QLB
Phạm Trần (Danlambao) - Ngày mồng Hai tháng Chín năm 1945, tại cuộc mít tinh Tuyên bố Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, ông Hồ Chí Minh đã để lại câu nói lịch sử: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?”
Phạm Trần (Danlambao) - Ngày mồng Hai tháng Chín năm 1945, tại cuộc mít tinh Tuyên bố Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, ông Hồ Chí Minh đã để lại câu nói lịch sử: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?”
Bây giờ, 70 năm sau, ngày 25/09/2015 người ta cũng mường tượng nghe thấy Lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói từ Dinh Tổng thống Mỹ: "Tôi nói, mấy anh Hà Nội có nghe rõ không?"
Vậy họ Tập đã nói gì mà nghe quen quen?
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Barack Obama và ông Tập Cận Bình diễn ra tại vườn Hồng trong Tòa Bạch Ốc, tiếp theo sau cuộc họp riêng giữa hai người nhân chuyến thăm chính thức nước Mỹ của họ Tập.
Hai lãnh tụ đã thảo luận các vấn đề quan tâm đến hai nước, từ mậu dịch đến nghi ngờ Trung Quốc đứng sau hàng loạt tin tặc xâm nhập các công ty, xí nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc và Hoa Kỷ để đánh cắp tin tức và kế họach giúp cho Trung Quốc cạnh tranh bất chính. Trên 22 triệu nhân viên Chính phủ Mỹ và một số cơ quan trọng yếu về an ninh như hai Bộ Quốc phòng và An ninh Quốc gia, bao gồm cả CIA (Tình báo Hoa Kỳ), FBI (cơ quan điều tra liên bang Hoa Kỳ) cũng bị xâm nhập.
Ngoài ra hai bên cũng thảo luận và đồng ý kế họach gỉam thiểu chất độc làm ô nhiễm khí hậu và hứa cùng nhau hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng về môi trường và khí hậu trên thế giới.
Chuyện biển đông
Đến chuyện khủng hoảng ở Biển Đông do hành động bồi đắp và bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh gây ra, Tổng thống Obama cho biết: “Chúng tôi đã thẳng thắn thảo luận vấn đề biển Đông và Nam Trung Hoa, và tôi đã tái khẳng định quyền của mọi quốc gia được tự do giao thông thương mại trên biển và trên không không bị ngăn cản. Do đó, tôi đã lưu ý là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lướt sóng, bay và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp Quốc tế cho phép.”
(”We did have candid discussions on the East and South China Seas, and I reiterated the right of all countries to freedom of navigation and overflight and to unimpeded commerce. As such, I indicated that the United States will continue to sail, fly and operate anywhere that international law allows.” (Thông tin của Văn phòng Báo chí Phủ Tổng thống)
“Tôi cũng đã nói với Chủ tịch Tập về mối quan ngại đặc biệt của Hoa Kỳ về hành động dành chủ quyền đất đai, xây dựng và quân sự hóa những vùng tranh chấp, gây khó khăn cho các quốc gia trong vùng giải quyết hòa bình những bất đồng. Vì vậy tôi khuyến khích tìm ra một giải pháp giữa các quốc gia tranh chấp ở khu vực này. Hoa Kỳ không phải là nước có tranh chấp; Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm luật pháp của lưu thông phải được bảo vệ.”
(I conveyed to President Xi our significant concerns over land reclamation, construction and the militarization of disputed areas, which makes it harder for countries in the region to resolve disagreements peacefully. And I encouraged a resolution between claimants in these areas. We are not a claimant; we just want to make sure that the rules of the road are upheld.)
Lãnh thổ của Trung Hoa
Đến phiên Tập Cận Bình, ông ta nói: “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận sâu rộng về tình hình Châu Á-Thái Bình Dương. Và chúng tôi tin rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng có quyền lợi chung rộng rãi ở khu vực, và chúng ta nên tiếp tục tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực ở đó, và cùng làm việc với nhau để cổ võ những hoạt động và hợp tác hỗ tương trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương, và cùng làm việc với các nước trong khu vực để mưu cầu hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.”
(--Lời Thông dịch viên: “We have in-depth discussion on the situation of the Asia Pacific. And we believe that China and the United States have extensive common interests in this region, and we should continue to deepen dialogue and cooperation on regional affairs and work together to promote active interactions and inclusive cooperation in the Asia Pacific, and work with countries in the Asia Pacific to promote peace, stability, and prosperity in this region.”
Với gương mặt lạnh như đồng nhưng cương quyết, họ Tập nhìn thẳng các Nhà báo nói tiếp: “Trung Quốc cam kết theo đuổi chính sách phát triển hòa bình, láng giềng tốt và hợp tác với các quốc gia láng giềng của chúng tôi. Các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có tòan quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải. Chúng tôi cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biển Nam Trung Hoa, dung hòa khác biệt và tranh chấp qua đối thọai, thương thuyết, tham khảo lẫn nhau trong hòa bình để mưu tìm giải pháp cùng có lợi thông qua hợp tác.”
(China is committed to the path of peaceful development and a neighboring foreign policy characterized by good neighborliness and partnership with our neighbors. Islands in the South China Sea since ancient times are China’s territory. We have the right to uphold our own territorial sovereignty and lawful and legitimate maritime rights and interests. We are committed to maintaining peace and stability in the South China Sea, managing differences and disputes through dialogue, and addressing disputes through negotiation, consultation, and peaceful manner, and exploring ways to achieve mutual benefit through cooperation.)
Ngỏanh mặt về phía Tổng thống Obama, nhà Lãnh đạo Trung Quốc nói như trả lời trực tiếp quan ngại của Mỹ: “Chúng tôi cam đoan bảo vệ lưu thông hàng hải và hàng không của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Liên quan đến các hoạt động xây cất của Trung Quốc thi hành ở quần đảo ở phía Nam, Trường Sa, không nhắm vào hay gây ảnh hưởng đến bất cứ nước nào, và Trung Quốc không có chủ tâm tiến tới quân sự hóa ở đó.”
(We're committed to respecting and upholding the freedom of navigation and overflight that countries enjoy according to international law. Relevant construction activities that China are undertaking in the island of South -- Nansha Islands do not target or impact any country, and China does not intend to pursue militarization.)
Giải thích rõ hơn với báo chí, họ Tập nhắc lại rằng: “Trung Hoa và Hoa Kỳ đều có những quyền lợi chung ở vùng biển Nam Trung Hoa. Chúng ta cùng ủng hộ một Nam Hải hòa bình và ổn định. Những nước trực tiếp có tranh chấp hãy làm việc qua thương lượng, tham khảo lẫn nhau bằng những biện pháp hòa bình. Chúng tôi ủng hộ tự do lưu thông hàng hải và bay trên không của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế và giải quyết sự khác biệt qua thương thuyết, thi hành đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử Các bên ở Biển Đông (DOC, Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea), và sớm hòan tất thương thảo về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC, Code of Conduct) dựa trên sự đồng thuận. Chúng tôi đồng ý duy trì tích cực mối liên lạc về những vấn đề liên quan.”
(China and the United States have a lot of common interests on the issue of South China Sea. We both support peace and stability of the South China Sea. The countries directly involved should address their dispute through negotiation, consultation and in peaceful means. And we support freedom of navigation and overflight of countries according to international law and the management of differences through dialogue, and full and effective implementation of DOC and an early conclusion of the consultation of COC based on consensus-building. We have agreed to maintain constructive communication on relevant issues.)
Phản ứng từ Việt Nam
Không có gì ngạc nhiên khi thấy các Nhà báo Trung Quốc, Hoa Kỳ và nước ngoài có mặt tại cuộc họp báo đã không có câu hỏi nào về lời tuyên bố như tát nước lạnh vào mặt Hà Nội của Tập Cận Bình. Nhưng phải thắc mắc tại sao đảng, chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ ngoại giao Việt Nam, nhất là các cơ quan ngôn luận vẫn thường xuyên to mồm như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đã không dám hé răng mở miệng chỉ trích lời nói công khai xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của họ Tập.
Trước đây, mỗi khi có câu nói tương tự phát ra từ cửa miệng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hay Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị thì Ban Tuyên giáo chỉ thị ngay cho Bộ Thông tin và Truyền thông để truyền xuống các báo và Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao mau mắn đáp trả bằng lời viết sẵn của chính phủ chỉ để lập lại câu nói “biết rồi khổ lắm nói mãi”: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử xác định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam!
Lần này, phải đợi đến ngày 28/9 (2015), người ta mới nghe được phản ứng của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra tại một cuộc họp của Tổ chức Xã hội Châu Á (Asia Society) ở New York.
Ông Sang nói (với phóng viên Ban tiếng Việt của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ): “Người Trung Quốc, trong những lần gặp gỡ Việt Nam, cũng thường nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, không gì tranh cãi. Thì người Việt Nam chúng tôi cũng nói lại rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ tiên Việt Nam, không gì tranh cãi. Chắc các câu này các bạn đã nghe suốt”.
“Vấn đề đặt ra là chúng tôi mong muốn rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế và con đường duy nhất dẫn đến chỗ đó thôi, chứ không thể nói mãi như thế này được. Một anh đứng ở bên đây sông thì nói là của tôi, và một anh đứng ở bên kia sông thì nói là của anh. Như tôi đã nói với các bạn vừa nãy, trong lúc quá độ, hai bên đều thống nhất 6 nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo các vấn đề trên biển”.
6 nguyên tắc nói gì?
6 “Nguyên tắc” ông Sang ám chỉ là Thỏa hiệp được ký tại Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ nhất của Tông Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, ngay sau khi đắc cử Lãnh đạo khóa đảng XI ngày 20/01/2011.
Nguyên văn 6 Điểm như sau:
1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.
3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).
Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.
5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.
6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.
Sau thỏa hiệp căn bản này, các cuộc thảo luận đôi bên tiếp tục bế tắc vì Trung Quốc luôn luôn đòi phần hơn ở vịnh Bắc Bộ và muốn Việt Nam hợp thức hóa việc “hợp tác cùng khai thác” ở Biển Đông, nhưng chủ quyền biển đảo vẫn phải là của Trung Quốc như câu nói của Tập Cận Bình.
Đây là quan điểm Trung Quốc gọi là “vấn đề cốt lõi chủ quyền biển” đã đưa ra từ năm 1979 của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và được duy trì để chuyển cho Việt Nam vá các nước có tranh chấp với Trung Quốc qua các đời Chủ tịch-Tổng Bí thư Cộng sản Trung Hoa Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình hiện nay.
Tuy nhiên tranh chấp Việt-Trung đã đạt cao độ khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần đảo Hoàng Sa từ ngày 2/5 đến 27/05/2014. Bắc Kinh chỉ rút lui sau khi bị Quốc tế lên án làm căng thẳng tình hình và cho biết họ đã tìm thấy có dầu và khí đốt tại 2 giếng đào thử, nhưng không nói khi nào sẽ trở lại khai thác.
Sau đó, Trung Quốc một mặt tiếp tục “nói chuyện phải trái với Việt Nam”, mặt khác lại tăng cường tái tạo, xây dựng 7 đảo và đá san hô chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 thành các đảo lớn kiên cố có sân bay, bến cảng và căn cứ quân sự.
Để bảo vệ, nhiều Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Trung Hoa và đơn vị phòng không, súng đại bác đã được điều động đến Gạc Ma, Vành Khăn, Chữ Thập v.v…
Trước các hành động ngang nhiên chiếm biển đảo này của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng âm thầm “đắp đập be bờ” ở một số đảo và đá ngầm, nhưng so với kiến thiết của Trung Quốc thì như muối bỏ biển, như châu chấu đá voi.
Về mặt ngoại giao và tuyên truyền, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ làm được mỗi việc nhắc lại điệp khúc “tái khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Lãnh đạo đảng, từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuống đến anh Tuyên giáo Xã, Phường cũng chỉ biết bảo nhau hô to kiên quyết: "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, như viết trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng XII.
Vì vậy, chẳng phải ngẫu hứng mà ông Tập Cận Bình đã chọn Tòa Bạch Ốc trong chuyến thăm Mỹ ngày 25/09/2015 để nói rõ cho Hà Nội và cả Thế giới biết lập trường chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ở Trường Sa.
Trong suốt cuộc họp báo với Tổng thống Obama họ Tập không nói gì đến Hoàng Sa mà Trung Hoa đã chiếm từ tay Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tháng 1/1974.
Điều này không lạ vì đã từ lâu, trong tất cả các cuộc gặp và thảo luận tranh chấp với Việt Nam, phía Trung Quốc đã gạt phăng như chuyện thừa thãi mất thời giờ mỗi khi phía Việt Nam muốn nhắc đến Hoàng Sa. Cũng là chuyện bất bình thường khi ít lâu nay, không thấy phía Việt Nam nói nhiều đến Hoàng Sa, ngoại trừ khi có các vụ tầu đánh cá Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, cướp của ở khu vực biển Hoàng Sa.
Có tin Trung Quốc đã nói thẳng với Việt Nam “Hoàng Sa không có trong bất cứ cuộc nói chuyện nào”. Riêng Bộ Quốc phòng Việt Nam thì họ đã quên nói đến Hoàng Sa từ 1974. -/-
(09/015)
1.HOT Links vềThủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng 2.HOT Links vềTướng Nguyễn Văn Hưởng3.HOT Links vềThống đốc Nguyễn Văn Bình 4. HOT Links Nhómtội phạm Việt Nam 5. HOT Links vềChủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng 6.Hot Links vềTổng cục 27.Hot Links vềNội các Chính Phủ8.Hot Links vềchủ quyền 9.Hot Links vềPhạm Chí Dũng 10.HOT Links vềVinaline11.Hot LinksVikileaks 12.Hồ sơ Beo HồThị Thu Hồng13.Hồ sơ MafiaTàu tại VN14.Dân chủ& Đảng phái15.Giớpchóp bu Hà Nội chống tham nhũng? 16. Các vụ án Ngân hàng khác 17. Đấu tranh cho nền dân chủ 18. Thơ văn 19. Hồ sơ các nạn nhân đại gia 20. Giáo dục21. Gián điệp
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã gởi nhận xét. Chúng tôi sẽ không đăng những nhận xét không có dấu và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chúc một ngày thành công!