Blogger Widgets

Tuesday, November 5, 2013

EVN, thanh tra và ... "A dua"!

QLB 
Lâu lắm rồi mới lại có việc kết luận thanh tra được sơ lược công bố trước khi có quyết định chính thức. Mặc dù, Ông Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Ngô Văn Khánh cho là bình thường nhưng công luận, báo chí thì biết tỏng nguyên cớ vì đâu. Sự bất đồng ý kiến sâu sắc giữa một bộ phận là những người trực tiếp thanh tra tại EVN với Trưởng đoàn thanh tra (TĐTT); giữa TĐTT với lãnh đạo TTCP - Người có quyền ký quyết định ban hành kết luận thanh tra (KLTT) mới là "kịch hay" còn ở phía trước...Nói là kịch hay vì không hiểu bằng con đường nào mà cách đây khá lâu văn bản na ná KLTT của TTCP đã được gửi đến các nhà báo và mức độ nghiêm trọng thì lớn gấp nhiều lần những gì vừa được he hé. Không những thế, cánh nhà báo còn được rỉ tai thêm, văn bản đó vẫn mới chỉ là 1/3 sự thật. Nói là kịch hay vì đằng sau đó là sự tung hứng, sự tranh giành và chuyền bóng cho nhau hết sức ngoạn mục của những người có bổn phận phải hoàn thành KLTT. Nói là kịch hay còn bởi người viết tưởng tượng tựa đề "EVN, thanh tra và..."a dua"" nếu được chuyển ngữ theo cách nửa tây, nửa ta của nghệ sĩ hài tầm cỡ ...Hiệp gà thì cũng có thể giúp những người trả tiền điện gượng gạo nở nụ cười méo mó chốc lát trước khi những đồng tiền lương thiện của mình vô cớ vẫy cánh bay đi... Nói là bình thường nhưng thật sự là rất không bình thường vì thời hạn thanh tra chỉ trên dưới 3 tháng nhưng bóng đã được chuyền, đã được giữ, đã được ngâm trong bóng tối thêm gần 1 năm mà chưa có KLTT chính thức. Tất nhiên, điều đó phản ánh sự thận trọng nhưng thận trọng vì mục đích gì thì lại là câu chuyện đáng bàn. Cuối năm 2012, một phó Tổng TTCP khác, Ông Nguyễn Văn Sản đã hoàn thành và gửi dự thảo kết luận thanh tra xin ý kiến Thủ tướng. Không thể nói Ông Nguyễn Văn Sản và các cộng sự thuộc đoàn thanh tra và các Vụ trưởng của TTCP đã không ý thức được trách nhiệm của mình trước pháp luật, cũng như chưa nghiêm cẩn khi hoàn thành bản dự thảo KLTT. Bản dự thảo đó có rất nhiều vấn đề kèm theo khoản tiền sai phạm của EVN lên đến 6.500 tỷ. Nên nhớ, lần tăng giá điện 5% mới nhất, EVN cũng chỉ thu về 3.500 tỷ thôi nhé. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bản dự thảo này đồng thời yêu cầu TTCP làm việc kỹ với các bộ ngành Tài chính, Công thương và các đơn vị liên quan để đánh giá chính xác, khách quan sai phạm và kiến nghị xử lý phù hợp. Người viết thật sự không tin và cũng không dám hiểu khác chỉ đạo của Thủ tướng rằng, Thủ tướng đã đồng ý những sai phạm đó, chỉ yêu cầu TTCP làm việc thêm với các Bộ Ngành để đánh giá chính xác khách quan và hình thức xử lý sai phạm thôi. Thủ tướng không chỉ đạo chưa ban hành và Thủ tướng cũng không cho phép xem xét lại bất cứ sai phạm nào.

Thế nhưng, sau gần 12 tháng (gấp gần 4 lần thời gian thanh tra), một Ông Phó Tổng TTCP khác, Ông Ngô Văn Khánh cũng tuyên bố hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, ký bản kết luận khác báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhiều sai phạm và khoản tiền 6.500 tỷ đồng đã bị "bốc hơi". Công luận băn khoăn, cán bộ trong đoàn thanh tra kịch liệt phản đối thì Ông Khánh đã đăng đàn và nói với báo tuổi trẻ (Tuổi trẻ 10/10/2013) thế này:

"Sau khi có dự thảo, Thủ tướng có chỉ đạo đồng ý với dự thảo kết luận, yêu cầu TTCP làm việc kỹ với các bộ ngành tài chính, công thương và các đơn vị liên quan để đánh giá chính xác, khách quan sai phạm và kiến nghị xử lý phù hợp. Tức là Thủ tướng đồng ý trên tinh thần nhưng yêu cầu phải làm việc kỹ với các bộ ngành chứ không phải để ban hành.

Đại loại ý của Ông Khánh là phải làm việc thêm với các Bộ Ngành, nghe nhiều phía giải trình, cẩn thận hơn Ông còn chuyển cho Vụ giám sát, thẩm định sau thanh tra vào cuộc v..v...và v..v... Rất rất cẩn thận và mới ra được bản kết luận này.

Còn việc cán bộ trong đoàn thanh tra phản đối việc sửa đổi dự thảo, Ông Khánh nói: "Chuyện đó là chuyện nội bộ. Nhưng về nguyên tắc cán bộ cấp vụ, đoàn thanh tra là giúp việc cho lãnh đạo TTCP. Còn ý kiến khác nhau là rất bình thường. Cuộc thanh tra nào cũng có chuyện ý kiến còn khác nhau do nhận thức, do năng lực, do trình độ và do hiểu biết. Còn kết luận là trách nhiệm của tổng thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra theo quy định có nghĩa vụ báo cáo đầy đủ, trung thực, có nghĩa vụ giải trình. Tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước tổng thanh tra về kết luận tôi ký.

Thật ra số tiền mấy nghìn tỉ không có chuyện mất mát đi đâu. Cho đến nay chúng tôi vẫn khẳng định không có cơ sở nói mất mát, tham nhũng mà bản chất nó là đúng hay sai so với quy định. Cái nội dung mà tôi bỏ đi, tôi có đầy đủ cơ sở để nói việc đó."

Hãy xem lời Ông Khánh nói và việc Ông làm có phải là vẽ đường cho hươu chạy và a dua với sai phạm tại EVN không nhé.

Trước hết, là việc mua ô tô gấp 2,5 lần quy định của Chủ tịch và Tổng Giám đốc EVN. Việc quy định tiêu chuẩn mua xe là hết sức cần thiết, là một trong những biện pháp chống nạn lãng phí của các Ông CHỦ ĐẠO, ngồi trên đống tiền của dân, có thể vung tay quá trán mà hầu như không bị kiểm soát hoặc kiểm soát chiếu lệ. Đây rõ ràng là sai phạm lớn, trực tiếp và không hề nhân văn. Đất nước đang khó khăn, hàng vạn DN phá sản, đời sống người dân đang điêu đứng, trẻ em, người dân miền núi đang trong cảnh cực kỳ khốn khó, đi bộ, chân trần trên những nẻo đường cheo leo núi đá, cơm không có, ăn toàn ngô khoai sắn. Chính EVN cũng đang là con nợ khủng nhất mọi thời đại của Việt Nam, không kể ODA, trái phiếu do chính phủ bảo lãnh thì nợ ngân hàng đã là xấp xỉ 120.000 tỷ đồng. Làm ăn cũng đã phải giỏi giang gì đâu, vài cột điện đổ do bão ở miền Trung mà gần tháng mới khôi phục được...Ấy vậy mà 2 ông con trời giám rút 5 tỷ đồng mua xe cho mình vượt 3 tỷ đồng. Đây là sự lãng phí ghê gớm, rõ ràng là hành vi cố ý làm trái và hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can được. Thế mà TTCP lại đang có ý thuận theo đề xuất của EVN để EVN hạch toán số tiền vượt 3 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế là của DN; nhưng của DN như EVN cũng tức là của nhân dân, của nhà nước và của CBCNV EVN chứ đâu phải là cái túi để ai làm sai cũng có thể thò tay vào mà "hạch toán". Như vậy có phải là phạt cho tồn tại không ? Có phải là xử lý nội bộ, hợp thức hoá sai trái không ? Như vậy có phải vô hiệu hoá tất cả nỗ lực của Đảng, Chính phủ và Quốc hội trong phòng chống lãng phí không ? Các vị Đại biểu Quốc hội, các vị lãnh đạo Quốc hội lâu nay cứ ca thán rằng lãng phí nguy hại không thua gì tham nhũng, thậm chí còn nguy hiểm hơn chỉ tiếc là không có bằng chứng để xử lý. Đây, theo các vị đã phải là bằng chứng chưa ? Nếu không xử lý vụ này thì các vị có cho rằng quy định hạn mức mua xe để phòng chống quốc nạn lãng phí cũng chỉ là trò hề mị dân không? Theo ngu ý của người viết, phải xử lý hình sự, đồng thời giao lại xe này cho 2 vị, yêu cầu 2 vị trả lại EVN tiền đã bỏ ra để mua xe và phần lãi suất tương ứng với số tiền vượt 3 tỷ kể từ lúc mua xe đến nay. Đó cũng mới chỉ là thiệt hại bé nhất mà 2 vị đã gây ra cho EVN theo quy định của Nhà nước. Đáng tiếc là TTCP mới chỉ phát hiện được 2 xe tại Tổng hành dinh EVN và vài ba xe tại Tổng Công ty điện lực miền Nam. Còn thông tin mà báo chí có được phải hơn 200 xe, tức là nếu tính nhẩm cũng vượt chi (chi sai chế độ) khoảng ít nhất 500 tỷ đồng. Một DNNN mà như vậy, hèn gì mà Chính phủ không chạy đôn chạy đáo xin nâng mức trần bội chi ?.

Lại bàn tiếp về sân tennis, bể bơi và biệt thự. Người viết có cơ sở để tuyệt đối tin rằng chúng được hạch toán thẳng vào giá điện. Không bao giờ có chuyện một hạng mục đầu tư trong toàn bộ công trình được tách ra để dùng phúc lợi đầu tư. TTCP hơn ai hết hiểu rõ dự án đã được thanh quyết toán và đã được tính khấu hao cũng tức là đã vào tiền điện của dân. Làm gì có chuyện TTCP không nắm chắc chuyện đó. Thế mà Ông Phó tổng TTCP vẫn cứ ỡm ờ, câu giờ tìm cách để để EVN giải trình. Phải chăng TTCP đang định hành xử theo lối "Trời mưa to coi như trời mưa nhỏ và trời mưa nhỏ coi như trời không mưa?". Đến lượt EVN, sự ngây ngô đã đến mức thảm hại, hoặc sự dối trá, lần khân, thách thức dư luận đã đến mức tột đỉnh, khi Ông Chủ tịch cứ như không. Trả lời báo chí tối 8/10/2013, Ông cho rằng "Những nội dung trong đó (trong KLTT) nếu là người trong ngành cũng không thấy sai phạm lớn. Tuy nhiên có thể có những ý cần nói thêm để người dân hiểu". Rồi Ông còn nói thêm: "Tôi nghĩ kết luận thanh tra không có vấn đề gì. Nhưng do kết luận không thể dài quá nên có những điểm ngắn gọn diễn đạt người trong ngành có thể hiểu, nhưng người dân bình thường có thể chưa." Thế nào thì mới hiểu được ngành điện nhỉ ? Sai phạm rành rành ra đấy mà còn nói vòng vo, lấp liếm và dối trá rằng không có gì, rằng chúng tôi không hạch toán vào giá thành điện...Nguy hiểm hơn, cách nói của Ông Chủ tịch EVN có thể dấn đến thảm hoạ truyền thông giống hệt như thảm hoạ truyền thông của Thuỷ điện sông tranh 2 ngày nào. Tức là sẽ đến lúc mọi điều EVN nói ra đều bị người dân nghi ngờ là dối trá.

Một điểm khác gây rúng động không không kém, ấy là khi Ông Phó TTCP Ngô Văn Khánh thật thà thốt ra: "Thật ra số tiền mấy nghìn tỉ không có chuyện mất mát đi đâu. Cho đến nay chúng tôi vẫn khẳng định không có cơ sở nói mất mát, tham nhũng mà bản chất nó là đúng hay sai so với quy định. Cái nội dung mà tôi bỏ đi, tôi có đầy đủ cơ sở để nói việc đó." Chao ôi, mấy nghìn tỷ chưa rõ đúng sai mà đã vội vàng hoá kiếp cho nó. Chưa rõ đúng qui định hay không mà đã giám nói không mất mát tham nhũng. Chắc chỉ TTCP và EVN cùng với nhóm nào đấy mới to gan và tài tình đến vậy. Ông Khánh còn giải thích để báo chí hiểu hàm ý việc loại 6.500 tỷ do sai phạm trong kết luận cuối năm 2012 và kết luận mới đây do Ông ký là chuyện bình thường, theo kiểu nhận thức là một quá trình...Về mặt hình thức thì có thể cho là như vậy. Nhưng khi nghe Ông Khánh giải thích tiếp rằng "Toà án hôm nay xét xử, án rất rõ ràng thông qua một quá trình thu thập thông tin chặt chẽ nhưng đến phiên xử sau có khi thay đổi hoàn toàn. Bởi vậy sự khác nhau giữa kết luận thanh tra với dự thảo là chuyện rất bình thường" thì người viết cho rằng Ông Khánh hoặc hiểu rất lơ mơ về pháp luật hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận con đen. Ông Khánh có hiểu toà là "Nhân danh nước Cộng hoà XHCN Việt nam..." không, để đến được toà là có cả hệ thống giám sát công khai và minh bạch. Còn TTCP thì nhân danh ai ? Chẳng lẽ...Không thể so sánh như thế được Ông Khánh ạ.

Rồi đây công luận sẽ có dịp mục sở thị văn bản giải trình của EVN. Người viết tự nghĩ, nếu EVN giải trình được biệt thự, bể bơi, sân tennis thực sự EVN không đưa vào giá điện, Xe vượt tiêu chuẩn gấp 2,5 lần là không có gì, số lao động để tính lương cao gấp rưỡi lao động làm việc thực tế (Cao hơn cả mấy công ty công ích mà giám đốc lương 2,6 tỷ/năm) là theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và xã hội và nhiều vấn đề khác một cách hợp lý thì chắc chắn khoa học về kinh tế sẽ phải lập ra môn học: "Giải trình", Thuỷ tổ của môn học là EVN, adua, sát cánh xây dựng chương trình , giáo trình lại là TTCP.

Lâu nay, mỗi người dân Việt đều lo lắng cho vận mệnh quốc gia trước sự tàn phá khủng khiếp của tham nhũng, lãng phí. Rất, rất nhiều người không hiểu vì sao không phát hiện được tham nhũng lãng phí, rằng có tham nhũng trong đội ngũ những người chống tham nhũng không, vì sao thanh tra nhiều mà chẳng phát hiện được vụ việc nào cả...Có lẽ đây cũng chính là một câu trả lời. May sao còn thấy chút ánh sáng cuối đường hầm khi Bộ trưởng Bộ Công an và Tổng Cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát điều tra đã có những động thái điều tra ban đầu. Hy vọng lắm thay.

Lan Anh

No comments: