Blogger Widgets

Monday, October 29, 2012

Mười vấn đề nghiêm trọng trong di sản của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo



Lời giới thiệu của Geremie. R. Barmé trên tạp chí The China Story: Đầu tháng Chín vừa rồi, ông Đặng Duật Văn (邓聿文, Deng Yuwen), Phó Tổng biên tập tờ Học tập Thời báo (学习时报) của Trường Đảng Trung ương ĐCS Trung Quốc đăng một tiểu luận nhan đề “Di sản chính trị của Hồ – Ôn” trên tờ Tài Kinh (财经, Caijing) gây nhiều chú ý. Tiểu luận này nhanh chóng bị rút xuống, song hiện nay cả bản gốc tiếng Trung và một phần bản dịch tiếng Anh đều đã có trên mạng. Bản dịch tiếng Việt dưới đây dựa theo bản tiếng Anh trên tạp chí The China Story.

TOP HOT LINKS QUAN LÀM BÁO
HỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK   HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA   HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK   HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ  NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK

Tháng 4 năm 1956 Mao Trạch Đông đọc trước Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc bài diễn văn với nhan đề “Bàn về mười quan hệ lớn” (论十大关系). Đấy là giai đoạn có tính quyết định đối với nước Trung Hoa mới. Công cuộc quốc hữu hóa ban đầu nhằm đưa nền công nghiệp và nông nghiệp của đất nước vào tay nhà nước đã biến thành làn sóng của chủ nghĩa xã hội cực đoan sẽ chiếm thế thượng phong trong hai thập kỉ tới. Muốn đẩy nhanh sang giai đoạn tiếp theo, Mao cho rằng quan trọng là cần phải nêu ra những vấn đề mà nước cộng hòa non trẻ đang phải đối mặt. Ông ta liệt kê mười vấn đề quan trọng trong chính sách xã hội, kinh tế, khu vực và dân tộc; trên thực tế, ông ta nêu ra những thách thức mà cuộc thí nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình cải tạo nước Trung Hoa sẽ gặp.

Nhận xét nói chung về sự bất định chính trị ở Trung Quốc đều cho rằng khi “bọn thày bói độc mồm độc miệng xuất hiện khắp nơi là dấu hiệu cáo chung”. Ở đâu chúng ta cũng thấy những lời cảnh báo đáng sợ do phái phê bình tả khuynh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thí dụ như từHội Những Người con của Diên An (延安儿女) hay gần đây là những người chính thống của Nhóm Không tưởng, đưa ra. Trong mấy ngày gần đây, một biên tập viên tờ Học tập Thời báo cho đăng bài báo dài, trong đó ông ta đưa ra mười vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc.

Trong năm chuyển tiếp 2012-2013 – diễn ra mười năm một lần – sẽ có sự thay đổi ban lãnh đạo Đảng-nhà nước, các cán bộ tuyên truyền của Đảng Cộng sản đã lên giọng và yêu cầu các phương tiện thông tin đại chúng kỉ niệm một cách ồn ào “mười năm vàng son” dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước/Tổng Bí thư Đảng Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo (Xin đọc bài “Những lí do của mười năm quang vinh của Trung Quốc” trên tờ Nhân dân Nhật báo, bài “Từ thắng lợi tới thắng lợi” trong Niên giám 2012 của tạp chí này [1], đấy chỉ là vài ví dụ). Đây là giai đoạn cực kì căng thẳng và đặt cược cao, là giai đoạn Trung Quốc trực diện với những quyết định chính trị quan trọng không phải chỉ cho mấy năm trước mắt, mà quan trọng cho một thời gian dài trong tương lai, nhiều người nghĩ như thế. Tại thời điểm này, một đảng viên có địa vị thấp kém hơn vị chủ tịch đã quá cố [2] đưa ra phiên bản của ông ta về những vấn đề mà dân tộc cứng đầu cứng cổ và chia rẽ này đang phải đối mặt.

“Mười vấn đề nghiêm trọng” (十大问题) là phần thứ hai trong loạt bài có tên “Di sản chính trị của Hồ-Ôn” (胡温的政治遗产) do Đặng Duật Văn viết, được đăng trên trang mạng của tờ Tài Kinh hồi cuối tháng 8 đầu tháng 9. Mặc dù vẫn phụ họa theo đường lối chính thức của Đảng và tán dương những thành tựu có một không hai của mười năm dưới quyền cai trị của Hồ – Ôn, Đặng Duật Văn cũng phê phán những vấn đề xã hội, kinh tế, khu vực, chính trị và tư tưởng căn bản của Trung Quốc. Ông ta trình bày chúng như là những vấn đề cực kì quan trọng, những vấn đề đã phát triển cả về quy mô lẫn sức nặng vì chính phủ – bị ám ảnh bởi sự ổn định, bên dưới vỏ bọc của sự đồng thuận – đã để cho những vấn đề cấp bách mưng mủ. Đấy là những vấn đề quan trọng sống còn không chỉ cho đảng cầm quyền Trung Quốc mà còn cho toàn thế giới. “Mười vấn đề nghiêm trọng” vừa là bản cáo trạng đối với sự uể oải của nền chính trị, vừa là chương trình nghị sự buộc những nhà lãnh đạo Đảng-nhà nước sắp tới phải lập tức để tâm chú ý.

“Mười vấn đề nghiêm trọng” chỉ là một trong những biểu hiện của sự bất bình công khai của hệ thống độc đảng của Trung Quốc. Trong những lần khủng hoảng và chuyển giao lãnh đạo trước đây, các nhà tư tưởng, hay nói theo lối cũ là các chiến lược gia, bao giờ cũng có vai trò quan trọng. Kha Khánh Thi (柯庆施, Ke Qingshi), Trần Bá Đạt (陈伯达, Chen Boda), Diêu Văn Nguyên (姚文元, Yao Wenyuan) và Trương Xuân Kiều (张春桥, Zhang Chunqiao) là những người nổi bật trong những năm 1960; sau đó đến lượt Hồ Kiều Mộc ( 胡喬木, Hu Qiaomu) và Đặng Lực Quần (邓力群, Deng Liqun) cùng với những người khác đã tạo được ảnh hưởng trong những năm 1970 và đầu 80, tức là dưới trào Đặng Tiểu Bình. Cuối những năm 1980 là các nhà tư tưởng như Hà Tân (何新, He Xin), Vương Quân Đào (王军涛, Wang Juntao) và Trần Tử Minh (陈子明, Chen Ziming). Trong lần chuyển giao quyền lực này, khởi động từ năm 2007, các cá nhân và các nhóm ganh đua với nhau nhằm cung cấp lời khuyên về mặt chiến thuật và trí tuệ cho những kẻ đang tranh đoạt quyền lực. Dưới chiêu bài “lo lắng cho Trung Quốc”, những nhà trí thức này đang đấu tranh nhằm định hình tương lai cho Đảng hay nói đúng hơn Đảng-nhà nước, trong khi rèn đúc sự nghiệp mang lại mục tiêu cao quý là người đầu tiên có tiếng nói cuối cùng, hay sử dụng cách nói truyền thống là kinh bang tế thế.

Việc tranh giành ảnh hưởng giữa các nhà tư tưởng Trung Quốc càng trầm trọng thêm vì nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay tương tự như cuộc khủng hoảng hồi cuối những năm 1980, tức là giai đoạn “khủng hoảng ý thức”. Trong một bài viết cho hãng Reuters, Chris Buckley nói rằng ông Tập Cận Bình, người được cho là sẽ nắm chức Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước, đã nhận thấy, thậm chí tìm cách trấn an trước khả năng sự phản bội của các giáo sĩ theo kiểu Trung Quốc, tạo ra một loạt sự kiện không thể lường trước được. (Những người vận động cả phái tả lẫn phái hữu đều kêu gọi phải có những hành động quyết liệt trong việc bài trừ nạn tham nhũng, một số người khác lại cảnh cáo rằng bất kì một hành động có phối hợp nào trong lĩnh vực này không những sẽ gặp sự chống đối nghiêm trọng mà còn báo trước, thậm chí kích hoạt sự bất ổn chính trị-xã hội từ trên xuống).

“Mười vấn đề nghiêm trọng” trong tiểu luận của Đặng Duật Văn có thể là bảng liệt kê những thất bại chính trị tồi tệ nhất của giai đoạn Hồ-Ôn từng xuất hiện trên báo chí Hoa lục. Mặc dù đã bị cảnh sát mạng ngăn chặn, nhưng nó vẫn được lưu hành rộng rãi và đã làm bùng lên những cuộc tranh luận. Nội dung tóm tắt của tiểu luận này đăng trên Chinese Elections and Governance, còn nguyên bản tiếng Trung trên Political China.

Bản dịch phần tiểu luận này là của Eric Mu trên trang Danwei.

Mười vấn đề nghiêm trọng trong di sản chính trị của Hồ – Ôn

Phần đầu của tiểu luận này đã xem xét, theo quan điểm lịch sử, những thành tựu của chính quyền Hồ-Ôn trong mười năm qua. Nói chung, Trung Quốc đã có tiến bộ đáng kể. Nhưng, như đã nói bên trên, phía sau thành công cũng còn nhiều vấn đề. Nói một cách thẳng thắn, những vấn đề phát sinh và phát triển trong mười năm gần đây có thể che mờ các thành tựu. Đối với Đảng Cộng sản, vấn đề lớn nhất và cấp bách nhất cần phải giải quyết là trong quá trình đưa nhân dân tới một xã hội sung túc và thịnh vượng, Đảng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về tính chính danh của nó: không giải quyết được khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng, nạn tham nhũng ngày càng gia tăng, không đạt được sự thống nhất xã hội và không đáp ứng được đòi hỏi của xã hội về mở rộng dân chủ.

Ngoài ra, chính quyền Hồ-Ôn không đạt được tiến bộ – nói cho ngay, có thể còn thụt lùi trong một số lĩnh vực liên quan đến hiện đại hóa Trung Quốc:

Không có tiến bộ trong việc tái cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc. Không xây dựng được nền kinh tế hướng vào nhu cầu trong nước, không thực thi được chính sách hiệu quả nhằm cải cách việc phân phối của cải và ngăn chặn sự mở rộng khoảng cách trong thu nhập. Mặc dù đã đưa ra một số quy định về quản lí thị trường bất động sản, kết quả vẫn chưa rõ ràng. Hệ thống an sinh xã hội đã được thiết lập nhưng vẫn còn thô sơ. Chưa cải tạo được hệ thống hộ khẩu để nó không còn phụ thuộc vào địa bàn công tác của người dân, đến lượt nó, điều này cản trở, không tạo điều kiện cho người nhập cư hòa nhập vào các thành phố, mặc dù tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Những vấn đề liên quan đến người già càng trầm trọng thêm và chính sách dân số còn có khoảng cách rất xa so với hiện thực xã hội. Ô nhiễm môi trường gia tăng và chưa thấy dấu hiệu cải thiện nào. Không hình thành được nền “văn minh sinh thái học”. Hệ thống giáo dục càng ngày càng quan liêu hơn và cần phải cấp bách tư duy lại một cách căn bản triết lí giáo dục. Nghiên cứu khoa học đã giành được một số thành tựu to lớn, nhưng có ít thành tựu độc đáo hay nằm trong những môn khoa học căn bản. Đạo đức suy đồi: những giá trị căn bản của xã hội càng ngày càng bị lờ đi. Sự phân tầng trong xã hội càng ngày càng cứng nhắc và được định chế hóa. Các cuộc xung đột giữa chính quyền và nhân dân càng ngày càng quyết liệt hơn. Khả năng của chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ công và quản lí vẫn còn ở mức thấp. Không khuyến khích và không phát triển được tầng lớp trung lưu, v.v…

Sau đây tôi xin giải thích một số vấn đề quan trọng nhất:

Vấn đề nghiêm trọng số 1: Không có sự phát triển đột biến trong tái cấu trúc kinh tế và xây dựng nền kinh tế hướng vào người tiêu dùng nội địa

Mặc dù hiện nay Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng nó bị méo mó về cơ cấu và kém về chất lượng. Dễ bị tổn thương vì những dao động của môi trường kinh tế bên ngoài, mô hình phát triển hiện nay là trở ngại cho sự thịnh vượng trong dài hạn. Trung Quốc phải chuyển từ mô hình hiện nay, tức là mô hình tập trung vào đầu tư và xuất khẩu và tiêu thụ nhiều nguồn lực sang nền kinh tế kĩ thuật cao, hướng vào người tiêu thụ nội địa cũng như phải giải quyết vấn đề tái cân bằng nội tại của nền kinh tế. Nhưng, do bị những nhóm lợi ích, trong đó có chính quyền địa phương cản trở, chưa làm được bao nhiêu trong lĩnh vực này. Đặc biệt là, theo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ưu tiên đã chuyển từ cải cách và tái cấu trúc sang giữ vững tốc độ phát triển.

