Dù đã liên tục phát triển với một tốc độ rất cao, nhanh chóng vượt mặt những cường quốc như Anh, Đức, Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không thể ngờ rằng đến nay, hơn một nửa số gia đình của đất nước này đang lâm vào cảnh “không một xu dính túi”.
Vực sâu ngày càng sâu
Tại diễn đàn kinh tế quốc tế vừa diễn ra tại thành phố Thành Đô, Trung Quốc hôm 13/10 vừa qua, giáo sư Cam Lê, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu và điều tra tài chính hộ gia đình Trung Quốc, kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế học thuộc trường ĐH Tây Nam đã tiết lộ một thông tin khiến gần như toàn bộ các đại biểu tham dự phải choáng váng: Khoảng gần 10% số gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu Trung Quốc đang nắm giữ tới hơn 75% số của cải của toàn xã hội Trung Quốc.
Bên cạnh những người ngày càng giàu lên, số người bị bần cùng hóa ở Trung Quốc cũng đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Bản báo cáo mang tên “Điều tra tài chính của các gia đình Trung Quốc” do giáo sư Cam trình bày tại hội nghị đã “giáng một cú đấm” chí tử nữa vào cái gọi là sự phồn vinh của xã hội Trung Quốc và sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Báo cáo cho biết, tính đến hết năm 2011, khoảng 55% số hộ gia đình Trung Quốc hầu như không có chút của cải tích trữ nào. Nếu so sánh với con số 10%-17% vừa nói ở trên, không khó để tất cả cùng nhận ra rằng Trung Quốc đang lâm vào một tình thế khá nguy hiểm: Sự phân hóa giàu nghèo đang diễn ra quá nhanh và sâu sắc đủ để nhấn chìm quốc gia này vào những hệ lụy khó có thể lường trước, thậm chí là sự đổ vỡ không gì cứu vãn nổi.
Sẽ có những người lên tiếng phản biện rằng chuyện phân hóa giàu nghèo ở khoảng cách xa như vậy không phải là hiếm trên thế giới. Thậm chí người ta còn chưa quên phong trào “Chiếm phố Wall” hồi năm 2011 của những người được cho là đại diện cho 99% dân số Mỹ nhưng chỉ nắm giữ gần 10% của cải của đất nước này. Có điều, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo thì nước Mỹ vẫn còn phải “ngả mũ chào thua” Trung Quốc hiện nay. Theo thống kê đến cuối năm 2011, 19% số gia đình được coi là giàu, chiếm 50,5% tổng mức của cải của nước Mỹ hay 20% số gia đình giàu của nước Mỹ đã chiếm giữ 85% tổng mức của cải của toàn xã hội. Thêm vào đó, sự chênh lệch và khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc khác hẳn Mỹ với những ẩn chứa nguy hiểm.
Cừu phú và cừu quan
Mới đây, tờ Sankei (Nhật) đã đăng tải bài phân tích của tiến sỹ Thạch Bình, nhà nghiên cứu người Nhật gốc Hoa về hệ quả của sự phân hóa giàu nghèo ở Trung Quốc.
Theo tiến sỹ Thạch Bình, xét về mặt kinh tế thì nhu cầu trong nước vốn được coi là lực hấp dẫn của tăng trưởng kinh tế sẽ khó có cơ hội phát triển ở Trung Quốc trong những năm tiếp theo. Đây là điều dễ nhận thấy bởi các nhà kinh tế hay doanh nghiệp sẽ chẳng dám mong đợi nhiều ở một nền kinh tế mà ở đó có tới 55% số hộ gia đình “không một xu dính túi” trong khi 10% số gia đình giàu có, nắm giữ 75% số của cải lại đang có xu hướng tiêu dùng số của cải ấy ra nước ngoài.
Một tổng kết mới đây trên tờ Thời báo Hoàn cầu cho thấy người giàu nước Mỹ bỏ rất nhiều tiền làm từ thiện, trong khi người giàu ở Trung Quốc lại bỏ tiền ra để… chạy ra nước ngoài.
Người giàu nước Mỹ có khuynh hướng kiếm được càng nhiều tiền thì càng tự giác trả lại xã hội. Nhiều người giàu có ở Trung Quốc hiện nay sợ đến một ngày tỷ lệ chênh lệch giàu-nghèo sẽ được san bằng, nên lũ lượt tìm cách di chuyển ra nước ngoài.
Trong những năm gần đây, xã hội Trung Quốc đã xuất hiện một “thuật ngữ” mới: Cừu phú (kẻ thù là những người giàu). (Ảnh minh họa)
Theo điều tra mới đây của Viện nghiên cứu chất lượng tài sản Trung Quốc, 67% tầng lớp giàu có ở Trung Quốc đang dự tính mua hoặc đã mua bất động sản ở nước ngoài. Chỉ cần nhìn vào con số này người ta cũng có thể thấy “huyền thoại tăng trưởng kinh tế bền vững” của Trung Quốc sắp sửa trở thành một câu chuyện cổ tích.
Nhưng, tác động kinh tế chỉ là một khía cạnh. Những hệ lụy xã hội bất ổn mới là điều nguy hiểm mà các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ sắp tới của Trung Quốc đang phải rất đau đầu tìm cách hóa giải. Khi sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt thì sự xung đột giữa các nhóm dân cư vì thế cũng gia tăng một cách đáng kể. Trong những năm gần đây, xã hội Trung Quốc đã xuất hiện một “thuật ngữ” mới: Cừu phú (kẻ thù là những người giàu). Nó cho thấy một phần lớn những người thuộc nhóm 55% kia đang coi những nhà giàu là kẻ thù của họ và họ sẵn sàng “chiến đấu không khoan nhượng” để đòi lại chút “công bằng”.
Bài viết của tiến sỹ Thạch Bình cho biết, tâm lý căm ghét kẻ có tiền của đang dần trở nên phổ biến và lây lan rất nhanh trong xã hội Trung Quốc. Tại các cuộc biểu tình bài Nhật hồi tháng trước liên quan đến căng thẳng giữa 2 quốc gia quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, những chiếc xe hơi Nhật đã bị đập phá một cách không thương tiếc. Nhìn bề ngoài, người ta cho đó là sự giận dữ của người Trung Quốc với Nhật Bản nhưng thực tế, có một lý do sâu xa hơn là sự bất mãn lên đến đỉnh điểm và bùng nổ của những người nghèo đối với tầng lớp giàu có, những kẻ đang hưởng thụ sự xa xỉ được mua ở những siêu thị hàng hóa Nhật Bản.
Bên cạnh “cứu phú”, người Trung Quốc còn sáng tạo thêm một cụm từ nữa là “cừu quan” với ý nghĩa tương tự. Với người dân Trung Quốc, các quan chức giàu có chủ yếu nhờ vào sự tham nhũng, hối lộ và lạm quyền để làm giàu cũng là kẻ thù của họ. Cuộc điều tra mới đây của chính tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) về tình trạng tham nhũng, 70% số người trả lời đã cho rằng “tham nhũng ở nhóm quan chức có quyền hành ở Trung Quốc là vô cùng nghiêm trọng” và có tới 87% tỏ thái độ căm ghét với hành vi lạm dụng chức quyền để làm giàu cá nhân hay gia đình riêng.
Những thực trạng đáng sợ này đang khiến các nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc lo sợ. Cách đây 10 năm, ông Hồ Cẩm Đào đã giương cao biểu ngữ “Xây dựng một xã hội Trung Quốc hài hòa” nhưng những con số lạnh lùng này cho thấy kế hoạch của ông chủ tịch Trung Quốc đã hoàn toàn phá sản.
Liệu chính phủ sắp tới của Trung Quốc ra đời sau Đại hội 18 vào ngày 8/11 tới đây có phép thần nào để hóa giải mối nguy này hay không?
LÊ TRÍ
2 comments:
Viet Nam cung vay thoi!
Đó là con đường sơ khai của chủ nghĩa tư bản mà các nước phương tây từng trải qua ở trước thập niên 50 trong thế kỷ 20.điều khác biệt là con đường tư bản sơ khai của Trung Quốc lại mang cái mác cộng sản.nhưng lại được làm đẹp bằng cái tên gọi là kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội.
Post a Comment