Blogger Widgets

Wednesday, October 9, 2013

Đại tướng đã trải qua không ít gian truân

QLB  -"Ông đã vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng cũng trải qua không ít gian truân. Vào những lúc đó, ông vẫn giữ trọn niềm tin để vượt qua mình và vượt qua khó khăn một cách kiên nhẫn, bình tĩnh. Người ta sẽ phải nhớ tới thế hệ vàng thời Hồ Chí Minh bởi những con người như thế" - GS Phan Huy Lê.

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả những câu chuyện về cuộc đời, nhân cách, tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua chia sẻ của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Hình tượng quá khứ huy hoàng
Thưa Giáo sư, trong những ngày này, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến cả dân tộc đau buồn, tiếc thương. Nhưng nhiều người vẫn không khỏi ngạc nhiên với nỗi đau xót mà lớp trẻ bày tỏ trước nỗi mất mát này. Vậy phải lý giải tâm lý này thế nào, thưa ông?

- GS Phan Huy Lê: Lúc đầu tôi cũng thấy lạ, tại sao lớp trẻ lại xúc động và thương tiếc Đại tướng đến như vậy, phải hiểu tâm lý của lớp trẻ như thế nào đây? Sau khi suy nghĩ, nhất là có dịp tiếp xúc với sinh viên, tôi thấy có thể tạm lý giải như thế này.

Dường như đối với lớp trẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hình tượng trong quá khứ huy hoàng, một biểu tượng cao đẹp mà ở đó lớp trẻ thấy được ước vọng của mình là đúng, là chính đáng và có thể thực hiện.

Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lớp trẻ nhận ra không chỉ một vị anh hùng lẫy lừng với những chiến công mà là một biểu tượng của những gì tốt đẹp, đáng trân quý nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là Biểu tượng của ý chí Độc lập Tự do, của Nghị lực và Trí tuệ sáng tạo của dân tộc, Biểu tượng của một con người suốt đời sống và chiến đấu vì Dân, vì Nước. Qua những biểu tượng đó nơi Đại tướng, lớp trẻ như tìm lại được niềm tin và lẽ sống của mình.

Quả thật, suốt thế kỷ 20, tại Việt Nam đã diễn ra biết bao nhiêu sự kiện lớn, ghi nhận biết bao nhiêu con người. Nhưng lắng đọng lại chỉ là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp - hai biểu tượng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Đó là ý của GS Trần Văn Giàu phát biểu nhân sinh nhật lần thứ 90 của Đại tướng năm 2001.

Đại tướng: "Không có Bác Hồ, không có tôi"

Xin phép được hỏi Giáo sư một câu có tính cá nhân, có điều gì mà ông sẽ luôn nhớ khi nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

- Dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn bảo ông làm sử không chuyên nghiệp như chúng tôi, nhưng làm việc với ông mới thấy, ông là một nhà sử học lớn, nhà sử học bậc thầy, làm việc hết sức cụ thể, chi tiết, đúng tư duy và phong cách nhà sử học.

Cái ông quan tâm đầu tiên là phải tìm bằng được tư liệu, biết giám định tư liệu. Thứ hai là ông rất tôn trọng những khái niệm đã từng được khái quát và sử dụng trong các thời kỳ lịch sử, luôn lật đi lật lại để tìm hiểu cách giải thích cho đúng. Mọi ý khái quát đều phải chứng minh bằng tư liệu.

Ông từng bảo tôi rằng, "Cái rất gần giữa quân sự với sử học là phải coi trọng sự thật. Sử mà không coi trọng sự thật không còn là sử, quân sự mà không coi trọng sự thật thì thất bại ngay lập tức".

"Phải tôn trọng sự thật", ông nhắc đi nhắc lại "dù là sự thật cay đắng nhất cũng phải chấp nhận, từ sự thật đó mới tạo được thành công".

"Ông cũng trải qua không ít gian truân"

Trên một số phương tiện truyền thông phương Tây, khi đề cập đến những chiến thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhà báo đã gọi đó là "chiến thắng bằng mọi giá". Thưa GS, phải hiểu vấn đề này thế nào cho đúng?

- Đấy là điểm mà tôi không đồng tình với Cecil B. Currey, một tác giả người Mỹ của cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - chiến thằng bằng mọi giá". Cuốn sách có nhiều phân tích sâu sắc, đánh giá trân trọng, nhưng kết luận như thế là không hiểu đúng về Võ Nguyên Giáp.

Mục tiêu của ông là giành bằng được độc lập tự do cho đất nước. Nhưng ông ý thức sâu sắc phải giành thắng lợi bằng cách ít tổn thất nhất cho quân đội và nhân dân.

Khi quyết định một chiến dịch, một trận đánh, ông tính toán rất kỹ thắng lợi và tổn thất, tính đến từng sinh mạng, từng giọt máu của quân sĩ và nhân dân. Hồi ký của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã nêu lên nhiều chứng minh về tinh thần này. Đó chính là truyền thống quân sự Việt Nam, là tính nhân văn và trách nhiệm cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tính nhân văn đó xét cho cùng xuất phát từ ý thức về sự tồn vong của dân tộc, một nước không lớn chống lại sự xâm lược của những thế lực hùng mạnh bậc nhất của thời đại.

Một ví dụ điển hình là khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh ở trận Điện Biện Phủ. Nếu theo cách "đánh nhanh thắng nhanh" của cố vấn Trung Quốc thì hy sinh khủng khiếp mà chưa chắc đã giành thắng lợi. Đại tướng đã kiên quyết thay đổi phương châm tác chiến, chuyển sang "tiến chắc, đánh chắc". Phải mất thêm hai tháng để chuẩn bị, nhưng nhờ đó mới giành được thắng lợi oanh liệt và ít tổn thất như thế.

Xoay chuyển cục diện và nhận thức, dám chịu trách nhiệm, là tài năng và bản lĩnh của một vị Tổng tư lệnh mưu lược.

Những bạn trẻ trong dòng người viếng Tướng Giáp trên đường Hoàng Diệu. Ảnh: Phạm Hải

GS đã từng nêu quan điểm, để lý giải vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể tạo nên nhiều kỳ tích như vậy, và được nhân dân Việt Nam và cả nhân dân thế giới yêu quý đến vậy, phải nhìn ông dưới góc độ con người. Liệu GS có thể nói rõ hơn về quan điểm này được không?

- Những người từng tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều có cảm nhận sâu sắc, dù chỉ một lần. Một vị tướng lừng danh, công lao lẫy lừng nhưng lại là một con người sống cực kỳ bình dị. Sự bình dị toát ra từ con người, không có gì che đậy, ông hết sức khiêm tốn, giản dị, đôn hậu từ cái nhìn tới khi nói chuyện, nói chuyện về mình hay nói chuyện về người khác.

Cứ khi nào người ta khen ông, ông đều nói: "Trước hết là nhờ Bác Hồ, không có Bác Hồ thì không có tôi. Tiếp theo là nhờ quân dân ta. Mình tôi thì làm được gì".

Hay ông từng tâm sự rất chân thành: "Nhiều khi tôi thấy cũng lạ, người ta khen tôi nhiều quá. Nhưng thực ra tôi nghĩ đơn giản, tôi xem lại lịch sử từng làm như thế nào, bàn trong Bộ Chính trị, sau đó trở thành tư tưởng chỉ đạo. Việc của tôi chỉ là cụ thể hóa ra thành kế hoạch. Nhưng cái nâng tôi lên là sự thực hiện của quân dân, ví dụ việc dùng súng trường bắn máy bay, bố trí trận địa pháo ở Điện Phiên Phủ trên không... Họ sáng tạo, sáng tạo liên tục, vượt qua sự bình thường của lịch sử, có nhiều điều tôi không hề nghĩ tới. Chính nhờ thế mà tôi trưởng thành hơn và sáng tỏ hơn nhiều vấn đề".

Chính ông đã nghiệm ra, người Việt Nam có sức mạnh sáng tạo tiềm tàng nếu phát huy được sẽ đưa tới thành công. Về sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời về câu hỏi của nhiều nhà báo phương Tây: "Vì sao Việt Nam thắng được Mỹ ?", rằng: "Sở dĩ ông không hiểu vì sao Việt Nam có thể chiến thắng Mỹ là vì chính người Mỹ không hiểu được người Việt Nam".

Điểm quan trọng nhất tạo nên ý chí, nghị lực và niềm tin phi thường của con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự toàn tâm, toàn ý vì dân vì nước, vì độc lập dân tộc. Đó là nền tảng cơ bản tạo nên động lực, động cơ của vị đại tướng nhân dân, mà chỉ ở thế hệ ấy mới gặp được những con người tiêu biểu như vậy.

Trở lại trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam với lực lượng ban đầu gần như từ con số 0, vũ trang cho quân đội vô cùng thô sơ vậy mà đã trưởng thành và chiến thắng được hai kẻ thù hùng mạnh bậc nhất thế giới. Thử hỏi nếu không có một động cơ cực kỳ trong sáng, một niềm tin sắt đá, một trí tuệ sáng tạo, một tài năng mưu lược kiết xuất nâng tầm con người lên, vượt qua được mọi trở ngại tưởng chừng không vượt qua thì liệu có ai thậm chí dám nghĩ tới hoài bão đó?

Suốt cả cuộc đời Đại tướng đã sống như thế, mọi người đều biết.

Ông đã vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng cũng trải qua không ít gian truân. Vào những lúc đó, ông vẫn giữ trọn niềm tin để vượt qua mình và vượt qua khó khăn một cách kiên nhẫn, bình tĩnh. Người ta sẽ phải nhớ tới thế hệ vàng thời Hồ Chí Minh bởi những con người như thế.

Vậy đâu là những nét riêng, độc đáo của tướng Giáp, kể cả trong tương quan so sánh với những tướng lĩnh lừng danh thế giới khác?

- Thứ nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra không phải để làm quân sự. Xuất thân là một nhà báo, một cử nhân luật học, một thầy giáo dạy Sử, ông không hề chủ tâm nghiên cứu về quân sự. Thời gian dạy Sử, ông mê nghiên cứu về Napoleon và cách mạng Pháp, như cách một nhà làm sử nghiên cứu lịch sử chiến tranh, chứ không có một sự chuẩn bị gì để bước vào đường binh nghiệp cả.

Như chính tướng Giáp đã nhiều lần khẳng định, không có Hồ Chủ tịch thì không có ông, bởi chính Hồ Chí Minh đã nhận ra tài năng tiềm ẩn của Võ Nguyên Giáp, tin tưởng giao trọng trách lớn. Lẽ ra Võ Nguyên Giáp được cử sang Diên An, Trung Quốc để học quân sự, nhưng chưa kịp học thì thấy tình hình thế giới chuyển biến quá nhanh nên Cụ Hồ lại gọi tướng Giáp về.

Sau này khi được hỏi, "Khi được Cụ Hồ giao nhiệm vụ về quân sự, Đại tướng có đọc sách về binh thư như Binh pháp Tôn Tử không?", Đại tướng trả lời: "Lịch sử phương Tây thì tôi biết, Napoleon thì tôi rất thích, lịch sử Việt Nam tôi hiểu cũng khá nhưng Binh pháp Tôn Tử thì tôi chưa hề đọc. Tôi biết nhưng không đọc. Chỉ khi tổng kết chiến tranh tôi mới nghiên cứu".

Trước khi bước vào binh nghiệp, Võ Nguyên Giáp không hề qua một trường võ bị nào cũng không chuận bị hành trang để hoạt động quân sự. Thế mà ông đã trở thành một vị tướng lừng danh, một nhà chiến lược quân sự tầm thế giới. Phải thừa nhận đó là tài năng mang tính chất bẩm sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thứ hai, rất đặc biệt, trên thế giới rất hiếm xảy ra, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà quân sự vừa là nhà sử học, nên ông vừa làm sử vừa viết sử. Những cuốn hồi ký của ông được viết theo một cách đặc biệt, thể loại hồi ký nhưng quan sát của người viết luôn đặt trong cách nhìn toàn cục của một vị thống soái. Đó là kiểu hồi ký mang tính chất lịch sử, vì thế, đó chính là những cuốn lịch sử sinh động bậc nhất về hai cuộc kháng chiến.

Thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị thống soái lừng danh duy nhất tính tới thời điểm này thọ trên 100 tuổi. Trước đây, nói đến các vị tướng soái trường thọ ở Việt Nam, người ta hay nhắc đến Lý Thường Kiệt - thọ 96 tuổi, 95 tuổi vẫn cầm quân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vượt qua Lý Thường Kiệt, hưởng thọ 103 tuổi.

3 comments:

louielamson2000 said...

Tuong Giap qua doi!

Giap di o chon Ba Dinh
Giap ve sau bao Quang Binh xac xo.(bao so 10)
Viet Nam dang cuop giac mo
Dat nuoc tut hau bao gio doi thay?
Giap, Ho, Dong, Duan dang nay
Day dua dan toc den ngay diet vong…
Giap di, Giap ve, Giap Qua Con Me.

Thang muoi (4-10-2013) Tuong Giap qua doi
Mua thu Ha Noi dat troi ra sao?
Quang Binh bao lon ap vao
Thua Thien, Quang Tri dong bao kho dau…

Thang muoi (10-2013) con bao so 10
Mien Trung Xu Quang dem ngay ta toi
Gio mua chuyen dong dat troi
Quang Binh nha cua toi boi tan hoang…

Anonymous said...

Những kẻ thần kinh không bình thường mà lại ko nói chỉ sủa thôi thì người ta cũng coi như chó dại, ông cũng là 1loại người giống như thế đấy, nhưng chắc là ông cũng ko biết vì lên cơn dại qúa nặng hết thuốc chữa rồi thật đáng thương

Anonymous said...

bác bàn tay bác đã tiên tri giáp với cái vòng tròn định mệnh oan nghiệt sẻ gắn bó với hình tam giác thiên định thiên thu vạn đại