Blogger Widgets

Tuesday, March 26, 2013

Nga - Trung xích lại gần nhau

QLB  - Vật liệu thô và nguồn dự trữ năng lượng dồi dào ở Trung Á đã khiến cho khu vực này trở thành mối quan tâm của cả Trung Quốc và Nga. Cả hai quốc gia mặc dù chia sẻ lợi ích chung, nhưng đồng thời cũng là hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp với
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, ngày 22-3Đối với tân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, chọn Nga làm điểm đến trong chuyến công du đầu tiên là một động thái biểu tượng. Năm ngoái, không đầy một tháng sau ngày nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sang Bắc Kinh trong chuyến công du đầu tiên của mình. Ông cũng nhận định rằng, quan hệ Trung-Nga ngày nay đang ở đỉnh cao phát triển. "Hai quốc gia chúng ta là những đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Hôm nay, quan hệ Trung-Nga đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong toàn bộ lịch sử tồn tại” - ông Tập Cận Bình nhấn mạnh. Trong khi đó, Tổng thống Nga cũng tuyên bố, quan hệ đôi bên đang lên và đạt đến giai đoạn tốt đẹp nhất và mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.

Chỉ vài giờ sau khi ông Tập Cận Bình tới Moscow ngày 22-3, người đứng đầu Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga đã tuyên bố đạt được một thỏa thuận trong đó tăng gấp 3 lần lượng dầu xuất sang Trung Quốc hàng năm, từ 15 triệu tấn lên 45-50 triệu tấn, từ nay cho đến năm 2018. Như một phần trong thỏa thuận, Rosneft và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng sẽ hợp tác phát triển ba lô dầu khí ngoài khơi gần biển Barents và 8 mỏ dầu khí khác tại Đông Siberia. Tập đoàn Gazprom của Nga cũng đang tiến hành ký kết với Bắc Kinh vào cuối tháng này, trong đó sẽ xuất khẩu 38 tỉ m3 khí sang Trung Quốc mỗi năm. Đáng chú ý trong thỏa thuận này là dự án xây dựng một đường ống dẫn khí đến Trung Quốc thông qua Siberia.

Hợp tác về năng lượng giữa Nga và Trung Quốc đã khiến cả thế giới phải chú ý. Tập đoàn Petroleum của Anh dự báo rằng, nhu cầu dầu khí của Trung Quốc sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng của toàn thế giới trong năm 2030, và vào thời điểm đó Bắc Kinh sẽ tiêu thụ khoảng 15 tỉ m3 khí đốt/ngày, sánh ngang với mức tiêu thụ của Liên minh châu Âu (EU) năm 2010. Chưa kể, Trung Quốc hiện đang là đối thủ với Mỹ nếu xét về nhập khẩu dầu mỏ.

Dầu khí - tiềm lực kinh tế mạnh mẽ của nước Nga
Hợp tác và cạnh tranh
Từ trước đến nay, Nga và Trung Quốc luôn nằm trong một mối quan hệ phức tạp, hợp tác và cạnh tranh luôn song hành với nhau; và điều đó có thể khiến chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc tới Moscow trở nên không mấy dễ dàng. Các vấn đề chính trị và kinh tế giữa hai nước được đánh giá là chủ đề chính trong các chương trình nghị sự diễn ra hai ngày, bắt đầu từ hôm 22-3, giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mặc dù cả hai bên đều tỏ ra hài lòng với mối quan hệ "đối tác chiến lược” như giới chuyên gia thường phân tích, nhưng điều đó không có nghĩa rằng mối quan hệ này không tồn tại những vấn đề. Lĩnh vực năng lượng tuy đạt nhiều con số ấn tượng nhưng cũng không phủ nhận thực tế rằng, nó luôn là mối bất đồng chủ yếu giữa Nga và Trung Quốc, trong lúc cả hai bên đều đang tìm cách củng cố quyền lực và tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Á. Một bộ phận chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, Nga và Trung Quốc chưa từng một lần tìm được tiếng nói chung ở khu vực Trung Á, và dường như trong tương lai điều này cũng khó có thể xảy ra.

"Họ chia sẻ một số lợi ích chung, nhưng bị hạn chế và mang tính chất tạm thời. Trong khi đó, họ lại là đối thủ cạnh tranh trong rất nhiều vấn đề khác”. Gunter Knabe, chuyên gia người Đức nghiên cứu khu vực Trung Á, nhận định.

Thời điểm hiện tại, lợi ích lớn nhất của Trung Quốc không gì khác ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế nước nhà, và đó chính là một trong những trọng tâm mà các lãnh đạo Trung Quốc đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

"Trung Quốc cần có vật liệu thô, năng lượng và đang cố gắng để có được chúng bất kể nguồn gốc từ đâu và bằng cách nào”, ông Knabe phân tích, thêm rằng khu vực Trung Á được Bắc Kinh đánh giá như một nguồn vật liệu thô và năng lượng bất tận.

Nga - quốc gia sở hữu nguồn vật liệu thô dồi dào của riêng mình, cũng đang cố gắng tăng tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực. Một lợi ích cốt lõi của họ là duy trì quyền kiểm soát tuyến đường vận chuyển năng lượng ở Trung Á. Theo ông Knabe, bên cạnh việc hợp tác, cuộc cạnh tranh giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ còn có khả năng tăng nhiệt trong tương lai.

Hạm đội Thái Bình dương tiêu biểu cho sức mạnh quân sự của nước Nga

Lợi ích an ninh chung
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho rằng, không tồn tại sự ganh đua giữa hai quốc gia. Andrej Grosin, Viện nghiên cứu Các quốc gia độc lập của Nga nhận định, lợi ích kinh tế của Trung Quốc không phải là một mối đe dọa đối với Nga, và thập kỷ qua cũng đã cho thấy rằng sự mở rộng nền kinh tế của Trung Quốc ở Trung Á diễn ra đồng thời với phương Tây chứ không phải Nga.

Không giống như các doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp của Nga không có tham vọng chiết xuất nguồn dầu mỏ khổng lồ từ Uzbekistan và Turkmenistan, bởi Nga đã có nguồn dự trữ dầu mỏ của riêng mình. Ông Grosin cũng cho biết thêm, Moscow cũng không có các dự án khai khoáng lớn ở khu vực Trung Á; và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng ở mức hạn chế.

"Bắc Kinh mong muốn có một số trung tâm trung chuyển ở Trung Á để vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và kim loại tới nước họ. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc lại có cái nhìn rất thực tế về lợi ích của Nga và các quốc gia khác ở Trung Á”, ông Grosin cho biết. Ông cho rằng, các nước Trung Á sẽ tiếp tục tập trung vào mối quan hệ với Nga, đồng thời Trung Quốc sẽ muốn Nga giữ trách nhiệm về chính trị, phát triển và đặc biệt là quân sự trong khu vực này hơn.

Đặc biệt, khi đề cập tới vấn đề an ninh như ở Afghanistan và các khu vực lân cận, Moscow và Bắc Kinh đều tỏ ra hết sức quan tâm. Cả hai nước đều hết sức quan ngại về khả năng các phiến quân Hồi giáo sẽ trở lại và tăng tầm ảnh hưởng của mình ở Afghanistan, sau khi NATO rút quân khỏi đây. Thêm vào đó, cả Nga và Trung Quốc có thể hưởng lợi ích từ mối quan hệ hợp tác song phương nếu như để đối phó với Mỹ, trong bối cảnh Washington cam kết hướng sức mạnh quân sự của mình tới châu Á - Thái Bình dương. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định, Bắc Kinh sẽ không bao giờ dựa dẫm hoàn toàn vào mối quan hệ với Nga, mà sẽ làm theo một công thức chung của họ để đạt được thành công: "Hợp tác với cả Nga và Mỹ”.

Khánh Duy

No comments: