Trang

Friday, May 24, 2013

Kinh tế khó khăn, đại biểu quốc hội rưng rưng nước mắt

QLB  -

Đại biểu Võ Thị Dung: 'Nghe báo cáo thì thấy tình hình bình yên quá' - Ảnh: MAI HƯƠNG

"Tới bây giờ vẫn đánh giá là tình hình khó khăn, không đề ra được giải pháp mới, chỉ thấy tiếp tục đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Nói thật, vấn đề niềm tin vào những mục tiêu này là phải xem lại”

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận xét các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội phản ánh chưa đầy đủ, chưa đúng tình trạng trì trệ trầm trọng của nền kinh tế. Đó là những điểm đáng chú ý mà phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận được tại các tổ đại biểu Quốc hội thảo luận ngày 22-5.

“Từ năm 2008 đến nay khó khăn triền miên, hàng trăm ngàn doanh nghiệp chịu không nổi. Vấn đề hiện nay là vốn không ra được, nằm cả ở ngân hàng. Nhiều chủ ngân hàng nói với tôi là nguy lắm ông Nam ơi, tiền vay của dân mà không cho vay được thì chết” - đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) kêu.
Là lãnh đạo một tổng công ty nhà nước, ông Nam cho rằng vấn đề hiện nay là phải có giải pháp giải quyết cục nợ xấu. Chủ tịch HĐQT Vietinbank, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), cũng kiến nghị vay tiền để giải quyết nợ xấu: “Như Mỹ chẳng hạn, chính phủ bỏ ra hàng ngàn tỉ USD mua lại nợ xấu. Với 500.000 tỉ đồng nợ xấu của ta hiện nay thì chỉ cần 15 tỉ USD là có thể giải quyết được”.
“Cực kỳ khó khăn”
Tình hình kinh tế và ngân sách hiện nay phải dùng từ “cực kỳ khó khăn” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét. Đi sâu vào giải pháp, ông Hiển nói mấu chốt là hoạt động của doanh nghiệp vì đây là đầu tàu của nền kinh tế.
Cho rằng doanh nghiệp khó khăn đầu tiên là vốn, hai là thị trường tiêu thụ, ba là môi trường pháp lý, ông Hiển phân tích: “Về vốn thì khó nhất là lãi suất ngân hàng cao. Để kinh doanh có lãi thì lãi suất khoảng 10-11% là vừa. Chúng ta xác định không thể cứu tất cả doanh nghiệp. Trong đại phẫu một mặt phải để cơ chế thị trường xử lý, mặt khác đối với những doanh nghiệp vẫn làm ăn được nhờ hoạt động chỉnh chu, bài bản thì ngân hàng mở cửa cho vay. Chỗ này ngân hàng phải có tiêu chí cho rõ để giúp doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng bốn tháng chỉ có 1,44%, trong khi huy động 5%, vào nhiều mà ra ít, đóng băng như vậy thì chính ngân hàng cũng khó khăn. Lúc này ngân hàng cho doanh nghiệp vay chính là cứu mình. Về thị trường, vấn đề phải làm sao kích lên, kích thích tiêu dùng, sức mua, nếu không người dân sẽ bỏ tiền vào mua vàng, đôla”.
“Thực tế nền kinh tế VN đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng rồi” - TS Trần Du Lịch (TP.HCM) nói. Theo ông Lịch, khi tác động khủng hoảng tài chính khu vực giai đoạn 1997-1999 thì đến năm 2000 phục hồi. Vậy mà suy giảm kinh tế kéo dài từ năm 2008 đến nay đã gấp đôi thời gian trên. Đến thời điểm này, phải vực nền kinh tế bằng những giải pháp đặc biệt. Giải pháp bình thường không thể làm gì được. Tuy nhiên, phân tích của các đại biểu lại thấy chưa có giải pháp đặc biệt nào được đưa ra.
“Từ đầu năm đã thấy Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%, rồi đưa ra nhiều khó khăn và không đạt được. Tới bây giờ vẫn đánh giá là tình hình khó khăn, không đề ra được giải pháp mới, chỉ thấy tiếp tục đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Nói thật, vấn đề niềm tin vào những mục tiêu này là phải xem lại” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nhận xét.

Đại biểu Võ Văn Đương: "Báo cáo rất sơ sài"

Gay gắt hơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói: “Tôi thấy báo cáo của Chính phủ rất sơ sài, không phân tích được nguyên nhân, cũng không thấy rõ ràng giải pháp. Trong một trang mà tôi đếm có tới 23 lần các từ “đẩy mạnh, tăng cường, tích cực”. Ta hô hào rất nhiều mà giải pháp cụ thể không được bao nhiêu”.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nhận xét việc triển khai tái cơ cấu kinh tế chậm. Cụ thể như tái cơ cấu tổ chức tín dụng ban đầu làm tương đối tích cực, nhưng từ nửa năm 2012 đến nay chậm lại. Nhiều chuyên gia cho rằng với quy mô nền kinh tế nước ta hiện nay thì số lượng các tổ chức tín dụng hiện có là khá nhiều, chúng ta đặt mục tiêu vài năm tới có một số ngân hàng ở tầm cỡ khu vực, nhưng với tốc độ tái cơ cấu như hiện nay thì sẽ khó khăn.

“Báo cáo không phản ánh được tình hình”
“Tôi thấy những con số nêu trong báo cáo của Chính phủ hời hợt, không trung thực, không phản ánh được tình hình” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận xét.
Ông Nghĩa phân tích: “Với những con số báo cáo đó, công luận không cảm nhận hết sự nghiêm trọng của tình hình. Thực chất, mô hình tăng trưởng của ta là mô hình dựa chủ yếu vào vốn, xem GDP là một thành tích để phấn đấu với nhau, khen thưởng với nhau. Cái mà ta xem là thành tích thì nhiều chuyên gia lại xem đó là chuyện trầm trọng. Chẳng hạn như xuất siêu. Trong vòng 1-2 năm xuất siêu tăng thì ta lại ca ngợi nhau, trong khi tình hình VN - một quốc gia cần phải nhập siêu đầu vào để sản xuất - thì bây giờ xuất siêu là bệnh đấy”.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói rằng gần đây bà thấy ngợp với nhiều con số về nợ xấu, nhiều con số về nợ công, đi các tỉnh thấy tỉnh nào GDP cũng cao nhưng cả nước lại thấp, Chính phủ báo cáo giảm nghèo nhanh nhưng phó chủ tịch Quốc hội không tin... “Nhiều con số khác nhau như vậy thì làm sao đánh giá đúng tình hình đất nước” - bà An nói.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) nói thêm: “Trước kỳ họp, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì nghe người dân rất xôn xao trước tình hình của đất nước. Nhưng khi nghe báo cáo đánh giá của Chính phủ thì mình lại thấy tình hình bình yên quá. Trong báo cáo, các khuyết điểm nói nghe rất đơn giản, nhẹ nhàng. Qua hành xử của một số bộ ngành không nghĩ đến trách nhiệm đã làm dân tình hoang mang. Tôi ví dụ như chuyện tham nhũng: mỗi lần báo cáo thì ta cứ nói tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri cũng thấy xấu hổ với cử tri khi chỉ có một câu mà phải lặp đi lặp lại quá nhiều lần như thế”.

“Nói như vậy thiếu sót với dân quá”
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nóng ruột với tình trạng các tỉnh mua ôtô tràn lan: “Đầu năm vừa rồi tôi thấy các tỉnh mua ôtô mà nóng ruột cho ngân sách. Tôi không hiểu tiền đâu mà nhiều như vậy. Bí thư đổi xe mới, rồi cả một loạt xe mới, các cơ quan, sở ban ngành. Tôi không biết tổng bao nhiêu tiền nhưng rất nhiều, trong khi đó vừa cho mua xe mới thì trong báo cáo của Chính phủ lại nói thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương) trong những tháng còn lại của năm 2013. Rất là mâu thuẫn. Tôi cứ tưởng ngân sách khá lên mới cho mua xe, bây giờ lại cắt giảm chi thường xuyên, mà cán bộ, công chức hiện nay vốn đã khó khăn chỉ trông ngoài lương, còn một số chế độ khác lại bị cắt giảm nữa."
Đại biểu Phạm Đức Châu nói: "Tôi không đồng tình với việc cắt giảm 10% như nêu trên. Bây giờ phải tiết kiệm chi tiêu công, mua sắm, đặc biệt là đi nước ngoài. Tôi xin nói có những hội nghị nếu cần thiết thì tổ chức, không thì thôi, chứ có những hội nghị mà chúng tôi ra đến Hà Nội chỉ một buổi, cả nước ra Hà Nội một buổi xong rồi về, lãng phí lắm. Chỉ cần tiết kiệm một vài hội nghị là thoải mái cho cái 10% kia”.
Đại biểu Võ Thị Dung nói thêm: “Tôi được tham gia Quốc hội từ đầu khóa tới giờ thì báo cáo nào cũng nói là đầu tư dàn trải. Nhưng với những cá nhân sử dụng ngân sách sai thì Quốc hội cũng chưa có đề nghị với Chính phủ kỷ luật ai. Đọc báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tôi rất đau lòng vì khi tình hình hiện nay khó khăn mà sử dụng ngân sách thiếu trách nhiệm với dân quá. Mình cứ nói đã xài rồi, không quyết toán thì không được. Nhưng nói như vậy thấy băn khoăn với dân quá, có lỗi, thiếu sót với dân quá. Quốc hội phải xem xét kỹ và có những địa chỉ phải làm rõ trách nhiệm. Một điển hình tôi thấy là ở dự án xây dựng nhà tái định cư thủy điện Sơn La, giá trị đầu tư 60 tỉ đồng nhưng chỉ có sáu hộ dân vào ở. Sử dụng ngân sách như thế thì không thể chấp nhận được”.
Nói đến đây, bà Dung rưng rưng nước mắt.

TS Lưu Bích Hồ (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - đầu tư): Có nhiều yếu tố khiến thống kê không chính xác
Thời gian qua có rất nhiều người, thậm chí cả lãnh đạo một số cơ quan, không tin một vài con số thống kê. Đây là thực trạng và có nhiều nguyên nhân. Như số liệu gốc cung cấp cho các cơ quan thống kê có vấn đề. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan có hai hệ thống sổ sách, họ cung cấp con số chính thức thường theo hướng tốt và bên cạnh có những con số thực ở một loại sổ sách khác. Tuy nhiên, nguyên nhân thứ hai là bệnh thành tích đã khiến nhiều số liệu thống kê của VN không được tin tưởng. Tổng cục Thống kê có thể khẳng định phương pháp và cách làm của họ đúng. Nhưng họ có đảm bảo hoàn toàn kiểm soát được bên dưới? Như số liệu thống kê tốc độ tăng trưởng GDP của các tỉnh thành chẳng hạn, đều rất cao.
Và đúng là trong năm 2012, theo con số thống kê chính thức, trên 50.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Trên thực tế, nhiều chuyên gia khẳng định có tới 60-70% doanh nghiệp đình trệ. Nhưng số người được tạo việc làm mới, theo thống kê, vẫn đạt 1,5 triệu. Đúng là bên cạnh số doanh nghiệp phá sản thì có doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp phục hồi. Cũng có khu vực không chính thức và rất có thể khu vực này đã giúp tạo việc làm mới. Tuy nhiên theo tôi, dù không phản bác nhưng đây vẫn là con số khiến nhiều người băn khoăn.
Ông Nguyễn Chí Nguyện (nguyên tổng thư ký Hiệp hội Lương thực và thực phẩm TP.HCM): Chỉ tiêu phải xét trên “sức khỏe” doanh nghiệp
Những con số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, giải thể mà báo cáo đã đưa ra nói lên đời sống u buồn của doanh nghiệp VN thời gian qua. Từ cuối năm ngoái, những lời hứa, những cam kết hỗ trợ doanh nghiệp đã xuất hiện, vậy mà đến nay các giải pháp gần như chưa được thực hiện. Các đơn vị chủ lực của nền kinh tế là các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả vẫn chưa có hướng xử lý, trong khi nợ công ngày càng lớn. Thậm chí đã có ý kiến dẹp bỏ những doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả để dành những khoản hỗ trợ doanh nghiệp khác, nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa biến chuyển nhiều.
Theo tôi, những con số về chỉ tiêu tăng trưởng lớn hơn 5% hay cụ thể 5,5% và chỉ số lạm phát dưới 7% cần được đặt trong tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp. Con số này có thể khả thi trong năm 2014 khi niềm tin của thị trường ổn định, vì vậy điều Chính phủ cần thể hiện là trách nhiệm đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nước.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM): GDP tăng 5,5% khó khả thi
Theo tôi, để các chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra thành hiện thực cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ bên cạnh các chính sách đang triển khai hiện nay. Cụ thể, cần lập ủy ban khẩn cấp ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp. Chính phủ cần tăng đầu tư công để dẫn dắt thị trường, nhưng phải đặt trên cơ sở đầu tư hiệu quả. Mặt khác, Công ty Quản lý tài sản nhằm xử lý nợ xấu vừa được ra đời cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế, giải quyết được nợ xấu đang tồn tại trong nền kinh tế hiện nay.
Do vậy, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10-12% trong năm nay là hợp lý. Về chỉ tiêu tăng GDP 5,5% trong năm nay, tôi cho rằng khó khả thi. Trong bối cảnh hiện nay, GDP cả năm theo tôi đánh giá chỉ tăng 5-5,2%.

Theo C.V.Kình - Ánh Hồng - Như Bình
Tuổi trẻ

3 comments:

  1. Nước ta luôn tuyên bó Quốc hỘi là cơ quan có quyền lực cao nhất, thực tế thì sao? 95% đại biếu quốc hội là đảng viên, đương nhiếm nói và làm phải theo lệnh của Đảng, vậy thì trong các buổi họp quốc hội nếu có phát biểu của các vị này thì chỉ là hình thức. Các vị nên ngồi ngủ trong quốc hội còn sướng hơn! Có làm gì đi nữa cũng chẳng đụng được tới một sợi lông chân nào của Thủ Tướng và Chính Phủ đâu.

    ReplyDelete
  2. Mot lu mi dan, kiem phieu

    Chac

    ReplyDelete
  3. Có cãi vã - khóc lóc - moi móc - gào thét đến cỡ nào cũng chỉ như cơn bão trong chén trà thôi. Quyền lực có nằm trong tay Quốc Hội đâu. Những số liệu thống kê thì thiếu, gian và rối như búi chỉ vứt vỉa hè. Người có tâm lên tiếng báo động, kẻ cầm quyền thì trả lời qua quýt xong thôi, trước sau rồi cũng rơi vào "im lặng đáng sợ". Bọn sâu mọt cứ âm thầm đục khoét từng ngày. Sẽ đến lúc cả cái nhà đổ ầm xuống, tất cả ôm đầu nháo lên chạy không kịp cho xem!

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét. Chúng tôi sẽ không đăng những nhận xét không có dấu và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chúc một ngày thành công!