Thursday, November 1, 2012
Lãnh đạo lĩnh vực ngân hàng bị đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm
Cho rằng tình hình tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị trước mắt, đưa một lãnh đạo trong lĩnh vực như ngân hàng, xăng dầu ra bỏ phiếu tín nhiệm ngay.
> 'Tội phạm ngân hàng, biết nhưng không chịu xử lý' / 'Tội phạm tài chính, ngân hàng gây tổn thất hàng nghìn tỷ'
Ngày 1/11, phiên thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng diễn ra sôi nổi, với những ý kiến thẳng thắn, thậm chí có phần gay gắt. Đại biểu Phạm Trường Dân cho rằng, số vụ tham nhũng như báo cáo của Chính phủ còn ít, nhiều "tảng băng chìm" chưa được phát hiện.
"Báo cáo chưa thấy phân tích tham nhũng ở lĩnh vực nào? Lĩnh vực xây dựng cơ bản tham nhũng không phải là ít", ông Dân nêu quan điểm và đề nghị, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi nên nêu rõ ràng, cụ thể địa chỉ và những chức danh dễ bị lợi dụng tham nhũng.Đồng tình, đại biểu Trương Thị Yến Linh cho biết, kết quả thanh tra năm 2012, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 520 tập thể, 899 cá nhân và đã phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ với 41 đối tượng. Nhưng con số này vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hàng ngày rất tinh vi, nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Nữ đại biểu cũng nhận xét, vụ án có biểu hiện tham nhũng thường xử lý kéo dài, cấp càng cao thì số vụ bị phát hiện xử lý ít hơn so với cấp dưới, nhiều vụ chưa quy rõ trách nhiệm cá nhân, có tình trạng chạy tội chuyển sang các tội danh khác như từ nặng thành nhẹ, từ lớn thành bé, xử phạt tù cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao (34,2%) làm bất bình trong xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân.
"Cử tri lo lắng nói rằng, trước đây Chính phủ, Nhà nước quản lý điều hành các Tổng công ty, Tập đoàn còn hiện nay hình như là ngược lại, và việc phòng, chống tham nhũng chủ yếu chỉ là hình thức", bà Yến Linh nói.
Đại biểu Lê Nam: "Cơ quan chống tham nhũng hiện nay đang bị chia cắt và yếu ớt". Ảnh: TTXVN.
Còn đại biểu Lê Nam cho rằng, chưa bao giờ có vụ án kinh tế nào thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ như Vinashin, Vinalines, và cũng chưa bao giờ việc bắt được bị can như Nguyễn Đức Kiên lại làm rúng động dư luận, vàng tăng giá, chứng khoán sập sàn... Vụ án Nguyễn Đức Kiên cho thấy, những tội phạm cực kỳ nghiêm trọng đã, đang xảy ra xung quanh những hoạt động không bình thường của hệ thống ngân hàng thương mại.
"Nếu Trung ương làm kiên quyết, nghiêm minh từ trên làm xuống, lựa chọn một số lĩnh vực đang rất bức xúc để làm chuyển biến thì sẽ có sức lan tỏa và hiệu quả rất nhanh chóng. Muốn chống giặc tham nhũng phải có đội quân nòng cốt, lãnh đạo chỉ đạo của Đảng thì rõ rồi nhưng cơ quan chống tham nhũng hiện nay đang bị chia cắt và yếu ớt. Nếu không được tổ chức lại thành một cơ quan có sức đủ mạnh, đủ quyền, đủ tầm được lãnh đạo chặt chẽ thì phòng, chống tham nhũng vẫn chỉ là mong muốn, là quyết tâm chính trị mà thôi", ông Lê Nam nêu giải pháp.
Khẳng định có tình trạng tiêu cực trong lực lượng điều tra trong việc chống tham nhũng nên đã dẫn tới việc lọt tội phạm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền so sánh: "Trong khi các tội phạm ma túy, mại dâm, đánh bạc đều phát hiện được mà tham nhũng nhiều như thế thì lại phát hiện được ít. Ngày xưa chúng ta nói là hình sự hóa các quan hệ dân sự, nhưng bây giờ chúng ta lại hành chính hóa các quan hệ hình sự dẫn đến bỏ lọt tội phạm".
Đề cập tới biện pháp chống tham nhũng, đại biểu Trần Đình Nhã cho rằng, cần coi tham nhũng như một trận đánh, mà cách đánh phải từ ngoài vào, từ trên xuống theo kiểu: cấp trung ương sẽ đánh tham nhũng ở cấp tỉnh, cấp tỉnh đánh xuống cấp huyện, huyện đánh xuống xã. Kinh nghiệm cho thấy, cơ quan điều tra cấp tỉnh rất vất vả, bất lực khi điều tra các tội tham nhũng của quan chức cấp tỉnh.
"Đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng. Nếu không điều tra tất cả thì cũng tập trung vào 3 tội danh là tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", ông Nhã đề nghị.
Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng cho rằng, cơ quan độc lập này do Quốc hội lập ra giống như cơ quan Kiểm toán Nhà nước, tập trung vào việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác về tội phạm tham nhũng, khởi tố điều tra truy tố những người phạm tội tham nhũng. Cơ quan này được điều động hoặc nhận những điều tra viên, trinh sát viên xuất sắc có bản lĩnh nhất từ các cơ quan điều tra khác.
Trong khi đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị cần có chính sách đảm bảo 3 không là: không muốn tham ô, tham nhũng (vì có thu nhập ổn định); không thể làm trái, làm sai (vì pháp luật được điều chỉnh chặt chẽ); và không bao che (nếu vi phạm), thì đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị, năm 2013 mở cuộc vận động cao điểm tuyên truyền cho cán bộ công chức tiết chế lòng tham, mỗi người bằng lương tâm xem mình làm giàu bất hợp pháp như thế nào, gây thiệt hại gì cho dân cho nước.
"Trước mắt, đưa một lãnh đạo trong lĩnh vực như ngân hàng, xăng dầu ra bỏ phiếu tín nhiệm ngay", ông Đương đề nghị.
Giọng nghẹn ngào, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, tham nhũng gây lo lắng cho người sống, làm không yên lòng người đã khuất. Bà đề xuất 2 giải pháp chống tham nhũng là Chính phủ cần hoàn thiện sớm văn bản pháp luật để thực hiện có hiệu quả trong vấn đề chống tham nhũng, đảm bảo đời sống cho người làm việc công. Bên cạnh đó, xây dựng cho được niềm tin để người dân mạnh dạn đấu tranh với tham nhũng.
"Ngay trong kỳ họp này, nên chăng Quốc hội có một thông điệp với cử tri và nhân dân cả nước, với 498 đại biểu và thành viên Chính phủ tuyên bố hứa từ nay sẽ hành động quyết tâm cao đẩy lùi chống tham nhũng có hiệu quả và bản thân mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ không bao giờ phạm tội. Những ai đã lỡ tham nhũng thì xin tha thứ, không hồi tố, đồng thời xin tự thú sao cho có đạo lý. Tôi tha thiết mong Quốc hội có những thông điệp về quyết tâm chính trị phòng chống tham nhũng như phòng chống tội phạm", nữ đại biểu của TP HCM xúc động bày tỏ.
Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều thể chế, điều tra truy tố xét xử nhiều vụ tham nhũng. Năm 2012, có 891 vụ tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, ngân hàng, đất đai bị xử lý (tăng 129%), với 1.936 người liên quan, trong đó có một số vụ án lớn cho thấy quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ. Tuy vậy, tội phạm tham nhũng vẫn tinh vi, chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Theo ông Phúc, Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp như tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách chống tham nhũng, hạn chế khẽ hở của pháp luật, nhất là trong một số lĩnh vực như ngân hàng, đất đai, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ. Thứ hai là xử nghiêm các vụ án tham nhũng được phát hiện, và củng cố các cơ quan phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng phải kiên trì, cương quyết, không thể một sớm một chiều.
"Chống tham nhũng là công tác rất quan trọng. Tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền tăng cường quản lý tốt hơn kinh tế xã hội, để không thất thoát, tham nhũng đồng tiền của nhân dân đã giao chúng ta quản lý", Phó thủ tướng kêu gọi.
Đoàn Loan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment