Blogger Widgets

Sunday, June 23, 2013

Vỡ đập thuỷ điện Ia Krêl 2 - Hồi chuông cảnh tỉnh thói vô cảm trước tính mạng người dân của Chính quyền Việt Nam

QLB 

Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời báo Đất Việt bên hành lang QH sáng 13/6, nguyên nhân ban đầu của sự cố vỡ đập thuỷ điện Ia K rêl 2 là do thấm đập. Một nguyên nhân nghe rất quen nhưng thường chỉ sau khi đập vỡ mới được đồng loạt xướng lên. Nhưng bất ngờ ở chỗ, liền đó Bộ trưởng nói về trách nhiệm: "Thứ nhất là xác định chủ đầu tư, thứ hai là trách nhiệm của tư vấn thiết kế, rồi đơn vị thi công, giám sát. Cơ quan nhà nước cũng phải có trách nhiệm ở đây. Bởi vì anh phải kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình thực hiện công trình". Tôi nghe qua, rồi nghe lại cách trả lời của Bộ trưởng, thấy cách nói của Bộ trưởng thật thông minh (lại khen phò mã tốt áo) vì thấy trách nhiệm của Bộ Xây dựng cứ "sắc sắc, không không" thế nào ấy, có nhưng mà không, không nhưng lại có chút chút, nhưng gió thoảng mây bay vậy . Nhưng nói thật, cái sự thông minh của Bộ trưởng làm tôi lợm giọng. Là bởi vì, chúng tôi - những cử tri, những người dân thấp cổ bé họng chỉ mong sự thông minh cùng với "cái tâm" vì nước, vì dân của Bộ trưởng sẽ nghĩ ra cách quản lý thế nào đó để không xẩy ra điều tương tự chứ không phải cách đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trước thảm hoả ngày đêm chực chờ đổ xuống đầu dân đen. Tôi thấy lẽ ra Bộ trưởng không cần nói ai cũng biết rằng công trình thuộc thẩm quyền của UBND Tỉnh, rằng với với những công trình thuỷ điện thì ngành Công thương phải chịu trách nhiệm chính, rằng đã ra thông tư 15...Chẵng lẽ Bộ trưởng nghĩ là việc tham mưu để Chính phủ ký thông tư 15 là Bộ đã hết trách nhiệm, sự cố xẩy ra nhưng Bộ vẫn quản lý nhà nước "đúng quy trình". Chúng tôi hoàn toàn không mong là Bộ trưởng có thể nắm hết "cụ tỷ trăm thứ bà dằn" nhưng rõ ràng thông tư 15 nói trên đã không phát huy hiệu quả hoặc do thông tư bị lỗi hoặc cách chỉ đạo thực hiện thông tư có vấn đề. Bằng chứng là đã có chủ trương kiểm tra tất cả các đập thuỷ điện và sự cố vẫn xẩy ra. Chúng tôi chỉ mong khi sự cố xảy ra, chỉ trong vòng 30 phút thì hệ thống quản lý sẽ cấp báo cho Bộ trưởng chính xác nguyên nhân, rằng Bộ đã làm gì hoặc chưa làm gì để tránh thảm hoạ.

Chúng tôi đòi hỏi như vậy là vì cách đây không lâu sự cố vỡ đập Thuỷ điện Dak rong 3 do bê thông trộn đất, gỗ mục., nhưng Bộ cũng chưa lấy đó làm bài học để triển khai các biện pháp quản lý cần thiết. Nên sự cố Ia Krêl 2 có gì là khó hiểu.

Khi Bộ trưởng giơ nắm tay trách nhiệm chỉ về phía Bộ Công thương thì Tôi xin Bộ trưởng cẩn thận, đừng để Bộ Công thương và EVN người ta vừa đá bóng vừa thổi còi. Để rồi trách nhiệm thì Bộ trưởng có thể tránh được chút chút nhưng thảm hoạ đối với đất nước này thì vô cùng lớn đấy. Bài học Sông Tranh 2 vẫn còn nguyên giá trị.

Còn nhớ, Dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 danh chính ngôn thuận do Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện 3 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phụ trách, giao cho Tổng công ty Cơ khí xây dựng COMA là chủ đầu tư. Nhưng thực chất là thầu của thầu. Gói thầu kỹ thuật có giá trị 640 tỷ đồng cung cấp thiết bị cơ điện, dịch vụ kỹ thuật, được ký kết với nhà thầu ECIDI-ALSTOM - Trung Quốc.

Thủy điện Sông Tranh 2 được khởi công từ tháng 3/2006, công suất 190 MW, với tổng mức đầu tư dự tính 4.150 tỉ đồng đã lên tới 5.200 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 697,6 triệu kWh. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ phát điện vào năm 2010.

Nhưng tới ngày 7/1/2011, EVN mới khánh thành tổ máy số 1 và chính thức hòa lưới điện quốc gia. Đây là nhà máy thủy điện lớn thứ 3 của miền Trung, sau nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) và A Vương (Quảng Nam).

Tuy nhiên, sau khi sự cố thấm đập và sự bưng bít thông tin, muốn tự mình khắc phục nhưng lực bất tòng tâm của EVN bị giới truyền thông phát hiện năm 2012 đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều gây bức xúc cho xã hội.

Trước hết là cách ứng xử của EVN. Vẫn là cách cách bưng bít thông tin, lấp liếm nguyên nhân thật cửa sự việc như thường thấy của "quả đấm thép" . Thay vì minh bạch thông tin, nhận khuyết điểm và thuê tư vấn độc lập đánh giá, tìm nguyên nhân khắc phục dứt điểm sự cố thì EVN lại giải thích lòng vòng, trước sau bất nhất. Chính thái độ thiếu trung thực đó đã đẩy dư luận bức xúc đến đỉnh điểm và mất luôn niềm tin vào cách giải quyết của EVN. Làm cho chi phí khắc phục hậu quả lại đắt lên gấp bội. Và xin đừng ai nói là chi phí đó không đưa vào giá thành điện nhé.

Thứ đến là việc chọn địa điểm xây thuỷ điện Sông Tranh 2 được cho là không phù hợp. Theo Tiến sĩ Khoa học Phan Văn Quýnh, Đại học Quốc gia Hà Nội thì: “Địa diểm chọn làm thuỷ điện Sông Tranh 2 nằm ở vị trí có đới đứt gãy hoạt động, trên nền móng đá granit. Hiện Sông Tranh 2 mới ở cao trình 140m đã xảy ra động đất 4,2 độ richter. Nếu mực nước lên cao trình 172m, khả năng phát sinh động đất cực đại là rất lớn. Chủ đầu tư Sông Tranh 2 phải có trách nhiệm trước nỗi hoang mang của nhân dân”.

Thứ ba, là thiết kế dở. Có thể tư vấn thiết kế (Cũng lại là EVN) đã làm bài toán ngược (Chọn Nhà thầu Trung quốc, làm theo gợi ý của họ) để làm đập không có cửa xả đáy. Để đến bây giờ phá không nổi mà ngừng vận hành cũng không xong.

Thứ tư là lỗi do Thi công. Thi công để thấm đập thì ai cũng đã thấy nhưng nghiêm trọng hơn còn những lỗi chết người khác. Mọi người còn nhớ thái độ lén lén lút lút khi đối mặt với với giới Truyền thông cũng như các đoàn kiểm tra của EVN. Tức là họ rất sợ mọi người đi vào đường hầm. Ai cũng thấy nhưng lại bị EVN ỉm đi những lỗi của đường hầm dẫn nước từ hồ chứa vào tua bin. Hầm này khi mới xây dựng xong đã bị nứt vỡ nghiêm trọng. Chính sự nứt vỡ nóc hầm như vậy là nguyên nhân tiềm tàng gây sự cố thảm khốc tại thuỷ điện Sông Tranh 2. Cái ác là ở chỗ khiếm khuyết này giờ chỉ biết chờ "may mắn" thôi vì không thể khắc phục được do hầm thì sâu trong núi lại ngập nước.

Cuối cùng, dân vùng hạ lưu thuỷ điện Sông Tranh 2 thì phải trốn lên rừng, người ở lại thì ăn ngủ không yên, nhà cửa nứt vỡ hàng ngày do động đất.... nói chung là cực kỳ căng thẳng. Còn Bộ Công thương, sau khi cho trám trét thủ công những nơi rò rỉ trên thân đập, và nhiều lần thanh tra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hiện là Chủ tịch EVN, vẫn hùng hồn khẳng định: “Tôi chịu trách nhiệm khi nói thủy điện Sông Tranh 2 an toàn.” Dù rằng đến nay, EVN đã phải chi hàng chục triệu USD (tất nhiên là lấy tiền của dân qua giá bán điện) để thuê tư vấn tìm hiểu nguyên nhân khắc phục sự cố nhưng vẫn chưa ai dám khẳng định an toàn. Quả là hiếm gặp Ông Thứ trưởng nào dũng cảm như vậy. Lạy trời cho xin sự bình yên. Và nếu chẳng may xảy ra điều gì thì xin đừng ai nói "ĐEN QUÁ, NƯỚC LỚN VÀ CHẢY XIẾT QUÁ ..." nhé.

Tóm lại, không ai muốn sự cố, nhưng khi sự cố xảy ra thì các QUAN có liên quan nên tìm mọi biện pháp để tránh không lặp lại. Khi Đak rông 3 xẩy ra rồi thì xác suất xẩy ra Ia Krêl 2 chỉ nên dưới 10% và khẳng định luôn không thể xẩy ra sự cố tương tự nữa. Để làm được như vậy cũng dễ thội, sau Sông Tranh 2 thì phải xem xét trách nhiệm EVN một cách nghêm khắc, sau Dak rông 3 lại nghiêm khắc, toàn diện hơn nữa, sau Ia Krêl cũng vậy...Nếu không, sinh mạng của hàng chục vạn dân chưa biết sẽ ra sao. Và cuộc sống cứ thế thấp thỏm, hoang mang với thảm hoạ kinh hoàng.
Quang Anh 

No comments: