Blogger Widgets

Tuesday, January 14, 2014

Áp lực xã hội buộc điều tra kẻ mật báo cho Dương Chí Dũng


HÀ NỘI (NV) .- Áp lực xã hội quá lớn đang thúc đẩy chế độ Hà Nội phải lập một thứ ban chuyên án gồm nhiều cơ quan khác nhau để điều tra lời khai “mật báo” và hối lộ của Dương Chí Dũng.
Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ đối diện với cuộc điều tra tiết lộ bí mật để ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, chạy trốn trước khi bị bắt giam. (Hình: Soha.com)

“Hiện tại, tòa án thành phố Hà Nội giao cho Viện kiểm sát (VKS) thành phố vì VKSND  thành phố Hà Nội là cơ quan duy trì thực hành công tố tại tòa theo quy định của pháp luật. Đương nhiên, sau khi được giao thì VKSND TP Hà Nội phải báo cáo VKSND Tối cao. Mà việc này lại do Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an đang điều tra cho nên chắc rằng tới đây sẽ phải thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp tham gia điều tra.”

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó An Nội Chính Trung Ương của đảng CSVN, nói như thế trong cuộc phỏng vấn của báo Người Lao Động về việc quyết định khởi tố vụ án ngay ở tòa về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” tại phiên tòa xử nhóm ông Dương Tự Trọng và tay chân tổ chức cho ông Dương Chí Dũng đi trốn.

Trong phiên tòa ngày 8/1/2014, ông Dương Chí Dũng khai trong tư cách nhân chứng là ông đã được thượng tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công An, mật báo cho biết sắp bị bắt giam và khuyên “chú nên lánh mặt một thời gian”. Đồng thời, ông cũng khai rằng đã tới nhà tướng Ngọ một số lần, hai lần đưa tổng cộng 510,000 USD để “chạy án” cho mình và trước đó, đưa một triệu đô la chuyển dùm bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Tân Thịnh Phát, hối lộ để đừng cản trở việc bà xí phần “chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn”.

Một số luật sư đã nêu khía cạnh pháp lý và các khó khăn điều tra về lời khai của ông Dương Chí Dũng. Ông Nguyễn Đình Hương cựu Phó ban Tổ chức trung ương đảng CSVN là người đầu tiên nêu ý kiến cần phải lập một ban điều tra liên ngành để tránh cuộc điều tra theo kiểu “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” của Bộ Công An. Cũng vì vậy, không ít người nghi ngờ vụ điều tra sẽ không được làm đến nơi đến chốn vì sẽ đụng đến những cấm kỵ và “ở trên” sẽ chỉ đạo xuống, phải làm như thế nào, được điều tra ai, làm tới đâu.

Trước các áp lực, ông Phạm Anh Tuấn phải thanh minh trước rằng “Việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp nhằm tránh trường hợp “chuyện trong nhà”. Mà đúng là cũng phải tránh thật,  xã hội cũng dị nghị nên cần thiết phải có tổ liên ngành tham gia. Nếu vụ án bình thường thì CQĐT dư sức, thừa quyền làm được. Nhưng thôi! Đúng là để đảm bảo khách quan thì cần có sự chỉ đạo của liên ngành.”

Dù vậy, ông vẫn rào đón rằng “Tuy nhiên, cụ thể thế nào trong vài ngày tới sẽ có quyết định cuối cùng.” Ít nhất, sẽ có sự tham dự của “Ban Nội Chính Trung Ương” của đảng CSVN và vai trò sẽ như thế nào thì cũng “phải chờ ít hôm nữa”.

Trên báo VietnamNet, ông Trần Quốc Thuận hiện hành nghề luật sư ở Sài Gòn, trước đây là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội CSVN, nhắc đến “chỉ đạo” của những cấp cao từ kinh nghiệm của những vụ án tham nhũng lớn trước đây, cho rằng cơ quan điều tra mà không được độc lập và có thẩm quyền thật sự thì khó lòng bắt được “đầu sỏ”.

“Tôi biết gần đây muốn khởi tố một vị đương chức đương quyền, ít nhất là đảng viên cũng phải xin ý kiến cấp này cấp kia, nếu không cũng không dễ gì đụng đến người đó. Những cấp này cấp kia cấu kết với người tham nhũng lắc đầu thì sao? Đáng lẽ những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra cần có thẩm quyền độc lập, nếu khi cần bắt giam họ có thể quyết ngay không cần phải xin ý kiến”, lời ông Trần Quốc Thuận.

Điều tra mà không có thẩm quyền độc lập thì sẽ không khách quan và sẽ không thể đi đến tận cùng của vụ án tức “cái gốc của tham nhũng” thì “sẽ không làm dân thỏa mãn được”, theo ông Thuận.

Báo VietnamNet hôm chủ nhật cho hàng hàng trăm độc giả của báo này đã cùng nêu ý kiến và muốn thấy vụ điều tra lời khai của ông Dương Chí Dũng “được điều tra tới nơi tới chốn, công khai kết quả”. Nếu chỉ làm theo kiểu qua quýt bịp bợm dư luận quần chúng thì “nên chấm dứt phong trào chống tham nhũng đi thôi”.

Hôm Thứ Bảy, báo Dân Việt tiết lộ khi khai ở phiên tòa ngày 8/1/2014, ông Dương Chí Dũng đã khai là dùng “sim rác” có số “tứ quý” là “0975.00.888” để liên lạc với tướng Phạm Quý Ngọ. Ông tướng Ngọ khuyên ông Dũng dùng sim điện thoại trả tiền trước cho một số thời lượng ở Việt Nam gọi là “sim rác” dùng hết số phút đã trả tiền thì vất đi. Nhờ vậy, che đậy được cho cả người gọi và người nghe.

Với tiết lộ rõ ràng như thế, cơ quan điều tra đã có đầu mối cụ thể để đi tìm hiểu ai là người đã mật báo, và có thể cả những chuyện liên quan đến các số tiền hối lộ khổng lồ.

Ngày 8/1/2014 đại tá Công an Dương Tự Trọng, em ruột ông Dương Chí Dũng, bị kết án 18 năm tù vì đã tổ chức cho anh mình đi trốn nhờ có người mật báo mật báo một ngày trước khi bị bắt. Ông Dương Chí Dũng bị tòa án sơ thẩm ở Hà Nội kết án tử hình ngày 16/12/2013 vì ăn chia hối lộ 1.66 triệu đô la tiền “lại quả” mua “Ụ Nổi 83M” vốn là đống sắt phế thải biến hóa thành “Ụ Nổi” khi ông còn là chủ tịch Hội đồng Quản Trị tổng công ty quốc doanh vận tải biển Vinalines.

Chi một số tiền khổng lồ mà vẫn bị kết án tử hình, ông Dương Chí Dũng đã khai ra người ăn tiền "chạy án" của mình như một cách trả thù. Nếu cuộc điều tra dẫn đến việc kết án ông tướng Phạm Quý Ngọ và có thể có cả những người liên quan, dư luận cho rằng hy vọng ông được giảm án từ tử hình xuống còn chung thân hoặc nhẹ hơn. (TN)

NHỮNG BÀI NỔI BẬT CỦA QLB





1 comment:

Anonymous said...

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ông Phạm Trung Cang (sinh ngày 24-10-1954, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - ACB) hiện không có mặt tại Việt Nam.



Ông Cang xuất cảnh khỏi Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào ngày 24-12-2013.

Trước đó, ông Cang bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - C46) ra quyết định khởi tố bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 18-9-2012.

Ngày 20-9-2012, C46 có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an thực hiện lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Cang. Tới ngày 7-10-2013, lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Cang được gỡ bỏ và ngày 24-12-2013, ông Cang rời khỏi Việt Nam.

kết luận tại bản cáo trạng ngày 12-12-2013 của Viện KSND tối cao chỉ truy tố Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên là bỏ lọt hành vi có dấu hiệu phạm tội của bị can Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Phạm Trung Cang.

Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bị Viện KSND tối cao truy tố về tội "kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế" mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội kiến nghị Viện KSND TP Hà Nội làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) và bốn người khác về hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao ban hành trước đó, từ tháng 6-2011 đến tháng 9-2011, ACB ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi 718,908 tỉ đồng vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 3,7-13%/năm. Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank chi nhánh TP.HCM) lừa đảo chiếm đoạt.

Trong đó, hành vi của Phạm Trung Cang đã cùng Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền của dân để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền vào các tổ chức tín dụng. Ông Cang biết rõ việc ACB ủy thác cho cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng là chưa có hướng dẫn nhưng không có ý kiến ngăn cản.
{keywords}{keywords}

Ông Phạm Trung Cang

Ông Huỳnh Quang Tuấn thay thế vị trí của ông Phạm Trung Cang trong thường trực HĐQT, đã tham gia ký biên bản họp HĐQT có nội dung ủy thác gửi tiền, bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt nên ông Tuấn cũng có dấu hiệu đồng phạm, phải chịu trách nhiệm về hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gây thiệt hại 718,908 tỉ đồng nhưng chưa được cơ quan điều tra khởi tố và kết luận xem xét trách nhiệm.

Theo Tòa án nhân dân TP Hà Nội, hành vi của ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn có dấu hiệu đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên ngày 12-12-2013, Viện KSND tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.

Ngoài ra, theo Tòa án nhân dân TP Hà Nội, thường trực HĐQT ACB đã họp ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty chứng khoán ABC để mua cổ phiếu của ACB. Chủ trương nêu trên của HĐQT về đầu tư cổ phiếu dẫn đến ACB bị thiệt hại hơn 687,723 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết luận tại bản cáo trạng ngày 12-12-2013 của Viện KSND tối cao chỉ truy tố Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên là bỏ lọt hành vi có dấu hiệu phạm tội của bị can Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Phạm Trung Cang.