Blogger Widgets

Monday, August 12, 2013

'Tâm trạng khó tả' của Bộ Trưởng Hoàng?!

QLB 
Mấy hôm nay tôi cứ suy nghĩ miên man, không dứt để cố hình dung, nắm bắt cái “tâm trạng khó tả” của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trước mỗi lần tăng giá điện. Theo cách hiểu thông thường thì, tâm trạng là trạng thái tâm lý ở một thời điểm nhất định nào đó; còn khó tả, hoặc rất khó tả tức khó diễn đạt bằng lời một cách rõ ràng để mọi người hình dung …Tôi loại trừ khả năng Bộ trưởng chơi chữ như cách của chính khách trước mỗi vấn đề khó mà báo chí đặt ra. Bởi Bộ trưởng đã xin nói thành thật, ít nhất là trong lần trả lời phỏng vấn này. Bằng chứng là Bộ trưởng đã vô tình cho dư luận thấy mình đã được “phím” câu hỏi trước, mặc dù cô Phóng viên xinh đẹp đã tỏ ra mạch lạc, sắc sảo và am hiểu tình hình. Bộ trưởng đã không kìm được mà rằng, “Tôi rất muốn được nhân dân và dư luận hỏi câu này…?!”. Thường khi đi thi, thí sinh vẫn có thể trúng tủ, nhưng trúng tủ đến mức không làm chủ được…sự trúng tủ thì chắc chắn bị nghi ngờ là lộ đề!.
Trở lại câu chuyện khó tả. Người Việt hay nói niềm vui khó tả, nỗi buồn khó tả hay nỗi bức xúc khó tả…Do đó, câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng dù còn nhiều cách hiểu khác nhưng xin được quy về một đồng dạng nào đó của 3 cách trên đây. Tôi không tin là Bộ trưởng có “tâm trạng vui khó tả” trước mỗi lần tăng giá điện (Dù vẫn muốn vậy). Bởi, dựa trên ý kiến của cá nhân Bộ trưởng và Bộ Công thương trước dư luận, nếu vẫn còn vui được thì có nghĩa Bộ trưởng đã đứng đối lập với quyền lợi của người dân, của đất nước để phụ hoạ với nhóm lợi ích EVN. Hay là Bộ trưởng buồn và ái ngại khi người dân, thu nhập thì thấp mà giá than, giá khí và giá ….lương của EVN, thì cao nên lo dân đói, dân khổ. Đây là suy nghĩ của một công dân giàu lòng trắc ẩn, còn Bộ trưởng là chính khách mà lại cũng nghĩ như vậy thì đích thị Bộ trưởng đang thương hại người dân. Còn nói Bộ trưởng bức xúc vì chuyện đơn giản và “nhỏ như con thỏ” như thế mà người dân và dư luận vẫn cố tình không hiểu, cứ hỏi nhiều, hỏi “móc máy” mãi… , giá điện thì phải theo thị trường, nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện đang tăng ầm ầm, (dù cho, khi tôi viết những dòng này, trời vẫn đổ mưa to, và rất to phía thượng nguồn) và đành rằng thu nhập của người dân còn thấp nhưng xăng dầu, thiết bị đều phải nhập và thanh toán bằng ngoại tệ…Quả thật nếu tâm trạng của Bộ trưởng mà bức xúc một cách khó tả như thế thì…cũng lại rất không ổn.

Một câu nói của Bộ trưởng mà chúng tôi hiểu theo cách nào cũng thấy chưa được chính xác và càng không phù hợp với cử chỉ, hành vi và cảm xúc được bộc lộ khi Bộ trưởng trả lời phóng vấn. Vậy thực chất, nội hàm của thông điệp mà Bộ trưởng đã đưa ra là gì ? Bộ Công thương và cá nhân Bộ trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với EVN, đã bảo đảm một sự giám sát hiệu quả theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch các khoản mục chi phí trong toàn bộ dây chuyền SXKD điện năng và đầu tư xây dựng hệ thống điện ? Bộ Công thương và cá nhân bộ trưởng đã một mặt, tham mưu cho Chính phủ bịt hết các kẽ hở có thể dẫn đến tham nhũng, lãng phí trong SXKD, trong đầu tư của EVN (quy mô đầu tư của EVN chiếm 25 – 30% tổng đầu tư toàn bộ xã hội, có năm còn hơn thế). Mặt khác đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm nghiêm khắc tất cả các vụ việc tiêu cực tham nhũng tại EVN ? Bộ trưởng đã kinh qua 1 nhiệm kỳ và đây đang là nhiệm kỳ thứ hai, hẳn là hiểu rất rõ EVN, vậy Bộ trưởng có hiểu tường tận những bất an, sự bức xúc và phẫn nộ của người dân và dư luận trước hàng loạt việc làm ngang trái, dối trá của EVN dựa vào thế độc quyền không ? Bộ trưởng có thể yên tâm, ngẩng cao đầu báo cáo với quốc dân đồng bào rằng EVN của chúng ta có thể bảo đảm được an ninh năng lượng cho quốc gia không khi mà chỉ một cành cây đã làm mất điện nửa nước nhiều giờ liền ? Và…còn nhiều câu hỏi nữa.

Đi sâu tìm hiểu những câu hỏi này để hiểu ý của Bộ trưởng và nghiêm khắc đòi hỏi Bộ trưởng phải hoàn thành chức trách của mình với tư cách là Đại biểu QH, là công bộc và ăn lương từ tiền thuế của dân. Trước hết, cần khẳng định, người dân không cần Bộ trưởng thương hại mà chỉ cần sự sòng phẳng minh bạch và danh chính ngôn thuận. Tại sao mỗi việc đơn giản là điều hành giá 1 mặt hàng chiến lược mà cứ úp úp, mở mở, làm cho tất cả các cơ quan có liên quan cứ rối rắm như gà mắc tóc, mỗi người nói 1 phách, thậm chí có người lại sợ trách nhiệm, sợ nói sai nên không nói nữa, mặc kệ dư luận, mặc kệ nhân dân… Nhiệm kỳ thứ 2 của Bộ trưởng sắp hết, và trước đó hàng mươi lăm năm nữa, nhân dân có ngày nào không mong muốn và đòi hỏi ngành điện phải công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động của mình đâu. Ba thập kỷ có lẻ đã trôi qua mà ngành điện vẫn thế, vẫn hách dịch, vẫn một mình một chợ và chỉ công khai những việc mà…dư luận đã biết. Chẳng lẽ cả hệ thống chính trị này đều bất lực trước một DN độc quyền, ngỗ ngược, muốn làm gì thì làm hay sao ? Là một cử tri, xin được nghiêm khắc hỏi Bộ trưởng: Lần tăng giá điện tới đây, Bộ trưởng có bảo đảm EVN công khai kết quả SXKD, đầu tư để cho nhân dân và dư luận soi xét hay không. Xin hỏi lại, Bộ trưởng có làm được hay không ? “Yes or No” thôi Bộ trưởng nhé. Bộ trưởng chớ giải thích lăng nhăng rằng tới đây sẽ chỉ đạo làm việc này, việc nọ…Chúng tôi không muốn nghe chuyện đó nữa. Cũng đơn giản thôi, ngày mai Bộ trưởng chỉ cần ký 1 công văn khoảng mươi dòng nói rõ với EVN rằng tới đây nếu không công khai, minh bạch một cách thực chất toàn bộ hoạt động của EVN để người dân và dư luận biết thì Bộ Công thương dứt khoát không cho tăng giá điện. Tất nhiên, gần như ngay lập tức các bộ não của thế lực độc quyền sẽ bỏ nhỏ trở lại ít nhất 2 câu hỏi: Gọi là công khai thì công khai cái gì và liệu có lộ bí mật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia ? Đây là bảo bối được EVN sử dụng hàng mấy chục năm nay rồi và rất hiệu quả. Nhưng lần này, nếu EVN vẫn bổn cũ soạn lại, xin Bộ trưởng cứ yên tâm, kể cả khi bộ máy của Bộ công thương vẫn bị qua mặt thì chúng tôi (Nhân dân và dư luận) sẽ hiến kế để chúng ta có cơ hội quyết một lần sống mái với cơ chế độc quyền, trì trệ, trịch thượng, hại dân hại nước vẫn còn ăn sâu trong tâm lý của một bộ phận cán bộ EVN.

Hãy thử điểm qua một vài vụ việc mà truyền thông (cả chính thống và chưa chính thống) đưa tin thời gian qua. Đó là sự cố liên quan Thuỷ điện Sông Tranh 2. Đây là khối u ác tính trên cơ thể EVN cũng như của nền kinh tế. Cho đến nay, sửa thì không xong mà phá cũng chẳng được dù đã tiêu tốn nhiều triệu đô la. Người dân phía hạ du cũng đang trong tình trạng bất an, sống dở, chết dở. Nhà cửa thì hỏng triền miên, mỗi khi có động đất thì không dám ngủ trong nhà, cũng chẳng giám ngủ ngoài sân vì sợ sập nhà hoặc vỡ đập (Mặc dù đập đã được Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương nay lại là Chủ tịch EVN nói như người điếc không sợ súng rằng, “Tôi khẳng định là đập an toàn”. Một sự khẳng định dù có phần nhố nhăng, coi sự an toàn và tính mạng người dân như cỏ rác nhưng lại đầy trách nhiệm của những người muốn giá điện tăng! Các nhà khoa học có uy tín của đất nước đã lên tiếng về Thuỷ điện Sông Tranh 2. Theo đó, chủ đầu tư là EVN đã sai lầm từ đầu trong việc lựa chọn địa điểm (do khảo sát sơ sài, tài liệu khảo sát copy nhiều phần từ các công trình khác); sai lầm trong lựa chọn công nghệ (Công nghệ Trung quốc, không có cửa xả đáy); sai lầm trong trong giám sát thi công và nghiệm thu công trình. (Dù hội đồng nghiệm thu có là ai thì người dân chúng tôi cũng chỉ biết EVN là chủ đầu tư); sai lầm trong việc khắc phục sự cố. Trong ký ức người Việt, khi xem truyền hình chắc sẽ rất khó quên hình ảnh người công nhân nhỏ chỉ bằng đầu đũa, lúi húi khoan trên đập khổng lồ của Thuỷ điện Sông Tranh 2, cùng với bao tải dứa, xi măng…để chống thấm cho đập. Cách làm cũng tương tự như cách người dân chống thấm trần nhà vậy. Sáng tạo và liều lĩnh đến thế là cùng. Được biết, EVN đã phát hiện sự cố này, nhưng tưởng đơn giản nên ngấm ngầm khắc phục theo cách đã nói ở trên. Nhưng càng khắc phục, nước càng chảy mạnh. Đó cũng là lúc nhân dân và báo chí phát hiện được vụ việc. Khi đối mặt với dư luận, EVN lại ra sức giải thích lòng vòng, mỗi ngày một khác, mỗi người một khác. Chính sự thiếu minh bạch đó đã đẩy dư luận bức xúc đến chỗ cao trào. Người dân bắt đầu suy luận các tình huống có thể xẩy ra và hoang mang, lo lắng về cuộc sống của mình nếu đập bị vỡ…Thế là đập thuỷ điện thì chưa vỡ nhưng đập lòng tin thì đã vỡ tan tành. Người dân không thể tin vào bất cứ điều gì EVN nói mặc dù phần nhiều trong số đó là đúng. Giả định rằng không có sự cố Sông Tranh 2, thì 2 năm nay, EVN vừa tiết kiệm được chi phí thuê tư vấn khắc phục, tiếp đón các đoàn kiểm tra… (Theo ước tính của chúng tôi không thể dưới 300 tỷ); vừa phát điện để bán thì đã tiết kiệm được trên dưới 1000 tỷ. Thử hỏi nếu công khai minh bạch ngành điện thì có thể xẩy ra vụ việc này không, và nếu vẫn xẩy ra thì chắc chắn phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ. Dân không thể mất oan 1000 tỷ (gần bằng 30% số tiền EVN thu được qua lần tăng giá này).

Vụ khác là mua điện Trung Quốc. Hiện EVN chỉ mua điện của các nhà máy thuỷ điện nhỏ của Việt Nam theo giá 300 – 400 đồng/kWh; của các nhà máy thuỷ điện lớn 700 – 850 đồng/kWh nhưng lại mua điện của Trung Quốc với giá 1300 đồng/kWh. Chưa hết, mua điện Trung Quốc là phải bao tiêu sản lượng ổn định kể cả khi chúng ta thừa điện giá rẻ. Đây là việc làm thiếu tính toán và tầm nhìn xa của EVN làm thiệt hại lớn cho EVN và tất nhiên là cho đất nước. Theo một chuyên gia của công ty Mua bán điện, do các điều khoản bất lợi trong hợp đồng mua bán điện với Trung Quốc, mỗi năm giá điện phải gánh thêm gần 450 tỷ đồng, là chi phí có thể tránh được nếu Hợp đồng mua điện Trung Quốc cũng được căn ke những điều khoản giống như các Hợp đồng mua điện trong nước. Còn nhớ, giai đoạn 2005 -2010, EVN được giao triển khai hàng loạt dự án ĐTXD nguồn điện. Mặc dù được Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù để chỉ định thầu nhưng do yếu kém của chủ đầu tư nên hầu hết dự án chậm tiến độ 1 – 3 năm, làm cho đất nước thiếu điện trầm trọng. Trước áp lực phải cung ứng đủ điện cho kinh tế quốc dân, EVN đã coi mua điện Trung Quốc là cứu cánh. Chính tư duy ăn xổi này đã đẩy EVN vào tình huống bất lợi trong đàm phán. Một lãnh đạo cao cấp của EVN khẳng định không hề có tiêu cực trong đàm phán hợp đồng mua điện Trung quốc của EVN chẳng qua là do tình thế cấp bách mà phải chấp nhận những ràng buộc khắt khe (thậm chí là bắt ép) của bên bán. Đó là họ nói. Còn chúng tôi, nhân dân và dư luận, đòi hỏi phải xem xét trách nhiệm của những người có liên quan trong vấn đề này và nếu cần thì phải đàm phán lại, minh bạch công khai kết quả đàm phán để nhân dân và dư luận giám sát.

Về việc kinh doanh ngoài ngành thì có thể khẳng định EVN là đơn vị thất bại nặng nề nhất. Dù có nhiều lợi thế khi triển khai kinh doanh viễn thông nhưng với thái độ của kẻ ban phát, độc quyền, EVN đã đi từ thất bại này đến thất bại khác, từ lựa chọn công nghệ đến tổ chức kinh doanh. Mặc dù khoản lỗ rất lớn đã được EVN láu cá đẩy vào giá thành điện để nhân dân gánh chịu, thì khoản lỗ còn lại cùng với khoản lỗ do đầu tư vào công ty Chứng khoán Hà thành, vào bảo hiểm toàn cầu, vào Ngân hàng An Bình…đã lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Quy mô đầu tư của EVN là cực lớn. Bình quân mỗi năm EVN đầu tư khoàng 3 – 4 tỷ USD, chủ yếu là vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng quốc tế. Với quy mô như vậy, chỉ cần thất thoát dăm phần nghìn là đã tương xứng với GDP của cả 1 tỉnh rồi. Thế nhưng nhiều đơn vị trong EVN đã gây thất thoát lãng phí lớn. Mới đây, một đơn vị của EVN khi được giao đầu tư xây dựng lưới điện, do thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát đã bị đơn vị khác chiếm đoạt toàn bộ vật tư thiết bị phục vụ công trình. Mặc dù, hiện nay EVN đang kiện đơn vị chiếm đoạt lô hàng, nhưng theo 1 người hiểu biết vụ việc, thất thoát hơn trăm tỷ là nhìn thấy rõ.

Một sự kiện khác mà dư luận cho rằng có liên quan đến việc lobby tăng giá điện 2013. Đó là việc ngày 7/7/2013, Ban quản lý dự án các Công trình điện miền Trung (AMT), đơn vị con của EVN, đóng tại Đà Nẵng, mới đây đã chi nhiều tỷ đồng cho việc đón huân chương hạng 3. Sự việc sẽ chẳng có gì ầm ĩ nếu đó là buổi lễ trang trọng, giản dị và tiết kiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng EVN đã chọn cách khác. Lợi dụng sự kiện này, các lãnh đạo chóp bu của EVN đã rầm rộ tháp tùng thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang tham dự buổi lễ. Chỉ riêng chi phí chính thức (vé máy bay, tiền khách sạn, hội trường, tiệc linh đình đón chào Thứ trưởng Lê Dương Quang đã gần 5 tỷ đồng, tương đương nửa năm lương của toàn thể CBCNV đơn vị này. Một lễ đón huân chương quá hoành tráng và tốn kém. Sau đó chưa đầy 1 tháng cũng chính Thứ trưởng Lê Dương Quang là người đã ký thông tư tăng giá điện từ 1/8/2013.

Rõ ràng, không thể nói Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng không biết những chuyện này. Thậm chí nếu Bộ trưởng không nắm được hết thì bộ phận giúp việc Bộ trưởng sẽ biết hết (nói không biết là đang tự dối mình). Nhưng thử hỏi Bộ Công thương và cá nhân Bộ trưởng đã làm gì để đưa các vụ việc trên ra ánh sáng, thu lại tiền thất thoát, lãng phí. Chỉ cần một vài vụ nói trên cũng đã tương ứng với số tiền mà do tăng giá điện mang lại cho EVN. Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ trưởng được phép lựa chọn 1 trong 2 khả năng: hoặc là cứ như cũ, tức là cứ tăng giá điện, để rồi phần tăng thêm cứ vô tư thất thoát, lãng phí, đến khi trả lời truyền hình, Bộ trưởng lại thấy “tâm trạng rất khó tả…”, hoặc là chỉ đạo sự công khai minh bạch ngay lập tức tại EVN, xử lý rốt ráo các vụ việc vi phạm, thu lại tiền về cho EVN để không cần tăng giá điện. Lúc ấy Bộ trưởng có quyền vui mừng thông báo với dư luận và người dân rằng: “Giá bán điện đã minh bạch, Bộ Công thương hoàn toàn thống nhất với EVN về việc tăng (hoặc giảm) giá bán điện; đồng thời Bộ Công thương sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến việc tăng (hoặc giảm) giá điện và chịu trách nhiệm về phần trả lời của mình”. Mong ước lắm thay.

Nhật Lệ 

No comments: