Lại một khóa họp Quốc hội sắp bế mạc. Một chức năng cơ bản của Quốc hội là làm luật và kiểm tra việc thi hành luật.
Quốc hội Việt Nam một năm họp 2 lần, xuân thu nhị kỳ, thưa thớt, hiếm hoi, đứt đoạn. Việc làm luật rất tùy tiện, tuy có kế hoạch từng năm, kế hoạch 5 năm, nhưng thật ra là cực kỳ bảo thủ, đối phó. Nét nổi bật là họ vừa làm luật lại vừa trốn luật. Họ trốn luật như trốn nợ. Nợ với dân với nước.Họ cũng có Ủy ban pháp luật của Quốc hội hẳn hoi, có Ban Thường trực Quốc hội,cuộc họp nào cũng bàn về pháp luật, nhưng chính việc làm luật và thi hành luật lại kém cỏi, luộm thuộm nhất.
Việc xem xét, chuẩn bị bổ sung, sửa đổi Hiến pháp là luật cơ bản nhất, được đề cập từ 2 khóa trước, nay vẫn nham nhở dở dang. Cuộc họp Trung ương 5/Khóa XI khẳng định sẽ không thay đổi quyền sở hữu toàn dân về ruộng đất – một đặc sản Việt Nam thời Cộng sản, không tồn tại bao giờ và ở đâu khác- và khẳng định sẽ không thực hiện tam quyền phân lập như hầu hết các nước khác, thì bổ sung sửa đổi cái gì? Việc bổ sung sửa đổi sẽ vô duyên, vô tích sự, không có nội dung.
Còn những đạo luật đưa ra thảo luận và thông qua trong khóa này là những đạo luật gì vậy? Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật về phòng chống rửa tiền, Luật giám định tư pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật giáo dục đại học, Luật lao động (sửa đổi), Luật công đoàn (sửa đổi),
Luật về tài nguyên nước (sửa đổi), Luật chống tác hại của thuốc lá, Luật quảng cáo, Luật biển…Tất cả đều có ý nghĩa quan trọng, nhưng đều không phải là những đạo luật cần thiết cấp bách nhất. Chưa nói đến các dự thảo đều kém về chất lượng, đều lạc hậu so với các nước quanh ta, chưa nói đến so với chuẩn mực thế giới hiện đại.
Luật về tài nguyên nước (sửa đổi), Luật chống tác hại của thuốc lá, Luật quảng cáo, Luật biển…Tất cả đều có ý nghĩa quan trọng, nhưng đều không phải là những đạo luật cần thiết cấp bách nhất. Chưa nói đến các dự thảo đều kém về chất lượng, đều lạc hậu so với các nước quanh ta, chưa nói đến so với chuẩn mực thế giới hiện đại.
Vậy cuộc sống đang đòi hỏi khẩn trương, cấp bách những đạo Luật nào?
Trước hết là Luật về đất đai. Luật đất đai hiện hành đã được đổi mới, bổ sung đến 5 lần, hiện càng trở nên bất cập. Cần ra hẳn một luật mới, trả lại quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất cho các hộ nông dân như trước Cải cách ruộng đất và trước Hợp tác hóa nông nghiệp. Thật là vô lý khi đảng CS đã buộc trả lại cho nhà buôn, thợ thủ công, nhà kinh doanh công nghiệp, dịch vụ quyền sở hữu tư nhân về nhà máy, cơ xưởng, kho hàng… mà vẫn không chịu trả lại cho nông dân quyền sở hữu tư nhân về đồng ruộng mà cho ông họ từng bỏ công khai phá, là phương tiện sinh sống cơ bản. Sao lại có sự bất công dai dẳng như vậy? Chờ đến bao giờ? Có nơi đâu, có những khái niệm lạ đời: sở hữu toàn dân, thu hồi, đền bù, cưỡng chế?
Hàng vạn vụ kiện về ruộng đất đang xảy ra không ai giải quyết nổi. Bị dồn đến thế cùng, nông dân xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, đã chiếm trụ sở chính quyền xã, nấu cơm chung, đòi quyền tự quyết về ruộng đất. Đây là một lời cảnh cáo nghiêm khắc cho một chính quyền ù lỳ, tham nhũng, vô trách nhiệm.
Luật tự do báo chí vẫn treo lơ lửng đến bao giờ? Ai cũng biết luật cũ đã không còn có sức sống. Luật mới được hứa hẹn rồi cứ lần lữa hoài. Bao nhiêu nhà báo tư nhân, nhà báo mạng – blogger đã bị bắt giữ, tù đầy không xét xử. Còn có thể trì hoãn, lần lữa, dây dưa đến bao giờ? Nỗi nhục quốc gia lớn nhất là bị xếp vào hàng thứ 172 của 198 nước về quyền tự do báo chí, gần 500 đại biểu Quốc hội không cảm thấy xấu hổ hay sao? Rất nên nêu bảng số « 172/198 về tự do báo chí» ngay trên cổng của Quốc hội, ngay giữa quảng trường Ba Đình, dưới khẩu hiệu «Không có gì quý hơn Độc lập Tự do», ở ngay trên cổng của Bộ Thông tin Truyền thông- Văn hóa và Du lịch, để cùng nhau quyết chí phấn đấu cải thiện cái thứ vị không lấy gì làm vẻ vang ấy. Tự do báo chí luôn được coi là tự do đầu vị của mọi thứ tự do trong một nền dân chủ đích thực.
Và còn Luật về biểu tình nữa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên từ cuộc họp Quốc hội đầu năm 2011, nay vẫn không thấy động đậy, còn chờ đến bao giờ? Hay các đại biểu Quốc hội đã nghe theo ông nghị dỏm Hoàng Hữu Phước khi dám liều lĩnh nói rằng dân ta dân trí còn thấp, chưa nên cho dân quyền biểu tình. Ai dân trí thấp? Ông nghị Phước? Các đại biểu Quốc hội? Phần lớn các quốc gia dân chủ trên thế giới đang công nhận quyền biểu tình của công dân đều dân trí thấp hay sao? Trì hoãn việc làm Luật biểu tình, Quốc hội cố tình làm cho quyền được biểu tình ghi trong Hiến pháp chỉ là mấy chữ chết, vô hồn, một kiểu ăn gian đối với xã hội của mình.
So với Luật về quảng cáo, Luật về tác hại của thuốc lá, Luật về xử lý vi phạm hành chính…là những đạo luật hiện đang được thông qua, với Luật về biểu tình, Luật về tự do báo chí, Luật về quyền sở hữu đất đai thì những luật nào là quan trọng, cần kíp, cấp bách hơn cả? Rõ ràng Bộ Chính trị và nhóm lãnh đạo Quốc hội chỉ đưa ra thảo luận những đạo luật thứ yếu, trong khi cố tình trì hoãn, tránh né những đạo luật cần kíp cấp bách nhất. Họ luôn đi ngược lại đòi hỏi của đông đảo quần chúng, nhất là đông đảo nông dân nước ta. Họ có trách nhiệm làm luật, lại chuyên tránh né, trì hoãn, lẩn trốn việc làm những đạo luật quan trọng nhất, khẩn cấp nhất. Họ đang tự từ nhiệm trên thực tế.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Theo Bùi Tín’s blog
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói "Quốc hội nào thì chính phủ ấy..." vì vậy tất tả đều là một giuộc, đến 80% đại biểu Quốc hội là quan chức, đảng viên mà quyền lợi của họ và gia đình gắn chặt với chế độ, ai cũng mong muốn vinh thân phì gia, thì hỏi làm sao mà có đổi mới. Quốc hội đa số đều là những kẻ cơ hội và "nghị gật" còn những đại biểu có tâm, có tầm thì quá ít không thể thay đổi được gì.
ReplyDelete