Trang

Wednesday, December 12, 2012

CHÚNG TA PHẢI ĐỐI MẶT VỚI CUỘC ĐỜI

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI)
Quanlambao  - Triết gia Isaac Newton (1642-1727), người nước Anh, là một nhà vật lý. Kiến thức và các công trình nghiên cứu khoa học của ông rộng và uyên thâm nhiều lĩnh vực khác như: toán học, thiên văn, thần học…
Ông cho rằng sự chuyển động của các vật thể trên mặt đất và các vật thể trong bầu trời bị chi phối bởi các định luật tự nhiên giống nhau. Trong cơ học, Newton đưa ra nguyên lý bảo toàn động lượng (bảo toàn quán tính).Trong quang học, ông khám phá ra sự tán sắc ánh sáng, giải thích về ánh sáng trắng, qua lăng kính thì ánh sáng trắng trở thành nhiều màu-cái ảo ảnh trong thực thể và thực thể nằm trong ảo ảnh. Ông phân tích ra các cơ sở khoa học phát triển phép vi phân và tích phân…Thế nhưng, ông cũng phải khẳng định rằng: “Tôi có thể tính toán sự vận hành của tinh tú, nhưng không thể tính sự cuồng điên của con người”.
Còn Antonie de Saint Expery, Nhà văn, phi công Pháp nói: “Nếu trái đất hình vuông thì ta có các góc cạnh để ẩn náu. Nhưng tiếc thay nó lại hình cầu nên chúng ta phải đối mặt với cuộc đời”.
Nhiều nhà khoa học xã hội cả đời chuyên tâm nghiên cứu chỉ hai chữ CON NGƯỜI, đã có chung kết luận rằng: “Nếu loài vật biết viết truyện ngụ ngôn thì nhân vật chính trong đó hẳn phải là con người; Và, Luật pháp là cái mạng nhện mà những con ruồi to thì chui lọt, còn những con nhỏ thì bị mắc lưới”.
Về đề tài nêu trên, hơn 6 năm trước, chuẩn bị Đại hội X của Đảng (4-2006), nhà nghiên cứu Nguyễn Trung đã viết bài “Thời cơ vàng” với nhiều kỳ vọng về sự mạnh bạo, kiên quyết “tự lột xác” của Đảng ta để chớp thời cơ thuận lợi đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh vững chắc trong sự nghiệp đổi mới. Ông viết: “Đau thấu nỗi đau của dân tộc, khát vọng da diết khát vọng của dân tộc, mỗi đảng viên và toàn thể Đảng ta sẽ mỗi ngày vượt qua được cái bóng của mình!”. Ông cũng cảnh báo rằng, xu thế phát triển sẽ đi ngược lại, như một sự lao xuống dốc nguy hại, nếu như: “Khi nói đến xây dựng Đảng trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc. cũng có nghĩa là tự do dân chủ phải được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc. Thời cơ vàng đang đến của dân tộc, vì vậy cũng chính là thời cơ vàng của Đảng ta!”.Nhưng, cái nhìn toàn diện nhiều mặt của một vấn đề, ngay trong loạt bài này, tác giả Nguyễn Trung cũng cảnh báo: "Thời cơ vàng-với thảm họa đen".

Thế nhưng, hết Đại hội X và nay đã 1/2 thời gian triển khai Nghị quyết Đại hội XI, hiệu quả đổi mới, chỉnh đốn Đảng quá thấp, thậm chí có bước thụt lùi, uy tin lãnh đạo của Đảng bị "vẹt mòn" thêm rất nhiều, có người nói còn nói "có còn uy tín đâu mà mất, không thể bị mất đi cái không có!". Đại hội XI với Nghị quyết Trung ương 4 “đi vào lịch sử Đảng", đến nay gần cả năm nỗ lực toàn diện, triển khai thực hiện với những biện pháp "khoa học, biện chứng", nhưng chất lượng, hiệu quả đổi mới, chỉnh đốn Đảng quá thấp, chậm chạp, ì trệ. Một nghị quyết đầy kỳ vọng đổi mới, chỉnh đốn mạnh bạo, quyết liệt tưởng như sẽ làm thay đổi hẳn diện mạo đất nước, vậy mà thành "đầu voi đuôi chuột". Thậm chí có người nói: “Cứ bảo ‘làm mất uy tín Đảng, Nhà nước’, nhưng phải xem uy tín lãnh đạo của một Đảng cầm quyền, một nhà nước dân chủ nay còn được bao nhiêu?”. Một nhà nghiên cứu từng trải kinh nghiệm theo dõi sát từng bước phát triển chính trị-kinh tế đất nước mà nay cũng phải đánh giá lại uy tín, vai trò của Đảng, lo lắng đến sự tồn vong của chế độ vẫn được tuyên truyền là ưu việt, dân chủ.

Phải chăng, thực trạng không mấy sáng sủa, khó tìm lối ra như vậy đã khiến người ta phải liên tưởng đến câu nói của I. Newton, cũng do “...không thể tính sự cuồng điên của con người”; thay vì cần nâng cao đạo đức cách mạng để tận dụng, giành lấy thời cơ vàng lo cho nước cho dân, thì một “Bộ phận Không nhỏ có chức có quyền” lại gia tăng lợi dụng thời cơ để đục khoét của dân, của nước, tham nhũng càng thêm trầm trọng. Họ biến “thời cơ vàng” cho đất nước, thành “thời cơ vơ vét vàng” cho cá nhân và nhóm lợi ích mà khi triển khai thực hện nghị quyết Trung ương 4 mới rõ thêm “cháy nhà ra mặt chuột”.
Đến mức, trong một bài viết mới đây với tựa đề: “Từ quyền lực và tiền bạc-Mẫu số chung cho các nhà nước độc tài…”, ông Nguyễn Trung phải mạnh bạo, thẳng thắn chỉ ra: “Vì quyền lực và lòng tham vô đáy để vơ vét cho đầy túi của mình, lãnh đạo các chế độ độc tài phải bắt buộc ‘áp bức và bóc lột’ người dân của mình. Người ta hạn chế tối đa tự do báo chí, không cho phép người dân phản đối. Xây dựng bộ máy chính quyền để phục vụ giới lãnh đạo cùng những nhóm lợi ích thay vì phục vụ người dân. Đó là hình thức “áp bức” mà các chế độ độc tài vẫn thích dùng… Ngoài quyền lực, tiền bạc là điều không thể thiếu ở các chế độ độc tài. Có quyền ắt sẽ có tiền vì các chế độ độc tài không có chỗ cho sự giám sát của người dân. Tiền từ tham nhũng. Tiền từ bảo kê làm ăn phi pháp. Tiền từ nguồn lợi bán tài nguyên thiên nhiên của quốc gia. Tiền từ mua rẻ bán đắt sản phẩm của người dân. Tiền từ đầu tư xây dựng đất nước do quyền lực mà có”.
Trong bài: “Hội nghị Trung ương 4-Sự kiện Đoàn Văn Vươn và Vấn đề Sửa đổi Hiến pháp”, tác giả Nguyễn Trung viết: “Nói đến những yếu kém trong chính đốn và đổi mới xây dựng Đảng, không thể chỉ đơn thuần nêu ra suy thoái phẩm chất chính trị và đạo đức của đảng viên, mà trước hết phải nhận thức đầy đủ tình trạng bất cập toàn diện hiện nay so với nhiệm vụ và trách nhiệm của một đảng cầm quyền duy nhất đang nắm trọn quyền lực và vận mệnh quốc gia trong tay. Phải chăng, vì chưa nhìn thẳng vào sự thật như lẽ ra phải làm, nên 5 kỳ Đại hội toàn quốc đã qua đi, nhưng nhiệm vụ chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng vẫn giẫm chân tại chỗ?

“Nhìn thẳng vào sự thật như thế, hiển nhiên không thể chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng đơn thuần bằng cách kêu gọi đảng viên nâng cao tự phê bình và phê bình, cải tiến các loại công tác đảng vụ, đẩy mạnh việc quản lý đảng viên, đẩy mạnh chất vấn, khuếch trương các thành tích học tập chính trị tư tưởng, nghiên cứu lý luận, vân vân… như đã làm suốt 26 năm qua. Sự thật đang diễn ra là: Càng nhiều thành tích về học tập chính trị tư tưởng và công tác lý luận như đã và đang làm, càng nhiều các thành tích về xây dựng Đảng được khuếch trương như nêu trong nhiều báo cáo của Đảng qua các kỳ Đại hội và trên báo chí, mọi suy thoái và yếu kém của Đảng càng ngang nhiên gia tăng”…
Như vậy, không ai khác, chính hiệu quả, chất lượng lãnh đạo của Đảng đã thay đổi cách nhìn về thực chất, thực trạng Đảng ta, về uy tín lãnh đạo của một Đảng cầm quyền.

Lại sắp “đầy năm” (thôi nôi), nhìn lai một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), xin giới thiệu lại bài “Thời cơ vàng” của tác giả Nguyễn Trung.
Bùi Văn Bồng
Thời cơ vàng

Năm 2006, công cuộc đổi mới của đất nước tròn hai mươi tuổi.
Bất kỳ ai cùng với đất nước trải qua đoạn trường dẫn tới công cuộc đổi mới, bất kỳ ai cùng với cả nước chịu đựng mọi khó khăn thử thách để khai phá con đường đổi mới dẫn tới những thành tựu đất nước đạt được như hôm nay, đều có thể thở phào nhẹ nhõm: Sự nghiệp cách mạng đất nước ta sau khi giành được độc lập và thống nhất đã không đi vào vết xe đổ của các nước Liên Xô Đông Âu xưa như báo chí phương Tây hồi ấy đã dự báo không tiếc lời.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung

Bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cùng với cả nước không tiếc tâm trí và công sức mầy mò con đường làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội đất nước thay da đổi thịt được như hôm nay, đều có quyền tự hào: Việt Nam đã tìm ra và đang bắt đầu khai phá con đường phát triển riêng của chính mình, để hội nhập vào xu thế phát triển chung của toàn thể nhân loại, với mục tiêu thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh cho chính mình, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của cả thế giới. Việt Nam đang quyết tâm đem hết cả tinh thần và nghị lực dấn bước trên con đường do chính mình xác định được, do chính mình đang không tiếc công sức tiếp tục khai phá!

Không tự hào làm sao được, khi cuộc sống hôm nay ấm no hơn trước và đạt những bước tiến bộ mới trên những phương diện nhất định.
Trước đổi mới, GDP theo đầu người của nước ta ở cái ngưỡng dưới 200 USD, ngày nay tăng gấp hơn 3 lần, tỷ lệ số người đói nghèo trong xã hội giảm nhanh ở mức kỷ lục so với hầu hết các nước nghèo và đang phát triển - cả thế giới đánh giá cao thành tích này. Ngày nay, kim ngạch xuất khẩu trong 8 ngày bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm trong thời kỳ trước đổi mới. Ngày nay cứ làm ra 10 đồng của cải mới mỗi ngày thì khoảng 5 - 6 đồng là dành cho xuất khẩu. Ngày nay sản phẩm của Việt Nam có mặt tại tất cả các thị trường quan trọng nhất trên thế giới và xuất hiện ở rất nhiều nơi khác, xu thế này đang phát triển năng động…
Sự nghiệp cách mạng của đất nước mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến cứu nước đã đem lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Giai đoạn đầu tiên vừa qua của công cuộc đổi mới đã bảo vệ thành công thành tựu cách mạng cực kỳ trọng đại này trước bao nhiêu thách thức hiểm nghèo sau khi đất nước ra khỏi những thập kỷ đằng đẵng của các cuộc chiến tranh tàn khốc, và ngày nay đang đem lại cho đất nước một vị thế chưa từng có trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới hôm nay.
Một câu hỏi đơn giản: Nếu không tự đổi mới, nếu công cuộc đổi mới không thành công như vừa qua, sự nghiệp cách mạng của đất nước sẽ ra sao và ngày hôm nay đất nước ta sẽ đang ở đâu?
Nên tự hỏi câu hỏi này để thấy rõ được mọi yếu kém của mỗi người và của đất nước còn phải vượt qua, thấy rõ mọi hiểm nguy phía trước, và nhất là để thấy rõ và tự tin vào con đường mình đã lựa chọn, để quyết tâm khai phá tiếp và vững bước trên con đường mình đang đi.
Nên tự hỏi câu này để đoạn tuyệt với mọi quán tính bảo thủ lạc hậu, để mở rộng tầm nhìn và tìm cách làm chủ những thành tựu mới nhất của tri thức và văn minh nhân loại. Để tự tin, để yêu thiết tha hơn nữa Tổ quốc của chúng ta! Để tất cả cho Tổ quốc của chúng Ta!
Trên hết cả, nên tự hỏi câu hỏi này, để thấy rõ tương lai và vận hội chưa từng có của Tổ quốc Việt Nam ta kể từ ngày dựng nước, để cả nước và toàn thể cộng đồng dân tộc ta muôn người như một, đồng tâm hiệp lực nắm bắt lấy vận hội này!
Nói một cách khái quát: Thời cơ và vận hội của Cách Mạng Tháng Tám đã giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, thành quả của Cách Mạng Tháng Tám và của giai đoạn đầu trong công cuộc đổi mới cho đến nay đang đem lại cho đất nước vị thế quốc tế và vận hội mới có một không hai trong lịch sử của đất nước. Đây chính là cơ sở vững chắc cho những bước đi tiếp theo của đất nước vào tương lai.
Nhận định chung cục diện quốc tế hiện nay xin để vào một dịp khác, đầu xuân chỉ xin nói ngay về thời cơ vàng, về những năm phía trước là thời gian vàng đang mở ra cho Tổ quốc Việt Nam ta. Đất nước ta, dân tộc ta chỉ có một sự lựa chọn: Hoặc là.., hay sẽ là…
Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam bây giờ không có kẻ thù chiến lược. Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam được công nhận đầy đủ và có quan hệ chính thức với tất cả các cường quốc, với hầu hết mọi quốc gia khác còn lại trên thế giới, Việt Nam đã thực sự trở thành viên có vị thế nhất định trong cộng đồng quốc tế. Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu và trên thực tế là đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử ViệtNam chúng ta có tất cả các cường quốc trên thế giới là đối tác kinh tế quan trọng, là thị trường quan trọng của nước mình! Trên hết cả, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Việt Nam là đối tác với tất cả các cường quốc trên thế giới, đang có khả năng ngày một mở rộng sự hợp tác của mình với tất cả các cường quốc và mọi đối tác khác trên thế giới!.. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình Việt Nam có khả năng thực hiện được ước vọng là giương cao ngọn cờ hữu nghị và hơp tác, vì hòa bình và phát triển của mọi quốc gia trong cộng đồng thế giới.
Vị thế này của đất nước chính là kết tinh của những thành tựu cách mạng mà dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta từ Cách Mạng Tháng Tám đến nay đã không từ một hy sinh nào, đã cầm súng chiến đấu qua mấy thế hệ, và đã vượt qua muôn vàn khó khăn trong ba thập kỷ đầu tiên của sự nghiệp kiến thiết đất nước để giành lấy! Và có một điều may mắn lớn từ bên ngoài, đó là: đất nước ta giành được vị thế này vào lúc tranh chấp giữa các thế lực lớn trên thế giới tại khu vực Đông Nam Á hiện nay chuyển sang hình thức tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình là chủ yếu, các thế lực lớn trên thế giới lúc này – trong một thời gian nhất định, chưa ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc cũng không phải là ngắn lắm – hoặc là đang bận bịu với chính mình, hoặc là đang bận bịu với những vấn đề của họ ở những nơi khác trên thế giới. Cơ hội và điều may mắn này hội tụ với nhau đang đem lại thuận lợi tới mức nước ta chỉ cần tạo ra điều kiện nhân hòa thật tốt bên trong, nước ta sẽ làm nên tất cả!
Nói nước ta đang có cơ hội vàng, nói những năm phía trước là thời gian vàng, chính là vì những lẽ vừa trình bầy.
Chỉ xin nêu ra một câu hỏi để suy ngẫm: Điều gì sẽ xảy ra nếu như Việt Nam trong những năm tới tận dụng được tốt vị thế của mình, ngày càng mở rộng được khả năng hợp tác mọi mặt của mình với tất cả các cường quốc và của hầu hết mọi quốc gia khác trên thế giới? Nếu nhìn vào khả năng tiếp tục duy trì được sự phát triển năng động như nước ta đang giành được, nếu chúng ta quan tâm hơn nữa đến chất lượng phát triển, nếu nước ta có tầm nhìn và ý thức được vị thế quốc tế mới của mình để hành động, nếu nước ta có tầm nhìn mới để mở rộng sân chơi với cả thế giới trên mọi lĩnh vực.., thì câu hỏi đáng đặt ra này dứt khoát không phải là một mong ước viển vông. Câu hỏi này đang mở ra con đường tối ưu nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình – đồng thời cũng là con đường đúng đắn nhất của sự nghiệp chấn hưng đất nước.
Vì vậy, câu trả lời chỉ có thể là: Đây chính là cơ hội vàng! Thời gian vàng của nướcViệt Nam ta!
Song cơ hội vàng này, thời gian vàng này không phải là vô hạn định. Cơ hội vàng và thời gian vàng này đỏi hỏi có điều kiện, thậm chí những điều kiện khắt khe và quan trọng. Ví dụ như:
Việt Nam có ý chí và quyết tâm lớn đi cùng với xu thế phát triển của thế giới.
Việt Nam không tự chuốc lấy kẻ thù cho mình.
Đảng lãnh đạo thành công lớn trong đoàn kết và hòa hợp dân tộc, để thu phục được nhân tâm về một mối là tất cả cho chấn hưng đất nước, để cho trong ấm ngoài êm với những điều kiện tốt nhất cho mở rộng hợp tác mọi mặt với mọi đối tác bên ngoài.
Khu vực và thế giới không xảy ra những đột biến bất khả kháng.
Vân… vân…
Đương nhiên, cũng không nên quên cơ hội vàng này, thời gian vàng này cũng dành cho nhiều quốc gia khác trong khu vực ý thức được điều này. Như vậy thời cơ không chỉ dành riêng cho nước ta, nước ta bắt buộc phải vươn lên và cạnh tranh quyết liệt để giành lấy. Song cuộc sống có thêm một điều may mắn mới, đó là thế giới hôm nay không chỉ có luật chơi thắng của kẻ này là bại của kẻ kia, được của mi là mất của ta (zero sum game), sự phát triển của thế giới hiện đại đã và đang tạo ra cả luật chơi cùng có lợi (win – win game) cho những quốc gia có bản lĩnh vận dụng luật chơi này.
Ý thức sâu sắc về thời cơ vàng, thời gian vàng của mình, ngay tức khắc chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào những thách thức mất còn đang uy hiếp sự tồn vong của đất nước, đó là sự tụt hậu và lạc lõng trong một thế giới phát triển năng động và đầy biến động. Ngay tức khắc chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào một sự thật lạnh lùng: vị thế của Việt Nam ta trong chính sách đối ngoại của hầu hết mọi cường quốc hiện nay vẫn còn thấp so với đòi hỏi phát triển của đất nước ta.
Đấy là nghịch lý, hay là một sự thật nhức nhối?
Nghịch lý hay sự thật nhức nhối này có nhiều nguyên nhân, song những nguyên nhân bên trong chi phối là chính và thường trực, những nguyên nhân bên ngoài chỉ thực sự trở nên nguy hiểm trong những tình huống nhất định và với những điều kiện nhất định.
Bàn thêm về những nguyên nhân bên trong:
Thời cơ vàng, thời gian vàng sẽ là vô nghĩa, nếu như chúng ta không tự tạo ra được những yếu tố bên trong tốt nhất để nắm bắt lấy. Thách thức lớn nhất có thể cướp đi thời cơ vàng, thời gian vàng này là những yếu kém và những bất cập bên trong nếu không được khắc phục quyết liệt.
Đành rằng khả năng cạnh tranh thấp của nền kinh tế nước ta là một thách thức rất lớn. Nghèo và lạc hậu cũng là những thách thức lớn. Song tất cả những thứ này không phải là những thách thức lớn nhất. Những thành tựu của 20 năm đổi mới đã làm rõ điều này.
Yếu tố quyết định nhất cho phép nắm bắt lấy cơ hội vàng, thời gian vàng này, trước hết là làm cho toàn thể dân tộc ta nhận thức sâu sắc thế giới ngày nay và giác ngộ bằng được thời cơ vàng, thời gian vàng này. Phải tạo ra nhận thức, sự giác ngộ và sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể dân tộc cho sự nghiệp chấn hưng đất nước như Đảng ta đã từng thực hiện được thời tiến hành Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến. Có thể làm được như vậy, nếu Đảng ta có ý chí và quyết tâm này, đơn giản vì lẽ: Người Việt Namnào không đau nỗi nhục mất nước, không đau nỗi nhục nước nghèo và muốn quay lưng lại với sự nghiệp chấn hưng đất nước? Sau khi đất nước và cả dân tộc đã quằn quại trong hai thế kỷ đầy máu và nước mắt, người Việt Nam nào muốn nhắm mắt bỏ qua cơ hội đang đến? Người Việt Nam nào không có khát vọng tận dụng cơ hội đang đến? Khát vọng này là cháy bỏng! Khát vọng này là thiêng liêng đối với toàn thể dân tộc ta, đang nung nấu tâm can từng con người dù sống ở đâu trên thế giới này nhưng luôn ý thức mang trong mình dòng máu Việt!
Thành tựu của 20 năm đổi mới đã xoay chuyển hẳn thế cờ của đất nước để mở ra vận hội mới cho đất nước. Nhưng nước ta vẫn chưa thoát khỏi số phận nước nghèo và chậm phát triển! Hai mươi năm ra sức đuổi theo như thế mà thu nhập theo đầu người hiện nay của nước ta mới chỉ bằng khoảng hơn 1/3 của Thái Lan và khoảng 1/6 của Malaysia… Dân tộc nào còn được phép tự coi mình là một dân tộc nếu không biết đau nỗi đau chính mình đã phải trả giá trong lịch sử? Người Việt Nam nào còn có thể tự coi mình là người Việt nếu không có khát vọng lấy lại hai thế kỷ tự mình đánh mất hay bị ách nô lệ bên ngoài và chiến tranh cướp mất?
Xin đừng quên chúng ta mất nước vào tay chủ nghĩa thực dân Pháp hồi ấy vào lúc đất nước ta phát triển hoàn chỉnh nhất với tư cách là một thể chế quốc gia, và là một trong những nước phát triển nhất trong khu vực - với những hệ quả đầy máu và nước mắt.., mãi cho đến khi giành lại được độc lập và thống nhất đất nước. Xin đừng quên hồi ấy chúng ta mất nước không phải vì dân tộc ta thấp kém về chủ nghĩa yêu nước, mà nguyên nhân hàng đầu là vì nước ta bị lạc hậu hẳn một giai đoạn phát triển so với thế giới bên ngoài. Thật là phiến diện nếu chỉ một bề đổ hết mọi tội lỗi cho bên ngoài, cho chủ nghĩa thực dân, mà không nhìn nhận lại đến nơi đến chốn sự lạc hậu và yếu kém của chính mình. Đổ lỗi một bề cho bên ngoài như vậy có khác gì cầu mong trên đời này có một chủ nghĩa thực dân nhân đạo, một chủ nghĩa tư bản nhân đạo, và hôm nay là cầu mong có một toàn cầu hóa kinh tế nhân đạo!.. Vì vậy, bài học cay đắng mất nước vì lạc hậu so với thế giới bên ngoài vẫn còn nguyên giá trị và rất nóng bỏng cho hôm nay.
Dân tộc ta không phải chỉ có khát vọng cháy bỏng lấy lại hai thế kỷ đánh mất! Dân tộc ta đang có cơ hội trong tay và vận may đến từ thế giới bên để ngoài thực hiện khát vọng của mình - trước hết còn bởi lẽ ngoài nỗ lực tự thân ra của mỗi dân tộc ra, thế giới ngày nay đang tạo ra những điều kiện cho bất kỳ dân tộc nào ý thức được nấc thang phát triển của thế giới ngày nay và có sự phấn đấu ngoan cường cho thực hiện khát vọng của mình.
Bên trên đã trình bầy vị thế mới, thời cơ mới của đất nước. Ở đây chỉ xin lưu ý thêm, bên cạnh những thách thức khắc nghiệt mới, sự phát triển của thế giới ngày nay cũng đang tạo ra những tiền đề phát triển chưa từng có cho những nước đi sau. Cứ nhìn vào sự phát triển của nước ta trong 20 năm đổi mới vừa qua, nhìn vào sự phát triển năng động của nhiều nền kinh tế năng động của một số nước đang phát triển khác, nhìn ngay vào sự phát triển của Trung Quốc đang làm chấn động cả thế giới.., sẽ nhận thức rõ những điều mới lạ này…
Cuộc sống chưa bao giờ có những điều kiện thuận lợi và khó tưởng tưởng nổi như ngày nay, cho phép từ lạc hậu đi đến hiện đại bằng những con đường ngắn nhất, nhanh nhất, nhiều khi cũng là rẻ nhất, trên bất kỳ phương diện nào: kinh tế, xã hội, xây dựng thể chế chính trị, phát triển văn hóa xã hội..., hầu như không ngoại trừ quốc gia nào – miễn là nó ý thức được và có khả năng làm chủ được xu thế phát triển này của thế giới! Tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, tiến bộ của kinh tế tri thức, nói rộng ra nữa những bước phát triển mới của văn minh nhân loại trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay đang đem lại cho những nước đi sau những cơ hội chưa từng có! Kèm theo cũng là những thách thức chưa từng có nếu ý thức hời hợt hoặc thậm chí vô cảm với thế giới chúng ta đang sống.
Sống trong thế giới ngày nay, nhìn trên phương diện tích cực, chúng ta chẳng những đang chứng kiến các quốc gia hoặc các vùng đạt được những thành quả khó tưởng tượng nổi trong thế kỷ trước, trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước…
Trong thế giới này, chúng ta đang chứng kiến biết bao điều khác thường, đảo lộn hẳn suy nghĩ chúng ta vốn theo đuổi - ở ngay nước ta, đó là những đổi mới thực sự đảo lộn rất nhiều tư duy cũ, là sự phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.., ở nhiều nước khác là sự phát triển lên kinh tế tri thức và những bước phát triển mới trong công cuộc xây dựng xã hội dân sự… Cả thế giới trầm trồ - và lo ngại nữa – về sự phát triển thần kỳ liên tục hơn hai thập kỷ của Trung Quốc đã đành, sự chiếm lĩnh những thị phần lớn ngay trên thị trường các cường quốc kinh tế… Thế giới cũng đang chứng kiến chuyện chưa hề có trong bất kỳ học thuyết, kinh điển hay chủ nghĩa nào về “một nước, hai chế độ” ở Trung Quốc. Nhân đây có thể nói: Gần như điều chắc chắn, trong thế giới ngày nay - và chỉ trong thế giới ngày nay - đường lối “một nước, hai chế độ” ở Trung Quốc không còn là và ngày càng không phải là một sách lược nữa, nó từ câu chuyện nuôi “con gà đẻ trứng vàng” đang thực sự trở thành quốc sách, thành chiến lược, thành con lăn đưa chuyển tòa nhà kinh tế khổng lồ của Trung Quốc lên tầm cao phát triển mới! Chuyện này chỉ có thể xảy ra trong thế giới ngày nay – và mầm mống từ trong cách lãnh đạo của Trung Quốc đổi mới hoàn toàn nhận thức của họ về thế giới!
Thế giới của chúng ta hôm nay chứa đựng biết bao nhiêu điều mới lạ khác nữa, đòi hỏi cách tiếp cận khác hẳn. Ngay trong kinh tế, không thể cứ một chiều đi theo con đường nhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn, nhiều hơn.., môi trường ngày nay cũng không cho phép đi mãi trên đường mòn như vậy, mà phải sớm biết xử lý những vấn đề mới, tìm ra “cầu” mới – nghĩa là thị trường mới, làm ra sản phẩm mới. Trí tuệ, công nghệ, tổng hợp chung lại là tri thức trở thành vốn quyết định nhất - với đúng nghĩa con người là vốn quý nhất…
Cũng trong thế giới ngày nay, cuộc sống chưa bao giờ chứng kiến sự sụp đổ trong một đêm cả một hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa Liên Xô Đông Âu cũ có 70 năm tuổi đời - hầu như do những nguyên nhân tự thân bên trong. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế ngày càng gia tốc… Mỹ tuy ở vị trí siêu cường nhưng đang tiếp tục suy yếu tương đối so với các đối thủ cạnh tranh khác – thể hiện khá rõ qua mối tương quan giữa các đồng tiền Euro, Dollar, Yên, Nhân dân tệ (TQ)… Các thách thức cũng như các vấn đề phi truyền thống cũng đang tác động hết mức vào mọi mặt đời sống thế giới…
Chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác so với thế kỷ trước, so với một vài thập kỷ trước, so ngay với những năm đầu tiên của thế kỷ này, có nhiều vấn đề hoàn toàn mới khiến nhận thức của chúng ta thường phải đuổi theo sau nhưng không kịp, đòi hỏi cách tiếp cận và xử lý mới, có những vấn đề chưa có lời giải…
Điều quan trọng cần rút ra và khẳng định đối với nước ta là: Trong một thế giới như vậy, dân tộc ta đang có trong tay cơ hội vàng, những năm phía trước là thời gian vàng để thực hiện khát vọng cháy bỏng của mình: Tự bứt mình ra khỏi hàng ngũ các nước nghèo chậm phát triển, vươn lên thành quốc gia giàu mạnh sánh vai với năm châu bốn biển, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước khi Người viết thư căn dặn các cháu học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới…
Kẻ thù của nhân dân ta trên con đường thực hiện khát vọng thiêng liêng này là ai?
Trước hết đó là sự lạc hậu, là ý thức chưa đầy đủ về sự lạc hậu của mình và về những biến đổi của thế giới chung quanh mình. Thắng được kẻ thù này, dân tộc ta sẽ thắng được mọi kẻ thù khác.
Động lực và sức mạnh để chiến thắng kẻ thù này?
Phát huy tự do dân chủ để giác ngộ được sự lạc hậu phải khắc phục, quan trọng hơn nữa là để có sức mạnh tinh thần và vật chất nắm bắt bằng được vận hội mới đang đến với đất nước – bắt đầu từ giác ngộ đầy đủ vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của một đất nước độc lập tự do.
Chính khát vọng này, chính sự giác ngộ này đang nung nấu, đang tích tụ chí khí của toàn thể dân tộc ta. Chính khát vọng này, sự giác ngộ này đang nhen nhóm để rồi sẽ bùng lên một hào khí trong toàn thể cộng đồng dân tộc ta, một cao trào Cách Mạng Tháng Tám mới cho sự nghiệp chấn hưng đất nước – như đã từng bùng lên một Cách Mạng Tháng Tám cho sự nghiệp cứu nước. Tích tụ chí khí này, làm bùng lên hào khí của đất nước cho sự nghiệp chấn hưng đất nước chính là sứ mệnh đích thực của Đảng ta với tư cách là một đảng lãnh đạo. Không làm được như vậy, hào khí của đất nước sẽ tích tụ lại thành những áp lực gây tai biến khôn lường – đơn giản là vì sự vận động của cuốc sống đất nước không có điểm dừng và không biết chờ đợi.
Không có một sự nghiệp chấn hưng đất nước nào của bất kỳ dân tộc nào lại không đòi hỏi sự lãnh đạo của lực lượng tinh hoa của chính dân tộc đó!
Lẽ đơn giản, phát triển đi tới chấn hưng đất nước là một quá trình phát triển đầy khó khăn gian khổ, đòi hỏi nhiều nhất sự giác ngộ chính mình và thế giới chung quanh – nhất là sự giác ngộ những thành quả của văn minh nhân loại và xu thế phát triển của thế giới. Phát triển để chấn hưng đất nước đòi hỏi nhiều nhất trí tuệ, công sức, ý thức đồng tâm hiệp lực, sự thực hiện tốt nhất công bằng - dân chủ - văn minh, tất cả để phát huy tối ưu mọi nguồn lực bên trong và tranh thủ tốt nhất mọi nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tất cả phải bắt đầu từ phát huy tối ưu khả năng, phẩm chất và quyền năng của từng con người trong cộng đồng xã hội, để mỗi con người tự do có thể với tất cả trái tim và khối óc mình đem hết công sức cống hiến cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, vì chính mình và vì đất nước, hài hòa được lợi ích của chính mình và của đất nước.
