Tham nhũng đã “đồng hành” với lịch sử chính trị châu Á có lẽ
cả ngàn năm, ít nhất từ thời quan lại phong kiến. Tham nhũng đã trở
thành một thói xấu có truyền thống. Và bây giờ, nó trở thành thói xấu
có… hệ thống! Vấn đề ở chỗ nền tảng chính trị lẫn xã hội châu Á tạo ra
quá nhiều kẽ hở cho hành vi tham nhũng (thật ra trò kiếm chác từ vốn vay
– viện trợ nước ngoài từng được Ferdinand Marcos tại Philippines áp
dụng). Xem lại những vụ việc từng hoặc đang xảy ra càng thấy rõ điều
này.
Vũ trụ cũng chẳng bằng cái vung!Tháng 5/1998, Chính phủ Pakistan ra lệnh phong tỏa số tài sản trị giá 300 triệu USD của gia đình cựu thủ tướng Benazir Bhutto, gồm đất canh tác, 20 tài khoản ngân hàng và 5 nhà máy đường. Tiến trình điều tra cho thấy chồng bà Bhutto, Asif Ali Zardari, từng chuyển hàng triệu đôla sang các ngân hàng Thụy Sĩ, Anh, Pháp và Mỹ. Qua trung gian 19 công ty trá hình trong Tập đoàn British Virgin Islands, Zardari đã làm chủ 8 bất động sản ở Anh, trong đó đáng kể nhất là khu đất Rockwood rộng 131ha tại Surrey. Dân địa phương (vùng Surrey, Anh) cho biết thêm rằng, khi không mua được hai quán rượu Dog và Pheasant gần đó, Zardari liền cho xây mô hình tương tự ngay trong biệt thự khổng lồ của mình. Ngoài ra, Zardari còn mua hai bất động sản ở Bỉ và hai ở Pháp.
Thoát hẳn tội danh tham nhũng, Asif Ali Zardari hiện ngồi ghế Tổng Thống Pakistan
Tất cả vụ cóp nhặt tài sản này xảy ra vào thời điểm Pakistan đang ôm nhiều món nợ nước ngoài. Loạt bằng chứng cụ thể đã khiến các ngân hàng Thụy Sĩ phong tỏa 17 tài khoản mang tên Bhutto và đối tác của họ. Cụ thể, Zardari đã tư túi như thế nào? Văn phòng Trách nhiệm (chuyên điều tra các vụ tham nhũng) cho biết, Zardari đã rút rỉa tiền nhà nước qua đủ các thương vụ như mua máy bay, tàu ngầm, vàng và thậm chí phân bón. Một nhân viên từ Văn phòng Trách nhiệm còn cho biết thêm 5 ông trùm ma túy (đều được dẫn độ sang Mỹ) từng khai Zardari có liên quan đến buôn lậu ma túy! Ngoài ra, còn có vụ dính líu Zardari vào quy kết rửa tiền thông qua Addul Razzak Yaqub (tay buôn vàng Pakistan làm ăn tại Dubai). Yaqub được hưởng chế độ độc quyền nhập khẩu vàng vào Pakistan, đổi lại, Công ty vàng ARY Traders của Yaqub sẽ xây “kênh” rửa tiền cho Zardari…
Còn nhiều chuyện liên quan gia đình bà Benazir Bhutto nhưng kể thêm chắc cũng chẳng có ý nghĩa gì bởi tháng 11/2004, Zardari đã được tha và hồ sơ tham nhũng về ông gần như chìm xuồng một cách không thể hiểu. Sau thời gian lưu vong ngắn ở Dubai, Zardari trở về nước tháng 12/2007 sau khi vợ ông bị ám sát. Với tư cách đồng Chủ tịch PPP (đảng Nhân dân Pakistan), Zardari tranh cử và chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử 2008 rồi trở thành tổng thống đến nay. Tất nhiên hồ sơ tham nhũng của ông đã bị cho chìm xuồng!
Xem lại hồ sơ ông Suharto, càng rợn tóc gáy về những gì ông đã tư túi và bòn rút kinh tế đất nước. Ngày 8/8/2000, Chính phủ Indonesia chính thức khởi tố cựu Tổng thống Suharto, buộc ông tội tham nhũng hơn 500 triệu USD, trong cáo trạng 45 trang cùng hai thùng hồ sơ nộp lên Tòa án Nam Jakarta. Gia sản nhà Suharto theo điều tra riêng của báo Time là 15 tỉ USD và Suharto là nhân vật tham nhũng nghiêm trọng nhất lịch sử chính trường thế giới!
Dẫn theo Cơ quan Đất đai quốc gia (Indonesia) và tạp chí Properti Indonesia, báo Time cho biết, Suharto và gia đình ông sở hữu khoảng 3,6 triệu hécta bất động sản tại Indonesia (lớn hơn nước Bỉ), trong đó có 100.000m2 khu vực văn phòng tại Jakarta và gần 40% tỉnh Đông Timor. 6 người con của ông giữ cổ phần trong ít nhất 564 công ty nội địa, chưa kể nhiều công ty nước ngoài rải rác từ Mỹ đến Uzbekistan, Hà Lan, Nigeria và Vanuatu. Ngoài khu săn bắn trị giá 4 triệu USD ở New Zealand và nửa cổ phần trên chiếc du thuyền trị giá 4 triệu USD cắm ngoài khơi Darwin (Australia), cậu Hutomo Mandala Putra “Tommy” còn giữ 75% trong một sân golf 18 lỗ cùng 22 căn hộ sang trọng tại Ascot (Anh). Tổng tài sản của Tommy trị giá khoảng 800 triệu USD. Tommy, nổi tiếng trong làng bài bạc, từng thua sạch 1 triệu USD trong một lần ngồi sòng. Bambang Trihatmodjo, cậu con thứ ba, có một căn nhà 8 triệu USD tại Singapore và một căn nữa trị giá 12 triệu USD tại Los Angeles, cách không xa căn 9 triệu USD của người anh Sigit Harjoyuanto. Cô con gái đầu lòng Siti Hardiyanti Rukmana “Tutut” từng sở hữu nguyên một chiếc Boeing 747-200, cạnh những chiếc khác của gia đình (gồm một DC-10, một Boeing 737, một Challenger 601 và một BAC-111 – chiếc từng thuộc đội chuyên cơ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II). Tổng tài sản của bà Tutut ước chừng 700 triệu USD, có một căn nhà tại Boston (Mỹ) và một căn nữa ở Quảng trường Hyde Park (Anh)…
Thể chế gia đình trị của nhà Suharto thật đáng được xem là mô hình “tội phạm chính trị”. Nền tảng tài sản gia đình Suharto nằm ở các yayasan (do tổng thống thành lập), đóng vai trò như tổ chức từ thiện, dựng nên bệnh viện, trường học và giáo đường Hồi. Theo George Aditjondro – nhà xã hội học thuộc Đại học Newcastle (Australia), có 97 tổ chức như vậy, do Suharto làm chủ, cùng vợ (mất năm 1996), thân nhân bên vợ ở vùng quê, anh em họ của ông, 6 người con ruột và các dâu rể, bằng hữu thân tín… Các tổ chức trên thu lợi từ những “đóng góp tình nguyện”. Bắt đầu từ năm 1978, tất cả ngân hàng nhà nước đều phải nộp 2,5% lợi nhận cho hai tổ chức Dharmais và Supersemar – theo cựu Tổng chưởng lý Soedjono Atmonegoro. Sắc lệnh 92 ban hành năm 1996 còn buộc các công ty thu nhập hơn 40.000USD/năm phải nộp 2% cho tổ chức xóa đói giảm nghèo tên Dana Sejahtera Mandiri (luật này đã bị bãi bỏ vào tháng 7/1998). Sau khi Suharto rời ghế Tổng thống, tổng chưởng lý Soedjono Atmonegoro khi xem xét sổ sách của bốn yayasan lớn nhất đã nhận thấy “Suharto từng chuyển tiền (từ các tổ chức từ thiện trên) cho con cái và bạn bè ông ta”. Không chỉ tham nhũng, Suharto còn gây nhiều bất an cho đời sống dân chúng. Khi xây một nông trại tại Tây Java năm 1973, ông đã giải tỏa 5 ngôi làng trên diện tích hơn 751ha.
Theo hồ sơ chính phủ, Suharto đã bồi thường tổng cộng 5.243USD nhưng vài dân làng kể họ không nhận được gì. Năm 1996, một công ty của Tommy cũng buộc dân làng tại Bali quảy gánh ra đi để xây một khu nghỉ mát 650ha. Hasan Basri Durin – Chủ tịch Cơ quan Đất đai quốc gia kiêm Bộ trưởng Đất đai – cho biết, gia đình Suharto thường bồi thường đất chiếm hữu bằng đậu phộng chứ không phải tiền mặt! Theo Time, có hai yếu tố khiến Suharto dễ dàng tham nhũng. Yếu tố thứ nhất là vị trí ngôi sao khi thăng khi giáng của kinh tế Indonesia, khiến các công ty nước ngoài có lúc rất hăm hở đổ vốn vào. Ngân hàng Thế giới cho biết, từ năm 1988 đến 1996, Indonesia nhận hơn 130 tỉ USD đầu tư nước ngoài. Yếu tố thứ hai là “bọn trẻ” – những người con của Suharto mà người nào cũng biết “ăn”. Vương quốc của Tutut là Tập đoàn Citra Lamtoro Gung chuyên xây cầu đường. Đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, các con lộ do Citra Lamtoro Gung xây đã đem về cho Tutut 210.000USD/ngày. Tutut còn nắm cả ngành viễn thông, ngân hàng, đồn điền, nhà máy xay bột, khai thác lâm sản, nấu đường…
Tính chất nhiều vụ điều tra tham nhũng châu Á là người ta thường vì lý do này khác hoặc thậm chí cố tình, kéo dài tiến trình điều tra rồi làm mờ đi để cuối cùng khiến nó biến mất khỏi quan tâm của dư luận. Vụ Suharto chẳng hạn. Cho đến trước khi chết ngày 27/1/2008, Suharto chưa hề được chính thức truy tố tội danh tham nhũng, dù Susilo Bambang Yudhoyono từng hứa phanh phui đến nơi đến chốn khi đắc cử tổng thống. Hơn nữa, cậu ấm Tommy thoạt đầu bị xử 15 năm tù, nhưng tháng 6/2005 lại được tuyên giảm còn 10 năm. Và những nhân vật khác, đặc biệt Tutut, gần như cũng chẳng bị công tố viên chạm đến – một kiểu đánh trống bỏ dùi quen thuộc trong các vụ án tham nhũng châu Á!
Một tội ác của mặt trái quyền lực
Có nhiều kiểu tham nhũng. Cách của cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrada là một trường hợp “ăn” tinh vi. Tháng 3/2006, Estrada ra tòa, với qui kết đút túi khoảng 77-80 triệu USD tiền hối lộ từ công nghiệp cờ bạc phi pháp, gian lận thuế và “ăn hoa hồng” (cất trong tài khoản dưới tên trương mục “Jose Velarde”). Kẻ cáo buộc Estrada không ai khác hơn là bạn thân Luis Singson – Thống đốc địa phận Ilocos Sur thuộc Luzon. Singson khai rằng, trong hơn 22 tháng (từ tháng 11/1998), ông đã chi cho Estrada tổng cộng 11,7 triệu USD (2,8 triệu USD tiền thuế của vùng Ilocos Sur và gần 8,9 triệu USD tiền từ kinh doanh trò bài bạc jueteng (tất cả tính ở tỉ giá 46,5 peso/USD). Ngày 27/1/2001, Hải quan Philippines từng tịch thu số tiền mặt trị giá 11 triệu USD tình nghi do Joseph Estrada tính tuồn ra nước ngoài.
Năm 2004, bà Tutut Suharto thậm chí còn định tranh cử tổng thống
Số tiền khổng lồ nằm trong hơn 20 túi niêm phong nặng tổng cộng gần 300kg đã được sắp xếp lên đường sang Hongkong với điểm dừng là Ngân hàng Mỹ (Bank of America). Tổ chức Những người tình nguyện chống tội phạm và tham nhũng Philippines (VCC) cho rằng, đó chính là số tiền mà Estrada tính mang ra nước ngoài trước khi trốn lưu vong. VCC cho biết thêm, một chuyến hàng lên đường ngày 26/1/2001 đã mang theo lượng tiền lớn chưa xác định và ba chuyến hàng khác cũng đã khởi hành vào tuần trước đó. Báo chí Philippines cho biết, Estrada cùng thân nhân đã có cổ phần trong 68 công ty mà 11 trong số đó được thành lập từ khi Estrada lên ghế tổng thống ngày 30/6/1998 đến khi bị lật đổ ngày 20/1/2001. Tuy nhiên, tương tự trường hợp Suharto, vụ xử Estrada chỉ mang tính hình thức. Năm 2007, đương sự bị xử tội tham ô nhưng rồi sau đó được Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo ân xá. Đương sự thậm chí còn ra tranh cử tổng thống năm 2010 (thất bại trước thượng nghị sĩ Benigno Aquino)!
Không riêng gì nước nghèo. Nước giàu cũng nhan nhản tham nhũng, đơn giản bởi tham nhũng là tội ác của mặt trái quyền lực chính trị. Đầu tháng 2/2004, Kim Hong-up – con trai cựu Tổng thống Kim Dae-jung – bị xử 10 tháng tù tội nhận 300 triệu won hối lộ vào năm 1998 để giúp một công ty khai thác than giành được hợp đồng nhà nước. Kim Hong-up bị cáo buộc dùng ảnh hưởng chính trị của bố để gây sức ép cho các đối tác kinh doanh và nhận hối lộ. Tiến trình điều tra bắt đầu sau khi Kim Hong-up bị bắt vào ngày 21/6/2002 với tội danh nhận hối lộ ít nhất 2,28 tỉ won (1,9 triệu USD). Theo điều tra của Văn phòng công tố tối cao (SPPO), Kim Hong-up từng nhận 750 triệu won từ (cựu) Phó chủ tịch Lee Jae-kwan của Tập đoàn Saehan Group để giúp nhân vật này tránh rơi vào lưới điều tra của Văn phòng công tố Seoul với tội danh làm sai lệch tài khoản công ty. Tờ Korea Herald cho biết thêm Kim Hong-up đã yêu cầu Kim Sung-hwan – một trong những người bạn của mình – đến gặp một viên chức công tố cấp cao xin không bắt Lee Jae-kwan. Sự việc ngày càng nghiêm trọng, khi ngay cả nhóm chống tham nhũng của Văn phòng tổng thống cũng bị điều tra vì người ta nghi rằng lực lượng này từng cố tình cản trở quá trình điều tra vị Chủ tịch Tập đoàn nhà ở quốc gia Hàn Quốc, theo lệnh của Kim Hong-up!
Không chỉ Kim Hong-up, cậu út Kim Hong-gul của Kim Dae-jung cũng không trong sạch. Tháng 6/2002, Kim Hong-gul chính thức bị kết tội, với tội danh nhận hối lộ từ một công ty cá cược thể thao và nhiều công ty xây dựng. Tổng cộng, Kim Hong-gul “nuốt” 2,35 tỉ won (khoảng 2 triệu USD) bằng tiền mặt, chi phiếu và cổ phần (trong Công ty cá cược thể thao Tiger Pools International-TPI). Như anh mình, Kim Hong-gul cũng “giao dịch” thông qua một trung gian mà người này là Choi Kyu-sun, một trong những gương mặt “mốc” trong chính trường Hàn Quốc, nổi tiếng là chuyên gia móc ngoặc tham nhũng. Cái tên Choi Kyu-sun hồi trung tuần tháng 5/2002 đã làm chấn động dư luận Hàn Quốc khi báo chí phanh phui rằng ông nắm rõ những vụ ăn chơi của cậu út Kim Hong-gul; và theo bài viết của phóng viên Korea Herald Shin Yong-bae thì Cơ quan Cảnh sát quốc gia lẫn Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc từng thảo luận kế hoạch giúp Choi Kyu-sun trốn ra nước ngoài để ông không thể khai những vụ ăn chơi đổ nợ đổ nần của Kim Hong-gul, cùng các vụ tham nhũng dính dáng toàn gương mặt tai to mặt bự!
Tư duy và ảnh hưởng từ văn hóa
Nhật cũng từng chấn động với các vụ án tham nhũng. Nhà bình luận Takashi Koyo (báo Japan Times) cho rằng, một trong những yếu tố chính cho “xu hướng” tham nhũng ở Nhật là sự suy thoái xã hội và đạo đức. Giới trẻ mặc sức thụ hưởng và thế hệ mới sinh ra thời hậu chiến đã không chút ý thức về giai đoạn trầm luân thống khổ mà cha ông họ trải qua vào giữa thế kỷ XX. Đó là nguy hiểm tiềm tàng của một sự thờ ơ truyền thống và giá trị văn hóa. Tuy nhiên, bản thân một số tư duy mang tính văn hóa truyền thống có lẽ cũng cần được xem lại. Vụ ông chồng Asif Ali Zardari của Bhutto, ông chồng Jose Miguel của Gloria Macapagal Arroyo, đám con ông Suharto, các con ông Kim Dae-jung…, không phải tất cả đều là sự thể hiện rõ của tư duy quen thuộc “một người làm quan, cả họ được nhờ” đó sao? Cái lối khiếp sợ “thiên tử” nói riêng và quan lại công đường nói chung cũng trong một thời gian dài, tạo ra một xã hội phi dân chủ, trong đó nghiễm nhiên tồn tại thói quen hối lộ. Nền văn hóa làng xã cũng có mặt trái khi người ta có khuynh hướng cục bộ cộng đồng đầy tính bè phái (không ít làng mạc chỉ gả cưới người trong cùng làng). Chính cái tư duy bè phái đã trở thành nền tảng cho thể chế “chính trị gia đình” và “chính trị băng nhóm” trong suốt chiều dài lịch sử của “văn hóa tham nhũng” châu Á. Nền kinh tế bất an do thiên tai và bởi chính trị bất ổn cũng tạo ra tâm lý mua quan bán tước phổ biến. Tham nhũng, do đó cứ thế mà thiên biến vạn hóa theo thời cuộc. Bao lâu nữa châu Á mới hết tham nhũng? Còn tùy. Chỉ khi có “minh quân” (cỡ Lý Quang Diệu) và một cơ chế dân chủ trong sạch cũng như một nền chính trị lành mạnh minh bạch thì mới có thể diệt được đám quan sâu mọt vô liêm sĩ làm ô nhục bộ mặt quốc gia và lương tri dân tộc!
(Xem tiếp kỳ sau)
Lư trung
Theo petrotimes.vn
1 comment:
Nice blog here! Also your web site loads up fast! What web host
are you using? Can I get your affiliate link to your host?
I wish my site loaded up as quickly as yours lol
Also visit my blog post ... discipline quotes
Post a Comment