Trang

Monday, June 25, 2012

Ụ nổi hoen gỉ ở Cam Ranh vẫn bán được giá 'hời' 15,5 triệu USD

QUANLAMBAO - Hãy xem vợ chông Nguyễn Thanh Phượng làm trò ảo thuật cùng Vinashin!
Sau gần một năm bỏ phế, ụ nổi Venture Dock 2 vẫn được công ty con Vinashin mua lại đắt hơn 4 triệu USD so với giá ban đầu, điều kiện kèm theo là bên bán chịu mọi trách nhiệm pháp lý.
Đầu năm 2012, sau khi thấy ụ nổi Venture Dock 2 nằm mãi trên vịnh Cam Ranh mà không làm thủ tục hải quan, Hải quan Khánh Hòa đã mời chủ hàng là Công ty CP Vận tải biển và bất động sản Việt Hải (mã chứng khoán VSP) đến làm việc.
Sau nhiều lần gửi giấy mời, đại diện của VSP đã có mặt và cho biết, công ty con của VSP là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải Nam Việt đã mua ụ nổi này từ Công ty Long Sơn với giá 15,5 triệu đôla Mỹ vào ngày 21/4/2009, hơn 8 tháng sau khi ụ này cập cảng. Theo hợp đồng, Công ty Long Sơn chịu mọi trách nhiệm pháp lý đối với ụ nổi Venture Dock 2. Trong khi đó, Long Sơn chỉ mua ụ nổi này với giá 11,5 triệu USD (hơn 230 tỷ đồng).
 
Ụ nổi Venture Dock 2 neo đậu tại bãi trước đảo Bình Lập tại vịnh Cam Ranh. Ảnh: Mỹ Giang.
Công ty Nam Việt được Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 19/3/2009. Sau đó chính Công ty này đã trình tỉnh Khánh Hòa dự án đầu tư sửa chữa tàu biển trên ụ nổi Venture Dock 2 tại Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh và lập phương án xin tỉnh Khánh Hòa cho phép hợp tác khai thác ụ nổi Venture Dock 2 với Công ty Vinashin Cam Ranh. Tuy nhiên UBND tỉnh Khánh Hòa không đồng ý vì lý do ô nhiễm môi trường.
Đây là trường hợp ụ nổi thứ hai tại Việt Nam được phát hiện mua về mà không thể sử dụng. Theo kết luận Thanh tra Chính phủ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - người "anh em" của Vinashin cũng từng đầu tư một ụ nổi với tổng chi phí hơn 26 triệu đôla và đang để hoen gỉ tại cảng Gò Dầu - Đồng Nai. Cũng vì hạng mục đầu tư này, mà nguyên chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng đã bị khởi tố.

Ngày 18/6, Hải quan Khánh Hòa cho biết, Công ty Long Sơn vẫn chưa nộp đầy đủ hồ sơ để làm thủ tục hải quan cho ụ nổi Venture Dock 2. Công ty này liên tục thay đổi địa chỉ, hiện nay cơ quan hải quan cũng không rõ địa chỉ mới chuyển đến của Công ty Long Sơn và việc liên lạc với công ty này hết sức khó khăn vì phải nhờ “nhắn” đến giám đốc Công ty qua một đơn vị khác.
Trong báo cáo tài chính quý I của VSP, công ty này lỗ lũy kế 492 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 380,8 tỷ đồng. Đầu tháng 6, VSP đã bị hủy niêm yết tại sàn Hà Nội do kinh doanh thua lỗ 3 năm liền.
Công ty này đang thực hiện các dự án như Khu đô thị Golf Mê Linh (Vĩnh Phúc), đóng tàu hàng rời trọng tải lớn, Tổng kho Đình Vũ (Hải Phòng), cụm công nghiệp tàu thủy Long An. Mới đây, ngày 12/6, lãnh đạo VPS đã làm việc mới UBND tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án Nhà máy Điện Gió Việt Hải, công suất 49,5 MW tại 3 xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc), xã Phương Hải, Tân Hải (huyện Ninh Hải).
Theo DVO

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét. Chúng tôi sẽ không đăng những nhận xét không có dấu và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chúc một ngày thành công!