Vấn đề nghiêm trọng số 2: Không khuyến khích và không phát triển được tầng lớp trung lưu

Lịch sử các nhà nước hiện đại cho thấy rằng tầng lớp trung lưu là nền tảng của thịnh vượng và ổn định xã hội. Nhưng phải tạo được một số điều kiện nhất định nhằm giúp tầng lớp trung lưu phát triển: tầng lớp trung lưu phải là trụ cột của cơ cấu giai cấp và chính phủ cần phải bảo đảm cho sự phát triển của tầng lớp trung lưu thông qua chính sách liên quan tới điều tiết thu nhập, nhà ở và an sinh xã hội. Trong thập kỉ gần đây, nhờ thu được lợi nhuận từ bùng nổ kinh tế, số người thuộc tầng lớp trung lưu đã gia tăng. Nhưng tốc độ phát triển lại thua xa tốc độ phát triển kinh tế nói chung, đấy là do không có cơ chế khuyến khích tầng lớp trung lưu. Nói về phân phối thu nhập, cải cách đã bị trì trệ, dẫn đến sự gia tăng chưa từng thấy khoảng cách giàu nghèo. Các gia đình có thu nhập thấp thậm chí còn khó tiến lên tầng lớp trung lưu hơn trước. Giá nhà quá cao xói mòn hết khả năng chi tiêu, làm cho họ không thể nào với tới được mức sống của tầng lớp trung lưu. Thị trường chứng khoán giảm giá, hút kiệt những khoản tiết kiệm của người dân, lại không cho họ nhận lãi suất. Đấy là những lĩnh vực đáng lẽ ra chính phủ phải làm tốt hơn.

Vấn đề nghiêm trọng số 3: Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị gia tăng

Hệ thống hộ khẩu thường được dùng như là phương tiện chủ yếu nhằm kiềm chế việc di dân vào thành phố, nhất là việc di cư của những người nông dân. Trong thập kỉ vừa qua, mặc dù số người di cư gia tăng, hệ thống hộ khẩu tiếp tục cột người ta vào nơi công tác và có ảnh hưởng tới thuế thu nhập của các chính quyền địa phương cũng như tốc độ phát triển kinh tế địa phương vì vậy mà ít có sự khuyến khích cải cách. Một số thành phố đã nới lỏng mức độ kiểm soát, nhưng rào cản thì vẫn còn lớn và những người lao động di cư vẫn khó thích nghi với cuộc sống ở đô thị và khó nhận được chứng minh thư ở đô thị. Chậm trễ trong việc cải cách hệ thống hộ khẩu còn làm cho xung đột giữa nông thôn và đô thị thêm căng thẳng, làm trầm trọng thêm việc bán đất của chính phủ và những người nông dân không có ruộng đất rơi vào tình trạng tồi tệ hơn. Quyền lợi của người nông dân bị chà đạp, cơ cấu hai thành phần thị dân-nông dân chuyển hóa thành cơ cấu ba thành phần công nhân đô thị, công nhân nông thôn và nông dân.

Vấn đề nghiêm trọng số 4: Chính sách dân số không theo kịp hiện thực

Dân số đang già đi nhanh chóng. Sinh đẻ là quyền cơ bản của con người, nhưng trong thập kỉ vừa qua nhà nước vẫn tiếp tục chính sách một con cứng rắn. Chính sách này không chỉ đóng góp vào sự già hóa dân cư và suy giảm tỉ lệ người trẻ mà còn ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, giảm tiền trợ cấp cho người về hưu, làm cho nhiều gia đình chỉ có một con bị mất con càng đau khổ thêm, làm trầm trọng thêm sự mất cân đối tỉ lệ nam nữ ngay từ khi sinh, cũng như những vấn đề xã hội khác. Chính sách hạn chế sinh đẻ chà đạp lên quyền của rất nhiều người.

Vấn đề nghiệm trọng số 5: Quan liêu hóa và khuyến khích về mặt vật chất các cơ sở giáo dục và nghiên cứu khoa học chưa cho thấy có sự cải thiện và tiếp tục bóp nghẹt sáng kiến.

Giáo dục và nghiên cứu khoa học là nền tảng của quốc gia. Trong thập kỉ vừa qua, mặc dù có nhiều thành tích to lớn, người ta đã chú ý nhiều hơn tới số lượng, thay vì chất lượng. Ít nhà khoa học lớn xuất hiện, những kết quả độc đáo còn hiếm hoi. Tất cả những điều đó cản trở việc thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước sáng tạo. Việc quan liêu hóa hệ thống giáo dục càng tiến xa hơn. Triết lí giáo dục càng ngày càng hướng tới việc tìm kiếm lợi nhuận, còn các trường đại học và các viện nghiên cứu thì được đánh giá trên cơ sở số bài báo được công bố, điều đó đã gây thiệt hại về mặt tinh thần và khả năng đổi mới của người dân.
Vấn đề nghiệm trọng số 6: Ô nhiễm môi trường tiếp tục tồi tệ hơn

Không có cải thiện nào trong việc bảo vệ môi trường. “Phát triển kinh tế thô” thường phải trả giá đắt về mặt môi trường, đấy là giá người ta phải trả cho phát triển kinh tế. Trong thập kỉ vừa qua, nhiều dự án tiêu thụ nhiều năng lượng, gây ô nhiễm nặng, được khởi động; điều đó làm cho đất nước của chúng ta bị tổn thất nhiều thêm, chất lượng sống giảm sút hơn nữa. Sự thịnh vượng và đời sống bị nạn ô nhiễm đe dọa. Ngoài ra, xung đột và mâu thuẫn xảy ra thường xuyên hơn và gay gắt hơn, thử thách ngay chính quan niệm về xây dựng “nền văn minh sinh thái”.

Vấn đề nghiêm trọng số 7:
Chính phủ không thiết lập được hệ thống cung cấp năng lượng ổn định

Mô hình phát triển kinh tế hiện nay của Trung Quốc chỉ đứng vững được nhờ có nhiều năng lượng mà thôi. Nguồn năng lượng dự trữ tính trên đầu người ở Trung Quốc rất thấp, việc cung cấp năng lượng phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Kết quả là, nếu Trung Quốc không giữ được nguồn cung cấp năng lượng ổn định và đa dạng thì sẽ phụ thuộc vào lòng tốt của các nước khác và kế hoạch dài hạn sẽ bị đe dọa. Trong thập kỉ vừa qua, mặc dù Trung Quốc đã tích cực tìm cách mở rộng thị trường ở nước ngoài và phát triển những công nghệ sản xuất năng lượng mới, nhưng nước này đã không xây dựng được mạng lưới cung cấp năng lượng ổn định hoặc không có sức mạnh quân sự cần thiết để bảo vệ cho mạng lưới đó, trong khi việc phát triển những công nghệ sản xuất năng lượng mới vẫn còn ở trong tình trạng sơ khai.

Vấn đề nghiêm trọng số 8: Suy thoái đạo đức và sụp đổ ý thức hệ. Chính phủ không xây dựng được một hệ thống giá trị có hiệu quả và có sức thuyết phục, được đa số dân chúng chấp nhận

Nếu xã hội không thể ngăn chặn được sự suy thoái của các tiêu chuẩn đạo đức, và nếu các thành viên của nó không bị kiềm chế bởi bất cứ tiêu chuẩn đạo đức nào, không có cảm thấy xấu hổ, không có mục đích sống nào khác ngoài lợi nhuận thì chẳng mấy chốc xã hội đó sẽ tụt xuống ngang với rừng rú. Trong thập kỉ vừa qua, trong khi kinh tế phát triển nhanh chóng thì đạo đức lại xuống dốc. Đấy cũng là lúc mà tiêu chuẩn đạo đức cũ đã suy sụp, hệ tư tưởng trong thời cách mạng phá sản, còn hệ thống đạo đức hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường và nền văn minh thương mại thì không lấp đầy được khoảng trống đó. Kết quả là không còn những nguyên tắc dẫn đạo cho xã hội nữa. Thương tổn đối với tinh thần của nhân dân và hậu quả của cuộc khủng hoảng niềm tin diễn ra một cách từ từ và khó thấy. Trong thập kỉ vừa qua xu hướng này hầu như vẫn giữ nguyên.

Vấn đề nghiêm trọng số 9: Phong cách ngoại giao theo lối “chữa cháy” và “giữ ổn định” thiếu tầm nhìn và tư duy chiến lược cũng như những biện pháp đặc biệt

Nhà nước không tận dụng được những cơ hội diễn ra cùng với sự dịch chuyển trong trật tự quốc tế. Trung Quốc tự xếp mình vào vị trí thụ động. Trong thập kì vừa qua, mặc dù Trung Quốc đã giành được sức mạnh khi nước này tham gia giải quyết những vấn đề quốc tế và đưa ra một bộ nguyên tắc và mục tiêu liên quan tới trật tự thế giới, nhưng lại không biến được tiềm năng thành hiện thực. Nguyên do là nền ngoại Trung Quốc chỉ có những nguyên tắc và mục tiêu, nhưng lại không có khả năng lập kế hoạch chiến lược và đưa ra chương trình nghị sự, hay đúng ra là không có đủ ý chí để thực hiện chúng. Theo thuật ngữ của nguyên tắc ngoại giao thì đấy là nhà nước không có khả năng điều chỉnh công tác đối ngoại cho phù hợp với những thay đổi trong tình hình quốc tế và sức mạnh của chính Trung Quốc. Thay vì thế, lại tự giới hạn trong triết lí [của Đặng Tiểu Bình] “Ẩn mình chờ thời”. Kết quả là nền ngoại giao Trung Quốc không thể hiện được sức mạnh đã gia tăng của nó, điều đó được thể hiện trong phong cách ngoại giao “chữa cháy” và “giữ ổn định” trong khi giải quyết những vấn đề quốc tế. Điều đó là xấu đi địa vị quốc tế của Trung Quốc và xói mòn niềm tin của nhân dân Trung Quốc.

Vấn đề nghiêm trọng số 10: Không cố gắng thúc đẩy cải cách chính trị và khuyến khích chế độ dân chủ

Phải đi một con đường dài trước khi đến được lí tưởng là trao quyền lực về cho nhân dân. Đây là vấn đề lớn nhất và thách thức nhất. Từ kinh nghiệm hiện đại hóa của các nước khác, có thể thấy rõ ràng là vấn đề không thể giải quyết một lần là xong. Phải thực hiện một cách có phương pháp và với sự thận trọng. Nhưng, ít nhất, nhà nước cũng phải có một số hành động chứng tỏ rằng Đảng chân thành trong những cố gắng nhằm tạo niềm hi vọng cho nhân dân, chứ không phải là lưỡng lự trước những khó khăn. Trong thập kỉ vừa qua, mặc dù chính quyền Hồ-Ôn nhấn mạnh đến dân chủ, tự do, pháp quyền và cải cách chính trị, nhưng chưa có mấy tiến bộ trong lĩnh vực dân chủ hóa. Trên thực tế, giải pháp cho tất cả những vấn đề này nằm trong cải cách hệ thống chính trị, và mức độ sâu sắc của cải cách chính trị. Cho nên chính phủ phải dũng cảm và tiến những bước vững chắc nhằm thực hiện công cuộc cải cách chính trị và dân chủ ở Trung Quốc.

Một thời đại đang sắp cáo chung và một thời đại mới đang bắt đầu. Vì những lí do khác nhau, Hồ và Ôn đã không thực hiện được những tiến bộ tích cực trong những lĩnh vực vừa nói bên trên. Cách thức giải quyết những vấn đề này của những người kế tục họ sẽ quyết định liệu Trung Quốc có phát triển một cách hòa bình cũng như tốc độ phát triển của nó và thậm chí có tiếp tục phát triển được hay không.
Chúng ta cảm thấy khủng hoảng là vì lí do đó.
Nguồn: Dịch theo bản tiếng Anh trên tạp chí The China Story ngày 8-9-2012
Bản tiếng Việt: Blog Phạm Nguyên Trường
TOP HOT LINKSQUAN LÀM BÁO

No comments: