Blogger Widgets

Saturday, June 9, 2012

Loạt bài về Bố già Bầu Kiên: Bài 1: Trò chơi bóng đá và câu hỏi quyền lực


Với lý lịch doanh nhân thành đạt nhưng công chúng chỉ biết đến ông Kiên qua sự kiện ầm ĩ liên quan đến phát biểu tại lễ tổng kết năm 2011 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Lựa chọn bóng đá để bước ra công luận, đó là vì tình yêu, vì tiền bạc hay vì mục đích gì?

Xét về mặt kinh doanh, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch VPF là một doanh nhân thật sự có chiến lược và tầm vóc. Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là ông Kiên chưa bao giờ nổi tiếng nhờ lĩnh vực hoạt động chính của mình.


Năm 30 tuổi, tức năm 1994, ông đã trở thành Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á châu - ACB. Hiện ACB là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh. ACB có đầu tư vào nhiều ngân hàng khác như Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á… và ông Kiên cũng có thể có cổ phần tại các ngân hàng này.
Sẽ là xứng đáng nếu đánh giá Nguyễn Đức Kiên như một kiểu “khủng long” trong hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, vị Chủ tịch của Hà Nội ACB còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc… Ông Kiên đã từng là Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam. Đồng thời ông Kiên là thành viên Hội đồng quản trị của CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và CTCP Du lịch Thiên Minh.
Với lý lịch doanh nhân thành đạt như vậy mà công chúng chỉ biết đến ông Kiên qua sự kiện ầm ĩ liên quan đến phát biểu tại lễ tổng kết năm 2011 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Lựa chọn bóng đá để bước ra công luận, đó là vì tình yêu, vì tiền bạc hay vì mục đích gì?

Cho dù là một trong những doanh nhân đầu tiên góp mặt ở V-League nhưng trong suốt gần 10 năm thật khó có thể tìm thấy những biểu hiện của tình yêu bóng đá thể hiện qua hành động của ông Kiên. Triết lý bóng đá lớn nhất của ông Kiên chỉ là “cứ vào sân đá hết sức, thắng hay thua cũng không phải ân hận”. Có lẽ triết lý đó sẽ thích hợp với những giải bóng đá thiếu nhi hơn là một sân chơi chuyên nghiệp. Thế nên không ngạc nhiên khi dưới bàn tay ông, đội bóng Hà Nội ACB, đội bóng giàu “chất” Hà Nội nhất và là đội có nhiều CĐV nhất của bóng đá Hà thành đã đánh mất chính mình. Vị trí thứ 5 ở V-League 2004 là thành tích cao nhất của Hà Nội ACB. Các mùa bóng còn lại, đội bóng được xem là “truyền nhân” của Công an Hà Nội phải vất vả lắm mới trụ được hạng. Năm 2008, đội này chỉ có 19 điểm sau 26 vòng đấu, phải xuống hạng Nhất.
Mất hai năm, Hà Nội ACB mới tái ngộ V-League sau khi vô địch hạng Nhất năm 2010. Nhưng chỉ được một mùa, tới V-League 2011, đội bóng của bầu Kiên cùng Đồng Tâm Long An phải xuống hạng Nhất. Ngày Hà Nội ACB bị Sông Lam Nghệ An đánh bại 3-2 ở Mỹ Đình, chính thức về lại hạng Nhất, ông Kiên chẳng biểu lộ cảm xúc ngoài câu nói: có buồn nhưng chẳng thất vọng bởi đội đã chơi hết mình.
Với tất cả những gắn bó như vậy với bóng đá Việt Nam trong suốt 10 năm qua không khó để thấy rằng tình yêu bóng đá hình như là một thứ quá “xa xỉ” đối với ông Kiên. Xét cho cùng thói quen của một doanh nhân vẫn là yếu tố cốt lõi để tạo nên phong cách của con người này. Gần 10 năm làm bóng đá, ông Kiên chưa từng mua cầu thủ nào có giá tiền tỷ. Đồng thời ông Kiên cũng chẳng tốn kém đầu tư cho công tác đào tạo lớp trẻ. Hà Nội ACB vì thế chỉ là tập thể của những cầu thủ vô danh hoặc đã hết thời.
Yếu về lực, không có mục tiêu, đã có lúc người ta gọi Hà Nội ACB là đội bóng ba không: không định hướng, không khát vọng, không tương lai. Với ước muốn một thứ bóng đá đúng nghĩa hơn, cổ động viên của đội nhiều lần trưng biểu ngữ đề nghị ông “bầu” này bán đội. Thế nhưng ông Kiên vẫn đều đặn ra sân. Ông “bầu” đầu bạc này thậm chí còn kiêm cả huấn luyện viên khi sẵn sàng giành lấy sa bàn chỉ đạo và hò hét thúc giục cầu thủ tấn công. Hầu như bóng đá chỉ đơn thuần là một trò chơi, một cuộc thử nghiệm nho nhỏ mà mục đích chính chẳng hơn gì một sự giải trí của một người đã có thừa tiền bạc…
Cùng một thứ tình yêu bóng đá nhưng nếu ở cấp câu lạc bộ chẳng để lại một dấu ấn tích cực nào thì ở cấp độ quốc gia ông Nguyễn Đức Kiên lại tạo nên một cuộc “địa chấn”. Với những phát biểu công khai về thực trạng của nền bóng đá bấy lâu nay cộng sự đói đề tài của giới truyền thông, bỗng tên tuổi “bầu” Kiên vụt sáng.
Trong mắt công chúng, người đàn ông với mái đầu bạc đã thoắt mang dáng dấp của một vị “anh hùng” đấu tranh cho công lý. Sau khi giành chiến thắng ngoạn mục với VFF, “bầu” Kiên tiếp đà khơi mào cuộc chiến về bản quyền truyền hình với AVG. Tất cả đều nhân danh những điều tử tế và tốt đẹp: vì một nền bóng đá trong sạch và chuyên nghiệp, vì quyền lợi của hàng triệu khán giả.
Thế nhưng sự tử tế và tốt đẹp đó đã ở đâu trong suốt gần 10 năm ông Kiên gắn bó với Hà Nội ACB và nền bóng đá Việt Nam?
Thậm chí ngay cả hiện tại, VPF, đứa con gắn bó với hình ảnh của “bầu” Kiên cùng vô số những hứa hẹn mỹ miều và sắt đá về một tương lai của một nền bóng đá chuyên nghiệp vẫn đang tỏ ra bất lực trước “tính chất” của bóng đá Việt Nam. Vòng đấu đầu tiên của Cúp QG và Super League, sân cỏ xuất hiện vô số những tình huống bạo lực. Một số vua sân cỏ kêu ca mình bị nợ lương, về tình trạng náo loạn khán đài một số sân bóng đã được đẩy lên tới mức pháo sáng được ném thẳng vào Ban huấn luyện đối phương.
Trước những vấn đề thuộc về “chuyên môn giải đấu” như thế, VPF đã làm gì? Họ đã phạt cái sân náo loạn kia 20 triệu đồng, một cái án mà chỉ vừa xuất hiện lập tức đã được người ta nhận định là “xử như không”. Họ đã treo một cầu thủ mắc tội “oánh nhau” nọ 2 trận đấu, nhưng lại treo ở trận địa Cup QG, cái cúp “vô thưởng vô phạt”. Trong khi về lý, đáng ra cầu thủ ấy phải bị treo ở sân chơi Super League.
Nếu thật sự muốn tạo ra những giá trị tốt đẹp cho bóng đá và công chúng, có lẽ VPF đã phải hành xử khác?
Ngày 8/12/2010, VFF đã ký Hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG, theo đó cho phép AVG độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá tại Việt Nam từ 2010-2030. Thời điểm đó, ông Kiên đã gắn bó với bóng đá Việt Nam được khoảng 7 năm. Thế nhưng ông không hề lên tiếng hay đưa ra bất kỳ ý kiến nào với bản hợp đồng này. Hình như quyền lợi khán giả đã bị ông tạm thời lãng quên. Chỉ sau chiến thắng với VFF và VPF được thành lập mà “bầu” Kiên là một thành viên chủ chốt, “bầu” Kiên mới khởi động cuộc chiến với AVG để giành lại bản quyền truyền hình. Tổ chức nào được lợi nhiều nhất nếu AVG thua cuộc? Không khó để trả lời đó chính là VPF. Thậm chí để thể hiện quyền hành của mình, VPF đã gửi Công văn số 20/CV/VPF/2011 cho phép ghi hình và phát sóng các trận bóng khi cuộc tranh luận với AVG chưa ngã ngũ và không hề có bất kỳ phán quyết pháp luật nào.
Trước đó, chỉ với khoảng 30 phút “vạch tội” VFF, “bầu” Kiên đã quá khôn khéo khi chọn đối thủ là VFF vào thời điểm bóng đá Việt Nam thất bại trên mọi mặt trận. VFF là một đối thủ quá nhiều những điểm yếu chí tử để có thể ra đòn quyết định. Không cần đến “bầu” Kiên mà bất kỳ người Việt Nam quan tâm đến bóng đá nào cũng có thể chỉ ra những điều dở và rất dở của VFF. Chỉ có điều “bầu” Kiên thì có tiền và vì thế có tiếng nói, có vị thế.
Có thể cuộc chiến với AVG cũng chỉ là một cách thức để “bầu” Kiên duy trì mạch thắng của mình.
Trong thế giới bóng đá, hẳn ai cũng biết đến Berlusconi, nguyên Thủ tướng Italia cũng là người với lượng tài sản khổng lồ và cũng có một cuộc chơi bóng đá. Nhiều thời điểm trong cuộc đời chính trị của mình, câu lạc bộ với màu áo truyền thống đỏ đen thành Milan đã gắn chặt với sự thăng trầm của Berlusconi. Những người hâm mộ túc cầu ấy cũng có thể là người sẽ bỏ phiếu để bầu ai làm Tổng thống. Nếu có điều gì khác biệt lớn lao giữa Berlusconi và “bầu” Kiên thì chỉ là “bầu” Kiên chưa bao giờ có quyền lực chính trị. Tuy nhiên, một người với lượng tài sản lớn và giành được tình cảm của công chúng thì điều đó chỉ là thích hay không thích và đến sớm hay đến muộn.
Năm 1994, khi “bầu” Kiên thành lập Ngân hàng ACB thì đó đã là một tầm nhìn cho một tương lai rất dài. Giờ đây khi thực hiện một chiến lược với bóng đá và trái tim người hâm mộ, hẳn “bầu” Kiên cũng có một tầm nhìn cho riêng mình. Tình yêu là điều không thể thẩm định, tài chính không còn là điều quan trọng thì chắc hẳn những toan tính quyền lực là chuyện không thể tránh khỏi. Và thói quen của một doanh nhân vẫn là kinh doanh. Chỉ có điều đôi khi họ kinh doanh những thứ mà chúng ta không ngờ tới hoặc không đoán được…
Thanh Tùng
Báo CAND

6 comments:

Anonymous said...

Tôi ủng hộ VPF, Tôi hy vọng có một bầu Kiên trong quốc hội hoặc đại hội đảng. Bóng đá đã đi trước xã hội.

Gái ngu chua said...

Tôi bổ phiếu cho "Bầu Kiên" làm Tổng các bí!

Anonymous said...

Tay chân của thằng lùn béo gian manh ăn cướp kéo nhau vào đây hử? một thằng lưu manh, bợm trợn, nó lấy bóng đá ra để đanh lừa mọi người, nó gây chiến tranh ở xa khu vực nó đang nhúng máu.... viết mấy tin đểu được nó trả cho mấy đồng vậy?

Anonymous said...

Kien toc bac nay cung la ke giup Airbus ban may bay cho Vietnam Airlines de an commission.

Can said...

Lam sao lien lac voi ban quan tri (BQT) Quan Lam Bao (QLB)de gop y cho font chu lon hon de ai mat kem, nhu nguoi lon tuoi, co the doc de dang; font chu nay thi qua nho va co nhieu bai chu bi che khuat khong doc duoc.
Cam on nguoi nao giup goi gop y nay den BQT QLB.

Anonymous said...

Đồng ý