Blogger Widgets

Wednesday, October 31, 2012

Xin việc làm và khám chữa bệnh: Đưa hối lộ nhiều nhất!

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo trước "Đối thoại Phòng chống tham nhũng lần thứ 11" cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống tham nhũng và Đại sứ quán Anh quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 29 - 30/10

Hội thảo trước "Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 11" tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 29 - 30/10 - Ảnh: HC

Tham dự hội thảo có Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng; Đại sứ Anh quốc tại Việt Nam Antony Stokes cùng đại diện các bộ ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao và lãnh đạo HĐND, UBND, Văn phòng Ban chỉ đạo về Phòng chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra của 19 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
TOP HOT LINKS QUAN LÀM BÁOHỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK   HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA   HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK   HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ  NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK
Tại hội thảo, chuyên gia quản trị cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) James Anderson cho biết, sau hai thập kỷ phân quyền cho địa phương, Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ nét; đặc biệt là tính minh bạch đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. 88% thủ tục chuyển nhượng đất đai đã được công khai ở cấp huyện; 39% quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, 32% quy hoạch đô thị được duyệt có sẵn trực tuyến..

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương (thuộc Đại học Kinh tế quốc dân) qua nghiên cứu về điều hành cấp tỉnh một số tỉnh miền Trung cho thấy có từ 32-53% người dân được hỏi từng chứng kiến việc đưa hối lộ. Nổi cộm nhất là xin việc làm ở khu vực công và khám chữa bệnh. 25-40% doanh nghiệp cũng thừa nhận phải trả chi phí không chính thức hàng năm hơn 2% doanh thu.

Chia sẻ các cách thức PCTN tại địa phương mình, nhiều đại biểu ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho rằng, sự chưa đồng bộ trong luật PCTN cũng như nhiều chính sách, cơ chế là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này tại Việt Nam. Do đó, cần có sự sửa đổi những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách về lĩnh vực qui hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản … để phòng ngừa tham nhũng.

Để hạn chế thấp nhất tham nhũng tại Việt Nam, ông James Anderson đưa ra giải pháp xử lý cáo buộc tham nhũng một cách độc lập; làm rõ các qui định liên quan đến thủ tục, quà biếu, định mức của cán bộ công chức; cải cách hành chính… Ông cũng cho rằng, bên cạnh việc trao quyền để đưa chính quyền đến gần hơn với người dân, cần xây dựng trách nhiệm giải trình và điều này phải đạt những bước tiến ngang với phân cấp trao quyền. "Công khai và minh bạch là cách tốt nhất để chống tham nhũng" - James Anderson nói.

Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: HC

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng "Thành phố minh bạch", ông Jozef Petras – Giám đốc truyền thông sở Ngoại vụ TP Martin (Slovakia) cho rằng, hành lang pháp lý bảo vệ là yếu tố tiên quyết cản trở các hành vi hối lộ, tham nhũng. Ông nhấn mạnh: “Để đạt được điều đó, cùng với quyết tâm của lãnh đạo địa phương, chúng tôi có sự tham gia của báo chí, vai trò giám sát và áp lực của người dân; thường xuyên cải tiến các chính sách, pháp luật để giảm các điều kiện làm nảy sinh tham nhũng”.

Theo Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, Việt Nam đã tổ chức thành công 10 kỳ Đối thoại về PCTN với các nhà tài trợ quốc tế. Các kỳ Đối thoại trước đây chú trọng nhiều tới đối thoại về chính sách từ góc độ quản lý vĩ mô theo các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao như xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản…

"Sau mỗi kỳ đối thoại, các khuyến nghị của diễn đàn đã được Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi hoặc ban các văn bản mới. Theo đó, đã có những thay đổi đáng ghi nhận về chính sách của mỗi lĩnh vực đối thoại, góp phần không nhỏ vào kết quả PCTN của Việt Nam" - ông Trần Đức Lượng nói.

Ông cũng cho biết, cuộc hội thảo diễn ra trong 2 ngày 29 - 30/10 tại Đà Nẵng là bước ghi nhận thông tin đầu vào phục vụ cuộc "Đối thoại công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương – Thực trạng và giải pháp" nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả của các kỳ đối thoại. Hội thảo cũng nhằm tăng cường sự tham gia của các địa phương vào diễn đàn Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 11 dự kiến diễn ra vào ngày 22/11.

HẢI CHÂU

No comments: