Blogger Widgets

Thursday, July 11, 2013

Nghĩ về giáo dục làm người

QLB  
Chuyện người trộm chó bị dân quá khích vây đánh đến chết ở Nghệ An gây bức xúc trong dư luận. Tôi đọc bài “Đằng sau “trộm chó” là bất an xã hội” trên báo Tuổi Trẻ ngày 25/6/2013, Võ Văn Thành ghi ý kiến ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long. Tôi rất tâm đắc một số ý kiến ông Chức nêu trong bài báo, trong đó ông nói: “… Trước đây chúng ta nghèo hơn nhưng cuộc sống sau lũy tre làng vẫn bình yên”; rằng: “Đằng sau hiện tượng trộm chó là nổi bất an xã hội và nổi lo nầy đã lan rộng…” Đời sống xã hội ta ngày càng bất an, tội ác lộng hành, đạo đức suy đồi, những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam bị hủy hoại, lòng người phân rẽ, người chết do tai nạn giao thông không có điểm dừng …là nổi day dứt, trăn trở khôn nguôi với những ai quan tâm đến vận nước và tương lai dân tộc!!

Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, tôi sống nhiều năm trong vùng giải phóng, còn gọi là vùng tự do, do Nông hội – đoàn thể của nông dân tự quản mọi mặt đời sống như chánh quyền ngày nay, người dân phần lớn nghèo khó, thiếu thốn mọi thứ, nhưng thương yêu đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm, nhà không đóng cửa, ngoài đường không mất của rơi…

Đời sống xã hội lành mạnh trong vùng giải phóng ngày xưa, càng củng cố niềm tin trong tôi, sau khi kháng chiến thắng lợi, nước nhà hòa bình, độc lập đồng bào ta nhất định sẽ được sống ấm no, hạnh phúc trong một xã hội tươi đẹp. Nhưng, tôi tự hỏi vì sao ngày nay nước ta dưới sự lãnh đạo, quãn lý một hệ thống chánh trị đồ sộ từ trung ương đến cơ sở và phát động, tổ chức những “cuộc vận động”, những “phong trào quần chúng” rầm rộ, thường xuyên mà đời sống xã hội sao lại thế?

Câu nói “Con người là thực thể và là chủ thể xã hội” quả không sai, bởi vì ai cũng biết mọi hoạt động xã hội xưa nay là do con người. Như vậy, tình trạng xã hội bất an, đạo đức suy đồi... phải chăng bắt nguồn từ lổ hỏng “trồng người”?

Còn nhớ, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đời sống văn hóa, tinh thần của dân ta chịu ảnh hưởng nền giáo dục Nho giáo và truyền thống đánh giặc cứu nước của tổ tiên. Ông cha ta dạy con cháu làm người phải biết luân thường, đạo lý, yêu nước, thương nòi… từ những bài học vở lòng trong sách giáo khoa như: Con ơi muốn nên thân người/Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha/…; Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/…; hay: Thương người như thể thương thân/Thấy người hoạn nạn thì thương/Thấy người tàn tật lại càng trông nom/ … v.v…

Những bài thơ, ca dao, văn xuôi ngắn gọn trong sách giáo khoa ngày xưa dạy những điều thiết thực dể hiểu, dể nhớ đi vào tiềm thức con người thuở còn thơ, dần dần hình thành nhân cách làm người khi trưởng thành. Cùng với giáo dục trong gia đình, ông cha ta răn dạy con cháu nghiêm khắc theo gia phong, lể tiết lấy hiếu nghĩa làm đầu; Gọi dạ, bảo vâng…/Ăn coi nồi, ngồi coi hướng/… v.v…

Các trường phổ thông ngày nay đều treo khẩu hiệu nơi trang trọng “Tiên học lể, hậu học văn”. Khẩu hiệu nầy tôi thấy ở trường học từ thời tôi học vở lòng, ngày nay ta bắt chước, nhưng không biết các thầy cô giáo dạy học trò chử “lể” thế nào, chứ ngày xưa các thầy cô giáo dạy học trò chử “lể” rất cụ thể, như: Ở nhà phải vâng lời cha mẹ, ông bà, đi phải thưa, về phải trình; ra đường gặp người lớn tuổi hay đám ma phải nhường đường, giở nón cuối đầu; với bạn trang lứa không được xưng hô mầy tao, mi tớ, không được gây gổ, đánh lộn… Trò nào làm sai bị phạt.

Tôi nghĩ, đó là tinh hoa của nền giáo dục nước nhà ngày xưa, nhờ vậy mới có thế hệ con người Việt Nam tuyệt vời trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, nhưng lâu nay dường như chúng ta phủ nhận, xem đó là “phong kiến”, là “cổ hủ”… Trong thời gian dài nhiều thập niên qua, kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nền giáo dục nước nhà từ nhà trường, gia đình và xã hội buông lõng giáo dục làm người, gây ảnh hưởng xấu, nếu không muốn nói làm hỏng thế hệ con người ngày nay! Phải chăng đó là căn nguyên thực trạng xã hội chúng ta và ai là người chịu trách nhiệm? Phải chăng đó là Đảng cầm quyền?

Minh Nguyễn
(cựu chiến binh An Giang) 

No comments: