Blogger Widgets

Friday, September 20, 2013

Tình tiết bất ngờ về thân thế Võ Tắc Thiên

QLB  - Có quan điểm rằng, dân gian đã “tô hồng” thân thế của Võ Tắc Thiên cho xứng danh hoàng đế. Bởi thực tế, bà chỉ là con gái của một nhà buôn.

Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Kể từ khi bà qua đời (16/12/705) tới nay đã hơn 1.300 năm, nhưng cuộc đời bà vẫn còn đó những bí ẩn khó giải, “đánh đố” giới sử học và nghiên cứu trong ngoài nước Trung Quốc.

Võ Tắc Thiên được biết đến là người phụ nữ có tài biến hóa quyền thuật. Không chỉ nổi bật trong lĩnh vực chính trị, Võ hậu còn có tài thơ phú, thư pháp. Xung quanh cuộc đời bà, từ lúc sinh ra tới khi xưng danh Hoàng đế và qua đời tồn tại biết bao giai thoại ly kỳ, hư hư thực thực.

Chân dung Võ Tắc Thiên.
Có lẽ trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, hiếm có người đàn bà nào bạo gan và quyết đoán như Võ Tắc Thiên. Bà vào cung từ tuổi 13 (năm 637), lên làm vua năm 66 tuổi (năm 690) và qua đời ở tuổi 81 (năm 705). Không chỉ hớp hồn cả hai cha con Đường Thái Tông và Đường Cao Tông, bà còn đường đường chính chính trở thành vợ của cả hai vị vua này. Cũng chính bà đã khuynh đảo triều chính, một tay nắm trọn thiên hạ và lập ra triều đại của riêng mình, đó là nhà Võ Chu, cai trị dưới danh hiệu Thánh Thần Hoàng Đế từ năm 690 đến năm 705. Một con người dám phá lệ và lề thói phong kiến để làm những việc tày trời như vậy quả là độc nhất vô nhị ở Trung Quốc.

Đầu tháng 5/2013, các nhà sử học Trung Quốc đã cho công bố một số tư liệu mới xung quanh cuộc đời của vị nữ hoàng này, giúp hậu thế giải mã thêm những bí ẩn về Võ Tắc Thiên.

Võ Tắc Thiên, người Hán, quê ở huyện Văn Thủy, tỉnh Sơn Tây. Nhưng bà sinh ra tại huyện Lợi (nay là thành phố Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên) vào ngày 17/2/624. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn truyền tụng giai thoại thú vị về sự ra đời của bà. Chuyện kể rằng, một hôm, mẹ Võ Tắc Thiên đang dạo chơi bên bờ hồ Long Đàm, bỗng nhiên mây đen bao phủ, một con rồng từ hồ nước bay vụt lên quấn quanh người bà. Sau hôm đó, bà mang thai và sinh hạ được một người con gái. Đứa trẻ đó chính là Võ Tắc Thiên. Giai thoại này muốn khẳng định Võ Tắc Thiên là “con Trời”, nên việc bà xưng đế chẳng có gì lạ. Ngay từ nhỏ, trông bà đã sắc nước nghiêng thành, thông minh lanh lợi hơn người.

Còn quê quán của Võ Tắc Thiên ở đâu? Trong dân gian truyền lại những tư liệu khác nhau. Bởi vậy, đây cũng là một đề tài mà các nhà nghiên cứu lịch sử tranh luận không ngớt.

Có ba giả thuyết về quê quán của Võ Tắc Thiên. Một số người cho rằng, quê bà ở Tinh Châu (nay là Văn Thủy, tỉnh Sơn Tây). Một số khác lại cho rằng, quê Võ hậu ở Trường An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây). Lại có quan điểm cho rằng, quê bà hoàng ở Lợi Châu (nay là tỉnh Tứ Xuyên) vì có bài thơ “Lợi Châu Giang Đàm Tác” của Lý Thương Ẩn đời nhà Đường, trong đó có câu “Cảm dục kim luân sở”, “Kim Luân Thánh Vương” được nhà thơ chú thích ở phía dưới là Lợi Châu, “Kim Luân Thánh Vương” tức Võ Tắc Thiên.

Theo các nhà sử học và khảo cổ học, thì cả ba địa phương trên đều có liên quan tới Võ Tắc Thiên. Sơn Tây là quê cha đất tổ, Tây An là nơi cha Võ Tắc Thiên tới dựng cơ nghiệp, còn Tứ Xuyên là nơi Võ Tắc Thiên lớn lên và sống thời niên thiếu.

Riêng về phần gia đình, gốc tích cha mẹ của Võ Tắc Thiên, trong dân gian cũng có nhiều truyền thuyết. Qua một số văn vật khi khai quật và khảo cứu từ ghi chép lịch sử, các nhà sử học cho rằng cha của Võ Tắc Thiên là ông Võ Sĩ Hoạch.

Gia đình Võ Sĩ Hoạch có 4 anh em trai, trong đó Võ Sĩ Hoạch là con trai thứ 4. Cha mẹ đều là nông dân chát phác, nghèo nàn. Ba người anh hiền lành, chân chất nên yên phận là nông dân quê mùa. Còn Võ Sĩ Hoạch không cam chịu cảnh sống nghèo khổ, nên có chí bỏ nhà theo dân buôn gỗ nay đây mai đó với hy vọng đổi đời để có cuộc sống khá giả, sung sướng hơn.

Thời đó vua Tùy Dạng Đế đời nhà Tùy là một ông vua có chí lớn và tầm vóc chiến lược, cũng là người yêu thích kiến trúc, nên đã cho xây dựng nhiều cung điện nguy nga, nhất là xây cung điện ở Lạc Dương. Chính nhu cầu về gỗ quý để xây dựng cung điện đã khiến anh chàng buôn gỗ Võ Sĩ Hoạch có cơ hội làm giàu và tiếp cận với giới quyền quý. Thời phong kiến, thương nhân bị khinh bỉ, nên sau khi giàu có Võ Sĩ Hoạch đã đổi thân phận mình để thành lớp quí tộc danh giá trong xã hội. Cũng nhờ vậy mà sau này, con gái ông là Võ Chiếu – tức Võ Tắc Thiên dễ dàng được tiến cung.

Như vậy, vì quan niệm khinh rẻ tầng lớp thương nhân buôn bán thời phong kiến, nên trong dân gian mới dựng lên giai thoại Võ Tắc Thiên là nòi giống của Rồng, Tiên như trên đã đề cập nhằm “tô hồng” xuất thân của bà.

Cuốn sử “Cựu Đường Thư” của Nhà Đường chép rằng: Năm 637 khi Võ Tắc Thiên 13 tuổi thì vua Đường Thái Tông (tức Lý Thế Dân) nghe nói ở vùng Tứ Xuyên có người con gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành, lại thông minh tài giỏi hơn người, nên đã sai quân tới đó tuyển về làm cung nữ trong cung. Khi thấy Võ Tắc Thiên quả như lời đồn đại, vua phong hàm “Ngũ phẩm tài nhân”, đặt tên là “Võ Mị” và hết mực yêu chiều. Khi từ biệt mẹ vào cung, Võ Tắc Thiên nói: “Phụng mệnh thánh chỉ vào cung, đây chẳng phải là phúc hay sao mà mẹ cứ khóc mãi. Phải cứng rắn lên!”.


Ảnh minh họa.

Kể từ khi vào cung, Võ Tắc Thiên đã tìm mọi cách làm hài lòng vua, từ chuyện ân ái tới những việc khác trong cung. Khác với đám cung tần, mỹ nữ chỉ biết ngoan ngoãn phục tùng, Võ Tắc Thiên vô cùng chủ động trong chốn phòng the để vua hài lòng. Nhờ vậy, bà được hoàng đế hết mực yêu chiều. Đường Thái Tông có con ngựa quý màu hoa là Hổ Tử Thông, nhưng rất bất kham, chưa ai thuần phục được. Võ Tắc Thiên liền tâu: “Thiếp có thể thuần được! Nhưng phải có ba đồ vật. Một là, roi sắt. Hai là, chiếc gậy bằng sắt. Ba là, con dao găm”. Bà dùng roi sắt đánh ngựa, nhưng ngựa vẫn không phục, tiếp đó bà dùng gậy sắt đập vào đầu ngựa, ngựa vẫn không phục. Bà liền rút dao găm đâm vào cuống hầu ngựa”. Vua thấy vậy sợ quá, liền lệnh thôi không thuần ngựa nữa.

Khi Võ Tắc Thiên vào cung thì Đường Thái Tông tuổi đã cao, sống chẳng được là bao, nên bà phần nào dự cảm được tương lai ảm đạm của mình. Một khi vua qua đời, Võ Mỵ Nương chắc chắn sẽ bị đuổi khỏi cung, trở về làm thường dân. Vì vậy, ngay từ khi còn là “tài nhân” (tức Vương Phi) và đang được Đường Thái Tông sủng ái, Võ Tắc Thiên đã nghiên cứu rất kỹ con người Lý Trị, con trai Đường Thái Tông – người sẽ kế vị ngai vàng. Võ Tắc Thiên phát hiện thấy Lý Trị thô bạo, vũ phu, nhưng lại rất thích cái đẹp và ham của lạ. Ngay từ lúc ấy, Võ Tắc Thiên đã cố ý làm duyên làm dáng, ve vãn Lý Trị, thậm chí lén lút ân ái tư thông, khiến vị thái tử này chết mê chết mệt. Không khó lý giải tại sao sau khi Đường Thái Tông băng hà, Đường Cao Tông Lý Trị lên ngôi, Võ Tắc Thiên lại nghiễm nhiên trở thành hoàng hậu.

Đường Cao Tông là người ốm yếu, nhất là từ năm 660, ông hoàng này thường lâm bệnh, nên giao mọi việc triều chính cho Võ Tắc Thiên quyết định. Vì vậy, sử sách nhà Đường chép rằng: “Các quần thần tấu sự, mọi việc hoàng hậu đều thay vua quyết đinh”. Vì vậy, dân chúng có câu: “Cao Tông là Thiên Hoàng, Tắc Thiên là Thiên Hậu” và gọi là “Nhị thánh” trong cung. Hai chữ “Tắc Thiên” có nghĩa: “Tắc” là phép tắc, tức pháp luật. “Thiên” là trời, tức Võ Tắc Thiên là người “thay trời hành đạo”.

Đường Cao Tông mất vào năm 683 khi Võ Tắc Thiên đã 59 tuổi. Kể từ đây, Võ hậu một tay nắm trọn triều chính. Tới năm 690, Võ Tắc Thiên chính thức lên ngôi hoàng đế, cùng với đó là động thái nhường ngôi của Đường Duệ Tông. Bà liền đổi tên nước từ “Đại Đường” thành “Đại Chu” và đóng đô ở Lạc Dương (tỉnh Hà Nam ngày nay).

Tương truyền, Võ Tắc Thiên là bà hoàng trụy lạc bậc nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc. Dù khi lên ngôi, Võ Mị Nương đã ngoại lục tuần nhưng vẫn tiến hành tuyển chọn “tú nam” ở tuổi 20 – 30 vừa đẹp trai, vừa mạnh khỏe, cường tráng để đáp ứng nhu cầu tình dục của mình. Năm 698, Võ Tắc Thiên lập ra Viện Khống hạc giám để tuyển chọn trai tân trong khắp thiên hạ. Thực tế, bà hoàng đã chọn được hơn 3.000 thanh niên để phục vụ nhu cầu giường chiếu của mình. Những trang nam nhi nổi danh thời đó rất được Võ hậu sủng ái phải kể đến Tiết Hoài Nghĩa, Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông, Thẩm Nam Đàn, Liếu Lương Tân... Kẻ nào giới thiệu cho bà những “tú nam” nổi trội, khiến bà hài lòng, đều được trọng thưởng. Đáng lưu ý là công chúa Thái Bình đã trợ giúp đắc lực cho mẹ trong khâu tuyển chọn “tú nam”, thậm chí nàng ta còn được hưởng đặc quyền kiểm tra thực tế khả năng giường chiếu của những ứng viên này.

Chuyện “chướng tai gai mắt” này của bà hoàng bị các quan trong triều phản đối kịch liệt, nhưng hễ ai công khai phản đối là bị Võ Tắc Thiên truất bỏ, thậm chí chém đầu.

Đầu tháng 5/2008, khi các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện và khai quật mộ Võ Tắc Thiên tại Huyện Càn cách 80km về phía Tây Bắc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, họ đã tìm được hơn 500 tấn văn vật trong mộ. Việc tìm ra mộ phần và các cổ vật trong mộ Võ Tắc Thiên đã giúp các nhà sử học xác định được nhiều thông tin xung quanh thân thế, sự nghiệp của vị nữ hoàng này. Điều lý thú là khi khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện thấy Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên cùng hợp táng ở tầng ngầm sâu cuối cùng của lăng mộ.

Đây là khu lăng mộ duy nhất ở Trung Quốc từ trước tới nay không bị đào bới ăn cắp của cải. Mộ của Đường Thái Tông Lý Thế Dân được chôn cất ở khu đối diện với Càn Lăng, nhưng sau đó bị hỏa hoạn thiêu trụi, vì vậy phải dời xuống phía chân núi, nên dân chúng quen gọi là “Hạ Lăng”.

Khu lăng tẩm này có ba cửa Đông, Bắc, Tây. Ba cửa này có kết cấu giống nhau, đều có các đài tế lễ trước cửa cung điện, có hành lang đặt vũ khí gươm giáo và cửa cung điện. Tại cửa phía Bắc, các nhà khảo cổ phát hiện thấy rất nhiều ngựa đá, hổ đá, tảng đá trạm trổ điêu khắc, trong đó hổ đá đặc trưng của đời Đường vẫn còn nguyên vẹn. Khu lăng tẩm có quy mô rất lớn với những bức tường bao quanh được xây theo hình vuông rất vững chắc, mỗi cạnh có chiều dài tới 380 mét vuông.

Viện trưởng danh dự Viện nghiên cứu khảo cổ tỉnh Thiểm Tây - ông Thạch Hưng Bang cho biết, qua những văn vật khai quật được trong mộ cho thấy, thời kỳ Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên trị vì là thời kỳ hưng thịnh nhất của triều đại nhà Đường. Khi Đường Cao Tông chết, giá trị của vật tùy táng quí báu chôn theo vua chiếm tới 1/3 tài chính của cả nước. Hơn 20 năm sau, khi Võ Tắc Thiên qua đời, triều đình cũng chôn theo số báu vật trị giá tới 1/3 tài chính của cả nước trong mộ bà.

Kiều Tỉnh - Kiến thức

No comments: