Blogger Widgets

Wednesday, September 18, 2013

Biển Đông như ung nhọt đang “mưng mủ”

QLB  - Trong khi mọi con mắt đang đổ dồn về tình hình Syria và đây là điều dễ hiểu, thì hòa bình được gìn giữ ở Châu Á trong suốt 3 thập kỷ qua cũng đang từ từ bị xói mòn. Biển Đông – nơi đang chứng kiến các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt – tiếp tục “mưng mủ”, có thể bung ra bất kỳ lúc nào. Một tương lai bất ổn đang đợi Châu Á ở phía trước nếu các cuộc tranh chấp không được giải quyết ổn thỏa.

Ảnh minh họa
Quan hệ Trung Quốc-Philippines rõ ràng đang rơi tự do. Vào cuối tháng 8, Bắc Kinh gây ồn ào khi phũ phàng từ chối chuyến thăm của Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Tiếp đó, hồi đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Philippines trưng ra một loạt bằng chứng tố cáo Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một công trình ở bãi cạn Scarborough. Nếu lời tố cáo này là sự thật thì đây là bước đi đánh dấu sự vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) được Trung Quốc ký kết với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002. Manila sau đó đã triệu hồi Đại sứ của nước này ở Trung Quốc về nước để tham vấn, bàn bạc về sự việc.

Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp quyết liệt bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Bãi cạn này nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Kể từ sau khi xảy ra cuộc chạm trán giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm ngoái ở bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã cho tàu thuyền phong tỏa nơi này bất chấp sự phản đối quyết liệt của phía Manila. Trung Quốc trên thực tế đang nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Gần đây Philippines đã đưa ra một loạt bức ảnh cho thấy Trung Quốc rải hàng chục khối đá bê tông xuống bãi cạn Scarborough – một động thái được cho là bước đi chuẩn bị cho một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây nhằm khẳng định chủ quyền.

Và Trung Quốc không phải là lực lượng duy nhất tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Cũng vào thời điểm hồi đầu tháng 9, giới quan chức Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan đã ngang nhiên thông báo kế hoạch chi hơn 100 triệu USD để xây dựng một cảng có thể đón tàu chiến ở trên đảo Ba Bình – hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chưa hết, kế hoạch của VLT Đài Loan còn bao gồm cả việc nâng cấp một đường băng trên hòn đảo này. Đây là hành động vi phạm trắng trợn thêm nữa chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa của phía Đài Loan trong thời gian gần đây.

Theo thông báo của Đài Loan, vùng lãnh thổ này có dự định đầu tư 112 triệu USD để xây dựng một cảng biển có thể đón nhận những chiếc tàu chiến. Kế hoạch này là một phần trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài 3 năm trên hòn đảo Ba Bình của Việt Nam. Giới chức Đài Loan cho biết, cảng lớn mà họ định xây dựng ở đảo Ba Bình sẽ được hoàn thiện vào năm 2016.

Như vậy cùng với Trung Quốc, VLT Đài Loan đang góp phần làm cho “sóng gió” ở Biển Đông thêm dữ dội. Các nước khác có tranh chấp ở Biển Đông không thể không tự hỏi, liệu Bắc Kinh và VLT Đài Loan có phải đang bắt tay nhau trong các bước đi ở Biển Đông. Trên thực tế, Trung Quốc và VLT Đài Loan đang theo đuổi những mục đích riêng và hoạt động riêng rẽ.

Mặc dù gần đây ASEAN và Trung Quốc đã ngồi lại với nhau để bàn bạc, tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc nhằm quản lý, kiểm soát các cuộc tranh chấp, không để chúng vượt ra khỏi tầm kiểm soát nhưng sự chia rẽ trong ASEAN cùng những hoài nghi về sự chân thành của phía Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông không hề “êm” đi.

Trung Quốc đang có tranh chấp ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và VLT Đài Loan. Tuy nhiên, giữa 4 nước ASEAN có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông lại không tìm được tiếng nói chung. Malaysia được cho là đang nghiêng về phía Trung Quốc. Với diễn biến như thế này, người ta không ngạc nhiên khi Trung Quốc tìm cách trì hoãn tiến trình tiến tới việc đạt được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Theo các nhà phân tích, bề ngoài, Bắc Kinh đang tỏ ra tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán, thảo luận về COC nhưng nước này chắc chắn sẽ không để tiến trình trên diễn ra một cách nhanh chóng, thuận lợi. Lý do là một bộ quy tắc như vậy sau khi được ký kết sẽ khiến cho chiến lược thay đổi sự nguyên trạng ở Biển Đông hiện nay của Trung Quốc bị tê liệt. Điều này có thể được thấy rõ qua trường hợp bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh được cho là đang áp dụng chiến lược của mình một cách hiệu quả ở bãi cạn nằm trong tranh chấp với Manila này.

Hơn nữa, với việc Mỹ đang nỗ lực tìm cách tái lập sự hiện diện quân sự trong khu vực, đáng chú ý nhất là cuộc đàm phán với Manila để nước này quay trở lại các căn cứ không quân và hải quân ở Philippines, Bắc Kinh có thể thấy được giá trị của việc nhanh chóng thúc đẩy chiến lược của họ ở Biển Đông ngay bây giờ. Trung Quốc nghĩ rằng, tốt nhất lúc này là chiếm lấy những gì có thể trong lúc còn có thể trước khi Mỹ đưa quân vào khu vực.

Trung Quốc đã thực thi một chính sách hiếu chiến từ lâu trước khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama tuyên bố chiến lược quay trở lại Châu Á. Tuy nhiên, cách thực hiện chiến lược một cách ì trệ của phía Mỹ đã khuyến khích Trung Quốc, ít nhất là trong thời gian ngắn này, tiến tới thực hiện tích cực những hành vi mà Mỹ đang tìm cách ngăn chặn. Trong khi đó, Washington lại loay hoay, không có cách gì để quản lý được cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng ở Biển Đông ngoài việc liên tục kêu gọi một “biện pháp hòa bình”.

Biển Đông đã chứng kiến một mùa hè bận rộn và đầy rắc rối. Khi mùa hè chuyển sang thu, nhiệt độ nóng bỏng chỉ nhường bước cho những “con sóng” thậm chí còn dữ dội hơn nhiều. Người ta đang dùng những từ như “mưng mủ”, “di căn” để miêu tả tình trạng các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Kiệt Linh - (theo TNI)

NHỮNG BÀI NỔI BẬT CỦA QLB

No comments: