Trong tư thế ưỡn ngực, giang tay, phanh áo bành nổi tiếng của Lenin, Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Jacob Zuma phanh cả quần, bày ra bên dưới nguyên bộ của quý lủng lẳng trên bức chân dung “The Spear” (Ngọn giáo)[i] của họa sĩ Brett Murray, một tác phẩm trong triển lãm Hail the Thief do Goodman Gallery tại Johannesburg tổ chức. Nếu được nghệ thuật để mắt như vậy, mà lại là nghệ thuật đúng phong cách của trường phái tranh cổ động sô-viết rất quen thuộc với người Việt, chắc Cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, người suốt hai nhiệm kì ở chức vụ cao nhất của Đảng không được dư luận chú ý bằng vụ tái giá gần đây với một phụ nữ sinh sau cả một phần tư thế kỉ, chỉ phẫn nộ trong trường hợp ngọn giáo của mình bị thể hiện kém kích cỡ so với thực tế. Ông Zuma không rơi vào hoàn cảnh đó, bộ dương vật và phụ kiện của ông trong bức tranh không thể gọi là khiêm tốn. Có thể quy mô đó là bắt buộc để duy trì chế độ đa thê mà ông công khai đại diện. Ông có sáu người vợ, trong đó một người đã li hôn và một người đã tự sát, hiện còn 4 người. Vài năm trước, ông bị kiện vì tội hiếp dâm. Được xử trắng án, ông cho biết sau vụ thuận tình giao cấu chứ không phải hiếp dâm đó ông đã tắm rất kĩ, vì biết người phụ nữ kia nhiễm HIV dương tính. Từ đó ông được họa sĩ Zapiro biến thành bất tử trong hình ảnh đầu cắm vòi hoa sen, đang cởi quần chuẩn bị cưỡng hiếp nàng Tư pháp, còn nàng thì bị các tổ chức xã hội, trong đó có Đảng ANC mà ông là chủ tịch, dằn ngửa ra đất. Cách mạng đã trải xong thảm đỏ cho quyền lực và dục vọng. Cho đạo tặc, chủ đề triển lãm của Brett Murray.
Đảng cầm quyền ANC của ông Zuma đã kiện phòng tranh ra tòa. Dưới áp lực của hàng ngàn người biểu tình phản đối và bị hai khán giả bôi hỏng, bức “Ngọn giáo” mà một người Đức đã mua với giá 13.000 Dollar bị gỡ. Một sự cố văn hóa khiến những người đã quá được chiều chuộng bởi sự tự do ở phương Tây chỉ có thể lắc đầu. Đây là hình ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel được tưng bừng trình diễn trước hàng trăm ngàn khán giả trong lễ hội hóa trang truyền thống hàng năm ở Köln:
Văn chương nghệ thuật không cứu rỗi thế giới. Lịch sử biết quá đủ những kẻ diệt chủng yêu và chơi nhạc cổ điển, những nhà độc tài thích làm và ngâm thơ, những tay chủ báo mị dân mê vẽ tranh và soạn kịch, những nhà lí luận đáng tởm say tụng ca nghệ thuật khiến nó phải đâm đầu vào ngõ cụt vì xấu hổ và những đám đông u mê nghiện hôn hít nghệ thuật khiến nó phải chui vào quan tài để tự bảo vệ. Văn chương nghệ thuật không sinh ra để làm thế giới này tốt lên hay đồi bại đi. Nó chỉ là một trong những cách tiếp cận thế giới. Thỉnh thoảng nó thành công trong việc thách thức những cách tiếp cận khác.
Tất nhiên ông Zuma không vì bức chân dung nói trên mà từ bỏ chế độ đa thê. Có khi nó còn khiến ông tự quảng cáo tốt hơn để lấy thêm người vợ thứ bảy. Nhưng Cộng hòa Nam Phi, đất nước mà tôi hoàn toàn xa lạ, bỗng trở nên thân thiện hơn nhiều, vì có một phòng tranh đã trưng bàymột triển lãm như thế, dù cuối cùng bức tranh phải gỡ bỏ. Sắp tới tôi sẽ đi Nam Phi.
Phạm Thị Hoài Blog
chị phạm thị hoài thật xuất sắc và công bằng khi tìm được những bằng chứng về tự do lý thú ở các phương trời khác nhau, để so sánh với thực tế của dân tộc việt thế kỷ 21. Sự trào phúng không nói lên được điều gì nếu nó không quá giống với sự thật. bức tranh chả là gì nếu người ta không vội vàng sợ hãi gỡ nó xuống! tự do chả là gì nếu như nó không phải là sự thật! thank chị.
ReplyDeleteĐàn bà kết hôn sau khi chồng chết được gọi là "tái giá". Đàn ông lấy vợ khác sau khi vợ chết được gọi là "tục huyền". Đề nghị tác giả xem lại có đúng thế không để dùng từ cho chính xác.
ReplyDelete