Blogger Widgets

Saturday, March 30, 2013

Bộ GD-ĐT “tự sướng” với môn kinh doanh

QLB - Xu thế thị trường hóa với “nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh” đã khiến Bộ GD-ĐT “nóng ruột” và “lo” cho học sinh của mình ra đời không biết làm gì, rồi lại đi “lạc đường” như chính Bộ đang phạm phải. Vì thế, để hướng nghiệp cho học sinh, Bộ đã nhen nhóm ý tưởng đưa môn kinh doanh vào giảng dạy từ cấp THCS trên toàn quốc. Kết quả dạy thí điểm môn học này từ năm 2006, cho thấy hơn 77% học sinh có năng lực kinh doanh, thế này thì sự nghiệp kinh doanh thương mại của Việt Nam thăng hoa đến nơi rồi!

 Dựa trên thực tế trong thời gian gần đây, số lượng thí sinh đăng ký thi vào nhóm ngành kinh tế - tài chính-ngân hàng chiếm hơn 40%, vậy mà khi còn ngồi trên ghế nhà trường các em lại chỉ chăm chăm học mỗi 3 môn để luyện thi ĐH, mà không được tiếp cận với những kiến thức kinh doanh từ sớm, nên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định, sẽ đưa môn kinh doanh vào chương trình như một môn học tự chọn bắt đầu từ năm 2015. 

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, ông Hoàng Ngọc Vinh, cho rằng giáo dục kinh doanh có thể xem là một hình thức giáo dục hướng nghiệp hiệu quả, có tác dụng bồi dưỡng những ý tưởng kinh doanh sáng tạo của giới trẻ. Hơn nữa, Việt Nam lại đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nên nhiều nguy cơ sẽ có một lượng lớn lao động dôi dư trong tương lai. Vì thế, ông Vinh cho rằng “sẽ là muộn nếu chúng ta chờ đến khi học sinh vào đại học mới học chương trình này”, bởi trên thực tế, hàng năm khoảng 30% học sinh không học tiếp THPT, 80% không thi lên ĐH.

Ông Vinh còn “hồ hởi” cho rằng giáo dục kinh doanh sẽ giúp học sinh phát triển một cách toàn diện trong việc nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống, không ngại rủi ro. Có thể nói, phát biểu này của ông Vinh hình như hơi “hân hoan” quá chăng, cứ như môn kinh doanh là “cứu cánh” đầu ra, tạo ngay được việc làm và nghề nghiệp cho học sinh, mà với tình hình đã thiếu thợ như hiện nay, chắc xã hội sẽ ngày càng thiếu hơn nữa bởi học sinh nào cũng thấy mình “có khả năng” kinh doanh.

Điều quan trọng mà giáo dục phải làm được là tạo nên một cái gốc vững chắc cho con người cả về tâm, trí và lực để có thể đương đầu được với mọi tình huống trong cuộc sống. Thực tế đào tạo trong nhiều năm qua chỉ thấy nhồi nhét kiến thức lý thuyết, quên cả rèn giũa về tâm và lực, nên cái “trí” cũng chẳng toàn vẹn, vì thế mà học xong cả ĐH, sinh viên bị tung vào đời vẫn cứ ngơ ngác, không hiểu mình học xong để làm gì. Vậy mà giáo dục lại coi kinh doanh như một “lối ra” hoàn hảo cho việc định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Hình như Bộ đang cố tình không nhìn tiếp vào thực tế là vài năm gần đây, tình hình kinh tế khó khăn, với 40% thí sinh đăng ký các môn kinh tế-tài chính-ngân hàng thì có bao nhiêu phần trăm số sinh viên ấy tốt nghiệp xin được việc làm, bởi với những kiến thức suông họ được đào tạo hầu như không áp dụng được vào công việc.

Ý tưởng này xuất phát từ việc “học tập” chương trình giáo dục thế giới. Song với cách tư duy và giáo dục theo hướng để học sinh tự lập, tự tìm hiểu và phát triển theo sở thích từ bé, trong đó kinh doanh chỉ là một sự lựa chọn trong vô vàn các ngành nghề khác, thì việc đưa môn kinh doanh vào học không có gì phải bàn. Còn đối với chúng ta, khi nhân cách cũng như nhận thức của các em còn chưa hình thành đầy đủ, vững vàng, đã nhồi nhét thêm những kiến thức đòi hỏi có quá trình cơ bản, liệu có bị “méo mó” trong việc lựa chọn nghề nghiệp cũng như tư duy suy nghĩ của các em, khi ngoài môn kinh doanh, trong nhà trường lại chẳng có thêm môn nào để định hướng nghề nghiệp khác.

Theo Vụ giáo dục (Bộ GD-ĐT) dự định kinh doanh sẽ được lồng ghép vào các môn như công nghệ và GDCD, hoạt động hướng nghiệp. Thiết nghĩ với 2 môn học là công nghệ và GDCD của THCS, chương trình giảng dạy còn chả đúng với tên gọi thì sự lồng ghép chỉ gây thêm rối loạn cho các em, bởi sách công nghệ lớp 6 hiện tại chỉ toàn các công thức…nấu ăn.

Trong khi bộ môn ngoại ngữ còn chưa đủ giáo viên dạy đạt chuẩn thì hy vọng gì có được ngay một lượng giáo viên dạy môn kinh doanh, sẽ phải đào tạo họ ra sao, trường sư phạm sẽ có thêm khoa kinh doanh để đào tạo giáo viên chăng. Và giáo trình đào tạo sẽ từ đâu?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, tài liệu cho chương trình này lại sẽ lấy từ …các nước trên thế giới, cái nào “chuẩn” rồi thì “không cần chỉnh”, cái gì chưa phù hợp thì sẽ “chấn chỉnh”. Không hiểu có lặp lại giống như chuyện “cờ Trung Quốc” trong SGK hay không bởi những quy tắc về…bản quyền.

Mục tiêu của chương trình được bà Lê Vân Anh, Viện Khoa học Giáo dục VN, cho hay là không nhằm tạo ra các “giám đốc” nhưng hy vong học sinh có thể khám phá bản thân và có thêm các kỹ năng sống “ngoài kinh doanh” như lập kế hoạch, đàm phán, thuyết phục, làm việc nhóm…để vững vàng hơn khi bước ra cuộc đời. Được như thế thì đúng là còn gì bằng. Nhưng thiết nghĩ, để có được những kỹ năng như trên, các em có thể học từ chính những bài lý thuyết, thực hành trong các môn học, đâu cần phải học kinh doanh mới có được những điều đó. Phải chăng, hình ảnh một doanh nhân thành đạt là phải hội tụ đủ những điều đó đã “ăn sâu” trong tâm trí người Việt và của cả Bộ GD-ĐT là thành công trong cuộc đời thì phải làm quan hoặc làm doanh nhân nên mới mong “kinh doanh” mang lại các kỹ năng tự tin cho học sinh.

Không thể phủ nhận các nỗ lực của Bộ GD-ĐT đang nhìn quanh các nước để học tập và cải tiến giáo dục, song làm điều gì cũng cần tính đến đặc điểm con người, cách suy nghĩ và lối sống…đặc thù của người Việt. Cứ nhăm nhăm áp đặt, rồi nghĩ ra kết quả để “tự sướng” hoặc nghĩ đó là giải pháp giải quyết các vấn đề về tương lai, nghề nghiệp của lớp trẻ thì quả là Bộ GD-ĐT cũng không hơn gì các Bộ ngành khác.

Trong khi đáng lẽ, Bộ đào tạo con người thì phải nghĩ sâu hơn, dài hơn, tầm nhìn rộng hơn thì mới phải, chứ cứ sướng lên nghĩ ra cái gì rồi làm luôn như bên Bộ GTVT thì chán quá. Nếu Bộ nghĩ chỉ dạy theo năng lực bây giờ thì cũng khô cứng chả khác gì các môn khác, mà dạy kỹ hơn thì chưa chắc trẻ đã hiểu, không khéo lại khiến chúng “ảo tưởng” về có năng lực kinh doanh thì còn tai hại hơn. Còn nếu cứ nghĩ học kinh doanh mà làm được kinh tế thì tình hình nước nhà đã không suy trầm như hiện nay, mà có khi đã “hóa Rồng” từ đời nào không biết.
Toàn Phong 
   

No comments: