Blogger Widgets

Saturday, November 10, 2012

“Cưỡi ngựa, vạch áo” ở nghị trường


Mới biết Quốc hội cũng giỏi khi vẫn có thể giám sát trong tình trạng ban bệ bộ ngành tiền hô hậu ủng, đút chân gậm bàn nghe báo cáo, hết giờ thì về.

“Cưỡi ngựa” ở đây là câu thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” mà ối người sẽ liên tưởng khi nghe ĐBQH Trương Văn Vở “làm thơ” về hoạt động giám sát của Quốc hội, rằng: “Đến đọc báo cáo, hết giờ thì về”.
ĐBQH Lê Nam thì mô tả một cuộc giám sát với: Vài ba đồng chí lèo tèo. Thành phần không đủ mặt.
Còn “chuyên gia giám sát” Trần Du Lịch thì lấy ngay ví dụ về cuộc giám sát tối cao trong lĩnh vực đất đai mà Quốc hội vừa báo cáo để khẳng định: Chúng ta chưa nghe được người dân oan nói thế nào.
Thực ra, hiện thực “nhiều cuộc giám sát mới dừng lại ở việc nghe báo cáo rồi kết luận” đã được ĐBQH Đặng Ngọc Tùng nói tới từ tháng 10.2009 khi ông đề xuất “Phải đi vào thực tế để xem việc gì đã thực hiện được, việc gì chưa và cần rút ra kết luận, kiến nghị gì. Phải theo dõi việc thực hiện, đừng để giám sát của QH, ý kiến của các đoàn giám sát “trôi” đi, không thực hiện được”.
Ấy vậy đã 4 năm qua, câu chuyện “lèo tèo”, “đọc báo cáo”, “hết giờ về” vẫn được các vị ĐBQH “vạch áo” nói đầy…tự kỷ.
Ngày hôm qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên chỉ ra thực trạng” Báo cáo giám sát thiếu ý kiến cử tri. Thiếu bằng chứng độc lập. Không có nghiên cứu đánh giá của một tổ chức Chính phủ, cơ quan độc lập nào”. Và vì thế “Những số liệu đó che dấu thực tế địa phương”.
Mới biết Quốc hội cũng giỏi khi vẫn có thể giám sát trong tình trạng ban bệ bộ ngành tiền hô hậu ủng, đút chân gậm bàn nghe báo cáo, hết giờ thì về. Lại càng giỏi hơn khi giám sát về khiếu tố đất đai nhưng lại “chưa nghe được dân oan sai nói thế nào”, hoặc “Thiếu ý kiến cử tri”.
Nhưng lỗi thuộc về ai nếu không phải là chính các vị đại biểu? Có một hình ảnh khác của sự “lèo tèo”, cũng là câu chuyện thời sự ngay trong ngày hôm qua: Dù kỳ họp thứ 4 mới chỉ được nửa thời gian, đã có 95 đại biểu, tức khoảng gần 20% ĐBQH “có đơn xin nghỉ” từ 10% đến…90% số ngày họp. Thật khôi hài, có một ĐBQH làm đơn xin nghỉ phần lớn thời gian kỳ họp với lý do đi dự… lễ tốt nghiệp đại học của con ở nước ngoài.
Đến “việc nước việc dân” công khai trước sự theo dõi của hàng chục triệu cử tri còn không bằng một cái lễ tốt nghiệp cho con thì chả trách sự “lèo tèo” trong các cuộc giám sát. Chả trách sản phẩm của những cuộc giám sát kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” này là những sai phạm được nêu rất chung chung “ở một số nơi, có một số việc”. Đó là những sai phạm “không có địa chỉ”, hoặc chỉ là những địa chỉ đã quá nổi tiếng: Tiên Lãng, Văn Giang. Đó là những sai phạm “bình bình”, trong một thực tế cuộc sống đầy bức xúc, như Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn trong phiên họp Ủy ban TVQH tháng trước đã phàn nàn: Báo cáo (giám sát về đất đai) chỉ ra cơ man hạn chế mà tổng kết lại vẫn chưa chỉ ra được trách nhiệm từng cá nhân, từng tập thể”.
ĐBQH Trần Du Lịch đề xuất: Cần bớt quan chức bộ ngành đi theo (đoàn giám sát), tăng cường các chuyên gia độc lập.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thì nói đến việc: “Cần phải vi hành. Gặp dân trước, gặp quan sau”, để “Có kênh người dân phản ánh, gợi ý vấn đề rồi mới tính cách giám sát”.
Một cách lạc quan, có thể coi các vị ĐBQH đã tự kỷ đến mức “vạch áo cho người xem lưng” như vậy thì có thể là một cơn cớ cho sự thay đổi để, chẳng hạn 4 năm sau, câu chuyện giám sát kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” sẽ không phải nhắc tới một lần nữa.

Đào Tuấn

No comments: