Blogger Widgets

Friday, April 5, 2013

Nhật ký tự sự của Điệp viên Đặng Ngọc Ánh 3

QLB Khi tên tỉnh trưởng lao tới nữ bác sỹ hòng giở trò đồi bại, nhanh như cắt cô giật lùi, một tay rút súng giấu sẵn dưới bắp chân lên thị uy. Tên yêu râu xanh vẫn quyết không buông tha con mồi. Đoàng! Đoàng! Hai phát súng liên tục, hắn đổ gục. 

Phát súng bất ngờ của nữ điệp viên đoạt mạng tên tỉnh trưởng háo dâm 

Sau khi du học ngành y bên Pháp, bà Đặng Hoàng Ánh lúc đó tên là Phạm Ngọc Diệp được gặp Hoàng huynh GS. Bửu Hội, Hoàng đệ phế đế Bảo Đại (anh em bá thúc) mới biết được rằng mình vẫn còn có dòng dõi. Trong dòng nhật ký Ngọc Diệp ghi lại như những lời tri ân: "Nhờ đi du học tôi tìm được họ tộc bên nội và hoàn thành trước chương trình học, về nước sớm hơn dự định”.
Từ một cô gái mồ côi, sống nhờ vào sự cưu mang của Trung đoàn hải ngoại 307 (Trung đoàn Liên hợp quốc sau năm 1945), trong đó có các đồng chí bà coi như anh ruột: Phạm Văn Xô, Phạm Hùng, dạy bảo, cho ăn học, đi du học và xuất sắc lấy được văn bằng của một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới (Đại học Sorbonne Paris). Tương lai thênh thang rộng mở, thế nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, cô quyết định giã từ Paris hoa lệ, về nước. 
 
Dinh tỉnh trưởng Vĩnh Long xưa. 

Tháng 8/1958 Phạm Ngọc Diệp chính thức về nước, nhanh chóng móc nối lại với tổ chức để quán triệt đường lối. Tại Sài Gòn, trong cuộc họp bí mật tổ chức nhận định: "Với văn bằng Y danh tiếng, Ngọc Diệp cần phải đi xin việc ngay. Đảng, tổ chức cần những người hợp pháp như Ngọc Diệp để leo cao, chọc sâu vào lòng địch. Hiện tại chính quyền Ngô Đình Diệm đang rất cần cán bộ ở các bệnh viện công, nếu đi xin thì sẽ được ngay. 

Đúng một ngày sau khi nhập cảnh vào Sài Gòn, sáng 29/8/1958 Phạm Ngọc Diệp lấy tên Tây Léna Phạm và cầm hồ sơ đến gặp Bộ trưởng y tế Trần Đình Đệ xin việc. Nhờ một người cậu bên ngoại của Ngọc Diệp là Docteur Quế bạn của Bộ trưởng Đệ, cũng là bác sỹ riêng của bà Phạm Thị Thân mẹ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên Ngọc Diệp được tiếp đón. Cô được vào Dinh Gia Long (nay là Dinh Độc Lập) để trò chuyện (những người được vào Dinh Gia Long lúc đó rất khó). 

Xin nói thêm, bà Phạm Thị Thân lại là chỗ chị em kết nghĩa với bà Dương Thị Trâm (bà ngoại Ngọc Diệp). Vì năm 1946, khi giặc Nhật tràn vào Vĩnh Long đốt tòa giám mục, con thứ của bà là Đức cha Ngô Đình Thục không có nơi làm lễ, là ngoại đạo nhưng bà Trâm đã hiến luôn ngôi biệt thự để cho Ngô Đình Thục làm giáo đường. Vì thế khi biết Ngọc Diệp là con của ân nhân, lại tài giỏi nên bà Phạm Thị Thân, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục rất mến. Tại Dinh Gia Long bà Thân nhận Ngọc Diệp là cháu nuôi, Ngô Đình Diệm nhận làm con nuôi. 

Từ một cô gái mồ côi, không vai vế, vận may đang thênh thang mở ra trước mắt Ngọc Diệp. Cô trở thành con nuôi của viên tổng thống thét ra lửa, đứa trẻ mồ côi trong phút chốc Ngọc Diệp mang thân thế lá ngọc cành vàng. Bà Ánh nhớ lại: "Với cái mác là con nuôi tổng thống, tôi hợp pháp làm những việc tùy thích. Đó là điều kiện thuận lợi để thực hiện những kế hoạch mà phía cách mạng giao phó". 
 
Bà Đặng Hoàng Ánh từng được Ngô Đình Diệm nhận làm con nuôi. 

Hạ thủ viên tỉnh trưởng dê xồm 

Sau khi nhận làm con nuôi, Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định cấp ngay cho Ngọc Diệp một khẩu súng Rulo, 6 viên đạn cùng giấy phép đặc quyền sử dụng có ấn ký của Tổng thống, để phòng thân đối với trường hợp bất trắc. Bên cạnh đó lệnh của Tổng thống sang bộ Y tế, Ngọc Diệp được cấp một biệt thự, xe hơi. Ngoài ra cô được quyền lựa chọn nơi làm việc hoặc là quê Ngoại Vĩnh Long, hoặc là ngay nội đô Sài Gòn. Lúc du học ở Pháp, Ngọc Diệp đã học lái xe, còn bắn súng thì biết từ lúc đang làm giao liên ở trong nước. Ngày đầu đi xin việc mọi thứ hơn cả sự mong đợi, Ngọc Diệp hài lòng bí mật trở về tổ chức nhận nhiệm vụ mới. 

Do là con nuôi của tổng thống, lại vừa ở nước ngoài về nên bộ Y tế còn tạo điều kiện cho cô nghỉ một tháng vì lý do vừa ở Pháp về chưa quen khí hậu. Đó là điều kiện để cô trở về quê Vĩnh Long thăm bà ngoại. Cũng trong cuộc họp bí mật, tổ chức đồng ý cho Ngọc Diệp nghỉ phép 4 ngày về quê, đồng thời chỉ thị gặp đồng chí Albet Thảo, Phó Tỉnh đoàn trưởng Bảo an đoàn, kiêm Phó Tỉnh trưởng quân sự Vĩnh Long (có tên khác là Đại úy Phạm Ngọc Thảo, người của cách mạng cài cắm. Ở đó Ngọc Diệp sẽ được giao một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Một công đôi việc, vui vẻ nhận lệnh, Ngọc Diệp thu xếp lên đường. 

Những dòng nhật ký hơn nửa thế kỷ trước ghi lại cảm xúc của người con gái xa quê, một quận chúa triều Nguyễn khi đọc qua vẫn rưng rưng cảm động. Dù xa cố quốc bao năm, đường về quê ngoại Vĩnh Long, từng dòng sông, chiếc cầu, con lộ vẫn còn hằn in trong tiềm thức. Ở đó có bà ngoại gần trăm tuổi, có các cậu và người yêu Trần Văn Phước đã đính ước, 4 năm trước trong chuyến tàu vội vã cùng đoàn quân Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ rời cảng Sài Gòn sang Pháp du học cô không kịp chào mọi người, 4 năm biền biệt những cánh thư gửi cho người yêu tỉnh trưởng Trần Văn Phước đều bị hồi lại. Nhớ lại những gì đã qua, trái tim nữ bác sỹ lại bồi hồi, thổn thức. Tại quê nhà Vĩnh Long, sau khi thăm hỏi bà ngoại và các cậu, Ngọc Diệp đến địa chỉ bí mật gặp Đại úy Albet Thảo, đưa cho cô một tờ giấy: "Thi hành án ngày 3/9/1958". Cô gật đầu nhận lệnh. 

Người mà phía cách mạng cần phải khử ngay đó là tên tỉnh trưởng nổi tiếng ác ôn Khưu Văn Ba. Hắn được xem là tay sai đắc lực của Pháp, khi Pháp cút hắn lại vào Nam làm tay sai cho Diệm, gây bao tai họa, tổn thất cho nhân dân và cách mạng. Ngoài sự gian ác, hắn còn nổi tiếng là tên yêu râu xanh. Ở trong vùng từng có một số vụ án thiếu nữ bị giết vì hãm hiếp xảy ra, nhiều chi tiết cho thấy có liên quan đến tên này, nhưng vì quyền lực không ai dám động đến. 

Cấp trên chỉ thị, nội trong ngày 3/9/1958 Ngọc Diệp phải hoàn thành nhiệm vụ, kiên quyết không cho phép thất bại. Kịch bản đưa ra là trình đơn xin việc, khi tên này giở trò đồi bại thì lấy cớ khử ngay. Trước giờ hành động, Albet Thảo đưa cho Ngọc Diệp một mảnh giấy có ghi: "Mọi thứ sau đó đã có người lo, xong việc nhớ báo án, khai là bị cưỡng hiếp và súng cướp cò, chấp nhận ngồi tù ít nhất 1 năm”. “Vậy là phải chịu án?” Ngọc Diệp hỏi, Albet Thảo không nói chỉ lặng gật đầu. 

Sáng 3/9/1958, Ngọc Diệp lên đường, tự lái xe đến dinh tỉnh trưởng thì hơn 2h chiều. Cầm công lệnh của bộ Y tế hồi hộp chờ bên ngoài, đồng hồ chếch hơn 3h chiều thì có thư ký của tên tỉnh trưởng gọi, Ngọc Diệp bình tĩnh bước vào phòng. Cô nhận ra ngay đó là Khưu Văn Ba, dáng người cao lớn, râu quai nón xồm xoàm, mắt to, mày rậm, thoạt nhìn cũng nhận ra gốc người Cao Miên. Đúng đây là Khưu Văn Ba rồi, Ngọc Diệp liếc mắt thầm nghĩ. Đúng lúc viên tỉnh trưởng cất lời ồm ồm: "À Madam (bà, quý cô), xin mời ngồi”. Ngọc Diệp chào rồi tiến lại gần, đưa giấy tờ xin việc. 

Vừa lấy thẻ căn cước thì tên tỉnh trưởng chụp tay làm cô ngã sấp vào bàn giấy, hắn vồ tới cô liền nhoài người khỏi mặt bàn lùi ra sau, một tay rút khẩu Rulo dưới chân hét: "Đứng yên không tao bắn”. Hắn cười nham nhở: "Người đẹp, cô vào đây ai cũng thấy, chỉ cần tôi chụp được súng thì đủ kết tội tử hình cho cô, phí đời con gái đẹp". Ngọc Diệp liếc mắt nhìn lối thoát, các cánh cửa đều đóng, tên tỉnh trưởng vồ lại lần 2 thì chụp được cô. Ngọc Diệp cố vùng. Đùng! Đùng! hai tiếng nổ bất ngờ vang lên, tên quỷ háo dâm ngã như một thân cây đổ. Nhiệm vụ hoàn thành, đúng lúc đó Albet Thảo nhanh chóng chạy vào hỗ trợ, Ngọc Diệp phải xé áo đầm rách bươm, phết máu lên mặt mũi tạo hiện trường giả như một vụ cưỡng hiếp và súng cướp cò. 

Không thể nhầm lẫn 

Bà Đặng Hoàng Ánh bảo, sự thực là có hai tỉnh trưởng Khưu Văn Ba ở Vĩnh Long đều bị cách mạng khử. Khưu Văn Ba do bà giết vào ngày 3/9/1958 là người gốc Ăngkowat - Siêmreap (Cao Miên). Sau khi tên này chết, để ổn định lòng dân, Ngô Đình Diệm ra lệnh đưa ngay một người khác cũng tên Khưu Văn Ba về thế chỗ để ổn định, tất cả báo chí bị cấm đưa tin vì liên quan đến con nuôi Tổng thống, hơn nữa bất lợi cho nền Đệ nhất cộng hòa vừa thành lập. Tên Khưu Văn Ba mới được thay là người Chợ Lớn (Sài Gòn), vợ gốc Trà Vinh, tên này cũng bị phía cách mạng phục kích bắn chết ở Trận đánh lịch sử cống Cây Sao (khu trù mật Cái Sơn, huyện Tam Bình, Vĩnh Long ngày 16/6/1960, do Trung đội 256, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt (tiền thân của Tiểu đoàn 857) thực hiện. Hai sự kiện cách nhau gần hai năm, nhưng có nhiều chi tiết dễ làm người ta nhầm lẫn, điều này chỉ có những người trong cuộc mới biết. 

Kỳ Anh

1 comment:

Anonymous said...

Thu hồi sách “Quận chúa biệt động”

Các ban ngành, Hội Cựu chiến binh và nhiều người cao tuổi, đọc sách xong đã phản ứng quyết liệt, cho rằng ở chương 4 của sách, tác giả đã bịa đặt, bóp méo lịch sử

Ngày 26/10, Giám đốc NXB Công an nhân dân vừa có công văn xin lỗi Tỉnh ủy Vĩnh Long và bạn đọc cả nước; đồng thời quyết định thu hồi cuốn sách mang tên “Quận chúa biệt động” do có nhiều chi tiết sai sự thật, gây xôn xao dư luận tại tỉnh Vĩnh Long và yêu cầu tác giả và biên tập viên chỉnh sửa lại nội dung cho đúng.

“Quận chúa biệt động” là cuốn sách do tác giả Đặng Vương Hưng viết theo dạng tiểu thuyết, tư liệu ghi chép lại cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Đặng Hoàng Ánh, nhân vật lịch sử có thật hiện đang sinh sống tại Lâm Đồng. Sách gồm 30 chương, hơn 400 trang, do Nhà xuất bản Công an nhân dân in và phát hành trong quý 2 năm nay. Ngay khi phát hành, cuốn sách được bạn đọc trong cả nước đón đọc, tìm hiểu cuộc đời hoạt động đầy chông gai của bà Ánh. Tuy nhiên, tại Vĩnh Long, các ban ngành, Hội Cựu chiến binh và nhiều người cao tuổi, đọc sách xong đã phản ứng quyết liệt, cho rằng ở chương 4 của sách, tác giả đã bịa đặt, bóp méo lịch sử. Cụ thể, chương 4 có tựa đề “Người đẹp làm sát thủ và gã yêu râu xanh”, miêu tả bà Ánh can đảm tìm cách đột nhập nhà riêng Khưu Văn Ba và dùng súng riêng bắn chết tên tỉnh trưởng ác ôn. Tuy nhiên, theo các độc giả ở tỉnh Vĩnh Long, việc ám sát Khưu Văn Ba là chiến công của Đại đội 256, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt, thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 16/6/1960, Đại đội 256 kết hợp với nhân dân và du kích địa phương, phục kích bắn chết tên tỉnh trưởng Khưu Văn Ba tại cổng Cây Sao, đường 16 B, thuộc xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Những nhân chứng tham gia trận đánh này hiện vẫn còn sống./.