Kinh tế 10 tháng cũng còn hạn chế, bất cập và đặt ra một số vấn đề cần giải quyết từ nay đến cuối năm...
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm nay ước đạt 93,45 tỷ USD.
Tốc độ tăng IIP của công nghiệp 10 tháng so với cùng kỳ năm trước vẫn còn thấp (4,5%), thấp hơn cả tốc độ tăng GDP chung (9 tháng tăng 4,73%). Hai điểm nghẽn lớn của nền kinh tế là nợ xấu và tồn kho vẫn chậm được giải quyết và còn lúng túng do bị hạn chế nguồn lực, khó xác định địa chỉ...
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng, giảm một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước như sau:
CPI tháng 10 đã tăng chậm lại; tính chung 10 tháng thấp thứ 3 so với cùng kỳ 8 năm trước; tính theo năm tuy cao hơn 2 tháng trước, nhưng thấp hơn từ tháng 7 trở về trước. Mặc dù có thể tăng cao hơn trong 2 tháng cuối năm, nhưng tính chung cả năm vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Lạm phát được kiềm chế có sự đóng góp lớn của nông nghiệp, nông dân do tính chung 9 tháng giá lương thực giảm, giá thực phẩm tăng thấp; có một phần do tăng trưởng dư nợ tín dụng thấp, số dư tiền gửi cao, giá USD giảm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính theo tháng sau so với tháng trước của tháng 10 tiếp tục cao lên (tháng 6 tăng 2%, tháng 7 tăng 3,2%, tháng 8 tăng 4,1%, tháng 9 tăng 4,6%, tháng 10 tăng 5,8%) và so với cùng kỳ năm trước 10 tháng tăng 4,5%.
Sản lượng lúa ước cả năm đạt đỉnh cao mới. Sản lượng thủy sản ước 10 tháng tăng khá (5,2%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tính theo giá thực tế tăng 17,1%; nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân 10 năm nay so với cùng kỳ năm trước (tăng 9,66%), thì vẫn tăng cao hơn tốc độ tăng của GDP (9 tháng tăng 4,73%, ước cả năm tăng 5,2%).
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 93,45 tỷ USD; so với cùng kỳ năm trước đã tăng cao hơn so với tốc độ tăng theo mục tiêu cả năm (18,4% so với 10%). Khác với năm trước chủ yếu do tăng về giá, thì năm nay chủ yếu do tăng về lượng. Triển vọng cả năm sẽ đạt đỉnh cao nhất về tổng kim ngạch, về kim ngạch bình quân đầu người, về tỷ lệ xuất khẩu so với GDP...
Do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu (6,8%), nên nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối (357 triệu USD so với 8.980 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (0,4% so với 11,3%).
Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký bổ sung tăng khá (12,3%), giải ngân giảm nhẹ (1,1%); ước cả năm sẽ xấp xỉ mức của năm trước (11 tỷ USD). Lượng vốn ODA giải ngân ước đạt 3,22 tỷ USD, vượt 2,5% kế hoạch cả năm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đạt 5,34 triệu lượt người, tăng khá so với cùng kỳ; ước cả năm có thể đạt đỉnh cao mới, vượt đỉnh điểm cũ đã đạt được vào năm 2011 (6,014 triệu lượt người).
Lượng FDI, ODA giải ngân, cộng với các nguồn ngoại tệ khác (kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế...) vào Việt Nam đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá...
Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế 10 tháng cũng còn một số hạn chế, bất cập, đứng trước những thách thức không nhỏ và đặt ra một số vấn đề cần giải quyết từ nay đến cuối năm.
Thứ nhất, CPI tăng chậm lại trong tháng 10, nhưng vẫn cần phải đề phòng tăng cao hơn vào 2 tháng cuối năm nay và năm sau. Vì vậy, vẫn phải kiên định và nhất quán với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô tuy có sự ổn định, nhưng đó mới chỉ là bước đầu, chưa thực sự vững chắc. Nhập siêu tháng 10 đã quay trở lại (500 triệu USD) sau 9 tháng xuất siêu; hơn nữa xuất siêu hay nhập siêu thấp chủ yếu do xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, còn khu vực kinh tế trong nước tăng rất thấp và nhập khẩu của khu vực này giảm sâu (có một phần do đầu tư, sản xuất, tiêu dùng bị co lại).
Cán cân tổng thể có số dư, nhưng một số cân đối cụ thể còn bị thâm hụt; lượng dự trữ ngoại hối tăng lên, nhưng quy mô còn mỏng, tính theo tuần nhập khẩu vẫn còn ở dưới mức an toàn (11 tuần so với 12 tuần).
Giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới quy đổi, nên vẫn là yếu tố tiềm ẩn gây biến động giá vàng trong nước, tới tỷ giá và gây áp lực đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát. Tỷ lệ so với dự toán năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của thu ngân sách thấp so với của chi ngân sách, gây áp lực lên bội chi ngân sách.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế cả năm tuy Chính phủ dự báo chỉ tăng 5,2%; mặc dù không đạt kế hoạch đề ra cho năm nay và là mức “đáy” tính từ năm 2000, nhưng để đạt được tốc độ tăng này cũng không dễ, bởi nhiều lẽ. Tốc độ tăng IIP của công nghiệp 10 tháng so với cùng kỳ năm trước vẫn còn thấp (4,5%), thấp hơn cả tốc độ tăng GDP chung (9 tháng tăng 4,73%).
Hai điểm nghẽn lớn của nền kinh tế là nợ xấu và tồn kho vẫn chậm được giải quyết và còn lúng túng do nguồn lực bị hạn chế, do hạn chế trong việc xác định địa chỉ, do còn có những ý kiến khác nhau...; trong khi số doanh nghiệp vẫn tiếp tục ngừng hoạt động, phá sản với số lượng lớn.
Thứ tư, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế nhiều khu vực trên thế giới chưa phục hồi, thậm chí vẫn chứa đựng những bất ổn.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
No comments:
Post a Comment