Blogger Widgets

Wednesday, May 22, 2013

Chuyến công du lịch sử của ông Thein Sein

QLB  - Đó là tuyên bố của Nhà Trắng về chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Mỹ của một Tổng thống Myanmar sau gần 50 năm. 

Nửa đêm 20.5 (theo giờ VN), Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp người đồng cấp Myanmar Thein Sein tại Nhà Trắng. Trước đó, vào ngày 19.5, ông Thein Sein đã có cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post và tham dự một diễn đàn kêu gọi Mỹ bãi bỏ hoàn toàn các cấm vận kinh tế đối với Myanmar. 
 
Ông Obama tiếp ông Thein Sein tại phòng bầu dục trong Nhà trắng. Ảnh: ReutersBáo Sydney Morning Herald (Úc) trích lời phát ngôn viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ Caitlin Hayden cho biết Tổng thống Obama dự định dùng tên “Myanmar” thay vì “Burma” trong suốt chuyến thăm của ông Thein Sein. Tên Myanmar được chính quyền quân sự nước này sử dụng chính thức từ năm 1989, nhưng bị nhiều quốc gia phương Tây tránh dùng. “Myanmar đã tiến hành nhiều cải cách đáng kể, từ trả tự do cho hơn 850 tù chính trị, nới lỏng kiểm soát báo chí, cho phép tự do ngôn luận, tụ tập và đi lại”, bà Hayden nói. 

Bà cũng khẳng định rằng Washington đã đáp lại bằng việc mở rộng hợp tác với Naypyidaw và dỡ bỏ nhiều lệnh cấm vận nhằm vào Myanmar. Hồi tháng 11.2012, Tổng thống Obama cũng đã đến thăm Myanmar. Theo giới phân tích, sự hào hứng của Washington trước Naypyidaw xuất phát từ mục tiêu nâng tầm ảnh hưởng an ninh trong khu vực châu Á và làm giảm sự chi phối của Trung Quốc lên đất nước giàu tài nguyên Myanmar. 

Tuy nhiên, chuyến thăm Nhà Trắng của ông Thein Sein chẳng phải được rải toàn hoa hồng. Nhiều nghị sĩ và các nhóm đối lập ở Mỹ chỉ trích chính quyền Obama quá “vội vàng” mở cửa với Myanmar. Các tổ chức nhân quyền cáo buộc chính phủ Myanmar đã không bảo vệ người thiểu số Hồi giáo Rohingya trong các cuộc xung đột tôn giáo từ tháng 6.2012 đến nay, khiến ít nhất 211 người thiệt mạng. 

Trong khi đó, thông cáo Nhà Trắng cho hay: “Tổng thống Obama mong chờ sẽ thảo luận với Tổng thống Thein Sein nhiều thách thức tồn đọng cũng như nỗ lực để phát triển dân chủ, giải quyết các xung đột sắc tộc và cộng đồng, và mang lại cơ hội kinh tế cho người dân Myanmar”. 

Đáp lại, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Myanmar Zaw Htay khẳng định: “Mỹ đang phân vân liệu những bước tiến đến dân chủ của chúng tôi có mạnh mẽ và sẽ tiếp diễn. Tôi có thể khẳng định rằng, chuyến thăm này được tạo lập từ những bước đi trong quá khứ, hiện tại và tương lai”. 

Theo Thanh Niên

No comments: