Blogger Widgets

Thursday, February 21, 2013

TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH VÀ SỰ HÌNH THÀNH TỔNG CỤC II ( * )

Quanlambao



Tướng Lê Đức Anh dường như không tham gia tranh luận về ý thức hệ, về kinh tế thị trường. Chủ tịch nước, theo Hiến pháp, là một chức danh không mấy thực quyền, nhưng trong thời gian giữ cương vị này, ông Lê Đức Anh đã tạo ra được một ngoại lệ.
Năm 1986, khi từ Campuchia trở về thay thế Tướng Lê Trọng Tấn làm tổng tham mưu trưởng, Tướng Lê Đức Anh không ở những căn biệt thự dân sự bên ngoài mà chọn một căn nhà thuộc cụm nhà khách Bộ Quốc phòng. Đó là một căn nhà hai tầng được xây từ thời Pháp nằm trong khuôn viên Thành Hà Nội cũ. Tướng Anh thường vào ra Thành bằng cổng chính, 51B Phan Đình Phùng nhưng có thể đón khách từ cổng phụ, số 5 Hoàng Diệu. Bà Võ Thị Lê, người vợ thứ hai mà ông cưới năm 1956, sau khi tập kết ra Bắc, sống như hình với bóng với ông trên tầng hai, trong khi những người giúp việc thì ở tầng dưới hoặc các ngôi nhà nằm trong khuôn viên.
Ông Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 tại Truồi, một làng quê nghèo đói bên phá Tam Giang, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Cha ông vừa làm ruộng vừa có thêm nghề thuốc nên cuộc sống gia đình, theo ông, đỡ cực hơn mọi người. Ông học vỡ lòng ở trong làng rồi ra Huế học tiểu học. Năm mười một tuổi, ông được gửi ra nhà chị gái, có chồng đang dạy học ở thành Vinh học tiếp nhưng cũng chỉ được thêm một, vài năm. Học vấn của ông Lê Đức Anh ở mức đọc thông viết thạo. Ông Lê Đức Anh bắt đầu được “giác ngộ” thông qua những câu chuyện về “một người có tên là Nguyễn Ái Quốc” do hai người cậu ruột của ông, Lê Bá Giản và Lê Bá Dị, kể. Theo lý lịch tự khai: Lê Đức Anh chính thức tham gia cách mạng từ năm 1937 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào ngày 1-5-1938. Năm 1939, khi bị đàn áp, một số đồng chí bị bắt, ông lánh vào Đà Nẵng, lên Đà Lạt, rồi đến năm 1942 thì xuống đồn điền cao su Lộc Ninh. Cuộc hôn nhân với bà Lê cùng với một số điểm không rõ ràng về thời điểm vào Đảng là hai vấn đề khiến ông Lê Đức Anh luôn bị những người từng hoạt động với ông xới lên mỗi khi quyền lực của ông được nới rộng419.

Ông Lê Đức Anh gặp người vợ đầu tiên, bà Phạm Thị Anh, vào tháng 8-1945, khi ông đang là “ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách tổ chức và quân sự”420 và bà Bảy Anh đang là phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Tây, huyện Bến Cát.
Bà Phạm Thị Anh sinh năm 1925, con một gia đình địa chủ nhỏ ở Bình Dương. Cả mấy anh chị em đều đi theo Việt Minh, có người đang làm chủ tịch huyện, có người đang làm bí thư xã. Thời gian ấy, bà Bảy Anh chỉ mới vừa đôi mươi lại được coi là hoa khôi trong khi ông Lê Đức Anh thì bị rỗ và một bên mắt bị bệnh vảy cá. Ông Lê Đức Anh “tìm hiểu” bà bằng cách cho mượn sách và mỗi lần như thế lại kẹp vào một mảnh giấy ghi mấy chữ. Làm hậu thuẫn cho ông còn có hai tỉnh ủy viên: Tư Đang và Nguyễn Oanh421; Tư Đang khi ấy là con nuôi của gia đình bà Bảy. Nhưng, bà Bảy Anh cho rằng, việc bà chọn ông Lê Đức Anh chủ yếu vì nếu lấy ông thì bà không phải làm dâu; ông Lê Đức Anh cũng ngỏ lời đúng khi bà muốn yên bề gia thất.
Cuộc hôn nhân ngay ngày đầu đã gặp sự cố: Đám cưới vừa bắt đầu thì có Tây càn, ông Lê Đức Anh đạp xe chở vợ về bên Hội Phụ nữ rồi quay lại chỉ huy chống càn. Đứa con đầu lòng của họ ra đời khi bà Bảy Anh chỉ mới có bầu bảy tháng, bà ngoại cháu đặt tên là Lê Thiếu. Vừa sinh xong lại gặp càn, y tế xã đưa lên võng gánh chạy vào rừng, đứa bé nhiễm lạnh, chết. Sau đó, Lê Đức Anh được điều về Khu 8. Năm 1950, khi xuống miền Tây thăm chồng, bà Bảy có thai đứa con thứ hai. Năm 1951, bà sinh hạ một người con gái đặt tên là Lê Xuân Hồng.
Sau Hiệp định Geneva, Lê Đức Anh nằm trong số những cán bộ được đưa ra miền Bắc. Từ Bình Dương, hai mẹ con bà Bảy Anh xuống thăm chồng. Nhưng bà quyết định không tập kết ra Bắc như những người phụ nữ khác. Khi ấy, mấy anh em bà Bảy theo kháng chiến để lại một đám trẻ con lít nhít, bà không nỡ để cho cha, một người đàn ông góa vợ phải một mình chăm nom bọn trẻ. Chỉ không lâu trước đó, gia đình bà Bảy Anh đã phải mất ba anh em trai trong một vụ án oan lớn ở Bến Cát422.
Lê Đức Anh ra Bắc, thoạt đầu được giao làm sư trưởng Sư đoàn 330, đóng ở Thanh Hóa; sau được điều về Bộ Tổng tham mưu làm cục phó Cục Tác chiến. Thời gian này, quân đội đang chịu cuộc “chỉnh huấn, chỉnh quân” khốc liệt do cố vấn Trung Quốc chỉ đạo. Trong chi bộ của ông có hai người bị kiểm điểm nặng, ông và ông Bội Dong, vì lấy vợ thuộc thành phần tư sản, địa chủ. Cả hai sau đó đều tuyên bố “ly khai với gia đình vợ”423.
Năm 1956, ông kết hôn với bà Võ Thị Lê, có chồng là một đại úy quân đội đã hy sinh và đang có một người con riêng. Năm 1957, họ có với nhau một con trai, đặt tên là Lê Mạnh Hà; năm 1959, họ sinh thêm một người con gái, cũng đặt tên là Lê Xuân Hồng. Giữa thập niên 1960, Lê Xuân Hồng lớn, người con của ông Lê Đức Anh và bà Bảy Anh, cũng được Tướng Trần Văn Trà tổ chức đưa ra miền Bắc 424. Ở Hà Nội, bà Lê làm y sỹ ở bệnh viện Hữu Nghị. Những năm ông làm bộ trưởng Quốc phòng rồi chủ tịch nước bà luôn ở bên cạnh chăm sóc ông. Đây là thời gian mà cuộc sống của ông bà được mô tả là cẩn trọng tới từng chén cơm, viên thuốc.

Tổng cục II

Khi nhận chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tướng Lê Đức Anh chọn người đã kế vị mình ở Campuchia, Tướng Đoàn Khuê, làm tổng tham mưu trưởng. Năm 1992, Đoàn Khuê trở thành bộ trưởng Bộ Quốc phòng và, năm 1991, một nhân vật khác cũng từng ở Quân khu IX và Bộ tư lệnh 719 với Lê Đức Anh, Tướng Lê Khả Phiêu, được đưa lên làm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Ngoài những chức năng hiến định, ông Lê Đức Anh còn được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Nhưng, khi nói đến thực quyền của ông không thể không nhắc đến lực lượng tình báo quân đội mà cho dù trong thời bình, đã được ông nâng từ cấp cục lên tổng cục.
Cuối năm 1986, khi Tướng Lê Trọng Tấn mất đột ngột, Lê Đức Anh thay vị trí tổng tham mưu trưởng. Chỉ huy tình báo quân đội, Tướng Phan Bình, được cho về hưu. Trung tướng Phan Bình là người kế nhiệm Đại tá Lê Trọng Nghĩa làm cục trưởng Cục II kể từ năm 1968, thời kỳ mà tình báo quân đội thực sự phục vụ cho quốc phòng. Sau khi bàn giao, Tướng Phan Bình vào Sài Gòn. Ông nghỉ tại nhà khách Cục II, số 30 Lê Quý Đôn. Đêm 13 tháng Chạp năm Bính Dần (đầu năm
1987), ông chết ở tư thế “ngã sấp trên thềm nhà trước phòng khách, ở đầu bị bắn toác một lỗ rộng”.
Những thông tin không chính thức sau đó nói rằng “đồng chí Phan Bình bị bệnh tâm thần, tự sát”432. Tướng Lê Đức Anh đưa Nguyễn Như Văn, vốn là trưởng Đoàn 12, cơ quan tình báo quân đội bên cạnh Bộ tư lệnh 719 ở Campuchia lên làm cục trưởng Cục II. Đại tá Vũ Chính, người kế vị ông Tư Văn ở Đoàn 12 được đưa lên làm cục phó. Năm 1995, Cục II được nâng cấp thành Tổng cục II, Tướng Vũ Chính thay Nguyễn Như Văn nắm quyền tổng cục trưởng. Một triều đại mới của tình báo quân đội bắt đầu.
Không dừng lại ở quy mô tổng cục. Dưới sự chỉ đạo của Tướng Lê Đức Anh, chủ tịch nước kiêm phó bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tướng Vũ Chính bắt đầu soạn thảo Pháp lệnh tình báo theo đó thay đổi gần như căn bản chức năng nhiệm vụ của cơ quan tình báo. Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được Chủ tịch Nông Đức Mạnh ký vào ngày 14-12-1996. Sau khi có Pháp lệnh, Tổng cục II soạn thảo một nghị định trình lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Kiệt thừa nhận là khi nhận thấy sự bất ổn của nghị định tình báo, lẽ ra ông phải đủ can đảm để từ chối ký (Nghị định 96/CP). Nhưng, ông Kiệt giải thích: “Phần do ông Lê Đức Anh không ngừng thúc ép, phần do, theo nguyên tắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh thì Chính phủ có chức năng phải hướng dẫn thi hành nên chín tháng sau, ngày 11-9-1997, tôi đã phải ký”. Ông Phan Văn Khải giải thích thêm: “Nghị định tình báo mở rộng quá, ông Kiệt cảm thấy bất ổn nhưng không vượt qua được”433.
Từ một cơ quan trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Pháp lệnh Tình báo đã đặt những cơ quan như Tổng cục II “dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ”. Pháp lệnh cũng biến Tổng cục II, từ một cơ quan thay vì chỉ làm chức năng chuyên trách tình báo về quân sự và thực thi các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, trở thành một cơ quan có chức năng “tình báo” trong nội bộ, có quyền: cài người vào các địa phương, các cơ quan của Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế, được phép thiết lập kênh thông tin đặc biệt với lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, theo ông Nguyễn Đình Lương 434, nhiều ủy viên Bộ Chính trị nhận được những “báo cáo tình báo” của Tổng cục II do Tướng Vũ Chính trực tiếp đưa tận tay. Những báo cáo này đã từng có tác động không nhỏ đến tiến trình đàm phán. Theo ông Võ Viết Thanh: “Xem lại các báo cáo của Tổng cục II thấy, phần lớn đó là những báo cáo mang tính chất tác động vào nội bộ của lãnh đạo Việt Nam, tạo bất lợi về mặt tâm lý trong các hoạt động đối ngoại, có khuynh hướng đẩy tới sự đối đầu với Mỹ. Tôi không hiểu tại sao khi đọc những báo cáo như vậy mà Bộ Chính trị không yêu cầu chấn chỉnh”.
Ông Phan Văn Khải thừa nhận: “Ông Lê Đức Anh dùng quân đội, lực lượng tình báo quân đội để tạo thế và dùng tin tình báo để gây ảnh hưởng lên cả các vấn đề nhân sự. Năm 2002, khi Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm làm tổng cục trưởng Tổng cục II thay bố vợ là Vũ Chính, tôi có dặn: anh đừng có dùng Tổng cục II vào những việc như bố vợ anh đã từng làm, Vịnh nói, cháu sẽ nghe lời chú”435. Thời Vũ Chính còn làm tổng cục trưởng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã không thoát khỏi “lưới Tổng cục II” của Tướng Lê Đức Anh.

( Rút từ trong tập Bên thắng cuộc... của Huy Đức )
( * ) Đầu đề là của Phamvietdao.net...

No comments: