Trong một nhà hàng gần sứ quán Nhật hôm Chủ Nhật, ngày 23/9, các thực khách địa phương đang xếp hàng để được thưởng thức các món buffet cuối tuần có món tempura, sashimi, sushi và các món ăn nổi tiếng khác của Nhật. Vừa bước vào cửa là có thể thấy ngay hai lá cờ Trung Quốc đập vào mắt.
Bức tranh minh họa cuộc chiến của quân Mông Cổ mà kết quả là quân Mông Cổ đã bị thua vì 'thần phong' của Nhật.
Nhân viên nhà hàng cho biết công việc kinh doanh đã trở lại bình thường, và nói thêm rằng họ có thể trở lại sớm hơn nếu như các đoạn cuối phố không bị phong tỏa bởi các rào chắn kiểu quân đội và cảnh sát đứng canh vụ bạo lực.Các cuộc biểu tình chống Nhật đã nổ ra tại một số thành phố Trung Quốc hồi tháng Chín. Tuy đã được dẹp yên nhưng cảm xúc và những lời đả kích trong suốt thời gian nổ ra biểu tình đã nhắc người ta nhớ rằng chủ nghĩa dân tộc chống Nhật vẫn là một lực lượng cực kỳ mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Chu Ân Lai có lần từng mô tả quan hệ giữa hai quốc gia là "2000 năm hữu hảo và năm thập kỷ bất hạnh". Vế sau ám chỉ khoảng thời gian bắt đầu cuộc chiến Trung - Nhật năm 1894-1895 và kéo dài cho tới khi Nhật chấm dứt chiếm đóng tại Trung Quốc vào cuối Thế chiến II.
Đặc biệt, lịch sử Nhật Bản xâm lược Trung Quốc vẫn là một ký ức nhức nhối và bi thương cho nhiều người Trung Quốc, bao gồm cả những người chưa được sinh ra vào thời đó. Những vết thương từ thời kỳ đó vẫn chưa lành sẹo trên các phương tiện truyền thông, các vở kịch truyền hình và phim ảnh, cũng như trang sách giáo khoa về "lịch sử yêu nước" được dạy trong các trường học ở đại lục.
2000 năm hữu hảo mà ông Chu nói chính là khoảng lịch sử giao thoa văn hóa lâu đời. Các nhà sử học chưa bao giờ thôi liệt kê ra các đóng góp của Trung Quốc đối với sự phát triển của chính trị, văn học, tôn giáo và văn hóa của Nhật Bản. Phật Giáo cho thấy một dòng chảy cho sự trao đổi về tư tưởng tri thức, triết học và mỹ học giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Thậm chí trong những năm tháng ảm đạm sau khi triều Thanh thua Nhật bẽ bàng vào năm 1895 - cuộc chiến mà Trung Quốc phải nhượng lại cả Đài Loan và một chuỗi các đảo đá hiện đang tranh chấp, hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đã sang Nhật để Đông du. Trong số đó, có Tưởng Giới Thạch, nhà văn Lỗ Tấn, và hiệp nữ Thu Cẩn. Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) đã sang Nhật nhiều lần, tổ chức các sinh viên Trung Quốc hải ngoại và chiêu mộ họ cho tổ chức cách mạng của mình.
Tại Nhật, các sinh viên Trung Quốc học về tây y, khoa học và khoa học xã hội, và cùng với đó, họ tiếp thu nhiều kiến thức mới để mô tả thế giới hiện đại. Đúng vậy. Các dịch giả Nhật Bản đã sử dụng thuật ngữ Phật giáo Trung Hoa sekai (tiếng Trung là shijie) - một sự kết hợp giữa các chữ cái chỉ một đặc trưng về thời gian và không gian được dùng để mô tả "thế hệ", và dùng nó để mô tả "thế giới" để thay thế cho cụm từ Hán cổ tianxia (có nghĩa là "thiên hạ").
Hồi tháng Tám, một giám đốc chương trình của Đài Truyền hình CCTV1, là Xu Wenguang đã nhắc cho những người theo dõi blog của ông một cơ số đáng kinh ngạc những từ tiếng Trung được du nhập từ Nhật Bản, đặc biệt là trong khoa học xã hội. Những người phiên dịch tiếng Nhật hồi thế kỷ 19 và 20 phải đối mặt với thách thức gian nan từ những khái niệm như 'xã hội', 'triết học', và 'kinh tế', họ thường vay mượn các cụm từ tiếng Hán cổ rồi 'nhúng' vào đó một nghĩa mới để tạo nên thứ mà nhà Hán học Victor Mair gọi là 'các từ khứ hồi'.
Nhiều thế kỷ sau khi văn hóa Nhật Bản được dung nạp vào ngôn từ của Trung Quốc như là một thành phần chính của hệ thống chữ viết của riêng họ, các sinh viên Trung Quốc có thể trở về từ Nhật Bản với một từ vựng mới trong vốn học uyên thâm của mình.
Và trong khoảng thời gian 2000 năm mà ông Chu nói tới cũng không hoàn toàn là hữu hảo.
Vào thế kỷ thứ bảy, nhà Đường của Trung Quốc và Tân La đã đánh với quân Nhật trong Trận Bạch Tôn Giang. Cuộc chiến hai ngày kéo dài trên sống Geum trên bán đảo Triều Tiên đã tạo ra rất nhiều dấu ấn có thể cho thấy rõ các đặc điểm của xung đột trong tương lai.
Bắt đầu là một cuộc chiến 'thế thân', quân nhà Đường và quân Nhật đều đứng sau lưng các lực lượng đối địch đang ganh đua quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên. Đây là một trong những cuộc chiến mà Trung Quốc và Nhật Bản đấu với nhau mà trong đó, bán đảo Triều Tiên đóng vai trò là một đích đến.
Vào thế kỷ thứ 13, các cánh quân của Hốt Tất Liệt - người sáng lập nên nhà Nguyên - đã thực hiện hai cuộc đột kích vào 'các quần đảo' của Nhật. Bị quân Mông Cổ áp đảo một cách vô vọng, quân Nhật cố thủ và cầu nguyện. May thay, đúng như sở cầu, tất cả những lần đó quân Mông Cổ đều bị thiệt hại nặng nề từ những trận 'thần phong' (kamikaze) nổi lên bất ngờ, đánh chìm các chiến đoàn thiện chiến của Mông Cổ.
Trong những năm về sau dưới triều Minh, quân đội của Toyotomi Hideyoshi đã tiến hành các cuộc tấn công liên tục vào Triều Tiên, đây là một phần trong kế hoạch 'hoành tráng' hơn rất nhiều nhằm chinh phục cả Trung Quốc đại lục. Những người ở Triều Tiên đã cầu viện triều Minh bảo vệ.
Kết quả là một cuộc chiến thảm khốc khi các loại súng cầm tay và đại bác thời kỳ đầu được đưa vào sử dụng. Thương vong không kể xiết và thiệt hại nặng nề cho các bên - nhưng tổn thất đặc biệt hơn với triều Minh khi họ đã bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái. Hideyoshi mất vào năm 1598, chấm dứt sự khao khát của đế chế Nhật đối với Trung Quốc đại lục vào thời điểm đó.
Năm 1894, một lần nữa Trung Quốc và Nhật Bản lại hậu thuẫn cho các thế lực đối địch nhau ở Triều Tiên. Và cũng một lần nữa, Trung Quốc - lần này dưới triều nhà Thanh - phải đóng vai trò là quốc gia triều cống. Hai mươi sáu năm sau cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã tiến hành một chương trình sôi sục để hiện đại hóa công nghiệp và quân đội của mình. Họ khao khát được xếp vào hàng ngũ của các nước đế quốc phương Tây.
Chiến thắng của quân Nhật giáng một đòn nặng nề vào thể diện của nhà Thanh và các quan lại đã nhọc lòng suốt hàng thập kỷ để hiện đại hóa quân đội Trung Hoa và các cơ sở công nghiệp. Thực tế đó cũng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lòng tin trong giới tinh hoa Trung Quốc chủ trương cải cách. Dường như chưa bao giờ Trung Quốc lại rơi vào hiểm họa bị các đế quốc trên thế giới 'chia phần' và 'xẻ thịt' như vậy.
Trên một đoạn trao đổi trên mạng vào cuối tháng Chín vừa qua, hai trong số các biên tập viên của tờ Economist đã bình luận về những điểm tương đồng giữa châu Á thế kỷ 21 và châu Âu thế kỷ 19. Chắc chắn là có nhiều sự tương đồng, nhưng những gì đang xảy ra lúc này giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng có thể được coi là chương cuối trong một sự kình địch kéo dài hàng thế kỷ giữa hai cường quốc ưu việt tại Đông Bắc Á.
Trong lịch sử đầy xung đột và cạnh tranh khốc liệt đó dường như đã khơi gợi ra một chiều hướng đầy bão tố phía trước cho quan hệ Trung - Nhật, nhưng cũng đừng quên một lịch sử hợp tác và trao đổi văn hóa sâu sắc tương tự thế giữa hai nước. Điều đó có thể mang lại hy vọng rằng Trung Quốc và Nhật Bản có thể tìm được cách nào đó để giảng hòa những nỗi bất mãn và cùng nhau làm việc để duy trì một nền hòa bình thịnh vượng trong khu vực - thậm chí ngay cả khi các tiêu đề trên mặt báo không như vậy.
Lê Thu (theo Economist)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã gởi nhận xét. Chúng tôi sẽ không đăng những nhận xét không có dấu và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chúc một ngày thành công!