Blogger Widgets

Thursday, December 27, 2012

Câu hỏi nhói lòng ở Văn Giang!

Quanlambao

Văn Giang - nỗi đau mất đất!
- Tháng Ba 1967
Trận địa bắn máy bay ở trên cánh đồng của huyện Văn Giang, ven đê sông Hồng.Buổi sáng sương giăng kín mặt sông. Mênh mang một màu sữa loãng. Phải căng mắt mới nhìn thấy những chiếc ghe nhỏ như chiếc lá tre lượn trên mặt nước. Đó là những chiếc ghe vớt vờ của dân địa phương. Không hiểu sao người ta lại gọi con vờ? Loại côn trùng này giống như con mối, cánh trong suốt, thân tròn. Sáng nào nó cũng từ mặt nước bay lên, chấp chới trong sương mù, rồi lại trẫm mình xuống dòng nước. Dân chài dùng vợt vớt lên, cho vào chảo rang cháy hết cánh, rồi mang ra chợ bán. “Canh vờ nấu với cà chua, không ăn lại nhớ không mua lại buồn”. Khi mặt trời lên cao, nước sông Hồng đỏ như son, loang loáng những lớp sóng, cuốn xác vờ ra biển, đó là hình ảnh đẹp nhất lúc bình minh.
Buổi chiều, dòng sông như giận dỗi, gió ném tung cát vào chân đê, hất tung từng những cành lá ngụy trang trên trận địa, làm những bãi ngô rạp xuống uốn lượn như sóng biển. Đấy cũng là lúc trên bờ đê thấp thoáng màu áo gụ sẻ tà, những cô gái Văn Giang từđất bãi về làng.

Đêm đêm trên bến những nhịp cầu phao vắt ngang sông, nối Văn Giang với Thanh Trì. Những chiếc xe kéo pháo, xe tải nối đuôi nhau vào Thủ đô Hà Nội. Những người lính công binh đứng lặng trên những khoang thuyền trong sương lạnh. Càng khuya càng lạnh, sóng trào lên, những nhịp cầu chao đảo như đánh võng.

Bất kỳ lúc nào máy bay Mỹ cũng có thề ập tới ném bom. Đây là mục tiêu cố định, chúng không cần vòng vèo, cứ ào tới cắt bom xuống mục tiêu. Chúng tôi phải lắng nghe tiếng kẻng của trận địa phòng không để chủ động phòng tránh những đợt ném bom của máy bay Mỹ.

Trận địa phòng không của trung đội nữ dân quân Văn Giang, do trung đội trưởng Vũ Thị Miền chỉ huy. Trung đội có hai khẩu đội 12,7 và hai khẩu đội 14,5. Hơn hai chục cô gái toàn mười chín hai mươi tuổi. Con gái đất nhãn lồng có tiếng xinh đẹp. Cô nào da cũng trắng mịn, tóc xanh mướt, mắt đen hạt nhãn.
Ngày ấy chiến tranh, đời sống khó khăn nhưng tình người thân thiết lạ thường. Chiến tranh càng ác liệt, con người càng gần nhau hơn, thương nhau hơn, sẵn sàng tha thứ cho nhau.

Những cô gái ở trận địa phòng không nấu canh vờ cử người mang ra bến sông cho lính công binh. Bọn lính trẻ chúng tôi hì hục mài dũa những mảnh đuya-ra xác máy bay Mỹ, làm nhẫn, làm lược tặng các cô gái trẻ xinh đẹp giàu tình cảm. Chưa cầm tay nhau một lần chứ đừng nói chuyện hôn, nhưng cứ tặng, cứ hứa, và tin nhau bằng cả tấm lòng chân thành.
Tháng Ba năm ấy tôi được đơn vị cử sang huấn luyện trung đội nữ dân quân vềphương pháp phát hiện mục tiêu và bắn đón máy bay phản lực. Một anh chàng chuẩn úy non choẹt vừa ở trường sỹ quan ra, đối với tôi ngày ấy, mệnh lệnh là trên hết.

Nữ dân quân (ảnh minh họa)
Một buổi trưa, tiếng còi báo động vang lên. Trong khoảnh khắc tất cả ở vị trí chiến đấu. Tôi giả định một tốp máy bay Mỹ từhướng Khoái Châu lao vào Hà Nội, hô rành rọt:
- Hướng Tây Nam, tọa độ115 chuẩn bị!
Tiếng nạp đạn lách cách, tiến quay thước rè rè, và tiếng các khẩu đội trường vang lê:
- Khẩu đội 1 xong!
- Khẩu đội 2 xong!
- Khẩu đội 3 xong!
- Khẩu đõi 4 xong!
Bỗng có tiếng reo bật lên ở khẩu đội 3:
- Hoa gạo nở rồi!
Tiếp theo là tiếng cười dòn tan. Tôi chạy phăm phăm đến khẩu đội 3, cả năm cô gái như sực tỉnh giấc mơ, đứng ngẩn ra. Tôi thét:
- Đây là trận địa hay trò đùa hử?
Mấy cô gái lặng im. Tôi quát tiếp:
- Nghỉ tập, cả tiểu đội làm kiểm điềm chiều nộp cho ban chỉ huy.
Tôi chợt nhìn lên khoảng trời nơi trận địa khẩu đội 3. Chao ôi, một mầu đỏ rực rỡ.

Mới chiều qua cây gạo còn thu mình trong giá lạnh mà sáng nay bừng nở hàng trăm chùm hoa như những ngọn lửa sáng một góc trời. “Bao giờ cho đến tháng Ba, hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn!”. Mùa Xuân đã qua rồi! Nhìn cây gạo trổ bông tôi bỗng chạnh lòng nghĩ đến những cố gái trẻ phải dấn thân vào binh lửa. Tôi đứng lặng người và nói xuê xoa:
- Thôi không phải làm kiểm điểm nữa !
Tôi đi về lán chỉ huy. Tiếng cười rộ lên phía sau, và tiếng tinh nghịch của khẩu đội trưởng Hiền:
- Thủ trưởng ơi, cái Phiến nó bảo nó cứ làm kiểm điểm!
Đêm hôm sau đơn vị tôi có lệnh hành quân vào khu Bốn.
Từ bến sông tôi đeo ba lô băng qua bãi ngô lên trận địa phòng không, tạm biệt Hải Phiến, tạm biệt những cô gái Văn Giang. Vũ Thị Hải Phiến đưa chân tôi ra đến gốc cây gạo. Em nắm tay tôi nói nhỏ: “Mùa hoa gạo sang năm anh nhé!”. Trong màn nhung mượt mà đêm hè, tôi vẫn thấy ánh mắt em, vẫn nghe hơi thở của em. Ngoài kia gió và sóng cồn cào.

Năm 1975
Chiến tranh cuốn tôi đi hết khu Bốn đến miền Đông Nam Bộ. mang theo hình ảnh của Hải Phiến và những cô gái Văn Giang. Cứ mỗi mùa hè đến lại nao nao nhớ cây hoa gạo trên trận địa của các nữ pháo thủ phòng không, nhớánh mắt của người con gái vừa chớm có tình cảm đã vội xa.
Thình thoảng có người ra Bắc tôi viết thư cho Hải Phiến, nhưng không nhận được thư trả lời.
Mùa Hè năm 1975 từ Sài Gòn tôi về quê Thái Bình, và sau mấy ngày thăm bà con họ hàng, tôi đạp xe sang Hưng Yên đến Văn Giang. Trên quãng đường hơn trăm cây số tim tôi đập rộn lên vỉ hồi hộp, những câu hỏi cứ dồn dập trong đầu.
Tôi đến bến sông và trận địa phòng không cũ. Không còn một dấu vết gì của tám năm trước ngoài cây gạo đang trổ bông. Tôi ngồi một mình trên triền đê nhìn khoảng trời hoa gạo rực rỡ, nhìn dòng sông Hồng. Dòng sông vẫn vô tư cuồn cuộn chảy, nhưng tôi hụt hẫng, cảm thấy mình nhẹ bẫng đi như những con vờ trôi trên dòng nước năm nào.

Một cô gái đi ngang qua, tôi giật mình khẽ reo lên:
- Hải Phiến!
Cô gái quay lại. Một gương mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu đen láy, một thân hình mảnh mai, mái tóc xõa ngang vai, giống hệt Hải Phiến năm nào. Cô gái tươi cười nhìn tôi, rồi bước tiếp không quay lại nữa.
Tôi tìm vào nhà trung đội trưởng Miền, ngay đầu dốc thôn Bình Minh. Bà mẹcủa Miền đang băm rau lợn ở góc sân, dắt tôi vào chỉ hình Miền trên bàn thờ, và lấy vạt áo chùi nước mắt:
- Em hy sinh năm 72 rồi cháu! Bữa đó B52 nó rải mấy lượt bom, trúng vào trận địa. Em Miền nhà bác với mấy đứa bên Xuân Quang, Vũ Công hy sinh.
- Những em nào hả bác?
- Cái Mận này, cái Thêm này, cái Nhung này, cái Hảo này, cái Khài này… Mẹ vừa kể vừa bấm đầu ngón tay, mặc cho lệ chảy đẫm hai khóe mắt. Tất cả 8 cô. Tôi không hay biết nước mắt tôi cũng tràn xuống hai bên má tự lúc nào. Mẹ vén vạt áo lau nước mắt cho tôi. Vạt áo nâu của mẹ ram ráp, mùi bùn.

Tôi hỏi mẹ:
- Còn em Phiến và các em khác đâu mẹ?
- Cái Phiến con ông giáo Trình hả cháu? Ngày ấy nó ở trận địa không việc gì, mà ông bà giáo lên Hà Nội chơi lại chết cả, khổ thân thế! Sau khi làm ma cho bố mẹ xong, cái Phiến nó đi bộ đội cháu ạ, mà sao từ đấy đến giờ chả có tin tức gì.
Tôi ra bờ đê, khắc vào gốc cây gạo: “ Hải Phiến! Anh về đúng mùa hoa gạo! Em đang ở đâu?”. Dưới dòng chữ tôi khắc số hòm thư.
Năm tháng qua đi tôi không nhận được hồi âm.

Tôi tưởng những vết thương chiến tranh sẽ lành, những người huy sinh sẽ yên nghỉ, người sống sẽ biết ơn họ, đó là phương thuốc nhiệm màu xoa dịu nỗi đau, làm cho nỗi buồn nguôi ngoai theo thời gian .

Nhưng mùa hè năm nay, sau 45 năm câu chuyện xảy ra ở trận địa pháo phòng không trên bờđê sông Hồng, tôi trở lại Văn Giang, khi hàng ngàn công an dân phòng đang ra tay đàn áp dân, cướp đất của dân, khi lửa khói trùm lên mảnh đất năm xưa máu những nữ dân quân như: Mận, Thêm, Nhung, Hảo, Khài đổ xuống. Ôi, trong số những người dân mất đất, những người dân bị đánh đập kia, có ai là những cô gái dân quân năm xưa không, có người cha, người mẹ, người em người cháu nào của họ không nhỉ? Ngực tôi tắc nghẹn không thở được. Nỗi đau hôm nay gấp vạn lần nỗi đau ngày xưa!

Ngày xưa máu của Mận, Thêm, Nhung, Hào, Khài, của chúng tôi, của dân tộc này đổ xuống vì “Không có gỉ quý hơn độc lập tự do!”. Bây giờ, độc lập đâu? Tự do đâu?
Tôi lại ra bờ đê, ra gốc cây gạo cổ thụ. Tôi tìm dòng chữ tôi đã khắc trên thân cây năm 1975. Dòng chữ đã chìm sau lớp biểu bì. Tôi nghĩ đến Hải Phiến. Em ở đâu, hay hình hài em cũng như bao người con thân yêu đã lặn chìm trong lòng đất phương nào?
Từng chùm hoa gạo đỏ chói trên cây rụng xuống.
Những bông hoa nhỏ bé và dung dị không hề biết dối lừa, vẫn nở đúng mùa với màu chang chói ấy, sao những kẻ làm người, luôn khoe yêu nước thương nòi, luôn vỗ ngực khoe đạo đức lại hèn nhát trước kẻ thù và lừa dối dân tôi? Ai đã hy sinh cho các người sống để bây giờ móc nối với đại gia cướp những mảnh đất dẫ thấm máu, mồ hôi, nước mất của dân lành?
Câu hỏi ấy như nhát dao cứa vào tim tôi đau nhói!
Mùa Đông năm Nhâm Thìn 2012.
MINH DIỆN


NHỮNG BÀI VIẾT MỚI NHẤT CỦA QLB & CÁC VỤ ÁN




HỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK

1 comment:

Anonymous said...
This comment has been removed by the author.