Trang

Wednesday, October 31, 2012

THƯỜNG VỤ BỘ CHÍNH TRỊ của CỘNG ĐẢNG TRUNG QUỐC

Hai ngày sau tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ, Ðại hội khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc tại Bắc Kinh. Một tuần sau thì thế giới sẽ được biết là những ai sẽ lãnh đạo đảng để rồi vào tháng 3 năm tới thì sẽ lãnh đạo nhà nước, rồi quân đội.

Tiếp theo loạt bài đã trình bày trong tháng tư và tháng 5 về quyền lực bên trong Cộng đảng Trung Quốc, kỳ này “Hồ Sơ Người-Việt” sẽ chú ý đến cơ chế quyền lực cao nhất. Ðó là “Thường Vụ Bộ Chính Trị,” gọi tắt là Thường Vụ.

Dân Chủ tập trungDân số Trung Quốc là hơn một tỷ 300 triệu người, dưới sự cai trị độc quyền của một đảng là Trung Hoa Cộng Sản Ðảng. Ðây là một chính đảng lớn nhất thế giới với hơn 80 triệu đảng viên.

Theo thông lệ thì 5 năm một lần, các đảng viên dưới cơ sở đề cử hơn hai ngàn đại biểu đi tham dự đại hội toàn đảng và các đại biểu sẽ bầu hơn 300 người vào Ban Chấp Hành Trung Ương, cơ chế có nhiều quyền lực nhất giữa hai đại hội đảng. Ban Chấp Hành Trung Ương đó mới bầu một số người vào Bộ Chính Trị, hiện gồm có 25 ủy viên đã được đề cử từ Ðại hội 17 vào năm 2007. Các ủy viên Bộ Chính Trị mới chọn ra trong số này một số người còn ít hơn nữa để vào Thường Vụ với sự đồng ý của Ban Chấp Hành Trung. Thường Vụ hiện có 9 người, được xem là có nhiều quyền nhất nước và nhất đảng.


Nếu cứ theo nguyên tắc lý thuyết thì một tỷ 300 triệu dân được thành phần tiên tiến nhất lãnh đạo là đảng Cộng sản. Ðảng là đại diện cho các lực lượng tiên tiến nhất, của nền văn hóa kỹ thuật tiên tiến và cũng là đại biểu của quyền lợi đại đa số. Từ đấy, 80 triệu đảng viên mới bầu ra hai ngàn đại biểu rồi các đại biểu cử ra 300 ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương rồi mấy chục người trong Bộ Chính Trị và chục người trong Thường Vụ. Trên cùng là tổng bí thư sẽ kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch nhà nước và chủ tịch quân đội là Trung Ương Quân Ủy Hội.

Nguyên tắc lý thuyết ấy là lý tưởng của nền “dân chủ tập trung,” như một cái tháp được xây từ dưới lên. Vì lẽ đó, đảng thường nói rằng nền dân chủ tập trung ấy còn dân chủ gấp triệu lần nền dân chủ của giai cấp tư sản tại các nước khác. Sự thật lại không hẳn như vậy mà ngược lại: cái đỉnh tháp mới quyết định về cái đáy.

Bộ Chính Trị và các ủy viên Thường Vụ mới là những người quyết định cho cấp dưới phê chuẩn, rồi mới chọn tiếp là ai sẽ làm gì trong bộ máy của đảng và của nhà nước, như Quốc Vụ Viện là hội đồng chính phủ do một thủ tướng cầm đầu dưới tên gọi là tổng lý, như Quốc Hội cùng một cơ chế tư vấn là Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị, v.v....

Nếu nhìn ngược về quá khứ thì hiện tượng tập trung quyền lực ấy có lúc còn tập trung hơn nữa và Thường Vụ BCT lại rất ít quyền trước một lãnh tụ duy nhất.

Thăng trầm của Thường Vụ

Từ ngày lập đảng đến sau này, vai trò và thế lực của Thường Vụ có nhiều lúc thăng trầm lên xuống. Dưới thời Mao Trạch Ðông và cả Ðặng Tiểu Bình (cho đến khi ông về hưu sau 1992), Thường Vụ bị một hai lãnh tụ lấn lướt nên có ít thực quyền. Mọi việc quan trọng thường do Mao rồi Ðặng quyết định. Nhưng chính là tình trạng độc đoán ấy mới gây ra chuyện tranh đoạt quyền bính mà họ Ðặng từng là nạn nhân. Vì vậy, ông tìm cách cải sửa dần để một tập thể sẽ quyết định qua giải pháp đồng thuận. Sau khi ông rút lui và chỉ giữ vị trí Thái thượng hoàng cho đến ngày tạ thế thì Thường Vụ là tập thể đó.

Nhưng thế nào là tập thể và nguyên tắc đồng thuận là gì?

Vì khủng hoảng chính trị trong 10 năm hỗn loạn của Cách Mạng Văn Hóa, từ 1966 đến khi Mao tạ thế năm 1976, và do những bất ổn nối tiếp khi Ðặng Tiểu Bình phải huy động hậu thuẫn cho quyền lực và kế hoạch cải cách của mình, ông đã muốn bảo vệ sự ổn định bên trong đảng.

Ðảng phải quy tụ được nhiều phe nhóm và quyền lợi khác biệt vào cơ chế trên cùng và trong tiến trình quyết định thì phải dung hòa được quan điểm của các đảng viên cấp lãnh đạo qua sự đồng ý của tập thể. Tinh thần tập thể và đồng thuận ấy mới tăng cường vai trò của Thường Vụ, không gây rạn nứt trong đảng khiến cả chế độ chính trị bị đe dọa. Nhờ vậy mà hai chục năm qua, Cộng đảng đã vượt qua nhiều sóng gió chính trị nếu so sánh với những gì đã xảy ra trước đó.

Ðấy là phần tích cực của Thường Vụ.


Nhưng năm nay và trước Ðại hội 18, tình hình đã lại có những xáo trộn lớn khác hẳn Ðại hội 16 vào năm 2002 là khi thế hệ Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ nhường bước lãnh đạo cho thế hệ Hồ Cẩm Ðào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo. Biến động Trùng Khánh vào đầu năm khiến Bạc Hy Lai mất quyền mất chức đã tạo ra cơ hội vận động và tranh đoạt cho nhiều phe nhóm trong đảng, trên doanh trường, với sự can thiệp ngầm của các lãnh tụ đã về hưu như Giang Trạch Dân. Các nhóm này muốn cài người thân tín của họ từ Bộ Chính trị vào Thường Vụ.
Vì vậy, nhu cầu đồng thuận giữa các phe nhóm dẫn đến một kết quả bất thường và bất lợi.

Ðó là một số ủy viên Bộ Chính Trị có thành tích chuyên môn của cá nhân hơn là nhờ quan hệ với các phe nhóm có thế lực lại bị gạt ra ngoài. Ðiều ấy giải thích vì sao đã có tin đồn từ hải ngoại, rằng hai ủy viên nhiều triển vọng lại không nằm trong danh sách những người vào Thường Vụ. Ðó là Bí thư Uông Dương của tỉnh Quảng Ðông, một nhân vật chủ trương giải tỏa kiểm soát kinh tế lẫn chính trị cho thông thoáng hơn và nổi tiếng là đứng ra nhận lỗi về vụ Ô Khảm năm ngoái. Người kia là Lý Nguyên Triều, trưởng ban Tổ Chức Trung Ương, tốt nghiệp cử nhân toán rồi tiến sĩ kinh tế, từng là bí thư Giang Tô và thành phố Nam Kinh. Nghĩa là chuyện đồng thuận đã gặp trở ngại và đấu tranh phe phái lại gây thêm bất ổn trong việc tuyển người vào Thường Vụ. Về các phe cùng phái, xin quý độc giả xem lại “Hồ Sơ Người-Việt” hồi đầu tháng 5 (“Những Phe Phái Trong Cộng Ðảng Trung Quốc,” ngày 3 tháng 5, 2012).

Thường Vụ bị át tiếng

Khác hẳn hoàn cảnh 20 năm hay 10 năm trước, Trung Quốc ngày nay còn gặp một vấn đề mới.

Ba chục năm sau khi Ðặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế (kể từ 1979), với một số kết quả tăng trưởng khả quan, Trung Quốc đã đụng vào giới hạn và phải cải cách thêm về chính trị. Thượng tầng lãnh đạo ở trên, trong Thường Vụ, cũng đã biết điều ấy và nói đến nhu cầu chuyển hướng, với hàm ý là phải cải tổ cả chính trị. Nhưng khác với trước đây, không chỉ có chín người bên trong mới đắn đo cân nhắc và kín đáo bàn bạc với nhau trong tinh thần đồng thuận.

Vấn đề mới là quần chúng ngoài đảng, giới trí thức và thậm chí các đảng viên cao cấp cũng tham gia bàn bạc qua những phương tiện truyền thông hiện đại. Quan điểm của họ tác động vào cuộc tranh luận trong Thường Vụ nên thay vì lãnh đạo thuyết phục quần chúng thì từng phe phái lại dùng chính lý luận của quần chúng ở ngoài luồng để tranh luận với nhau.

Yêu cầu cải cách chính trị được lãnh đạo đề ra đã được một số thành phần dân chúng và đảng viên ủng hộ, nhưng cũng vì vậy mà lại gặp trở lực từ các nhóm bảo thủ trong Thường Vụ. Việc cải cách chính trị bị đình hoãn, tiếng nói thống nhất của Thường Vụ bị át và cơ chế này lại là nơi xảy ra mâu thuẫn. Giữa tình huống đấu tranh phe phái hiện nay, xu hướng bảo thủ về chính trị (cưỡng chống cải cách và phát huy sức mạnh quốc gia dân tộc theo kiểu cực hữu) lại có vẻ thắng thế trong việc hình thành Thường Vụ mới.

Khi ấy, chính Thường Vụ mới trở thành cản lực chống lại những biện pháp cải cách dứt khoát và cần thiết về chính trị.

Ðã vậy, như “Hồ Sơ Người-Việt” đã trình bày, tuổi tác có thể là một tiêu chuẩn được phe này hay phe kia áp dụng để gạt người của bên kia ra ngoài. Từ thời Ðặng Tiểu Bình thì các đảng viên cấp lãnh đạo phải về hưu ở tuổi 70. Sau đó, tuổi hưu được đưa xuống 69, rồi 68. Trong lần đấu tranh kỳ này, một số người đã nói đến tuổi 67, nghĩa là các ủy viên Bộ Chính Trị sinh vào quãng 1945 sẽ khó được vào Thường Vụ và nếu có thì cũng chỉ được một nhiệm kỳ năm năm là cùng, đến Ðại hội 19 vào năm 2017 là phải rút lui.

Lưu Yến Ðông, phụ nữ duy nhất trong vùng quyền lực này có thể đã bị loại vì tiêu chuẩn đó. Bà sinh năm 1945, vào Bộ Chính Trị năm 2007, là ủy viên Quốc Vụ Viện (siêu bộ trưởng), thuộc Ðoàn phái (Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản), gần với Hồ Cẩm Ðào.

Nhưng sự tình vẫn chưa dứt khoát khi một nhân vật cùng tuổi lại tràn trề hy vọng là Dư Chính Thanh, bí thư Thượng Hải, thuộc “Thái tử đảng,” có quan hệ khắng khít với Tập Cận Bình (Thái tử đảng) và Giang Trạch Dân (Thượng Hải). Nhược điểm của Dư là có người anh, cán bộ an ninh cao cấp đã đào thoát qua Mỹ năm 1985 và giúp tình báo Hoa Kỳ bắt được một điệp viên Trung Quốc cài rất sâu từ 40 năm trước vào xã hội Mỹ!

Phải chăng vì những lý do tranh giành ấy mà lại có thêm tin đồn, rằng sau Ðại hội, Thường Vụ sẽ chỉ còn bảy người?

Sau đây là vài chi tiết về hai nhân vật đứng đầu, được hai lãnh tụ là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào đỡ đầu ở phía sau và sẽ ở trong Thường Vụ mới.

Tập Cận Bình: năm nay 59 tuổi, đang là phó chủ tịch Nhà nước và phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Sau Ðại hội, sẽ là tổng bí thư đảng, qua tháng ba, sau khóa họp của Quốc Hội thì sẽ làm chủ tịch Nhà nước, phải hai ba năm tới thì mới thay thế Hồ Cẩm Ðào làm chủ tịch Quân Ủy và thực sự trở thành nhân vật số một của chế độ.

Là con một đại công thần (nên được coi là trong phe “Thái tử đảng”), Tập Cận Bình tốt nghiệp Ðại Học Thanh Hoa, gia nhập đảng năm 1974, được Giang Trạch Dân cất nhắc từ lâu, đã chứng tỏ khả năng khi lần lượt phục vụ tại Hà Bắc, Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải. Vì những nơi này toàn là địa phương vùng duyên hải nên được quốc tế đánh giá là “đổi mới” - mà có thể sai. Sức mạnh của Tập là có quan hệ khắng khít với nhiều phe phái, kể cả các tướng lãnh. Nhược điểm là sức khỏe, tim yếu và thân hình quá phì mập. Có lẽ cũng vì vậy mà đã vắng mặt để dưỡng bệnh trong hai tuần đầu của tháng 9 nên đã gây nhiều đồn đoán.

Lý Khắc Cường: Năm nay 57 tuổi, hiện đang là phó thủ tướng và hy vọng lên thủ tướng vào tháng 3 năm tới. Sinh tại An Huy, gia nhập đảng năm 1976, tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa và cao học kinh tế, Lý là đoàn viên Ðoàn Thanh Niên, thân cận với lãnh tụ Ðoàn phái là Hồ Cẩm Ðào và đã phục vụ tại các tỉnh An Huy, Hà Nam và Liêu Ninh trước khi về trung ương. Có thể biết nhiều về kinh tế nhưng trọng lượng chính trị lại giới hạn vào quan hệ với Hồ Cẩm Ðào và phải dung hòa quan điểm với các thế lực khác. Vì thuộc Ðoàn phái, từng làm việc trong các tỉnh nghèo chứ không trù phú bằng vùng duyên hải, Lý Khắc Cường cũng chủ trương là phải tăng cường vai trò của trung ương để tái phân phối phương tiện cho các tỉnh bên trong và thu hẹp bất công xã hội giữa các thành phần. Nếu Tập Cận Bình là “con gà” của Giang Trạch Dân thì Lý Khắc Cường là người sẽ theo đuổi mục tiêu chưa thành của Hồ Cẩm Ðào là gấp rút cải cách trước khi đảng bị khủng hoảng.

Bảy người kia sẽ về hưu và để lại bảy chỗ trống. Nếu số ủy viên Thường Vụ lại giảm xuống bảy người thì chỉ còn năm ghế trống, tức là có hai người bị loại. Sự kiện là đến tuần cuối mà còn có nhiều tin đồn như vậy cho thấy bí mật vẫn bao phủ thế giới quyền lực Bắc Kinh cho đến khi Ðại hội 18 kết thúc.

Kết luận ở đây là gì?

Dường như cho đến lúc cuối lãnh đạo Cộng đảng Trung Quốc vẫn chưa có sự đồng thuận về Thường Vụ Bộ Chính Trị. Sau Ðại hội 18, Thường Vụ khó làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo việc cải cách và chuyển hướng cần thiết vì vẫn phải duy trì cái thế quân bình và tương nhượng khá bất ổn giữa các phe phái.

Thường Vụ mới có thể gồm những ai? Chúng ta chỉ có thể nêu tên bảy người có nhiều hy vọng nhất để cùng Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vào Thường Vụ mới. Ðó là Trương Ðức Giang, Vương Kỳ Sơn, Trương Cao Lợi, Lưu Vân Sơn, Dư Chính Thanh, Lý Nguyên Triều và Uông Dương.Hai người sau cùng thật ra còn trẻ (62 và 57 tuổi) và nếu có bị gạt ra ngoài như nhiều nguồn tin đã loan báo thì hẳn là vì lý do chính trị hơn là vì tuổi tác.
Theo Hùng Tâm / Người Việt

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét. Chúng tôi sẽ không đăng những nhận xét không có dấu và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chúc một ngày thành công!