99% những người tham gia vào thị trường tài chính tôn thờ triết lí của Gordon Gekko: “Tham là tốt”, 1% còn lại thì nghĩ rằng “Tham là quá tốt”. Không phải là nói vui. Thị trường nào cũng có sự đào thải, kẻ ra – người vào và ở thị trường tài chính, 100% những người còn tồn tại đến thời điểm này đều thấm thía vế còn lại mà Gekko chỉ dặn ở hậu trường của phim: “Tham và hy vọng là hai lí do duy nhất dẫn đến mọi thất bại. Đừng bao giờ trộn cả hai trong một deal”.
Ở Việt nam có một deal lớn – tính về tầm cỡ ảnh hưởng và quy mô có lẽ đến cả tỷ USD. Nếu có đọc xong, xin miễn bàn về vấn đề cổ phiếu lên hay xuống, sai hay đúng. “Chuyện gì xảy ra ở Núi Pháo, hãy để nó ngủ yên tại Núi Pháo”.

Núi Pháo

Năm 1996, có một nhóm những kẻ khai khoáng người Canada lần mò tới Việt nam với mục đích tìm thiếc. Sau khi chụp ảnh, thăm một vài nơi tại Thái Nguyên, họ mang tài liệu về tham vấn một trong những guru hàng đầu thế giới. Gã này tóm lại một câu: ở đây thì không có thiếc nhưng lại là phần địa chất mở rộng giống Trung Quốc và do đó, khả năng cao là có vonfram.

Phía Bắc Việt Nam là giao lộ của 3 mảng kiến tạo (Caleđoni, Variscan, và Đới uốn nếp của Indonesia), khiến nơi đây rất giàu địa chất

Cho những bạn chưa biết vonfram là gì? Vonfram nếu kết hợp với cacbua sẽ trở thành chất liệu cứng thứ 2 sau kim cương, dùng phổ biến trong ngành khoan dầu mỏ, dây tóc bóng đèn, công cụ máy, … Đây là hợp kim không có vật liệu thay thế. Trung Quốc hiện nắm tới 70% trữ lượng vonfram toàn thế giới và cung cấp 85% sản lượng vonfram toàn cầu. Đó là lí do, bất cứ một mỏ vonfram lớn nào nằm ngoài Trung Quốc đều có ý nghĩa vô cùng lớn.

Quay trở lại với nhóm nghiên cứu địa chất Canada, sau khi được ông thánh trong nghề phán, họ nhanh chóng thành lập một công ty có tên Tiberon, niêm yết ngay công ty này năm 1996 tại Canada và xúc tiến thủ tục xin phép thăm dò tại Thái Nguyên. Năm 1997, một số hoạt động thăm dò đã được tiến hành và có kết quả vô cùng tốt. Tốt đến mức, hiệp hội nghề đã bị chửi là thế éo nào một mỏ lớn như vậy cách Hà nội có 80km lại để bọn nước ngoài xa lắc xa lơ phát hiện ra. Tiberon đã không thể xin phép được giấy chứng nhận đầu tư cho tới cuối 2004 nhân chuyến thăm Canada của đoàn chính Phủ Việt nam muốn tặng món quà cho nước bạn. Liên doanh ra đời với tên gọi Nuiphaovica, trong đó Tiberon dành 15% cổ phần được định giá dựa trên "thương quyền" cho một công ty địa phương có tên Batimex và 15% cổ phần cho một công ty có tên Intracop có mối quan hệ thân thuộc với một đại gia $ tầm cỡ ở Hà nội.

Mỏ Núi pháo là một trong những mỏ hiếm hoi ở Việt nam được thăm dò theo phương pháp khoa học. Tiberon đã bỏ vào đây gần 10 triệu usd để ra một báo cáo được các ngân hàng lớn thế giới chấp nhận. Theo tiến trình khảo sát và pháp lí, cổ phiếu của Tiberon có những bước nhảy kinh hoàng trên thị trường chứng khoán. Chỉ bỏ ra 10 triệu usd trong giai đoạn 2000 – 2004, nhưng đến 2006, giá trị vốn hóa của Tiberon đã đạt gần 200 triệu usd. Quyết định BÁN có lẽ là quyết định dễ dàng nhất trong cuộc đời họ!

Dragon Capital

Ở Việt nam thì không ai lạ gì Dragon Capital, nhưng thực sự ít người biết về 2 partners của họ là Dominic và John Shrimpton. Trong khi Dominic là kiểu người khoái việc đánh bóng hình ảnh thì John lại là một gã luật sư tham lam. John là người điều hành duy nhất quỹ liên quan tới khoáng sản.

Từ năm 2004 đến 2006, Dragon Capital đã theo sát diễn biến cổ phiếu của Tiberon tại thị trường chứng khoán Canada và cóp nhặt được khoảng 12% cổ phần của Tiberon. Khi biết Tiberon được đem ra bán, John đặc biệt thích thú và tham gia đấu thầu. Dragon đã bỏ giá khoảng $3,5/ cổ phiếu, thấp hơn Hunan Non-Ferrous Metals của Trung Quốc bỏ $3,7/ cổ phiếu. Tuy nhiên, Dragon Capital đã thắng nhờ phán quyết của Ủy ban Chống độc quyền của Canada. Ủy ban này cho rằng mỏ Núi Pháo sẽ tốt hơn nếu nó do một công ty không phải của Trung Quốc quản lí, nhằm tránh khả năng nguồn cung vonfram thế giới bị thao túng hoàn toàn. Cổ đông cũ của Tiberon bỏ túi $225 triệu usd và hình như có tặng lại Dragon Capital một lời khuyên chân thành “Hãy cẩn thận vì Núi Pháo quá lớn!”.

Tháng 7/2007, Dragon thành lập quỹ đầu tư khoáng sản với mức vốn 250 triệu USD – Vietnam Resource Investment (VRI) và chuyển Tiberon từ niêm yết ở Canada về Singapore. Quỹ này nắm giữ 36% của Tiberon, đồng thời là tài sản chính của quỹ. 64% còn lại được nẵm giữ bởi các quỹ trong nước của DC.

Tham và hy vọng

Các tài liệu địa chất cho biết Núi Pháo là một kho đa kim khổng lồ. Khi đưa vào hoạt động, mỏ này sẽ cung cấp 15% lượng cung vonfram toàn cầu, 20% bitmut (thay chì trong mỹ phẩm và sơn ) toàn cầu (và sẽ trở thành nhà cung cấp riêng lẻ lớn nhất thế giới), và 7% florit toàn cầu. Doanh thu hàng năm của mỏ này có thể lên tới nửa tỉ usd.

Núi Pháo là mỏ lộ thiên, được khai thác theo kiểu lòng chảo

Mọi chuyện vô cùng thuận lợi khi mỏ này được các ngân hàng lớn trên thế giới thăm và thẩm định tích cực. Đối với sản phẩm đầu ra, Tiberon đã ký offtake agreement bao tiêu toàn bộ: Osram (thuộc Siemens) bao tiêu toàn bộ vonfram, Sidech (Bỉ) bao tiêu toàn bộ bitmut, Commercial Metals (Mỹ) bao tiêu toàn bộ florit. Nhờ đó Fortis Bank, và Hypo-und-Vereinsbank (Singapore) đã đồng ý cam kết tài trợ một khoản syndicate loan trị giá 319 triệu usd cho hoạt động khai thác. Trong giai đoạn này, có một nhân vật có tên đậm chất Ấn độ - Madhur Maini đang làm tại Deutchbank Singapore cũng tham gia việc thẩm định.

Quay trở lại Dragon Capital, sau khi mua được Tiberon, John loay hoay xoay ru-bich với cái mỏ này. John phát hiện ra rằng ở Quảng Ninh có một nhà máy chế biến vonfram của Trung Quốc mà chỉ cần đầu tư thêm khoảng $40 triệu usd thì sẽ làm tăng giá trị mỏ lên gấp đôi (khoảng 4 tỷ usd) do tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm đầu ra. Nghĩ như một luật sư, John đã tìm cách phá bỏ các hợp đồng bao tiêu đã ký với Osram. Kết quả là Dragon Capital bị Osram đưa ra kiện với mục bồi thường lên tới 2 tỷ usd. Đến lúc này, Dominic mới thực sự tá hỏa và kết quả là việc gây quỹ chứng khoán của Dragon không hoàn toàn thành công. Số phận mỉm cười với luật sư John vì thắng kiện nhưng lại không mỉm cười với Dragon Capital.

Sau khi phá bỏ hợp đồng bao tiêu, các thỏa thuận tài trợ vốn cũng bị các ngân hàng hủy ngang do lo ngại mỏ không còn tính khả thi. John phải chạy lòng vòng qua các tập đoàn Nhật bản nhưng đều nhận được cái lắc đầu do sản lượng của mỏ quá lớn. Đến lúc này, John bị buộc phải quay sang các ngân hàng Việt nam và Techcombank là một trong những địa chỉ đầu tiên. Đến đây, các bạn tự ghép nối với phần sau của câu chuyện và đã hiểu không phải tự nhiên mà Masan kéo Madhur Maini về làm CEO và tại sao John lại bị buộc phải rời Dragon Capital và về ở ẩn tại một hòn đảo ở New Zealand (sau khi cầm về khoảng 100 triệu usd).

Vài lời thay cho kết thúc

Concept của ngành khoáng sản là chia sẻ rủi ro ngược với cách mà Dragon Capital đã thực hiện. Masan đã và đang làm rất tốt việc này sau khi thâu tóm Núi Pháo, giống như bộ sậu Tiberon cũ. Còn với tư cách là một người Việt nam, tôi không tin sẽ có những mẻ quặng được bốc lên và bán trong vòng ba năm tới. Nếu tiếp tục làm về tài chính, tôi sẽ dõi theo thương vụ này.