Trung Quốc đang có động thái gấp rút hoàn thiện cái gọi là "thành phố Tam Sa," leo thang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông và châu Á cho rằng Trung Quốc đang áp dụng "lãnh địa hóa" Biển Đông, tức là độc chiếm khu vực này. Trung Quốc vừa công bố kế hoạch trái phép chi hơn 10 tỷ Nhân dân tệ để nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự tại những khu vực trên đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong số ra ngày 4/11, động thái này của Bắc Kinh chắc chắn sẽ gây khó chịu đối với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo ở khu vực Biển Đông.
Hãng thông tấn bán chính thức Trung Tân ngày 3/11 đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/11 đánh dấu kỷ niệm 100 ngày kể từ khi Bắc Kinh cái gọi là thành lập thành phố Tam Sa, người phát ngôn chính quyền thành phố Tam Sa Trần Tế Dương đã công bố các kế hoạch biến đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thành một trung tâm ngư nghiệp, du lịch và hỗ trợ quân sự.
Chương trình xây dựng nói trên nhằm phục vụ âm mưu củng cố hơn nữa quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với đảo Phú Lâm, một hòn đảo hiện có khoảng 1.000 người dân đang sinh sống và là là trung tâm hành chính của một khu vực có diện tích rộng hơn 2 triệu km vuông trên biển. Đảo Phú Lâm là đảo rộng nhất trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Cái gọi là "thành phố Tam Sa" (đơn vị hành chính bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả Việt Nam) được Trung Quốc ngang nhiên thành lập vào tháng 7/2012, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.
Các kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc bao gồm xây dựng một khu phức hợp các tòa nhà chính quyền thành phố Tam Sa, mở rộng một sân bay, xây dựng một cơ sở hỗ trợ quân sự và trung tâm hỗ trợ ngư nghiệp cùng các tàu hải giám.
Chính phủ Trung Quốc cũng dự định xây dựng một hải cảng mới, một nhà máy khử muối có khả năng xử lý 1.000 tấn nước biển mỗi ngày, một trạm phát điện năng lượng mặt trời có công suất 500 KW, cũng như là các cơ sở xử lý rác và xử lý nước thải “thân thiện với môi trường.”
Ngoài việc thành lập thành phố Tam Sa là trung tâm hành chính của quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi Macclesfield (một đảo san hô vòng dưới biển), Bắc Kinh đã thiết lập một đơn vị quân đội đồn trú cấp sư đoàn trên đảo Phú Lâm, cách đảo Hải Nam 330 km.
Chuyên gia quân sự Lý Kiệt ở Bắc Kinh ngang nhiên nhận định rằng “việc đầu tư 10 tỷ NDT không phải là một phi vụ lớn và hầu hết các dự án tập trung vào việc lên kế hoạch xây dựng đô thị theo mục tiêu lâu dài chứ không chỉ nhằm các mục đích quân sự.”
Theo Đại tá Lý Kiệt, “cả chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương đều muốn phát triển du lịch sinh thái ở Tam Sa, nhưng hiện nay họ chỉ có một tàu chở hàng ven biển và một đường băng quân sự dài 2.700m tại đảo Vĩnh Hưng. Việc xây dựng một sân bay mới để phục vụ du khách nước ngoài và một cảng nước sâu đủ khả năng đón các tàu viễn dương chở khách là thực sự cần thiết.”
Trong một diễn biến khác, Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi người dân Trung Quốc và Đài Loan cùng hợp tác bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Ngày 31/10, ông Vương Nghị - Chủ tịch Văn phòng sự vụ Đài Loan (thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc) - kêu gọi người dân hai bờ eo biển Đài Loan “có nhiệm vụ bảo tồn chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông”. Động thái này được xem như củng cố thêm quan điểm cùng hợp tác bảo vệ chủ quyền của Đường lưỡi bò phi pháp mà trước đó giới quan sát đồn đoán.
Phát biểu của ông Vương Nghị được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi một nhóm học giả Đài Loan và Trung Quốc có một tuyên bố xâm phạm chủ quyền của Việt Nam về việc cùng hợp tác nghiên cứu để bảo vệ Đường lưỡi bò trước quốc tế. Nhóm này còn khuyến nghị hai bên hợp tác để bảo vệ chủ quyền mà người Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông.
Thực tế từ lâu giới quan sát đã nói về một khả năng hợp tác giữa Trung Quốc và Đài Loan trên Biển Đông cho nên tuyên bố của chính phủ Bắc Kinh vừa qua không làm giới phân tích ngạc nhiên. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với đài RFA, chuyên gia về Biển Đông Dean Cheng cũng đề cập tới khả năng hợp tác giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, trong đó ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn muốn tìm điểm chung với Đài Loan trong vấn đề Biển Đông. Nhưng ông cũng lưu ý rằng sự hợp tác có thể chỉ nằm trong khuôn khổ ngoại giao.
Ông nói: “Nếu Trung Quốc và Đài Loan hợp tác về mặt chính trị và ngoại giao thì có thể hiểu được. Còn hợp tác quân sự thì là một chuyện khác. Tôi không nghĩ là có ai đó có thể nói rằng Trung Quốc sẽ cho tàu sửa chữa và tiếp nhiên liệu ở các cảng Đài Loan.”
Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị từng khẳng định “Những hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Những việc làm của phía Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị"./.
(Vietnam+)
No comments:
Post a Comment