Blogger Widgets

Monday, November 11, 2013

Chủ đạo kiểu gì khi “mâm nào cũng có”?

QLB 

Kì họp Quốc Hội thứ 6 khóa VIII vừa qua đã đưa lên bàn cân vấn đề Ngân sách, nợ công. Theo số liệu của Global debt clock (Đồng hồ báo nợ công thế giới), tính đến hết ngày 16/1/2013, nợ công của Việt Nam tăng 13% so với năm 2011, chiếm mức trên 70,576 tỷ USD. Trong đó, bình quân mỗi người dân Việt Nam đang “gánh” 787,9 USD tiền nợ.
Trong rất nhiều nguyên nhân gây bội chi, tăng nợ công mà các chuyên gia kinh tế đã và đang tranh luận, không thể phủ nhận nguyên nhân lớn từ các doanh nghiệp nhà nước.

Quốc doanh: năng lực có hạn nhưng chi thì nhiều

TS Trần Đình Bá – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam thẳng thắng nhận định “nước ta có “Tứ đại Vina” là những “chủ công” làm hao tốn, thâm hụt ngân sách và làm nợ công nước ngoài tăng nhanh trên 72,5 tỷ USD”. Ông Bá chỉ ra sự bất cập giữa đầu vào và đầu ra, giữa lợi ích và thiệt hại của bốn doanh nghiệp “Vina”. Điển hình, các doanh nghiệp này nắm các dự án chủ chốt về giao thông, hạ tầng với lượng tài sản quốc gia lớn, lượng vốn vay từ ODA cao nhất. Tuy nhiên, lợi ích mang về chỉ đạt dưới 1%.

Phép tính giữa nguồn vốn công 200 tỷ USD (đầu tư vào 260 cảng biển, 63 sân bay, 3200km đường sắt) so với hiệu quả dưới 1% rõ ràng là rất chênh lệch. Thế nên, dấu chấm hỏi rất lớn đặt ra cho hiệu quả của việc đầu tư mà các doanh nghiệp nhà nước đang đảm nhận.

Chưa dừng ở đó, trong khi có ý kiến cho rằng nên bán bớt cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước để tập trung vốn Ngân sách, thì Chính phủ lại đề xuất phát hành 170 nghìn tỷ trái phiếu nhằm phát triển, hoàn thiện chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng. Như vậy, khi chuyện năng lực của doanh nghiệp nhà nước vẫn còn là bài toán nan giải thì phải chăng đúng như ông Bá nhận định, Việt Nam đang ném tiền qua cửa sổ cho các dự án hạ tầng giao thông.

Làm không nổi thì thẳng tay cho phá sản

Theo TS Nguyễn Quang A, đã có sự “mập mờ” trong cách hiểu và thực hiện khái niệm doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015) đề cập doanh nghiệp quốc doanh làm chủ đạo một cách rất chung chung. Nghị quyết nêu ra Việt Nam “tập trung phát triển doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt…”.

Tuy nhiên không trình bày khái niệm “ngành then chốt” là ngành nào, không quy hoạch ngành cụ thể của doanh ngiệp quốc doanh. Thế nên, doanh nghiệp nhà nước “mâm nào cũng có”, ngành nào cũng đầu tư “hợp pháp”.

TS Quang A nêu quan điểm: “Nhà nước quản lí điện năng, xăng dầu thì còn chấp nhận, nhưng ngay cả xây dựng, dệt may mà Nhà nước cũng chen chân thì không thể chấp nhận”.

Bên cạnh đó, không thể dùng khái niệm “vai trò chủ đạo” để xóa bỏ các quy định về “minh bạch, công bằng, hiệu quả” mà Hiến Pháp quy định, mục đích thâu tóm nhiều lợi ích bất hợp lí. TS Quang A khẳng định “tôi thấy có biểu hiện nhóm lợi ích phía sau thành phần kinh tế Nhà nước”.

Việc sử dụng nguồn lực chung của xã hội như đất đai, hầm mỏ, tài nguyên, đặc biệt là hệ thống tín dụng ưu đãi đều tập trung nhiều hơn, dễ hơn cho khu vực quốc doanh. Tuy thế, họ lại hoạt động lại rất kém hiệu quả. Thậm chí còn mang lại những hệ lụy nghiêm trọng, và Vinashin là một xì-căng-đan gây thiệt hại đến “ám ảnh”.

Trong khi đó, lẽ ra lượng nguồn lực chung đó phải được chia một cách công bằng, hợp pháp, minh bạch cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả. Như vậy, đã có dấu chấm hỏi lớn cho tính công bằng trong nền kinh tế thị trường nội địa, chứ đừng mơ đến việc hòa nhập với các nền kinh tế cạnh tranh cao như Mỹ, Nhật, EU.

Để chấm dứt tình trạng này, theo TS Quang A “phải điều chỉnh chính sách và Nhà nước phải đóng vai trò trung tâm, mạnh dạng thay đổi. Phải công bằng, ai cũng được hưởng lợi và thực hiện nghĩa vụ như nhau. Còn ai làm không nổi thì thẳng tay cho phá sản”. Không để vấn nạn vừa bỏ vốn ra cạnh tranh đầu tư, vừa đứng ra làm chính sách để đảm bảo lợi ích cho một nhóm doanh nghiệp. “Người đá bóng lại được thổi còi” thì không thể công bằng, phát triển được.

Thắng Nguyễn

1 comment:

Kappa-Puma-Reebok said...

Phải cho nền kinh tế tư nhân phát triển chủ đạo thì đất nước mới phát triển được!

Internet truyền hình cáp |
Mạng cáp quang |