Blogger Widgets

Wednesday, September 11, 2013

Biển Đông dưới con mắt của Trung Quốc

QLB 

Tuần trước, một người bạn đề nghị tôi lật lại một trường hợp tương đồng trong lịch sử, từng được đưa ra thảo luận trong những ngày đầy phấn khích năm ngoái, khi tôi viết cho Flashpoints. Một ý tưởng tuyệt vời! Ở đây còn có nhiều điều để nói thêm về sự so sánh đó, sự so sánh giúp lý giải tại sao Trung Quốc hợp tác tốt với các nước khác ở Ấn Độ Dương trong khi lại gây xung đột trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Sự tương đồng ấy chính là phương châm “phi hoà bình ngoài giới tuyến” từng được thực hành ở Châu Âu thời Phục hưng. Xin đúc kết lại ở đây: trong một khoảnh khắc loé sáng của thứ tư duy mâu thuẫn tập thể, các nhà cai trị ở Châu Âu đã khởi xướng một thoả thuận, theo đó các nước có thể tiếp tục chung sống hoà bình ở Châu Âu, tránh những gian truân của xung đột trực tiếp, trong khi vẫn tấn công nhau không nương tay bên ngoài giới tuyến tưởng tượng chia tách Châu Âu khỏi Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Trong thực tế, điều này có nghĩa là họ đánh úp tàu thuyền vận tải và đồn bốt của nhau trên vùng thượng biển Caribe (greater Caribbean Sea) cùng những lối vào vùng biển này từ Đại Tây Dương.
Người ta có cảm giác như thể một lực lượng đối nghịch đang hoạt động trên đấu trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các cường quốc hải quân hợp tác về hướng Tây của đường giới tuyến mà bán đảo Mã Lai, eo biển Malacca và quần đảo Indonesia vạch ra. Những cuộc đối đầu thi thoảng khiến sự ngờ vực nổi lên đây đó và hiện tượng này chi phối phía Đông của vành đai Biển Đông, một giới tuyến cụ thể – thay vì tưởng tượng – chia cách khu vực này khỏi sân chơi quen thuộc trên Ấn Độ Dương.
Clausewitz, một người Châu Âu không thuộc thời kỳ Phục hưng, giúp lý giải tại sao các cường quốc biển có thể kiểm soát vịnh Aden một cách hài hoà trong khi lại tranh cãi về luật biển trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đó là vì sứ mạng ở đây không liên quan gì đến chính trị. Chống cướp biển là ưu tiên hàng đầu của những nước vẫn phái tàu thuyền đi qua vùng biển ngoài khơi Somalia. Nếu có thì cũng chỉ ít nước có những lợi ích hay động cơ liên đới khả dĩ làm gián đoạn hoạt động chống cướp biển đó. Thật dễ làm việc cùng nhau khi các đối tác mang theo ít hành trang đến với sứ mạng chung ấy.
Hoặc chúng tay hãy hình dung về hiện tượng này dưới lăng kính của bộ môn cơ khí học véc-tơ (vector mechanics). Công thức đi-đến của Clausewitz cho rằng mức độ mà một chính phủ đánh giá các mục tiêu chính trị của mình sẽ quyết định quy mô và thời gian của nỗ lực mà nó huy động để đạt được chúng. Trong một liên minh, mỗi đối tác thực hiện những toan tính của mình. Vì các nước có lợi ích khác nhau, ở trên những lãnh thổ khác nhau, và nhìn thế giới qua những lăng kính lịch sử và văn hoá khác nhau, nên những tính toán của họ về giá trị của mục tiêu thường khác nhau. Ở đây, các véc-tơ phân kỳ. Những ưu tiên khác biệt làm phức tạp những nỗ lực hòng cân chỉnh các mũi tên về gần như cùng một hướng: đạt được các mục đích, chiến lược và hoạt động chung.
Quả thực là hiếm khi các đối tác trong liên minh có mục tiêu giống nhau, với ít động cơ ngầm can thiệp vào sự điều hành liên minh. Song đây dường như lại là một thực tế ở phía Tây Đại Đây Dương. Các véc-tơ chiến lược ở đây chỉ cùng một hướng, chủ yếu là tự nguyện. Sự khác biệt duy nhất là mức độ nỗ lực mà mỗi đối tác thực hiện. Tuy nhiên, những tranh cãi về việc hiện tượng trốn tránh chi phí lại ở mức tối thiểu trong một liên minh tự nguyện, phi chính thức như lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển. Vì thế mà ở đây, hoà bình – thậm chí là hợp tác – tồn tại bên ngoài giới tuyến.
Bạn sẽ nhận thấy tôi dẫn điều này đi đến đâu. Cuộc viễn chinh đến vịnh Aden là một trường hợp dễ dàng. Nó cho thấy một kết cục thông thường, đó là các đối thủ có thể hợp tác với nhau vì lợi ích chung khi họ có cùng lợi ích trong một nỗ lực. Bây giờ, bạn hãy tự đặt mình ở Đông Á và khảo sát địa hình chiến lược trong phạm vi vòng cung ngăn cách Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trung Quốc coi Biển Đông, xin nêu tên một vùng tranh chấp, không phải như vùng biển quốc tế mà là như một lãnh thổ ngoài bờ của họ. Thực vậy, Bắc Kinh vẫn khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” ở đây.
Những yêu sách như thế gây phiền toái cho các quốc gia Đông Nam Á, trong khi Hoa Kỳ lại hy vọng tập hợp các liên minh và các mối quan hệ đối tác để giám sát vùng biển quốc tế này. Nhưng nếu Bắc Kinh tỏ ra nghiêm túc khi cho rằng những vùng biển lân cận là “quốc thổ màu xanh dương” – và những người bạn Trung Quốc của chúng tôi thì hoàn toàn nghiêm túc – thì những kẻ đến từ bên ngoài giám sát các vùng biển ấy phải giống như những tên xâm lược. Liệu bạn sẽ coi những viên cảnh sát hay đội quân nước ngoài dạo chơi trên mảnh đất của mình – ngay cả khi vì những lý do đáng ca ngợi – mà không được sự cho phép của bạn như thế nào nữa đây?
Vì thế, dưới con mắt của người Trung Quốc, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước Đông Nam Á phải giống như hành vi chiếm đóng trái phép lãnh thổ biên cương của Trung Quốc. Và nếu ở đây tồn tại một quy luật sắt về chiến lược thì đó là: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là một mục đích chính trị với tầm quan trọng tối thượng. Theo cách nói của Clausewitz, điều này đòi hỏi nỗ lực bảo vệ đến cùng. Việc tìm cách đạt được sự ủng hộ của các chính phủ ASEAN hay chống phá sứ mạng kiểm soát do Hoa Kỳ lãnh đạo sẽ trở nên có ý nghĩa nếu bạn lập luận từ phương châm của Trung Quốc.[i]
Kết cục là: đối tác liên minh nằm ngoài giới tuyến,[ii] còn đối tượng phá vỡ liên minh lại nằm bên này giới tuyến.[iii] Vì thế, giữa trường hợp Châu Á và Châu Âu thời Phục hưng có một mẫu số chung, đó là lãnh thổ. Lãnh thổ quốc gia. Người Châu Âu từng nhất trí rằng những quy tắc khác nhau sẽ điều chỉnh sự tương tác giữa họ ở đại lục và ngoài đại dương. Khi làm như thế, họ tránh cho mình khỏi sự tàn phá của các cuộc xâm lược qua biên giới. Điều này thể hiện một quan điểm mà về cơ bản là bảo thủ. Trung Quốc đang tìm cách giành lại những gì mà họ coi là vùng biển lịch sử của mình. Thành ra họ thể hiện một lập trường mang tính chiếm đoạt và gây hấn nhiều hơn.
Bất kể theo cách nào, bảo vệ an toàn cho lãnh thổ và môi trường của tổ quốc vẫn là nhiệm vụ số một. Ngược lại, đặc điểm của cuộc viễn chinh đến những đấu trường xa xôi phụ thuộc vào mức độ mà lợi ích quốc gia trùng hợp hay xung đột ở đó. Các đối thủ có thể hợp tác với nhau xuất phát từ sự tiện lợi, tiếp xúc với nhau, hoặc phớt lờ nhau. Nhân tố quan trọng nhất ở đây nằm ở chỗ: chiến dịch chống cướp biển là một nỗ lực vô cùng đáng giá. Nó cần tiếp tục diễn ra. Liệu nó có thể tái diễn ở những khu vực khó kiểm soát hơn trên thế giới hay không – và liệu nó có thể cải thiện mối quan hệ tổng thể giữa các quốc gia hay không – lại là vấn đề hoàn toàn khác.

James R. Holmes là nhà phân tích quốc phòng của The Diplomat và là giáo sư ngành chiến lược của Đại học Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông chuyên nghiên cứu về chiến lược biển của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như lịch sử ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ.

No comments: