Blogger Widgets

Thursday, July 5, 2012

NIỀM TIN VƯỢT QUA SỢ HÃI


 
Tuấn Khanh, theo SGTT
132 phút phim về người đàn bà “hoa lài” ở đất nước Myanmar của đạo diễn Luc Besson, người từng được mệnh danh là Steven Spielberg của nước Pháp, là những giây phút đem lại thú vị cho bất kỳ ai yêu những câu chuyện thần kỳ có thật giữa thế kỷ 21 này.
The Lady, với vai diễn xuất sắc của nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh, đã tái tạo lại một chặng đường trong cuộc đời của người đàn bà lừng danh Aung San Suu Kyi, và cũng là một giai đoạn thử thách của vận mệnh dân tộc Myanmar. Hình ảnh cuối của phim khép lại với nụ cười tiều tuỵ nhưng mãnh liệt của nhân vật chính là Suu Kyi, như muốn khắc vào tim người xem rằng với niềm tin, người ta có thể vượt qua sự sợ hãi trước cái ác và bạo lực.

Câu chuyện của The Lady là những thông điệp cuộc sống đan chéo giữa câu chuyện đời của gia đình bà Aung San Suu Kyi, với người chồng là nhà văn Michael Aris. Từ một người phụ nữ nhỏ nhẹ và chỉ quen chuyện chăm sóc cho gia đình của mình, đột nhiên số phận đưa đẩy bà trở thành lãnh tụ đảng đối lập, hơn nữa, là người đàn bà nhận giải Nobel hoà bình năm 1991.
“Khi mình cho là không dính gì đến chính trị thì đừng quên là cũng có lúc chính trị sẽ nhìn đến mình”, trong phim, bà Aung San Suu Kyi đã viết và dán thông điệp trên lên trước cửa nhà mình, nơi bà cô đơn giữa các họng súng.
Bộ phim là một chuỗi dài những câu chuyện quen thuộc và gần gũi của một đời người sống giữa an ninh, mật vụ, những trò trấn áp hèn hạ. Chung quanh người đàn bà yếu ớt đó là súng và những kẻ chỉ biết bóp cò súng một cách vô tri theo lệnh cấp trên. Trong một phân đoạn nhỏ, kẻ giết người không gớm tay của tướng Than Shwe đột nhiên hết sức gần với con người khi nghe tiếng đàn piano của bà Aung San Suu Kyi, “âm nhạc”, tên đồ tể gật gù. Ở một cảnh khác, khi rút khỏi nhà của bà Aung San Suu Kyi, tên đồ tể đó lại cười chào bà. Dường như Luc Besson muốn gửi lại trong những khung hình đó rằng kẻ tàn bạo nhất, rồi cũng sẽ được cứu rỗi khi được văn hoá chạm đến trái tim.
Phim cho thấy suốt một thời gian dài, hơn một phần tư thế kỷ, dân tộc đất Phật Myanmar phải cam chịu bạo quyền và độc tài, nhưng ngọn lửa yêu tự do và dân chủ trong trái tim của người dân chưa bao giờ nguôi. Khi Luc Besson thực hiện phim này, ông cũng chỉ có một niềm tin. Vào thời điểm đó, xe tăng vẫn còn đậu trước cửa nhà của bà Aung San Suu Kyi, các thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân Chủ vẫn đang ngồi tù. Thế nhưng huyền thoại đã rực sáng khi Aung San Suu Kyi tự do và trở thành một trong những niềm tin vĩ đại của miền đất Phật.
Không thể không ca ngợi vai diễn của diễn viên Dương Tử Quỳnh. Ánh mắt và dáng điệu của bà Aung San Suu Kyi đã được tái tạo một cách cảm động nhuần nhuyễn. Ở một vai diễn chỉ có ánh mắt và sự im lặng là chính, Dương Tử Quỳnh có lẽ đã làm không ít khán giả bật khóc khi sẻ chia sự cô đơn khủng khiếp của bà Aung San Suu Kyi.
Vai người chồng của bà Aung San Suu Kyi, nhà văn Michael Aris, do David Thewlis vào vai cũng là một phần làm nên sự thơ mộng và ray rứt của bộ phim.
Vào lúc này, câu chuyện của The Lady đã lan toả khắp thế giới, như một bài học nhỏ về niềm tin của con người có thể vượt qua mọi sự sợ hãi. Và có lẽ chỉ có những niềm tin như vậy gặp nhau, nhà biên kịch Rebecca Frayn mới cất công miệt mài rút gọn khối tư liệu dài ba năm phỏng vấn bà Aung San Suu Kyi để chắt lọc những bi hùng đáng giá của daw(*) Aung San Suu Kyi và đưa nó đến với mọi người như một thông điệp tuyệt đẹp cho thế giới này.
(*)daw, tiếng Myanmar là bà, với sự kính trọng.
_____
Diễn từ nhận giải Nobel hoà bình của bà Aung San Suu Kyi
Cách đây đã rất lâu, có khi tưởng như trong nhiều kiếp trước, tôi ở Oxford ngồi nghe chương trình Desert Island Discs trên đài phát thanh với con trai tôi, cậu bé Alexander. Đây là một chương trình rất phổ biến (và hình như vẫn còn tiếp tục ) phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng đủ mọi thành phần về những gì họ sẽ chọn nếu được mang theo đến một hoang đảo 8 đĩa hát, một quyển sách ngoài Thánh kinh và toàn bộ tác phẩm của Shakespeare, và một vật xa xỉ. Hai mẹ con thích thú nghe và khi chương trình chấm dứt, Alexander hỏi tôi có nghĩ là ngày nào đó sẽ được mời lên nói ở Desert Island Discs không. “Tại sao không?”, tôi trả lời vui. Alexander, vì biết là chỉ có những người nổi tiếng mới được mời lên tham dự, nên thật tình hỏi tôi nghĩ là được mời với lý do gì. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi trả lời: “Có thể vì mẹ được giải Nobel văn chương” và hai mẹ con cùng bật cười. Viễn tượng ấy đẹp thật đấy nhưng cũng rất xa vời.
(Tôi không nhớ tại sao đã trả lời như thế, có lẽ vì lúc ấy vừa đọc một quyển sách của một tác giả đoạt giải Nobel, hay vì nhân vật phát biểu trên chương trình Desert Island hôm ấy là một nhà văn nổi tiếng.)
Năm 1989, khi người chồng đã quá cố của tôi, Michael Aris, đến thăm lúc tôi bị quản thúc lần đầu, anh bảo tôi là John Finnis, một người bạn, đã đề cử tôi cho giải Nobel hoà bình. Tôi cũng bật cười. Thoạt tiên Michael có vẻ ngạc nhiên và anh hiểu ra ngay tại sao tôi cười. Giải Nobel hoà bình ư? Viễn tượng đẹp thật đấy nhưng hầu như bất khả! Thế thì tôi đã cảm thấy gì khi thật sự được trao giải Nobel hoà bình? Câu hỏi ấy tôi đã được nghe nhiều lần và đây quả là dịp hay nhất để suy nghĩ về ý nghĩa của giải Nobel hoà bình đối với tôi và ý nghĩa của hoà bình đối với tôi.
Xem đầy đủ bài diễn từ của bà Aung San Suu Kyi tại đây.
________
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.
 Theo Blog Chãuuannguyen

No comments: