Trang

Wednesday, May 22, 2013

Việt Nam lập công ty xử lý nợ xấu

QLB  - Hôm qua, 21/05/2013, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký nghị định thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để xử lý các nợ xấu ngân hàng, một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 09/07/2013. 
Để xử lý các nợ xấu này, công ty VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng. Theo các nhà phân tích, việc xử lý nợ xấu của Việt Nam trong thời gian qua đã gặp cản trở do đấu đá trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng, gây tổn hại cho sự tin cậy của các nhà đầu tư vào một quốc gia từng là một trong những nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ nhất châu Á. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 đã chỉ đạt 5,03% , mức thấp nhất kể từ năm 1999, mà một trong những nguyên nhân đó là tình trạng yếu kém của hệ thống ngân hàng, hiện đang đầy nợ xấu. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vào tháng trước cho biết là nợ xấu hiện chiếm 7,8% tổng vốn cho vay của hệ thống ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối tháng 12/2012. Nhưng theo các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế, tỷ lệ nợ xấu trên thực tế có thể lên tới 15%, nếu tính theo các tiêu chuẩn quốc tế (KHỎANG 20 TỶ$).
Thật ra, cho tới nay, chẳng ai biết rõ thực trạng của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Chính phủ Hà Nội cũng đang tìm phương cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo chiều hướng này, từ năm ngoái Ngân hàng Nhà nước đã tám lần cắt giảm lãi suất. Nhưng trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg News hôm qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng trong năm nay sẽ khó mà cắt giảm lãi suất hơn nữa, do áp lực lạm phát vẫn còn và sẽ có một số yếu tố khiến lạm phát tăng cao hơn nữa từ đây đến cuối năm.

Philippines, tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn nghèo.
Với gần 100 triệu dân và tăng trưởng kinh tế hơn 6 %, Philippines vẫn chưa được xem là một nền kinh tế đang lên của khu vực Đông Nam Á. Một phần tư dân số vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó với chưa đầy 1 đô la một ngày. Là một trong những nước hiếm hoi từng là thuộc địa của Mỹ (1898 – 1946), là một trong những sáng lập viên của khối ASEAN năm 1967, kinh tế Philippines chưa bao giờ « cất cánh ». Nhưng hình ảnh của nước này bắt đầu từng bước được cải thiện trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.Vài tuần lễ trước bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Philippines, cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor's bất ngờ nâng điểm tín nhiệm đối với nợ công của chính phủ Manila, đang từ BBB- lên thành BBB+. Trước đó, vào cuối tháng Ba, Fitch cũng đã lấy quyết định tương tự. Trong mắt hai cơ quan thẩm định tài chính nói trên, Philippines đang trở thành một địa điểm « đáng tin cậy » để đầu tư và tương đối ổn định cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị. Giới quan sát cho rằng Philippines đang đứng trước một khúc quanh quan trọng và đây là bước đầu tiên để quốc gia gồm khoảng trên dưới bảy ngàn hòn đảo này trở thành một con Cọp châu Á. Lâu nay Philippines vốn bị coi là một trong những nền kinh tế kém cỏi của châu lục này. Với khoảng 100 triệu dân, Philippines phải đương đầu với nhiều thách thức, từ nạn tham nhũng đến nghèo khó. Toàn cảnh chính trị tại Manila bị coi là không mấy ổn định. Thế nhưng trong những năm gần đây, các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu quan tâm đến quốc gia này. Bằng chứng rõ rệt nhất là trong năm 2012, trị giá chứng khoán trên thị trường Manila đã tăng 33 % và cho đến cuối tháng Tư vừa qua, chỉ số tài chính của Philippines đã tăng thêm 20 % trong bốn tháng đầu năm. Cũng trong năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng của Philippines là 6,6 % thay vì 3,9 % như trong tài khóa 2011. Ngân hàng Phát triển Châu Á vừa tăng dự phóng tăng trưởng của Philippines cho năm nay, lên thành 6% thay vì 5 % như đã loan báo. Một trong những điểm son khác của Manila là trong gần một thập niên qua, các chính quyền khác nhau đã nỗ lực giảm bội chi ngân sách : Thâm hụt ngân sách nhà nước so với GDP đang từ 68 % năm 2003 được giảm xuống còn 48 % vào năm ngoái.Thành quả này có được phải chăng là nhờ vào những nỗ lực của tổng thống đương nhiệm Begnino Aquino trong ba năm đầu nhiệm kỳ ? Trả lời trên đài Pháp ngữ RFI, chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher, thuộc Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á đương Đại, IRASEC ghi nhận : « Điểm thứ nhất cần nhấn mạnh là ba năm đầu nhiệm kỳ của tổng thống Begnino Aquino diễn ra suôn sẻ ngoài sự chờ đợi của mọi người. Trước khi ra tranh cử tổng thống, ông là một Thượng nghị sĩ khá kín đáo và thậm chí là không có gì xuất sắc. Giới quan sát lo ngại nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ tẻ nhạt. Tới nay, tức là sau ba năm ở cương vị tổng thống, người ta đánh giá tương đối tốt nửa đầu nhiệm kỳ của ông Aquino. Sau những năm tháng dưới quyền tổng thống Gloria Arroyo, Philippines cần có một làn gió mới. Theo tôi thì ông Aquino đã thành công trong việc này. Đương nhiên là ông còn rất nhiều việc phải làm để thực sự đưa Philippines vươn lên. Tôi muốn nói đến nhu cầu cải thiện đời sống xã hội ở quốc gia này, cũng như là ưu tiên cải thiện kinh tế, đẩy lui nạn nghèo khó …Tới nay có thể nói tổng thống Begnino Aquino đã bắt đầu đem lại niềm tự hào cho nguời dân Philippines, điều mà họ đã đánh mất dưới thời đại Arroyo »


Về điểm này giáo sư Marie-Sybille de Vienne, Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Ngôn Ngữ và Văn Hóa Phương Đông, INALCO, của Pháp không lạc quan bằng và bà đưa ra những con số cụ thể để chứng minh rằng con đường đưa Philippines thoát khỏi cảnh nghèo khó còn đầy cam go : « Tôi không lạc quan như vậy. Có thể nói tổng thống Begnino Aquino điều hành đất nước không tệ như người ta lo ngại. Nhưng tình hình chung của Philippines còn rất khó khăn. Ba điểm minh họa cho điều này : Thứ nhất liên quan đến tình trạng nghèo khó, 1/4 dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó. Điểm thứ nhì là vào năm 2005 tỷ lệ xuất khẩu lao động tương đương với 25 % dân số trong tuổi lao động, ngày nay tỷ lệ này là khoảng 33 %. Điều này có nghĩa là Philippines ngày càng không đủ khả năng để nuôi sống người dân, trong khi đó dân số nước này không ngừng gia tăng. Tỷ lệ sinh đẻ năm ngoái là 12, 5 %, cao hơn cả so với Ấn Độ. Do vậy, muốn thực sự cải tổ để đưa kinh tế nước nhà đi lên, chính quyền Manila phải giải quyết vấn đề dân số trước đã ».

Vậy thì đâu là những bế tắc của mô hình phát triển Philippines ? Giáo sư Marie-Sybille de Vienne trước hết cho rằng để giải quyết khó khăn kinh tế, chính quyền Manila cần phải kiểm soát đà tăng trưởng về dân số. Đây là việc không dễ làm : « Có nhiều nguyên nhân giải quyết cho tình hình bế tắc hiện nay của Philippines. Một trong những yếu đó đó là do vai trò và trọng lượng quá lớn của Giáo hội Công giáo Philippines. 85 % dân số Philippines là người Công giáo và họ không nghĩ đến chuyện hạn chế sinh đẻ. Nhiều gia đình đông con không đủ phương tiện bảo đảm cho chúng ngày hai bữa ăn. Thế rồi người cha hay người mẹ, và thậm chí là đôi khi cả hai người cùng phải ra nước ngoài kiếm sống. Họ để con cái lại cho gia đình nuôi dưỡng. Mô hình gia đình trong xã hội Philippines đang bị khủng hoảng vì hiện tượng cha mẹ sinh con, nhưng lại để cho người khác nuôi dưỡng ».

Về phần mình bà Sophie Boisseau du Rocher, thuộc Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á đương Đại, IRASEC chú ý đến vai trò quá lớn của vài trăm gia đình đầy thế lực liên tục kiểm soát các hoạt động từ tài chính đến kinh tế, chính trị của Philippines từ hàng trăm năm qua : « Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm của giáo sư Marie Sybille de Vienne Tuy nhiên tôi nghĩ rằng bế tắc của Philippines còn được giải thích qua cơ cấu xã hội tại quốc gia này. Chúng ta không thể phủ nhận là trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập niên, Giáo hội Công giáo Philippines đã cấu kết với những gia đình nổi tiếng tại quốc gia này. Dù thế, những gia đình đó, từ đầu thế kỷ trước mới thực sự gây trở ngại cho mọi tiến trình phát triển của Philippines để bảo vệ quyền lợi của chính họ cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Philippines chỉ có thể thực sự có một bước đột phá khi thế lực của những gia đình này được giảm bớt, họ không còn độc quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế và chính trị của Philippines. Vấn đề đặt ra là bản thân tổng thống Aquino cũng từ một trong những gia đình thế lực đó mà ra. Thân mẫu của ông, cố tổng thống Corazon Aquino cũng đã phải trực diện với vấn đề tương tự.Thách thức lớn nhất đối với ông Begnino Aquino là làm thế nào thuyết phục được khoảng ba hay bốn trăm gia đình đang kiểm soát toàn bộ vận mệnh đất nước mạnh dạn tiến hành cải tổ. Chính những gia đình này đã cản trở mọi kế hoạch cải tổ ở Quốc hội và họ là những thành phần có hậu thuẫn của Hoa Kỳ. Thí dụ như đối với đạo luật cải cách nông nghiệp hay dự luật kế hoạch hóa gia đình. Trong trường hợp cụ thể về luật này khi được Hạ viện thông qua, thì Giáo hội Công giáo Philippines đã liên kết với một số đại biểu có trọng lượng trên sân khấu chính trị Manila để gây áp lực lên Tòa bảo Hiến để cơ quan pháp lý này xét rằng luật kiểm soát sinh đẻ là bất hợp hiến. Theo tôi đây thực sự là cả một vấn đề khi muốn tiến hành cải tổ ».

Theo thống kê tính từ năm 1907 tới khoảng 2010, có tổng cộng 160 thành viên của các gia đình thế lực nhất tại Philippines thường xuyên hiện diện tại Thượng và Hạ viện. Dù vậy, có tới hơn phân nửa trong số những gia đình thế lực tại Philippines chỉ bắt đầu trỗi lên từ khoảng năm 1986. Bởi vậy, bà Marie Sybille de Vienne cho rằng, đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 13/05/2013 trước hết là nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhóm thế lực địa phương. Cũng chính thế lực quá lớn của các gia đình đó khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế nản lòng khi muốn chen chân vào Philippines : Họ ý thức được rằng, để có thể làm ăn ở xứ này thì phải liên kết hay ít ra là được một trong số những gia đình thế lực đó yểm trợ. Nói cách khác, Philippines đang đứng trước một cái vòng luẩn quẩn, khó có thể tiến hành cải tổ để « hiện đại hóa » guồng máy chính trị và kinh tế. Giáo sư Marie Sybille de Vienne kết luận: « Với mô hình xã hội hoàn toàn bị sơ cứng do đặt trong tay một số các gia đình có quyền lực, chính quyền Manila bất lực trong việc kiểm soát dân số và đẩy lui nạn nghèo khó. Kinh tế Philippines chỉ còn trông chờ vào các khoản ngoại tệ của người lao động ở nước ngoài gửi về : 1/3 dân số Philippines trong tuổi lao động làm việc ở nước ngoài, trong đó có 3 triệu rưỡi người làm công tại Hoa Kỳ. Hàng năm, họ gửi về một khoản tiền tương đương với 10 % tổng sản phẩm nội địa. Khoản tiền đó cũng tương đương với tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Philippines ».
Tăng trưởng nhưng vẫn nghèo

Khác với nhiều nước châu Á, kinh tế của Philippines phát triển không nhờ vào khu vực xuất khẩu. Đòn bẩy giúp quốc gia này vươn lên đến từ nguồn ngoại tệ được hàng triệu người Philippines sống ở hải ngoại gửi về. Theo thẩm định của Standard & Poor's, khoản kiều hối đó thừa sức trang trải thâm hụt cán cân thương mại của Philippines. Hiện có khoảng 10 triệu người Philippines làm việc ở nước ngoài – và hàng năm họ gửi về nguyên quán một khoản tiền tương đương với 8,5 % tổng sản phẩm nội địa. Nhờ nguồn ngoại tệ này mà chính phủ có được khoản dự trữ ngoại tệ trên dưới 80 tỷ đô la. Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới, kiều hối là một trong những nguồn thu nhập chính của nền kinh tế Philippines : Năm 2009, người lao động nước ngoài Philippines gửi về 316 tỷ đô la. Năm ngoái, họ chuyển đến hơn 400 tỷ về nước để giúp đỡ gia đình. Theo Ngân hàng Thế giới, khoản kiều hối mà người lao động Philippines từ nước ngoài gửi về giúp gia đình còn hơn cả so với trợ cấp phát triển của quốc tế cấp cho Philippines. Trong hai năm tới, số tiền nói trên sẽ lên tới 515 tỷ đô la. Tuy nhiên, bi kịch của Philippines là dù tăng trưởng ở nhịp độ trên dưới 6 % một năm, nhưng quốc gia này vẫn chưa đẩy lui được nạn nghèo khó. Hiện vẫn còn hơn 1/4 dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó được Manila quy định là 0,67 đô la / ngày. Đáng quan ngại hơn nữa là trong sáu năm qua, từ 2006 đến 2012, tỷ lệ người nghèo tại quốc gia này gần như không giảm đi chút nào ( 27.9 % thay vì 28,6 % trong dân số). Phía chính quyền giải thích thất bại trong chương trình xóa đói giảm nghèo do những hiện tượng như là bất ổn về an ninh gây thiệt hại kinh tế tế cho người dân, thiệt hại mùa màng, nông phẩm mất giá, dư thừa nhân lực ở các vùng quê hay … Hiện nay, hơn 7 % dân số Philippines trong tuổi lao động không có việc làm và gần 1/5 trong số đó bắt buộc phải làm việc bán thời gian. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, mô hình kinh tế Philippines dựa trên tiêu thụ nội địa và trên xuất khẩu lao động cho thấy không phải tất cả mọi người đều được hưởng những thành quả tăng trưởng kinh tế.

RFI

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét. Chúng tôi sẽ không đăng những nhận xét không có dấu và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chúc một ngày thành công!