Sự lãnh đạo cần phải có này là đòi hỏi tất yếu, tất yếu nếu không hơn thì cũng không kém thời cứu nước! Trong cách mạng, tự phát sớm muốn sẽ dẫn đến thất bại. Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước lại càng như vậy.
Chúng ta không nên đóng cửa trí tuệ trước bất kỳ thành tựu văn minh nào của nhân loại. Mặt khác chúng ta cũng không nên bỏ phí trí tuệ của chính dân tộc ta sáng tạo ra. Nhìn vào thực tế cuộc sống của nước ta, hiển nhiên công cuộc đổi mới là một cuộc cách mạng từ dưới lên. Song với trách nhiệm là người lãnh đạo, Đảng ta xuất phát từ khát vọng và hành động đổi mới của quảng đại các tầng lớp nhân dân đã xây dựng lên thành đường lối đổi mới của Đảng, thành quốc sách có hiệu quả của nhà nước, nhờ đó đổi mới đã không biến tướng thành tự phát vô chính phủ, không gây ra đổ vỡ như ở nhiều nước khác. Nhờ đó và cuối cùng Đảng đã tổ chức thực hiện, về cơ bản là thực hiện thành công công cuộc đổi mới trong hai thập kỷ đầu tiên vừa qua, để cuộc sống đất nước được như hôm nay.
Nguyên nhân quan trọng nhất của thành công là trong đổi mới đã thực hiện được một bước đi quan trọng trên con đường dân chủ hóa toàn bộ đời sống kinh tế và quản lý xã hội.
Thành tựu quan trọng bậc nhất đã đạt được của công cuộc đổi mới, dù mới chỉ ở bước khởi đầu, là có biết bao nhiêu sáng kiến, nỗ lực, tâm huyết của từng cá nhân con người đã được khơi dạy, được giải phóng, được phát huy, vì lợi ích và hạnh phúc của chình mình, vì sự giàu có của đất nước, tìm đường hài hòa lợi ích của chính mình với lợi ích của đất nước.
Dù mới chỉ là ở bước đầu rất sơ khởi, công cuộc đổi mới đang đi vào hướng đúng đắn là tạo điều kiện cho mỗi người tự thắp đuốc tìm đường đi lên cho chính mình! Một dân tộc có mỗi cá nhân thành viên của mình có khả năng tự thắp đuốc tìm đường đi lên cho chính mình, dân tộc đó là bất khả chiến bại! Một Đảng chính trị có khả năng tạo ra cho mỗi cá nhân thành viên trong cộng đồng dân tộc mình làm được việc tự thắp đuốc tìm đường cho mình đi lên, đó chính là đảng lãnh đạo của dân tộc đó!
Chính vì những lẽ vừa trình bày, sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng là đòi hỏi tất yếu.
Chính vì những lẽ vừa trình bầy, thời cơ vàng của dân tộc cũng là thời cơ vàng của Đảng ta!
Vậy kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là ai?
Trên con đường phát triển của mình, nhân dân phải nhận rõ kẻ thù của mình. Là người lãnh đạo, Đảng càng phải hiểu rõ hơn ai hết điều gì cản trở vai trò lãnh đạo của mình. Đảng không thể không nêu ra cho mình câu hỏi ai là kẻ thù đối với sứ mệnh lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo đất nước của mình.
Có nhiều câu trả lời. Cũng có nghĩa là có nhiều kẻ thù.
Câu trả lời nghiêm khắc nhất, câu trả lời quyết định sứ mệnh vai trò lãnh đạo của Đảng chỉ có thể là:
Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh đảng lãnh đạo trong nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc ta tiến bước thành công trên con đường chấn hưng đất nước!* Chiến thắng kẻ thù này Đảng ta mới tự bảo vệ được mình. Nhưng đặc biệt quan trọng, chiến thắng kẻ thù này Đảng ta mới có lý do tồn tại với tư cách là đảng lãnh đạo.
Tiêu biểu nhất cho sự hẫng hụt về trí tuệ là Đảng ta chưa thành công bao nhiêu trong sự nghiệp làm cho nhân dân ta giác ngộ sâu sắc và thực hiện được vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của đất nước độc lập tự do, để từ đó làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị và hệ thống tổ chức xã hội dân sự, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, phát triển quan hệ với thế giới bên ngoài. Có bao nhiêu yếu kém lớn mắc phải về mọi mặt trong 30 năm qua, nhất là trong 10 năm đầu sau khi ra khỏi chiến tranh, kìm hãm mãi nước ta trong vòng lạc hậu, trước hết chính là do Đảng lãnh đạo mắc phải yếu kém tiêu biểu này.
Các văn kiện chính thức của Đảng đã coi tham nhũng là quốc nạn. Tuy nhiên, tiêu biểu nhất cho sự hẫng hụt về phẩm chất của Đảng ta hiện nay phải nói là tệ nạn quan liêu tham nhũng và tiêu cực.
Sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất hư vậy đang hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, đang làm mai một nhiều truyền thống cách mạng quý báu của Đảng, đang từng bước đẩy lùi đảng lãnh đạo xuống thành đảng cai trị, điều mà tôn chỉ mục đích của Đảng không bao giờ cho phép. Sứ mệnh lãnh đạo và sự tồn tại của Đảng đòi hỏi phải khắc phục bằng được sự hẫng hụt này.
Tuy nhiên, sự hẫng hụt này có hai phần cần làm rõ và có cách khắc phục thích hợp thì mới có hiệu quả. Đó là (1)hẫng hụt do tha hóa và bất cập; (2)hẫng hụt do tầm cao của nhiệm vụ mới trong giai đoạn cách mạng mới diễn ra trong tình hình mới đến mức gần như thay đổi hoàn toàn so với trước.
Tha hóa tự thân và hẫng hụt trong cuộc sống là hiện tượng thường xuyên diễn ra, là một mặt vận động của cuộc sống. Ngay cả một đảng phái hay một nhân vật lý tưởng có thể vẽ ra hay dàn dựng lên trong kinh sách cũng không bao giờ hoàn hảo, không thể thoát khỏi những khiếm khuyết. Cho nên chẳng có gì để hoang mang, cũng không phải là bôi nhọ, khi thẳng thắn vạch ra sự tha hóa tự thân và sự hẫng hụt này của Đảng ta. Hơn thế nữa, phải có dũng khí của Đại hội VI “nhìn thẳng vào sự thật!”, “nói sự thật!” để có dũng khí khắc phục sự tha hóa và sự hẫng hụt này!
Thái độ ứng xử đối với sự tha hóa và hẫng hụt này mới là điều quyết định! …
Đảng phải khắc phục bằng được sự hẫng hụt của mình để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo.
Thế nhưng người đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam(ĐCSVN) nói riêng và toàn Đảng nói chung lựa chọn sự ứng xử nào?
Đảng ta lựa chọn sự ứng xử khắc phục sư hẫng hụt này, hay là chỉ lựa chọn sự bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng? Sự lựa chọn nào thì kết quả hay hệ lụy ấy.
Ý kiến đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng để thực hiện đa nguyên đa đảng để có tự do dânchủ dựa trên lập luận: ĐCSVN không thể bước qua cái bóng của mình.

