Blogger Widgets

Thursday, November 1, 2012

Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (3)



Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo

Các nhà tài phiệt
Vào cuối thập niên 90, Đoạn Vĩ Hồng với tư cách công ty địa ốc Thái Hồng, phụ trách quản lý nhiều văn phòng và các cơ sở địa ốc khác tại Thiên Tân, nguyên quán của Thủ tướng ở miền bắc Trung Quốc. Ở tuổi đôi mươi vào thời đó, bà từng theo học ở trường đại học Khoa học Kỹ thuật Nam Kinh.
Năm 2002, bà Đoạn bắt đầu làm ăn với nhiều người thân của ông Ôn Gia Bảo, Thái Hồng thành một công ty đầu tư và nhờ đó bà đã trở nên hết sức giàu có.
Người ta không biết bà Đoạn Vĩ Hồng, 43 tuổi, có quan hệ họ hàng với Thủ tướng hay không. Trong một loạt các cuộc trao đổi, ban đầu bà nói không quen biết người nào trong gia đình ông Ôn, nhưng sau đó lại khẳng định mình là bạn của gia đình này, và đặc biệt rất thân với bà Trương Bội Lị, phu nhân Thủ tướng. Cũng giống như một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc khác, cơ hội đã mỉm cười với bà Đoạn khi bà cùng làm ăn với gia đình ông Ôn, với mạng lưới bạn bè và đồng nghiệp của họ, cho dù bà nói là quan hệ này chỉ trên giấy tờ - kể cả phần hùn của bà trong Bình An – và hoàn toàn không có yếu tố tài chính.Bà Đoạn Vĩ Hồng và nhiều doanh nhân giàu có khác nằm trong số sáu tỉ phú giàu nhất Trung Quốc, đã tham gia vào các dự án kinh tế, và khi cần thiết đã hỗ trợ các thành viên trong gia đình ông Ôn tổ chức các hoạt động tài chính để kiếm lợi – theo như những người trong ngành ngân hàng đã từng làm việc với họ.
Được thành lập ở Thiên Tân, Thái Hồng đã thu được lợi nhuận khổng lồ. Năm 2001, công ty này đã đầu tư khoảng 51 triệu euro để mua 3% cổ phần của Bình An trước khi lên sàn chứng khoán – theo như sổ sách của công ty và luận văn thạc sĩ của bà Đoạn. Năm năm sau, số cổ phiếu này giá trị đến 2,87 tỉ euro.
Great Ocean, chi nhánh Hồng Kông của công ty, cũng do bà Đoạn điều hành, sau đó đã được chính quyền Bắc Kinh giao cho một khu đất rất lớn gần sân bay quốc tế Bắc Kinh. Ngày nay địa điểm này là một trung tâm vận chuyển hàng hóa và điều độ khổng lồ. Năm ngoái, Great Ocean đã bán lại phần hùn 53% trong dự án này cho một công ty Singapore, với giá gần 310 triệu euro.
Giao dịch này và nhiều vụ đầu tư khác vào các khách sạn hạng sang, các khu nhà ở tại Bắc Kinh và vào BBMG, công ty vật liệu xây dựng lớn nhất Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, cũng đã góp phần làm nên gia tài của bà Đoạn – theo các tài liệu của công ty mà New York Times tham khảo được.
Cũng theo các tài liệu này, thì trong thập kỷ vừa qua, Thái Hồng có gần ba chục cá nhân cổ đông, trong đó nhiều người là thân nhân của ông Ôn Gia Bảo, hoặc là đồng nghiệp cũ của vợ ông.
Những chủ doanh nghiệp giàu có khác đã làm việc với người thân của Thủ tướng từ chối đưa ra lời bình luận về bài báo này. Bà Đoạn cũng thẳng thừng bác bỏ việc bà có quan hệ về tài chính với Thủ tướng hoặc thân nhân ông. Bà tuyên bố rằng không muốn nói ra các cổ đông khác của Bình An, để tránh mọi quảng bá vô ích. Bà Đoạn, vốn là thành viên ban kiểm tra của Bình An, khẳng định : « Số tiền mà tôi đầu tư vào Bình An hoàn toàn là của tôi, và tất cả những gì tôi làm hoàn toàn hợp pháp ».
Một đối tác giàu có khác của gia đình họ Ôn là ông Trịnh Dụ Đồng, kiểm soát tập đoàn Hồng Kông New York Development, là một trong những người giàu nhất châu Á. Gia tài của ông được Forbes ước tính khoảng 11,7 tỉ euro
Trong thập niên 90, New World tìm cách đặt chân vào Trung Hoa lục địa thông qua một công ty con chuyên bán lẻ các mặt hàng kim hoàn cao cấp. Chuỗi cửa hàng Chu Đại Phúc (Chow Taifook) đã mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc năm 1998.
Ông Trịnh và những người hùn vốn đã đầu tư vào một công ty kim cương của thân nhân ông Ôn, và đã cùng họ bỏ tiền vào một loạt các công ty trong đó có Sino-Life, National Trust và Bình An. Các món đầu tư này của ông Trịnh ngày nay giá trị ít nhất 3,9 tỉ euro, theo tài liệu lưu trữ của công ty. Chuỗi cửa hàng nữ trang Chu Đại Phúc cũng đã phất lên rất nhanh, nay thì lượng hàng bán ra tại Trung Quốc chiếm 60% trong số 3,3 tỉ euro doanh số của công ty.
Chúng tôi đã không thể liên lạc được với ông Trịnh, 87 tuổi, để ghi nhận ý kiến của ông. New World Development không gọi lại cho chúng tôi.

Một cửa hàng nữ trang cao cấp Chu Đại Phúc ở Hồng Kông

Hậu quả đối với Thủ tướng
Vào mùa đông 2007, ngay trước khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai, ông Ôn Gia Bảo đã kêu gọi có các biện pháp chống tham nhũng, đặc biệt là trong các cán bộ cao cấp.
Trong một hội nghị tập họp các cán bộ chủ chốt của Đảng tại Bắc Kinh, ông tuyên bố : « Lãnh đạo các cấp của chính quyền đều phải đi đầu trong việc chống hối lộ, phải giám sát kỹ lưỡng để gia đình, bạn bè và người thân của mình không lợi dụng chức vụ trong chính phủ ».
Bài diễn văn này thống nhất với một chiến dịch trước đó của Thủ tướng, đòi hỏi các cán bộ phải hết sức minh bạch và đặc biệt các quan chức cao cấp phải kê khai tài sản (cho các định chế chính thức).
Không hẳn ông Ôn đã áp dụng tính minh bạch như thế đối với chính gia đình mình, vì Đảng Cộng sản không tiết lộ những thông tin loại này. Nhiều tài sản mà New York Times phát hiện không cần công khai theo quy định, vì không do những người thân trực tiếp của Thủ tướng như vợ con ông nắm giữ.
Theo tìm hiểu của New York Times, đã được các chuyên gia bên ngoài thẩm định, thì ít nhất 80% trong số 2,1 tỉ euro tài sản của gia đình Ôn Gia Bảo đứng tên thân mẫu của Thủ tướng, em trai, hai em rể, một em dâu và thân nhân của con dâu ông. Không có ai trong số này phải tuân thủ quy định minh bạch của Đảng. Tổng số phần hùn của thân nhân ông Ôn tại Bình An được ước đoán theo những tính toán củaNew York Times và được các chuyên gia công nhận. Số tiền này bao gồm các cổ phiếu do gia đình nắm giữ, được bán lại từ 2004 đến 2006, và giá trị của các cổ phiếu họ vẫn còn giữ đến cuối năm 2007 – lần cuối cùng được công bố công khai.
Các luật gia cho biết khó thể ước lượng cụ thể tài sản tại Trung Quốc, vì có thể có những thỏa thuận ngầm với các sở hữu chủ thực sự. Curtis J. Milhaupt, giáo sư khoa luật đại học Columbia khẳng định : « Cấu trúc phức tạp của các doanh nghiệp không nhất thiết phải gian dối. Nhưng trong một hệ thống như ở Trung Quốc, nơi các chủ doanh nghiệp và quyền lực chính trị liên kết chặt chẽ với nhau, các công ty bình phong đặt ra vấn đề khẩn thiết như sau : các công ty này là của ai và tiền bạc đến từ đâu ? »
Trong số những người tham gia các vụ đầu tư của gia đình ông Ôn, có những người hợp tác từ lâu trước đó, đồng nghiệp cũ hay bạn học, nhất là Ư Kiếm Minh (Yu Jianming), từng học tại đại học Northwestern với Ôn Vân Tùng, vàTrương Ngọc Hoành (Zhan Yuhong), đồng nghiệp lâu năm của Ôn Gia Hoành, em trai Thủ tướng. Những người này không trả lời điện thoại của chúng tôi.
Các tiết lộ về tài sản của gia đình ông Ôn Gia Bảo có thể làm ông yếu thế đi về mặt chính trị. Ngày 8/11 tới, nhân đại hội thứ 18 tại Bắc Kinh, đảng Cộng sản sẽ trình diện một thế hệ lãnh đạo mới. Nhưng tiến trình chọn lựa đã bị hoen ố bởi một trong những xì-căng-đan chính trị tệ hại nhất trong các thập kỷ gần đây, sự sụp đổ của Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, người vẫn ngắm nghía một chức vụ cao hơn.
Tại Bắc Kinh, ông Ôn Gia Bảo sẽ phải từ nhiệm chức Thủ tướng, vì ông đã đến tuổi về hưu. Các nhà phân tích chính trị cho rằng sau đó ông vẫn có thể gây ảnh hưởng trong hậu trường. Nhưng những tài liệu theo đó các thân nhân của ông Ôn đã tích lũy một tài sản lớn khi ông còn đương chức có thể hạn chế ảnh hưởng của ông.
Những người ủng hộ Thủ tướng khẳng định, ông không hề thu vén cá nhân trong những hoạt động làm ăn của gia đình, và cũng có thể ông không hay biết tầm cỡ thực sự của những hoạt động này.
Tháng Ba năm ngoái, Thủ tướng đã ngầm cho biết ông cũng có nghe phong phanh những tin đồn liên quan đến người thân của mình. Trong một cuộc họp báo được truyền hình quốc gia đưa tin, ông khẳng định « chưa bao giờ tìm cách làm giàu cá nhân » trong thời gian làm nhiệm vụ.
Ông rung giọng tuyên bố : « Tôi có can đảm đối diện với nhân dân và đối mặt trước Lịch sử. Có những người đánh giá cao những gì tôi làm được, cũng có những người chỉ trích tôi. Nhưng Lịch sử sẽ nói lên lời cuối cùng »./.
Theo Thuỵ My RFI

No comments: