Kiểu dụ nước ngoài vào đấu thầu chín lô dầu
khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến quan hệ quốc tế có
nguy cơ quay lại thời kỳ trung cổ. May mà nhiều nước trên thế giới vẫn
cần tới một hải lộ an toàn và bình yên. Họ chính là những đồng minh tự
nhiên và lâu dài của Việt Nam.
Tàu
thăm dò dầu khí của CNOOC rời cảng Thanh Đảo, phía đông tỉnh Sơn Đông,
Trung Quốc. Tổ chức nghiên cứu thông tin tình báo toàn cầu Stratfor vạch
rõ Bắc Kinh đang sử dụng CNOOC làm lá bài để vừa thực thi các tuyên bố
về chủ quyền, vừa vơ vét nguồn năng lượng ở Biển Đông. Ảnh: Getty Images
|
Từ ngày 9 – 13.7 này, tại Phnom Penh diễn ra nhiều hội
nghị quan trọng của ASEAN. Dư luận chú ý tới ba hội nghị ngoại trưởng
của Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Đối tác ASEAN – Mỹ.
Vấn đề thời sự nóng hổi lâu nay, tuy đang thảo luận, đã bộc lộ nhiều dấu
hiệu cho thấy các nước thành viên ASEAN đang cố gắng vượt qua trở ngại
để tìm kiếm một quan điểm thống nhất, đó là làm thế nào để giải quyết
hoà bình các tranh chấp tại Biển Đông.
Các nước đều muốn Biển Đông bình yên.
Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko trong buổi tiếp phó
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu tháng này, đã ủng hộ lập trường của
Việt Nam về bảo đảm hoà bình, ổn định và tự do, an toàn hàng hải ở Biển
Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật
pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật Biển năm 1982 của Liên hiệp
quốc.
Trong ngày 6.7, đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae đã
tuyên bố rằng, Ấn Độ tự xem mình là một thành tố không thể tách rời
tiến trình phát triển khu vực này. Ấn Độ đã công khai tái khẳng định vị
trí thiết yếu của Biển Đông trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho
New Delhi, và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hoà bình,
trên cơ sở luật pháp quốc tế. Lời nhắc nhở của Ấn Độ về nhu cầu tôn
trọng luật quốc tế được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang chống lại
việc giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật quốc tế.
Ngày 7.7, theo AFP một viên chức Chính phủ Mỹ vừa tuyên
bố tại Bắc Kinh, Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giảm căng
thẳng ở Biển Đông tại Diễn đàn khu vực ASEAN sắp tới tại Campuchia.
Tuyên bố với báo giới, viên chức này cho rằng, có một nguy cơ rất lớn,
gây tổn hại cho sự tin cậy giữa các nước mà trên đó sự thịnh vượng đã
được xây dựng tại châu Á. Viên chức Chính phủ Mỹ cũng ghi nhận là các
vấn đề về Biển Đông rất phức tạp, bởi vì những tranh chấp này khơi dậy
tinh thần dân tộc mạnh mẽ ở các quốc gia có liên hệ.
Trong một phát biểu mới đây nhất, Tổng thống
Philippines Benigno Aquino công khai yêu cầu Trung Quốc hãy thành thật
hơn sau khi Trung Quốc cáo buộc Philippines là bên đã gây nên mọi căng
thẳng ở Biển Đông. Tổng thống Aquino nói không úp mở: “Tôi không rõ Bắc
Kinh quy kết “các tuyên bố gây hấn” do chúng tôi đưa ra là gì, nhưng tôi
biết chắc phía Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố gây hấn này nhiều
lần hơn. Trung Quốc nên đối trọng lại những gì họ nói bằng sự chân
thật”. Theo một đánh giá gần đây, chính sách của Trung Quốc trên Biển
Đông đang buộc Philippines nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự,
chuyển hướng quân đội từ mục tiêu chống phiến quân sang tự vệ, chống
ngoại xâm.
Tổ chức Dự báo chiến lược Stratfor (Mỹ) vừa cảnh báo
các công ty quốc tế cần dè chừng với các dự án mời thầu của Trung Quốc.
Stratfor vạch rõ Bắc Kinh sử dụng CNOOC làm lá bài để vừa thực thi các
tuyên bố về chủ quyền, vừa vơ vét nguồn năng lượng ở Biển Đông. Nhìn bề
ngoài, việc mời thầu của Trung Quốc có vẻ như một lời đề nghị hoà hoãn,
nhưng thật ra lại kèm theo một cái giá. Cái giá đó là ngầm thừa nhận chủ
quyền của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế nước khác.
Lần này, khi ngoại trưởng Clinton đi thăm một loạt nước
châu Á, cùng với chuyến thăm của ông Panetta tháng trước, Washington
muốn tái khẳng định sự quan tâm của nước Mỹ đến khu vực không chỉ trên
lời nói, nhất là trước yêu cầu tái cân bằng quyền lực. Quan hệ đối tác
Mỹ – ASEAN vì vậy, đòi hỏi những động lực mới.
Thái độ lấn lướt của Trung Quốc đối với các nước láng
giềng phải chăng là một trong những động lực mới đó. Các nhà nghiên cứu
Trung Quốc, trong một hội thảo mới đây, cũng đã thấy có “sự quá đà”
trong một bộ phận hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.
Nhiều lời kêu gọi phải giúp đỡ các nước nhỏ đã được
gióng lên. Nhật và Úc đề nghị được hỗ trợ Philippines tăng cường khả
năng tuần tra, giám sát trên biển.
Bà Catharin Dalpino, một chuyên gia tại trung tâm
Nghiên cứu quốc tế của đại học Johns Hopkins, nói: “Không phải chỉ gia
tăng cách tiếp cận, mà phải tìm ra giao điểm của các quyền lợi để giúp
cho các quan hệ liên minh tiến triển trong thế kỷ này”. Theo bà, cách
thức Mỹ xem xét vai trò của mình ở châu Á sẽ khác với trước kia. “Sẽ
không phải là một điều gì chúng ta đã thấy trong thời Chiến tranh lạnh,
mà là một điều gì mới mẻ, nhỏ hơn, nhậm lẹ hơn, có tính cách bền vững về
mặt chính trị cho các đối tác và đồng minh của chúng ta”, bà Dalpino
kết luận.
Trần Hiếu Chân
Theo SGTT
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã gởi nhận xét. Chúng tôi sẽ không đăng những nhận xét không có dấu và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chúc một ngày thành công!