Ý kiến đòi hỏi Đảng phải khắc phục bằng được sự hẫng hụt của mình để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo dựa vào truyền thống cách mạng của Đảng và sự gắn bó của nhân dân với Đảng.
Đảng ta lựa chọn sự ứng xử nào?
Không ai có thể trả lời thay, và Đảng ta không thể để bất kỳ ai trả lời thay mình câu hỏi này!
Trong khi nội tình ở nhiều quốc gia có sự tranh giành khốc liệt giữa các lực lượng chính trị để xác lập vị trí lãnh đạo của một lực lượng nào đó, thì ở nước ta Đảng ta là lực lượng chính trị đã được thử thách dày dạn nhất và đang hội tụ được trong hàng ngũ của mình nhiều nhất những công dân ưu tú của đất nước. Đến giờ phút này Đảng hãy còn giữ được tấm lòng của quảng đại nhân dân đối với Đảng, vẫn đang được hưởng sự bao dung và bảo vệ của nhân dân. Chỉ cần Đảng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, phát huy tự do dân chủ trong Đảng để phát huy tự do dân chù trong cả nước, Đảng sẽ tự tạo ra được cho mình nghị lực và phẩm chất cách mạng, để lựa chọn được sự ứng xử của Đảng mà dân tộc ta đang mong đợi.
ĐCSVN có vượt qua được cái bóng của mình không?
Trong lịch sử của mình, Đảng ta đã hơn một lần vượt qua cái bóng của mình – lẽ đơn giản là Đảng chỉ có một mục đích duy nhất là phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Gần đây nhất Đại hội VI là như thế, trong những năm đổi mới đã có nhiều ví dụ như thế.
Ý kiến cho rằng ĐCSVN không vượt qua được cái bóng của mình nói: Người đảng viên bây giờ có quá nhiều đặc quyền đặc lợi, đã dính chặt vào cái ghế cầm quyển của mình rồi! Không thay đổi được!..
Đưa hai tay bịt tai lại, hay phùng má đao to búa lớn đối với ý kiến trên – cả hai loại việc này đều vô nghĩa.
Điều trước sau quyết định sống còn vẫn là: Đảng ta lựa chọn sự ứng xử nào? Hoặc là… Hay sẽ là…

Cuộc sống luôn luôn có những sự thật đanh thép. Hôm qua là hôm qua, hôm nay là hôm nay. Hôm qua người cộng sản Việt Namđã không dưới một lần vượt qua cái bóng của mình – như nhiều người cộng sản Việt Nam đã tự chứng minh, nhiều khi bằng cả tính mạng của mình. Song điều đó không có nghĩa là cuộc sống hôm nay sẽ tự lặp lại như thế như một lập trình được cài đặt sẵn trong máy tính! Cuộc sống ngày nay đang đòi hỏi khắt khe ở mỗi người đảng viên ĐCSVN: Sống là mỗi ngày phải vượt qua cái bóng của mình! Không như thế không còn danh hiệu người đảng viên! Không như thế Đảng ta không còn lý do để tồn tại với tư cách là đảng lãnh đạo.

Đau thấu nỗi đau của dân tộc, khát vọng da diết khát vọng của dân tộc, mỗi đảng viên và toàn thể Đảng ta sẽ mỗi ngày vượt qua được cái bóng của mình! Đau thấu nỗi đau của dân tộc, khát vọng da diết khát vọng của dân tộc, Đảng ta sẽ tự trang bị được cho mình trí tuệ mẫn tiệp và ý chí bất khuất, trước hết là để thu phục nhân tâm toàn thể cộng đồng dân tộc ta về một mối cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, để phấn đấu làm cho Đảng trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc, và nhờ đó Đảng sẽ thực hiện được sứ mệnh là lực lượng lãnh đạo sự nghiệp chấn hưng đất nước. Khi nói đên xây dựng Đảng trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc. cũng có nghĩa là tự do dân chủ phải được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc.

Thời cơ vàng đang đến của dân tộc, vì vậy cũng chính là thời cơ vàng của Đảng ta! Hoặc là… Hay sẽ là…
Mong rằng Đại hội X dành tâm trí cho vấn đề sống còn này của Đảng ta – vì hạnh phúc và vinh quang của Tổ quốc chúng ta!
N.T


NHỮNG BÀI VIẾT MỚI NHẤT CỦA QLB & CÁC VỤ ÁN




HỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét. Chúng tôi sẽ không đăng những nhận xét không có dấu và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chúc một ngày thành công!