ giáo” của tù chính trị. Chỉ cần một buổi sinh hoạt trại hoặc một buổi lao động ngoài rừng, có sự tiếp xúc, tương tác rất ngắn ngủi giữa tù chính trị và tù hình sự thì vấn đề đã chuyển biến khác thường. Và cuộc nổi dậy ở trại Z30A, Xuân Lộc là một biểu hiện có tính thành tựu của sự khác thường này.

Và cuộc đại xá hơn 15.000 tù nhân hình sự với nhiều tay anh chị khét tiếng cũng như nhiều gương mặt liều lĩnh đã từng lườm, từng chống trả cán bộ quản giáo cũng là một biểu hiện cho nỗi lo sợ của nhà cầm quyền về một liên kết trong tương lai không xa giữa tù chính trị và tù hình sự, có thể gây bùng nổ một cuộc cách mạng từ trong nhà tù mà cuộc cách mạng này có thể lây lan và đẩy tình hình đến chỗ lật đổ và thay đổi chế độ. Rất có thể là như thế. Và tất cả những động thái trên đều cho ra một kết quả: Nhà cầm quyền Cộng sản đang thật sự sợ hãi và lo lắng cho tương lai của họ!

VietTuSaiGon's blog

1 comment:

Anonymous said...

Ha ha Chi Phèo và Nam Cao trên cùng 1 trận tuyến