Blogger Widgets

Tuesday, June 12, 2012

Vụ cổ phiếu Sacombank: Ngâm cho "thiu" mới phạt

Lời QLB: để rộng đường cho mọi người kiểm chứng thông tin mà QLB đã cung cấp cho các bạn về nhóm thâu tóm Ngân hàng Samcombank. Đến nay cả Báo Tuổi trẻ - Cánh tay phải của Đảng cũng đã phải viết úp mở về vụ thôn tính mờ ám này để thấy rõ thông tin QLB gởi đến các bạn có đáng tin cậy hay không?!
Gần nửa tháng sau khi thương vụ thâu tóm Sacombank (STB) hạ màn, UB Chứng khoán nhà nước mới công bố xử phạt những tổ chức và cá nhân sai phạm khi mua gom cổ phiếu STB cách nay hơn... ba tháng.
Mặc dù việc thâu tóm và đại hội cổ đông Sacombank đã hoàn tất nhưng vẫn còn nhiều khúc mắc từ cơ quan quản lý cần làm rõ - Ảnh: T.ĐẠM
Điều bất thường là suốt quá trình diễn ra vụ thâu tóm Sacombank, một ngân hàng (NH) với hơn 70.000 cổ đông, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) vẫn giữ thái độ “im lặng là vàng”, bất chấp dư luận nhiều lần kêu gọi cơ quan này lên tiếng.
Cơ quan quản lý bị “vô hiệu”?
* Công ty CP đầu tư Sài Gòn Exim là thành viên của Eximbank, trong đó Eximbank là một trong những thành viên sáng lập. Nhóm cổ đông Eximbank hiện có hai thành viên tham gia HĐQT Sacombank.
* Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu, tổ chức có liên quan đến ông Phạm Hữu Phú - nguyên phó chủ tịch HĐQT Eximbank, vừa được bầu vào HĐQT Sacombank tại ĐHĐCĐ Sacombank ngày 26-5, hiện là phó chủ tịch HĐQT Sacombank. 
Trong quyết định ra ngày 8-6, SSC công bố xử phạt Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Exim và ông Trần Phát Minh trong nhóm cổ đông tham gia thâu tóm Sacombank, với số tiền phạt mỗi trường hợp là... 60 triệu đồng.
Theo SSC, lý do xử phạt là ba nhà đầu tư này đã không thực hiện báo cáo về sở hữu cổ đông lớn. Thông tin từ SSC cũng cho biết cả ba nhà đầu tư này trở thành cổ đông lớn của Sacombank chỉ sau một giao dịch duy nhất.
Cụ thể ngày 9-1, Công ty CP đầu tư Exim đã mua hơn 42 triệu cổ phiếu Sacombank, nâng số lượng nắm giữ cổ phiếu Sacombank lên hơn 50 triệu cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn của NH này với tỉ lệ nắm giữ lên tới 5,17%.
Tương tự, ngày 24-2, ông Trần Phát Minh mua hơn 1,544 triệu cổ phiếu Sacombank và trở thành cổ đông lớn của NH này với tỉ lệ nắm giữ 5,01%. Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu cũng trở thành cổ đông lớn của Sacombank vào ngày 1-3, với tỉ lệ nắm giữ 5,01% sau khi tổ chức này mua thêm gần 22 triệu cổ phiếu Sacombank.
Trao đổi với chúng tôi, tổng giám đốc một công ty chứng khoán bày tỏ ngạc nhiên khi cho rằng vai trò quản lý của SSC đã bị “vô hiệu” một cách bất thường xung quanh vụ thâu tóm Sacombank vốn được dư luận rất quan tâm. Theo vị này, ngày 17-2, thời điểm NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) tuyên bố là đại diện ủy quyền của nhóm cổ đông nắm giữ hơn 51% vốn cổ phần của Sacombank, ngoài Eximbank còn có ít nhất một cổ đông lớn khác của Sacombank cùng tham gia vụ thâu tóm là Công ty CP đầu tư Exim - một thành viên của Eximbank.
“SSC không thể không biết thông tin này nhưng đã giữ thái độ im lặng” - vị này nói. Theo một số chuyên gia, với một thương vụ thâu tóm đình đám như Sacombank, người trong cuộc đã lên tiếng, SSC không thể không quan tâm, đồng thời có chỉ đạo rà soát các giao dịch liên quan đến cổ phiếu Sacombank.
Điều bất thường là sau khi Eximbank bộc lộ rõ ý định thâu tóm, hai nhà đầu tư khác liên quan đến nhóm cổ đông này là ông Trần Phát Minh và Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu tiếp tục mua thêm cổ phiếu Sacombank, trở thành cổ đông lớn của NH này nhưng không công bố, SSC cũng không có động thái để xử lý.
Theo các chuyên gia, sự “vô hiệu” của cơ quan quản lý thị trường đang gây lo ngại cho các công ty niêm yết do khả năng bị rơi vào tình huống đã rồi, không có cơ hội tự vệ nếu có những nhóm đầu tư mua “chui” để thôn tính công ty.
Phạt chậm là... bình thường?
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng với công nghệ quản lý đến từng tài khoản nhà đầu tư của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), SSC hoàn toàn nắm được các giao dịch, đặc biệt là các cổ đông lớn. Theo vị giám đốc này, đã có trường hợp nhà đầu tư mua vượt quá tỉ lệ 5% của một cổ phiếu rồi lập tức bán ngay sau khi phát hiện nhưng vẫn bị VSD “tuýt còi” ngay. Do đó không có chuyện SSC không nắm thông tin về các giao dịch này cũng như tên tuổi các cổ đông lớn. Liên quan vụ sai phạm của một số cổ đông tham gia thâu tóm Sacombank, theo vị giám đốc này, lẽ ra SSC phải rà soát và công bố ngay thông tin thay vì ngâm đến “thiu” mới công bố xử phạt.
“Quyền lợi của cổ đông nhỏ đã không được cơ quan quản lý thị trường quan tâm và bảo vệ...” - anh N.Đ.P., một nhà đầu tư tại sàn chứng khoán SJCS, nói. Theo anh P., việc tham gia hay rời bỏ một doanh nghiệp niêm yết của các cổ đông lớn đều ảnh hưởng đến giá cổ phiếu cũng như quyết định của nhà đầu tư, chưa kể vụ thâu tóm Sacombank đã lùm xùm trước đó. Hơn nữa, không loại trừ các nhà đầu tư tận dụng thông tin nội bộ về vụ thâu tóm để trục lợi, việc che giấu thông tin giao dịch là một bằng chứng.
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 11-6, ông Vũ Bằng - chủ tịch SSC - cho rằng không có gì khuất tất trong vụ xử lý thông tin liên quan đến các tổ chức và cá nhân tham gia vụ thâu tóm Sacombank. Theo ông Bằng, quy trình xử lý vi phạm hành chính kéo dài vài tháng là... bình thường do quy định đối tượng vi phạm phải ký vào biên bản.
Tuy nhiên, ông Bằng thừa nhận từng yêu cầu Eximbank giải trình thông tin liên quan đến tuyên bố của NH này, nhưng SSC đã không nhận được phản hồi của Eximbank. “Tôi đã yêu cầu thanh tra SSC giải trình xung quanh việc xử lý thông tin liên quan đến ba cổ đông lớn này, nhưng tôi tin anh em họ làm đúng quy trình, không có gì bất thường cả” - ông Bằng nói.
Cũng trong chiều 11-6, một lãnh đạo thanh tra SSC cho biết trước đó trong giải trình gửi cơ quan này, Công ty CP đầu tư Exim đã cho rằng việc mua vượt 5% và không báo cáo cổ đông lớn là do Sacombank... mua cổ phiếu quỹ, làm giảm số cổ phiếu lưu hành của NH này! Vị này thừa nhận thông tin về việc mua 100 triệu cổ phiếu quỹ đã được Sacombank công bố từ đầu tháng 11-2011, nên tổ chức này không thể nói không biết.
Tuy nhiên, vị này từ chối trả lời các câu hỏi liên quan việc chậm công bố thông tin liên quan đến các giao dịch của những cổ đông lớn này, đồng thời khẳng định việc xử lý vi phạm là tuân thủ theo quy trình thủ tục, việc xử phạt mức 60 triệu đồng mỗi đối tượng là căn cứ vào hành vi vi phạm.
Phải công bố cổ đông lớn trong thời hạn 7 ngày
Theo quy định tại Luật chứng khoán và thông tư (09) về hướng dẫn công bố thông tin, tổ chức hoặc cá nhân trở thành cổ đông lớn của công ty đại chúng phải báo cáo công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và sở giao dịch chứng khoán nơi cổ phiếu của công ty đại chúng đó được niêm yết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày trở thành cổ đông lớn.
Theo nghị định 85 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, các tổ chức hoặc cá nhân trở thành cổ đông lớn của công ty đại chúng mà không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn theo quy định cho công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và sở giao dịch chứng khoán nơi cổ phiếu của công ty đại chúng đó được niêm yết thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 - 70.000.000 đồng.* Ông Trần Phát Minh (sinh 1974) hiện là thành viên HĐQT Công ty chứng khoán Phương Nam, công ty thành viên của NH TMCP Phương Nam, NH hiện có bốn thành viên tham gia HĐQT Sacombank.
HẢI ĐĂNG
Tuổi trẻ 

No comments: