Blogger Widgets

Saturday, November 17, 2012

Suy nghĩ tiếp về “Thông báo Hội nghị Trung ương 6”

Quanlambao

BVNngay từ lúc mới thành lập đã tự mình đặt ra một giới hạn: về đối nội chỉ khoanh trong các vấn đề quốc gia, xã hội và nhà nước – là tổ chức trực tiếp quản lý xã hội, không bàn đến các hoạt động của đảng dù biết rằng đảng là lãnh đạo tối cao. Tuy vậy, cũng không thể từ chối các cộng tác viên gửi bài trao đổi về hoạt động của đảng, bởi như thế lại là vi phạm quyền tự do dân chủ trong ngôn luận – một trong những nguyên tắc thiết yếu mà mình chọn lựa và cũng là mục tiêu để phấn đấu hết mình. Vì thế, đối với những bài viết xoay quanh các chủ đề về đảng, chúng tôi xin đăng lên để bạn đọc tham khảo, nhưng phần trách nhiệm xin được dành cho tác giả.
Đọc kỹ Thông báo gồm có 8 chủ đề, Lãng Tử hôm nay chỉ bình luận mục 5 (Bữa trước Lãng Tử đã bàn về Mục 6 với tiểu luận “Tào A Man cắt tóc thay đầu”)Mục thứ 5 (trích):

5- Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận Đề án “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.

Theo phương hướng đó, Hội nghị nhất trí rằng:

“Chủ động phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có tài năng thể hiện qua thực tiễn; tăng tỉ lệ cán bộ trẻ, nữ, dân tộc ít người, cán bộ khoa học – công nghệ, văn hóa, nghệ thuật; cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức yêu nước. Ban Chấp hành Trung ương phải có 3 độ tuổi để bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển; có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện”.

Đảng đã quen dùng chiến thuật “quy hoạch” theo một “cơ cấu” nào đó, không phải mới mẻ, nhưng lần này tái khẳng định như một kinh nghiệm tốt cần tiếp tục.

Trung ương làm sao thì cấp dưới cũng y theo đó mà làm.

Ở Việt Nam hiện tại có một thói quen kỳ lạ, đó là thói bắt chước cấp trên y hệt.

Thực kinh hãi, sự bắt chước rập khuôn đến mức xấu hổ!

Chẳng hạn, ban đầu có một khẩu hiệu ngẫu hứng được kẻ vẽ hay cắt giấy dán ở văn phòng nào đó ở trung ương, trong một dịp lễ lạt nào đó. Như hai khẩu hiệu “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM, khẩu hiệu “MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN” có thể ban đầu từng treo ở văn phòng Ban tuyên giáo TW một dịp lễ hội hay lễ Tết nào đó, do ai đó nghĩ ra. Cấp dưới (tỉnh, thành phố, tương đương) có dịp lên cấp trên họp hành, bèn chép lấy đưa về bảo cấp dưới làm theo y hệt (sai lầm sao được chứ ?!), khẩu hiệu ngắn dễ nhớ lắm. Lãnh đạo cấp quận, huyện thị xã và tương đương lại lên chỗ văn phòng cấp trên nhìn thấy, về làm theo… Cứ như thế, kéo xuống tới cấp xã, thôn ấp, nói chung là đơn vị cơ sở. Biết bao nhiêu khẩu hiệu rác khắp nơi đô thị đến thôn cùng xóm vắng. Trên đầu ngõ các khu phố, đáng lẽ là tên địa danh khu phố hoặc đường phố cho người vãng lai dễ tìm đường/ tìm nhà thì lại chình ình một khẩu hiệu dài như thế này chạy chữ to hoành tráng trên đầu:“Cán bộ nhân dân phường ĐX quyết tâm xây dựng phường khóm trật tự văn minh xanh sạch đẹp”… Khi cần chỉ đường cho khách tìm nhà, cho xe taxi, xe ôm, xe lôi đi vào ngõ này, người chỉ đường rất lúng túng khi phải gọi tên cái biển hoành tráng đó.

Có lẽ, chẳng có văn bản trung ương nào quy định rằng trên làm gì thì dưới cứ thế mà làm (Ngoại trừ nếu đụng chạm quyền lợi cá nhân hay lợi ích nhóm / địa phương thì mới sinh ra tình trạng“trên bảo dưới không nghe”). Chính ông Hữu Thọ cựu Phó ban Tư tưởng Văn hóa đã giải thích và than phiền về sự lây lan cái khẩu hiệu “Mừng Đảng mừng xuân” và thói bắt chước ngu muội đó (bài đã đăng tải trên BVN cách đây hai năm). Vậy mà hai Tết qua rồi kể từ cảnh báo của ôngHữu Thọ, nhìn thấy các địa phương vẫn chứng nào tật nấy, nhiều nơi không hề thay đổi các khẩu hiệu vào mùa Tết ? – Hay là, họ thực hành tiết kiệm chi phí công, lấy cái năm ngoái ra treo cho đỡ tốn kém, đỡ phải nghĩ ra cái khác thay. Hữu Thọ nói thì mặc Hữu Thọ, đâu có văn bản “cấm treo” đâu nào!

Theo cái thói quen đó, Trung ương “quy hoạch” thì cấp dưới cũng “quy hoạch”, sai lầm sao được! Sai thì chúng ta cùng sai chứ. Cháy rừng cùng sưởi.

“Quy hoạch” là dự kiến sẵn, chọn sẵn nhân sự trước một vài năm. Đảng sẽ đưa ra thăm dò qua đảng viên, thăm dò quần chúng… Trong thời gian dự bị quy hoạch, nhân sự chỉ cần cố gắng đừng để xảy ra sự cố gì, cứ im lặng ngoan hiền tránh va chạm thì đến lần xét quy hoạch lần chót vẫn còn tên trong danh sách là chắc ăn. Anh (chị) ta không cần phải được giao nhiệm vụ đặc biệt để thử thách, không cần qua sát hạch gì cả. Nếu đã qua lớp chính trị cao cấp hoặc Cử nhân chính trị thì coi như ổn rồi, ngồi rung đùi. Nếu chưa có một trong hai chứng chỉ trên thì được cử đi học một lớp tại chức Cử nhân chính trị hoặc lý luận chính trị cao cấp, trung cấp trong một vài năm. Xong. Qua thăm dò ổn rồi thì vô đại hội phát phiếu bầu cũng bào đảm chắc chắn 90% kết quả đúng như “quy hoạch”, người bị rớt ắt là người không có tên trong “quy hoạch”.

Vì sao hầu như phiếu thăm dò đạt kết quả đa số là OK?

Có một thủ thuât thường được áp dụng là tung tin nhỏ giọt về nhân sự được chọn (như một tôn giáo gọi đó là người “được Chúa chọn”).

Thủ thuật sau đây còn lợi hại hơn. Bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý cho nhân sự được chọn. Sau một thời gian mới vô đại hội Đảng, thế là mặc nhiên anh ta được nhiều phiếu bầu. Tâm lý đa số đảng viên vô tư lắm, lại nghĩ, cân nhắc chi cho mệt, ai lãnh đạo cũng thế cả thôi. Mặt khác, thấy lãnh đạo đã chọn trước thì mình cũng chọn cho xong, vả lại cũng e ngại sự trù úm về sau.

Họ thường để Bí thư kiêm luôn thủ trưởng cơ quan, đơn vị để lấy cái nọ đỡ cái kia. Thủ trưởng cơ quan (chính quyền) đồng thời đứng đầu Đảng, quyền hành trọn gói. Ai muốn dân chủ thì nhớ câu “chạy trời không khỏi nắng”. Có lẽ người đi tiên phong là “Hoàng đế Hồ Cẩm Đào” Chủ tịch cả hai thứ luôn cho tiện điều hành. Đảng và chính quyền cứ mập mờ lẫn lộn, xuất quỷ nhập thần.

Thử nhớ lại, ngày xưa Hoàng đế, vua chúa đã tiến hành “quy hoạch Thái tử” (kế vị ngai vàng) như thế nào ?

Hoàng đế có nhiều Hoàng tử, hẳn cũng muốn chọn một Hoàng tử tốt nhất để kế vị. Hoàng đế tiến hành thao tác quy hoạch rất bài bản. Trước hết chọn các thầy giáo giỏi bồi dưỡng kèm cặp các Hoàng tử. Hoàng tử được học hỏi, rèn luyện toàn diện, văn võ song toàn. Bên cạnh sự đánh giá học lực từ thầy giáo, nhà vua còn giao nhiệm vụ cụ thể để thử thách, trắc nghiệm. Ngoài những trường hợp đặc biệt “chạy chức chạy quyền, chạy ngai vàng” của các phi tần, Hoàng hậu cùng với bọn đại thần, thái giám tạo nhóm lợi ích, nói chung việc quy hoạch và đào tạo bồi dưỡng của Vua là có bài bản và chất lượng. Điều đó được chứng minh qua nhiệm kỳ nhiều năm tồn tại của người kế vị.

So với thời phong kiến xưa, việc quy hoạch cán bộ của Đảng thời nay ngon ăn, chắc ăn và dễ dàng hơn nhiều. Đi học Cử nhân chính trị, lý luận cao cấp hoặc trung cấp. Xong hay chưa xong cũng bổ nhiệm luôn để tạo không khí, tạo đà trước khi bước vô đại hội đảng bộ. “Dân trí” của đảng viên thời nay ỉu xìu lắm, chỉ lo “hoàn thành nhiệm vụ”, ngoài ra mặc kệ, sao cũng được. Sinh hoạt đảng qua loa đại khái cho xong.

Nói chung, “quy hoạch” tức là dự kiến nhân sự từ trên xuống, chỉ đạo sao cho đúng như ý muốn. Ý thức DÂN CHỦ trong Đảng bị triệt tiêu. Nào đâu có sinh hoạt bầu cử hào hứng, sôi nổi hồi hộp và thực chất như ở các nước dân chủ thực sự khác!

Do đó Mục 5 cũng chả có gì mới, sao giới tuyên truyền cứ tán Hội nghị 6 là quan trọng?!

G.N.L.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

20. GIÁO DỤC 21. GIÁN ĐIỆP

No comments: